CHƯƠNG III: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. Những tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp quản lý cây xanh đô thị tại thành phố Thái Nguyên
3.3.3. Giải pháp khoa học kỹ thuật
Cây xanh đường phố ngoài tác dụng cải thiện khí hậu, làm hành lang thông gió nó còn có tác dụng tạo cảnh quan, nâng cao giá trị thẩm mỹ của một đô thị. Chính vì vậy ngoài việc lựa chọn cây trồng phù hợp, các giải pháp kỹ thuật liên quan đến việc thiết kế, quản lý cây trồng cũng rất cần thiết. Các giải pháp khoa học kỹ thuật đề nghị:
* Khi thiết kế cây đường phố tuân thủ theo các nguyên tắc cụ thể sau:
- Đơn giản: Trên một đoạn đường nên trồng thuần một loại cây. Điều này tạo nên nét đặc trưng để khi nhắc đến một con đường người ta nghĩ ngay đến một loài cây đặc trưng. Việc trồng thuần một loại cây còn tạo nên nét tao nhã, tránh sự hỗn tạp của việc trồng nhiều loại cây khác nhau trên cùng một tuyến đường nó tạo ra cảnh quan không đồng nhất.
- Thay đổi: Trên các tuyến đường khác nhau có thể trồng các loại cây khác nhau nhằm tạo ra nét riêng biệt cho từng tuyến đường. Việc trồng các loại cây khác nhau trên các tuyến đường khác nhau cũng làm tăng đa dạng sinh vật trong hệ thống cây xanh đô thị. Tuy nhiên sự thay đổi cũng cần phải được xem xét một cách thận trọng. Sự thay đổi cần phải hài hòa với cảnh quan chung, tránh sự thay đổi đột ngột, không hài hòa.
- Nhấn mạnh: Trên các tuyến đường việc phát triển hệ thống cây xanh 2 bên vỉa hè cũng như ở giữa dải phân cách là việc làm cần thiết nhằm tạo nền, làm yếu tố hỗ trợ cho cây xanh của đường phố. Còn yếu tố tạo nên nét đặc trưng cho cây xanh đô thị, làm điểm nhấn, tạo sự chú ý của cây xanh đường phố lại là cây xanh tại các giao lộ và tại các công trình kiến trúc nằm dọc 2 bên đường phố hoặc tại đầu mỗi tuyến đường.
Việc dùng cây xanh để tạo hình, tạo biểu tượng trên các tuyến đường đó cũng là một cách tạo điểm nhấn, tạo ấn tượng đối với người nhìn.
- Cân bằng: Yếu tố này được sử dụng khi muốn thể hiện cảnh quan cho một công trình kiến trúc đặc biệt. Như các tuyến đường trong các tuyến đường trong các khu đô thị mới. Để nhấn mạnh sự đồng bộ về kiến trúc cũng như cảnh quan. Cây trồng trên tuyến đường này được trồng đối xứng nhau sao cho hành dạng của một phía tạo ra hình ảnh soi gương phía đối diện.
- Liên tục: Cảnh quan của thành phố cần phải được liên tục, gắn kết với nhau. Yếu tố gắn kết các tuyến phố, các khu vực với nhau chính là dải cây xanh trên các tuyến đường. Chính vì vậy cây xanh đường phố cần được trồng liên tục và đều nhau.
- Cân đối hài hòa: Khi lựa chọn cây trồng cho một tuyến đường chúng ta cần chú ý đến hình dạng của các công trình kiến trúc 2 bên tuyến phố để lựa chọn loại cây trồng phù hợp. Nếu 2 bên tuyến phố là các công trình cao tầng thì cần lựa chọn các cây thân gỗ cao, to, có tán lá rộng. Còn đối với các tuyến phố có các công trình kiến trúc 2 bên là các dãy nhà ở thấp tầng thì chúng ta nên chọn các loại cây thân gỗ nhỏ nhằm tạo sự hài hòa, cân đối.
Khi bố trí cây xanh đường phố cần chú ý đến: độ rộng, hẹp của lề đường; có dải phân cách hay không và nếu có thì có bao nhiêu dải phân cách;
dải cây xanh 2 bên đường có phải là dải cây xanh cách ly với khu dân cư hay không nhằm mục đích bố trí cây trồng cho phù hợp.
* Quản lý cây xanh đường phố
- Dựa trên thông tư của bộ xây dựng số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị để quản lý cây xanh đô thị. Ngoài ra, chúng ta cũng cần áp dụng một số giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý cây xanh đô thị. Cụ thể:
- Mỗi cây xanh thân gỗ trồng trong đô thị cần phải được kiểm kê, đánh số thứ tự và có hồ sơ lưu với các biện pháp kỹ thuật đi kèm, trong đó ghi rõ ngày trồng, vị trí, chủng loại, các biện pháp chăm sóc cho từng thời kỳ như tỉa cành, tạo tán, dự kiến phân kỳ khai thác phù hợp với dặc điểm sinh học của
từng loại cây. Trong thời gian tới cần áp dụng GIS vào trong công tác quản lý cây xanh đô thị.
b. Cây xanh công viên
- Chọn trồng các loại cây cho bóng mát.
- Chú trọng khía cạnh thẩm mỹ và bố cục cảnh quan trong việc xây dựng các công trình kiến trúc ở các công viên. Tạo các tiểu cảnh và phối kết các loại cây trồng sao cho phù hợp. Khi phối kết cần chú ý:
- Cây độc lập phải cách xa cây khác tối thiểu 3 lần chiều cao.
- Tuổi thọ của cây trong nhóm phải phù hợp nhau.
- Cây có hoa được bố trí tỷ lệ phù hợp với các yếu tố xung quanh.
- Thận trọng, đảm bảo sự hài hòa của tổng thể. Chú ý đến cấu tạo bên ngoài và màu sắc, cách sắp xếp.
c. Các thành phần cây xanh khác
- Tuyên truyền, phổ biến các biện pháp khoa học kỹ thuật ứng dụng trong trồng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Giới thiệu những mô hình điển hình phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế xã hội của tỉnh.
- Đầu tư xây dựng các vườn ươm cây xanh nhằm nghiên cứu, cung cấp cây xanh phục vụ nhu cầu phát triển cây xanh của thành phố.
- Mở rộng diện tích vườn ươm hiện có, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cũng như nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vườn ươm trong việc nghiên cứu, chọn lọc, gieo trồng các loại cây phục vụ cho nhiệm vụ phát triển cây xanh.
d. Các bước triển khai thực hiện
- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, lợi ích trách nhiệm về công tác trồng và bảo vê cây xanh.
- Tăng cường vai trò cộng đồng, doanh nghiệp và tư nhân trong hoạt động trồng và bảo vê cây xanh.
- Tăng cường đa dạng hoá đầu tư cho trồng và bảo vệ cây xanh.
- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị.
- Mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút sự đầu tư của nước ngoài.
- Gắn kết chương trình bảo vê môi trường và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình trọng điểm của tỉnh.
- Lựa chọn hành động ưu tiên.
- Giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình hành động.