CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.3. Những vấn đề liên quan đến báo cáo bộ phận
Báo cáo bộ phận theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 14 ra đời năm 1981, được sửa đổi năm 1997 và 2003. Đến năm 2006 Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã ban hành Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 8 thay thế cho IAS 14 và chính thức áp dụng từ 1/1/2009.
Nội dung chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 8:
- Phạm vi áp dụng IFRS 8: BCTC riêng hay BCTC của một công ty và BCTC hợp nhất của tập đoàn mà công ty mẹ, có các công cụ nợ hoặc công cụ vốn được trao đổi trên thị trường chứng khoán nội địa hoặc nước ngoài hoặc thị trường OTC tại địa phương hoặc trong khu vực. Đã nộp hồ sơ hoặc đang trong quá trình chuẩn bị đăng ký với trung tâm chứng khoán hoặc các cơ quan, tổ chức pháp quy cho mục đích phát hành bất cứ loại công cụ tài chính ra công chúng (theo IFRS 8).
- Bộ phận cần báo cáo là bộ phận đáp ứng được các điều kiện sau: Đáp ứng được các điều kiện của bộ phận hoạt động hoặc các điều kiện để tổng hợp của 2 hay nhiều bộ phận hoạt động. Điều kiện để kết hợp các bộ phận hoạt động là các bộ phận có các đặc điểm về kinh tế tương tự gần giống nhau ở các điểm: Sản phẩm và dịch vụ, quy trình sản xuất, các nhóm khách hàng hướng tới, phương pháp phân phối sản phẩm, môi trường pháp lý và quy định.
Doanh thu báo cáo bao gồm cả doanh thu bán cho khách hàng bên ngoài và doanh thu cung cấp cho các bộ phận bên trong, thấp nhất là 10% của tổng doanh thu bán ra ngoài và nội bộ của tất cả các bộ phận hoạt động.
Giá trị tuyệt đối của lãi / lỗ bộ phận báo cáo phải thấp nhất là 10% giá trị tuyệt đối của giá trị nào lớn hơn trong hai giá trị: Tổng lãi của tất cả các bộ phận hoạt động
không phát sinh lỗ và tổng lỗ của tất cả các bộ phận hoạt động có phát sinh lỗ. Tài sản riêng của bộ phận phải đạt ít nhất 10% tổng tài sản của tất cả các bộ phận hoạt động.
Các bộ phận hoạt động không đáp ứng bất cứ các điều kiện nào trên đây vẫn có thể cân nhắc việc báo cáo như là một bộ phận riêng rẽ nếu ban quản trị tin rằng những thông tin về bộ phận này sẽ hữu ích cho người sử dụng BCTC.
Nếu tổng doanh thu cung cấp cho bên ngoài của các bộ phận được báo cáo chỉ đạt thấp hơn 75% doanh thu của công ty thì phải xác định thêm các bộ phận báo cáo ngay cả khi nó không đủ điều kiện là một bộ phận báo cáo cho đến khi ít nhất 75% doanh thu công ty được thể hiện trong BCBP (theo IFRS 8).
2.3.2. Đối với chuẩn mực kế toán Việt Nam:
Ngày 15 tháng 2 năm 2005, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 12/2005/QĐ- BTC bao gồm sáu chuẩn mực kế toán Việt Nam (ban hành trong đợt bốn), trong đó có chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 28 “Báo cáo bộ phận”. Chuẩn mực này dựa trên chuẩn mực IAS 14 của quốc tế và được áp dụng cho đến nay. Vì thế, chưa có chuẩn mực nào thay thế hay sửa đổi bổ sung cho chuẩn mực VAS 28.
Nội dung chuẩn mực VAS 28:
- Phạm vi áp dụng và các bộ phận cần báo cáo: Chuẩn mực VAS 28 áp dụng cho doanh nghiệp có chứng khoán trao đổi công khai và doanh nghiệp đang phát hành chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Chuẩn mực khuyến khích các doanh nghiệp không phát hành hoặc không có chứng khoán trao đổi công khai áp dụng chuẩn mực này. Nếu báo cáo tài chính bao gồm báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn có chứng khoán được trao đổi công khai và báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và của một hoặc nhiều công ty con, thông tin theo bộ phận cần phải trình bày trong báo cáo tài chính hợp nhất. Nếu công ty con có chứng khoán trao đổi công khai, thì công ty con đó sẽ trình bày thông tin bộ phận trong báo cáo tài chính riêng của mình (theo VAS 28).
- Bộ phận cần báo cáo: VAS 28 không yêu cầu báo cáo riêng rẽ tất cả các bộ phận của doanh nghiệp, mà một lĩnh vực kinh doanh hay khu vực địa lý cần được xác định
là một bộ phận phải báo cáo khi phần lớn doanh thu phát sinh từ bán hàng ra ngoài, đồng thời thoả mãn một trong các điều kiện trong chuẩn mực yêu cầu sau:
Tổng doanh thu của bộ phận từ việc bán hàng ra ngoài và từ giao dịch với các bộ phận khác phải chiếm từ 10% trở lên trên tổng doanh thu của tất cả bộ phận.
Kết quả kinh doanh của bộ phận này bất kể lãi (hay lỗ) chiếm từ 10% trở lên trên tổng lãi (hay lỗ) của tất cả các bộ phận có lãi (hoặc trên tổng lỗ của tất cả các bộ phận lỗ) nếu đại lượng nào có giá trị tuyệt đối lớn hơn.
Tài sản của bộ phận chiếm từ 10% trở lên trên tổng tài sản của tất cả các bộ phận.
Trong trường hợp tổng doanh thu bán hàng ra ngoài của doanh nghiệp được phân bổ cho các bộ phận có thể được báo cáo thấp hơn 75% tổng số doanh thu của doanh nghiệp hoặc doanh thu của tập đoàn thì phải xác định thêm bộ phận cần báo cáo (kể cả khi bộ phận đó không đáp ứng được tiêu chuẩn 10%) cho tới khi đạt được ít nhất 75%
tổng số doanh thu của doanh nghiệp hoặc tập đoàn được tính cho các bộ phận báo cáo được (theo VAS 28).
2.3.3. Lợi ích của báo cáo bộ phận
Các thông tin bộ phận giúp người sử dụng báo cáo nắm được hiệu quả kinh doanh trong quá khứ và dự đoán dòng tiền trong tương lai. Để chứng minh điều này thì lợi ích của BCBP cần phải được xác minh thông qua nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau.
Nhiều nghiên cứu đã thực hiện một số kiểm tra nhỏ về tính hữu ích của thông tin mà BCBP cung cấp. Các kiểm tra này được chia thành 3 loại như sau:
Phân tích quá trình ra quyết định của người sử dụng: là xem xét các quyết định chịu tác động của các loại thông tin khác nhau. Để thực hiện thì phải cung cấp cho người sử dụng những loại thông tin khác nhau và yêu cầu họ đưa ra những loại quyết định khác nhau. Dựa vào đó có thể nhìn thấy được các quyết định thực tế của người sử dụng và sự chính xác của các ước tính của người phân tích. Nhóm chuyên gia phân tích tài chính với chuyên môn và các dự đoán của họ được công bố phổ biến đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu của Baldwin (1984) đã cho thấy rằng nhờ có các thuyết minh bộ
phận đã giúp cho các chuyên gia phân tích dự đoán chính xác hơn. Có cùng kết quả với Baldwin là các nghiên cứu thực hiện sau đó của Lobo et al. (1998) nghiên cứu các thuyết minh bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh. Nochols et at. (1995) nghiên cứu ảnh hưởng của các thuyết minh bộ phận theo khu vực địa lý đến các dự đoán của các chuyên gia phân tích về thu nhập. Emmauel et at. (1989) nghiên cứu về dự đoán của các chuyên gia phân tích tại Anh đã đem lại kết quả khẳng định cho kết luận đã được đưa ra trước đó của các nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
So sánh khả năng dự đoán của các ước tính khác nhau: là kiểm tra khả năng dự đoán thông qua so sánh sự chính xác của các ước tính số học về doanh thu, thu nhập hay các chỉ tiêu kế toán khác sử dụng các thông tin hợp nhất với các ước tính đơn giản thay vì dựa vào các thông tin bộ phận.
Có số lượng lớn các nghiên cứu về khả năng dự đoán trong đó người nghiên cứu đưa ra dự đoán của họ về khả năng hoạt động của công ty. Nghiên cứu của Kinney (1971) đã cho kết luận là mô hình nghiên cứu cho kết quả dự đoán chính xác nhất là mô hình dựa trên doanh thu và lợi nhuận bộ phận. Mô hình này thành công hơn so với mô hình sử dụng dữ liệu hợp nhất.
Kiểm tra phản ứng của thị trường chứng khoán: Đây là phương pháp cho kết quả ít mơ hồ nhất khi đưa ra kết luận. Họ kiểm tra liệu các BCBP có làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu hay các phép tính đo lường về rủi ro thị trường. Nếu các phản ứng này tồn tại, các thông tin phần nào được sử dụng và do đó nó hữu ích. Nếu các thông tin bộ phận không có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thì có thể kết luận nó không được những người tham gia thị trường chứng khoán sử dụng hoặc là các thông tin này đã được thu thập từ nguồn khác. Tuy nhiên, không thể suy luận rằng các thông tin bộ phận không có giá trị nào vì nó còn có thể được các nhóm người sử dụng báo cáo khác chẳng hạn như Chính phủ, công đoàn và nhân viên công ty. Các nghiên cứu về phản ứng của thị trường đã giúp khẳng định cho kết luận rằng các thông tin bộ phận là hữu ích. Nghiên cứu của Simonds and Collins (1978) sử dụng phân tích các biến để kiểm chứng rủi ro
của thị trường hay chỉ số bêta (β) của công ty và kết luận là thuyết minh về bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng làm giảm rủi ro.