1.3. Tổng quan về khu vực nghiên cứu
1.3.1. Điều kiện tự nhiên tiểu lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Sông Nhuệ tức Nhuệ Giang là một con sông nhỏ, phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76 km, chảy ngoằn ngoèo gần như theo hướng bắc Tây Bắc-Nam Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Điểm bắt đầu của nó là rãnh Liên Mạc (20005’27” vĩ độ Bắc, 105o46’12” kinh độ Đông), lấy nước từ sông Hồng trong địa phận quận Bắc Từ Liêm (thành phố Hà Nội) và điểm kết thúc của nó là cống Phủ Lý (20032’42” vĩ độ Bắc, 105o54’32 kinh độ Đông) khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Sông chảy qua các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên của thành phố Hà Nội; huyện Duy Tiên của
tỉnh Hà Nam và cuối cùng đổ vào sông Đáy ở khu vực thành phố Phủ Lý. Sông Nhuệ lấy nước để tưới cho hệ thống thủy nông Đan Hoài với lưu lượng khoảng 30m2/s, sông nhuệ còn còn có nhiệm vụ tiêu nước cho thành phố Hà Nội, thị xã Hà Đông rồi sau đó chảy vào sông Đáy tại tthị xã Phủ lý.
Diện tích lưu vực của nó khoảng 1.075 km² (phần bị các đê bao bọc). Trên địa bàn Hà Nội, sông có chiều dài 61,5 km. Độ rộng trung bình của sông là 30 - 40 m.
Sông chảy ngoằn ngoèo theo hướng Bắc - Nam ở thượng nguồn và theo hướng Đông Bắc - Tây Nam ở hạ và trung lưu. Lưu vực được giới hạn phía Đông Bắc giáp với lưu vực sông Hồng, phía Tây giáp với lưu vực sông Đáy, phía Nam giáp với lưu vực sông Châu Giang. Ngoài ra, nối sông Đáy với sông Nhuệ còn có các sông nhỏ như sông La Khê (qua quận Hà Đông), sông Tô Lịch, sông Vân Đình, sông Duy Tiên, sông Ngoại Độ...[25].
Sông Đáy là dòng sông chảy suốt qua các tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Sông Đáy có chiều dài khoảng 240 km và là một trong năm con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam (Hồng, Đà, Lô, Cầu, Đáy). Lưu vực sông Đáy (cùng với phụ lưu sông Nhuệ) hơn 7.500 km² trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định.
Sông Đáy ngoài vai trò là sông chính của các sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Vạc nó còn là một phân lưu của sông Hồng khi nhận nước từ sông Nam Định nối tới từ hạ lưu sông Hồng. Trước đây sông Đáy còn nhận nước của sông Hồng ở địa phận Hà Nội giữa huyện Phúc Thọ và huyện Đan Phượng.
Quãng sông này còn có tên là sông Hát hay Hát giang. Chỗ sông Hồng tiếp nước là Hát Môn. Song hiện nay khu vực này đã bị bồi lấp, nguồn cung cấp nước cho sông chủ yếu ở các nhánh bên hữu ngạn chảy từ vùng núi Hòa Bình.
Ở thượng nguồn, lưu lượng của sông bất thường nên mùa mưa thì lũ quét lại thêm dòng sông quanh co uốn khúc nên dễ tạo ra những ghềnh nước lớn. Đến mùa khô thì lòng sông có chỗ cạn lội qua được nên thượng lưu sông Đáy thuyền bè không dùng được. Đoạn hạ nguồn từ thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội đến cửa Đáy được công nhận là tuyến đường sông cấp quốc gia.
Sông Đáy khi xuôi đến Vân Đình thì lòng sông rộng ra, lưu tốc chậm lại nên có thể đi thuyền được. Khúc sông đây men đến vùng chân núi nên phong cảnh hữu tình. Đến địa phận huyện Mỹ Đức, sông Đáy tiếp nhận dòng suối Yến (thủy lộ vào chùa Hương). Vượt đến tỉnh Hà Nam khi sông chảy vào thành phố Phủ Lý thì dòng sông Nhuệ góp nước từ phía tả ngạn. Sông Đáy tiếp tục hành trình xuôi nam đón sông Bôi (sông Hoàng Long) bên hữu ngạn từ miền núi tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình dồn về tại ngã ba Gián Khẩu, cách thành phố Ninh Bình khoảng 10 km về phía Bắc. Đoạn này sông được gọi sông Gián Khẩu. Qua khỏi Ninh Bình khoảng 20 km thì bên tả ngạn có phụ lưu là sông Đào (sông Nam Định) thêm nước rồi tiếp tục nhận nước sông Vạc bên hữu ngạn. Gần đến biển, sông Đáy chuyển hướng từ Tây Bắc-Đông Nam sang Đông Bắc - Tây Nam rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, xưa gọi là cửa Đại An hay Đại Ác thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng, tình Nam Định.
b. Đặc điểm tự nhiên
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy được coi là một trong những điểm “nóng” trong vấn đề ô nhiễm trên các lưu vực sông ở Việt Nam. Lưu vực sông Nhuệ - Đáy bao gồm một phần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình. Báo cáo năm 2013 về tình hình triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho biết chất lượng nước của nhiều đoạn thuộc LVS Nhuệ - sông Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD, Coliform… tại các điểm đo đều vượt QCVN 08-:2008/BTNMT nhiều lần [2, 14].
Đánh giá được vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý tổng hợp thông tin các nguồn phát sinh nước thải đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020. Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2013 về Đề án tổng thể bảo vệ môi trường khu vực nông thôn đến năm 2020, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (Hình 1.3) có diện tích 7.665 km2 (chiếm 2%
tổng diện tích của cả nước và 10% diện tích LVS sông Hồng ở Việt Nam) [2]. Tổng lưu lượng hàng năm khoảng 28,8 tỷ m3. Khí hậu lưu vực bao gồm mùa mưa (tháng 6 đến tháng 10) và mùa khô (tháng 11 đến tháng 5). Các dòng chi lưu chính là: sông Nhuệ, sông Thanh Hà, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Châu Giang, sông Dao, sông Ninh Cơ và sông Tô Lịch (một nhánh chính của sông Nhuệ nhận nước từ sông Lu, sông Kim Ngưu và sông Sét). Diện tích LVS bao phủ tất cả các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định và một phần của Hà Nội và Hòa Bình với dân số 12,5 triệu người (2019) và mật độ dân số: 1070 người/km2 (gần gấp 4 lần mức trung bình toàn quốc). Tại khu vực này, năm 2019 có 4.100 cơ sở công nghiệp, 1350 làng nghề và 4.200 cơ sở y tế với 78.000 giường bệnh [3].
Sông Nhuệ - sông Đáy là hệ thống sông phân bố của sông Hồng và tạo thành một tiểu lưu vực thuộc vùng LVS vốn lớn hơn nhiều này. Khu vực tiểu lưu vực rộng lớn, giàu tài nguyên và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và vùng ngập lũ sông Hồng nói riêng.
Tiểu lưu vực có 2 con sông chính chảy từ sông Hồng - sông Đáy và sông Nhuệ và nhiều dòng chi lưu lớn khác bao gồm sông Tích, sông Thanh Hà, sông Hoàng Long, sông Vạn, sông Nhuệ, sông Sắt và sông Đào. Một số sông (sông Châu Giang và sông Đào) hiện đang và trước đây đã từng là là các nhánh của sông Hồng. Số còn lại làm nhiệm vụ thoát nước cho các địa phương thuộc LVS. Hệ thống sông này cũng nối với sông Ninh Cô qua kênh Quan Liêu.
Hình 1.3. Bản đồ lưu vực sông Nhuệ - Đáy
Sông Đáy có chiều dài 237 km. Kể từ khi xây dựng Đập Đáy vào năm 1937, lượng nước sông Hồng chảy vào Sông Đáy càng ngày càng giảm đáng kể. Sông Đáy đã mang nhiều hơn chức năng là dòng chảy thoát lũ mùa mưa và cấp nước vào mùa khô [11].
Sông Nhuệ dài 74 km và tiếp nhận nước từ sông Hồng qua kênh Liên Mạc. Sông Nhuệ cũng là hệ thống thoát nước cho thành phố Hà Nội và quận Hà Đông. Sông Nhuệ nối sông Đáy tại thành phố Phủ Lý. Sông Nhuệ có diện tích lưu vực là 1.070 km2 [11].
Sông Hồng cung cấp khoảng 85 đến 90% lưu lượng hàng năm trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy: 25,7 tỷ m3 trong tổng số 28,8 tỷ m3/năm. Sông Hoàng Long cung cấp 0,68 tỷ m3 (2,4%); Sông Tích và sông Đáy cung cấp 1,35 tỷ m3 (4,7%) [10].
Mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10) cung cấp từ 70% đến 80% tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5. Nước trong mùa khô được cung cấp chủ yếu từ sông Nhuệ. Sông Nhuệ lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc và sông Đào. Sông Đào vận chuyển một lượng lớn nước từ sông Hồng (bình quân từ 200 đến 300 m3/s) [19, 25].
Dòng chảy của tiểu lưu vực sông phản ánh cả chế độ dòng chảy sông Hồng và đặc tính dòng chảy khu vực miền núi (tỉnh Hoà Bình), cũng như ảnh hưởng thủy triều từ Vịnh Bắc Bộ. Do đó, thủy văn của hệ thống sông rất phức tạp và có sự khác biệt cụ thể giữa các đoạn sông. Dòng chảy của sông bị ảnh hưởng rất lớn bởi việc đóng cửa hoặc mở cửa các tuyến đê sông Hồng ở Liên Mạc (sông Hồng) và sông Thanh Liệt (sông Tô Lịch) và các kênh khác trên sông chính như: Hà Đông, Đông Quan, Nhật Tựu và Lương Co - Điệp Sơn.
Ở hạ lưu sông, triều và triều xuống thường chỉ ảnh hưởng đến việc thoát nước ở các sông gần biển. Tuy nhiên, nếu có bão lớn và mưa gió, mực nước biển sẽ dâng cao và các vùng đất trũng sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng trong một thời gian dài.
c. Tài nguyên thiên nhiên và đặc điểm môi trường [2]
Do địa hình đa dạng gồm vùng núi, đồi núi và vùng đồng bằng, khu vực tiểu lưu vực có một loạt các hệ sinh thái như sườn đồi, núi đá vôi, các vùng nước ngọt và đất ngập nước. Mặc dù các phần chính của tiểu lưu vực đã bị khai thác thời gian dài, đặc điểm sinh thái của lưu vực nói chung vẫn còn đa dạng và phong phú. Các phần của tiểu lưu vực được dành riêng như rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cúc Phương và Ba Vì, khu bảo tồn Hương Sơn và Hoa Lư, khu bảo tồn đầm lầy Vân Long và Xuân Thuỷ.
Địa hình đa dạng, với phần lớn diện tích đất bằng phẳng, cho thấy đây là vùng tiểu lưu vực có lợi thế mạnh mẽ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là lũ lụt tại các vùng đất thấp. Nhiều chỗ chiều cao đê thấp hơn tiêu chuẩn đến 1,2 mét nên vùng thấp và đầm lầy, đặc biệt là vùng chứa lũ của sông Ðáy, thường bị ngập trong mùa mưa. Nhiều vùng thường bị ngập nước sâu đến 4 mét ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.