1.3. Tình hình nghiên cứu về cây Thạch đen trên thế giới và Việt Nam
1.3.2. Tình hình nghiên cứu về cây Thạch đen ở Việt Nam
Hiện nay, ở các tỉnh miền núi phía Bắc Thạch đen được trồng nhiều ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn;
huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở vùng này. Bởi Thạch đen là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao.
Trung bình 1ha cây Thạch đen sẽ cho thu hoạch hơn 40 tạ, với giá bán dao động từ 25.000-30.000 đồng/1kg như hiện nay thì đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập khá cho người nông dân.
Năm 2013, diện tích Thạch đen ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng chỉ có 172 ha, đến năm 2014 tăng 284 ha. Hiện nay, diện tích trồng Thạch đen ở Thạch An đã tăng lên 335 ha (Phương Oanh, 2015) [9]. Tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng cây Thạch đen hàng năm tại huyện luôn được duy trì ổn định từ 1.500 đến 2.000 ha, năng suất bình quân từ 5,8 - 6 tấn/ha, sản lượng bình quân 8.700 - 12.000 tấn (Nguyên Khê, 2009) [6]. Năm 2016, toàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn trồng được gần 140 ha cây Thạch đen, đạt trên 279% kế hoạch (Trung Dương, 2016) [3].
Mặc dù được coi là cây trồng xoá đói, giảm nghèo nhưng thực tế Thạch đen chưa bao giờ được quy hoạch vùng trồng và có những nghiên cứu
một cách khoa học, kết hợp với chế biến sau thu hoạch, liên kết tìm đầu ra ổn định cho nông dân để cây trồng này phát triển bền vững (Thuận Thắng, 2016) [11].
Nghiên cứu trồng cây Thạch đen bằng các đoạn thân khác nhau có công trình của tác giả Bùi Văn Thanh và cs (2009) [12] cho thấy có thể trồng Thạch đen bằng gốc, thân, ngọn hoặc chồi đều có tỷ lệ sống cao > 90%.
Khi nghiên cứu hàm lượng chất tan trong Thạch đen tại tỉnh Lạng Sơn, tác giả Lưu Đàm Ngọc Anh và cs (2009) [1] cho thấy thời vụ trồng Thạch đen có thể từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhưng thích hợp nhất nên trồng cây Thạch đen vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm. Vào thời gian này nguyên liệu sẽ có hàm lượng chất tan cao.
Tổ hợp phân bón (g/m2) 10 N : 10 P205 : 0 K20 cho hàm lượng chất tan cao nhất (cả cây: 26,8%, thân: 24,0%, lá: 28,8%) so với các công thức khác.
Thạch đen trồng ở trên nương luôn cho hàm lượng chất tan cao hơn trồng ở ruộng (Lưu Đàm Ngọc Anh và cs -2009) [1].
Cho đến nay, nghiên cứu về cây Thạch đen còn rất ít, chưa gắn kết giữa nghiên cứu quy trình thâm canh phát triển sản xuất kết hợp với chế biến bảo quản và chế biến Thạch đen phục vụ sản xuất hàng hóa.
Các vùng nông thôn là những nơi phát triển cây Thạch đen nổi tiếng như Thạch An - Lạng Sơn, Tràng Định - Lạng Sơn, Na Rì - Bắc Kạn. Quy trình chế biến Thạch đen được phổ biến trong sản xuất thủ công như sau:
- Thạch từ cây Thạch đen: Cây Thạch tươi → Phơi khô → Bảo quản→ Rửa sạch→ Nấu→ Phối trộn→ Tạo hình → Sản phẩm.
Cây Thạch sau khi thu hoạch được phơi khô và phải để ít nhất 1 năm sau đó mới chế biến. Nếu chế biến ngay, sẽ cho tỷ lệ thu hồi thấp. Khi chế biến cây Thạch được rửa sạch, thêm nước vào nấu kỹ, lọc lấy nước, thêm ít bột sắn hay
bột gạo vào nấu cho sôi lại, để nguội làm Thạch mềm màu đen, để cho mau đông, người ta thêm nước tro hoặc hàn the.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số cơ sở ở Hà Nội đã đầu tư nghiên cứu công nghệ và thiết bị để chế biến Thạch đen. Công nghệ vẫn theo công nghệ truyền thống, tuy nhiên có sử dụng một số chất phụ gia mang tính bí quyết, gia truyền nên cho sản phẩm Thạch có chất lượng cao hơn. Cụ thể Thạch giai và dòn hơn, để được lâu hơn (khoảng 3 ngày). Thiết bị trong dây chuyền chủ yếu là các nồi nấu, thùng khuấy và máy bơm. Qua tìm hiểu thấy cứ 60 - 70 kg cây Thạch khô đưa vào chế biến cho 1.500 - 1.600 kg Thạch thành phẩm. Thời gian nấu là 24 giờ.
Thạch chế biến theo công nghệ truyền thống thường có chất lượng không cao, không đa dạng hoá được sản phẩm và đặc biệt không bảo quản được lâu, chỉ để được 2 - 3 ngày. Đây là nguyên nhân chính hạn chế việc mở rộng sản xuất, không đưa Thạch đen thành sản phẩm hàng hoá chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Vì là nước nông nghiệp nhiệt đới, do vậy nhu cầu về các đồ giải khát, trong đó có Thạch ở Việt Nam rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu về Thạch, thời gian qua nhiều đơn vị như Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Công nghiệp thực phẩm, v.v.... đã nghiên cứu, đưa ra quy trình và thiết bị chế biến bột Thạch đen. Quy trình gồm các công đoạn:
- Thạch từ cây Thạch đen: Cây Thạch tươi → Phơi khô → Bảo quản→ Rửa sạch → Nấu→ Lọc, tách bã → Dịch chiết → Bổ sung phụ gia → Cô đặc → Sấy khô → Đóng gói → Bảo quản.
Tuy nhiên, quy trình sản xuất mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, sản xuất thủ công, chất lượng không ổn định do chưa có tiêu chuẩn cho nguyên liệu đầu vào, điều kiện trang thiết bị mới ở điều kiện thủ công, chưa đạt được độ ổn định trong quy trình sản xuất.
CHƯƠNG 2