Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Một số giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
Thứ nhất: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.
- Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc đề xuất lựa chọn, thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời làm tốt công tác đối thoại giảm nghèo, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, người dân để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo.
- Xây dựng các quy định để khuyến khích sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Chuyển dần phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay); từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Thứ 2: Nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo. Xây dựng các chuyên mục phóng sự phát trên truyền hình địa phương và phát thanh tại cơ sở tuyên truyền về các cách thoát nghèo cho nhân dân.
- Sắp xếp bố trí và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn, bản, đảm bảo có đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo.
Thứ 3: Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Khai thác tiềm năng thế mạnh của từng xã, thị trấn để phát triển các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu, đất đai, điều kiện của hộ. Duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để luân chuyển cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường.
- Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để người nghèo tham gia; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu tiêu dùng để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo.
- Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, giáo dục định hướng xuất khẩu lao động.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo phát sinh từ các nguyên nhân rủi ro.
- Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin:
+ Thực hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Xây dựng, phát triển, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, tạo điều kiện để mọi dân được tiếp cận.
+ Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo quy định của Chính phủ. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo hình thức cho vay tín dụng ưu đãi; tập trung huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo diện tích, chất lượng nhà ở.
+ Huy động đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng công trình nước sạch, hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.
Thứ 4: Huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững
- Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.
- Gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.
Thứ 5: Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai Chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.
- Xây dựng chỉ tiêu giám sát ở cấp xã, thôn bản cho phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của địa phương.
KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Đề tài “Giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái” với mục tiêu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về giảm nghèo bền vững tại huyện Trấn Yên trong thời gian vừa qua, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.
Với mục tiêu như trên, đề tài đã đạt được các kết quả sau:
- Tỷ lệ nghèo của huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái giảm đều qua 3 năm, cụ thể năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 20,58%, cận nghèo là 9,96% đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,3%, cận nghèo là 7,42%. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập chiếm trên 95,96%, nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là 4,04%. Với cơ cấu dân tộc có 33,5% là đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49,43% số hộ nghèo toàn huyện. Năm 2018 trong 2.247 hộ nghèo thì hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 1.111 hộ.
- Qua phân tích các nguyên nhân dẫn tới nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trấn Yên có 3 nguyên nhân chính đó là: Thiếu vốn sản xuất, Thiếu đất sản xuất, lười lao động, nhân khẩu học; Các yếu tố ảnh hưởng tới giảm nghèo bền vững có yếu tố khách quan như điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô tới nền kinh tế, hệ thống chính sách giảm nghèo còn chồng chéo,… có nguyên nhân chủ quan như thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất,…
- Đề tài đã đề xuất được 5 nhóm giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc huyện Trấn Yên đó là: Công tác lãnh đạo chỉ đạo; Nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng NTM;
Triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả chính sách về giảm nghèo; Huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, giám sát.
2. Kiến nghị
- Để thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Trấn Yên, chúng tôi kiến nghị trong quá trình chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện huyện Trấn Yên và tỉnh Yên Bái nên triển khai đồng bộ
cả 02 Chương trình MTQG là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời sử dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu về y tế, giáo dục, về điện, nước sạch VSMT, về lâm nghiệp, về ổn định dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu,... Có chính sách thu hút, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
- Chính phủ sớm ban hành cơ chế thống nhất trong quản quản lý, điều hành các chương trình có chung mục tiêu giảm nghèo, tránh sự chồng chéo gây lãng phí và tạo kẽ hở trong quản lý điều hành.
- Nghiên cứu thống nhất hệ thống chỉ tiêu giảm nghèo bền vững để các cấp địa phương có cơ sở, có căn cứ trong tổ chức chỉ đạo thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững.
- Có văn bản chính sách hướng dẫn cụ thể để đẩy mạnh phân cấp trong quản lý tài chính các nguồn đầu tư, quản lý công trình, góp phần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác xây dựng, quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình giao thông, thuỷ lợi và các công trình công cộng, phúc lợi khác.