Hệ thống quản lý học tập Moodle

Một phần của tài liệu Ứng dụng phần mềm moodle dạy và học trực tuyến môn mạng máy tính tại trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên (Trang 41 - 46)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

1.3. Tổng quan về hệ thống quản lý học tập

1.3.3. Hệ thống quản lý học tập Moodle

Moodle là viết tắt của Modular Object – Oriented Dynamic Learning Environment (tạm dịch là Phát triển môi trường học Mô – đun hướng đối tượng). Là một phần mềm nền cho một hệ thống quản lý khóa học (LMS). Moodle được sáng lập năm 1999 bởi Martin Dougiamas, một nhà giáo và nhà khoa học máy tính ở Úc. Do không hài lòng với hệ thống LMS thương mại WebCT trong trường học Curtin của Úc, Martin đã quyết tâm xây dựng một hệ thống LMS mã nguồn mở hướng tới giáo dục và người dùng hơn.

Moodle được thiết kế với mục đích tạo ra những khóa học trực tuyến với sự tương tác cao. Tính mã nguồn mở cùng độ linh hoạt cao giúp người phát triển có khả năng thêm vào các mô đun cần thiết một cách dễ dàng.

Hiện nay có một số hệ thống quản lý học tập được sử dụng nhiều như Blackboard & WebCT, Sakai, Dokeos, Moodle, LRN, ILIAS, Atutor,… trong đó Sakai, LRN, ILIAS, Atutor, Dokeos và Moodle là phần mềm mã nguồn mở, còn WebCT và Blackboard là phần mềm thương mại. Trong đề tài nghiên cứu này chúng tôi lựa chọn Moodle cho việc xây dựng chương trình e-learning.

Lý do tôi chọn Moodle vì đây là phần mềm mã nguồn mở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản về chức năng của một hệ thống LMS điển hình. Hơn nữa, Moodle không chỉ có những đặc tính của một hệ thống LMS thương mại mà còn có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Có thể xem một số so sánh giữa Moodle với các hệ thống thương mại (Bảng 1.3).

Bảng 1.5. So sánh các tính năng của Moodle với một số hệ thống thương mại khác

Tính năng Blackboard Web CT Moodle

Upload và chia sẻ tài liệu CÓ CÓ CÓ

Tạo nội dung trực tuyến trong HTML CÓ/KHÔNG CÓ CÓ

Thảo luận trực tuyến (forum) CÓ CÓ CÓ

Sắp xếp thảo luận/sự tham gia KHÔNG CÓ CÓ

Chat CÓ CÓ CÓ

Tổng quan SV KHÔNG KHÔNG CÓ

Bài thi/Khảo sát trực tuyến CÓ CÓ CÓ

Số điểm trực tuyến CÓ CÓ CÓ

Nộp những tài liệu của SV CÓ CÓ CÓ

Hành động tự đánh giá của bài nộp KHÔNG KHÔNG CÓ

Làm việc theo nhóm CÓ CÓ CÓ

Bài học phân nhánh CÓ CÓ CÓ

Nhật ký SV KHÔNG KHÔNG CÓ

Nhúng từ khoá vào bảng chú giải KHÔNG KHÔNG CÓ

Như vậy có thể thấy ngoài những đặc tính như của các hệ thống quản lý thương mại, Moodle có thêm một số đặc tính đồng thời có ưu thế là mã nguồn mở.

Chúng ta không phải bỏ chi phí để sử dụng phần mềm Moodle. Moolde là phần mềm mã nguồn mở được đánh giá cao nhất, có số người sử dụng nhiều nhất cũng như có một cộng đồng hỗ trợ rộng lớn nhất. Điều đó thể hiện qua số lượng website sử dụng Moodle. Năm 2006 Moodle chiếm 54% thị phần, cao nhất trong các hệ thống quản lý học tập Moodle, Blackboard + WebCT và Sakai. (Hình 1.4) [32].

Hình 1.4. Biểu đồ thể hiện % số website sử dụng Moodle năm 2006

Tính đến tháng 1 năm 2008, Moodle là phần mềm được sử dụng rộng rãi với 38,896 trang web đã đăng ký và 16,927,590 người dùng trong 1,713,438 khóa học.

Và đến tháng 6 năm 2008 có 44,808 trang web đã đăng kí (nguồn http://moodle.org/stats/). Moodle được sử dụng tại 199 quốc gia và đã được dịch ra hơn 75 ngôn ngữ khác nhau. Moodle có một cộng đồng rất lớn, rất tích cực, sẵn sàng giúp các thành viên giải quyết khó khăn và thường xuyên đóng góp ý kiến và tài chính để nâng cao chất lượng phần mềm. Moodle được xây dựng bởi cả một cộng đồng những người sử dụng, vì vậy sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm và có được nhiều tính năng vượt trội. Nếu cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp về cài đặt, hosting, tư vấn sử dụng Moodle, phát triển thêm các tính năng mới, và tích hợp Moodle với các hệ thống đã có chúng ta có thể chọn cho mình một trong các công ty Moodle Partners (khoảng 30 công ty).

Moodle phát triển dựa trên PHP (Ngôn ngữ được dùng bởi các công ty Web lớn như Yahoo, Flickr, Baidu, Digg, CNET) có thể mở rộng từ một lớp học nhỏ đến các trường đại học lớn trên 50.000 SV.

Cộng đồng Moodle Việt Nam được thành lập tháng 3 năm 2005 với mục đích xây dựng phiên bản tiếng Việt và hỗ trợ các trường triển khai Moodle. Từ đó đến nay, nhiều trường đại học, tổ chức và cá nhân ở Việt Nam đã dùng Moodle. Có thể nói Moodle là một trong các LMS thông dụng nhất tại Việt Nam. Cộng đồng Moodle Việt Nam giúp giải quyết các khó khăn về cài đặt, cách dùng các tính năng, cũng như cách chỉnh sửa và phát triển. Cộng đồng Moodle Việt Nam được xây dựng bằng chính Moodle.

Moodle là một LMS mã nguồn mở, được đánh giá rất cao. Moodle nổi bật là hướng tới giáo dục, dành cho những người làm trong lĩnh vực giáo dục.

Moodle cung cấp các gói công cụ để bất cứ ai quan tâm e-learning đều có thể phát triển một website đào tạo trực tuyến hỗ trợ cho công tác giảng dạy.

Moodle dễ dùng với giao diện trực quan, GV chỉ mất một thời gian ngắn để làm quen và có thể sử dụng thành thạo. GV có thể tự cài và nâng cấp Moodle.

Do thiết kế dựa trên module nên Moodle cho phép chỉnh sửa giao diện bằng cách dùng các theme có trước hoặc tạo thêm một theme mới cho riêng mình.

Tài liệu hỗ trợ của Moodle rất đồ sộ và chi tiết, khác hẳn với nhiều dự án mã nguồn mở khác.

Moodle phù hợp với nhiều cấp học và hình thức đào tạo: phổ thông, đại học/cao đẳng, không chính quy, trong các tổ chức/công ty.

Vì các lý do nêu trên, chúng tôi đã chọn Moodle cho việc thiết kế chương trình e-learning của mình.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Hiện nay việc ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục – đào tạo đã được các cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và nhiều trường phổ thông triển khai. Tuy nhiên, việc sử dụng các phần mềm quản lý học tập để xây dựng chương trình e-learning dùng kết hợp với phương thức truyền thống tại trường CĐCN PY trong dạy học chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa được triển khai ở nhiêu môn học. Trên nền tảng cơ sở lý luận đã nghiên cứu, tôi tiến hành xây dựng chương trình e-learning môn MMT ở trường CĐCN PY bằng phần mềm Moodle. Quá trình xây dựng được trình bày cụ thể ở chương 2.

Một phần của tài liệu Ứng dụng phần mềm moodle dạy và học trực tuyến môn mạng máy tính tại trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)