PHẦN 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Khái quát điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội
4.1.2. Kinh tế- xã hội
4.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế
Những năm gần đây tình hình kinh tế của xã đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Giai đoạn 2005-2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng lên, năm 2010 đạt khoảng 3 triệu đồng/người/năm, năm 2020 đạt 6,7 triệu đồng/người/năm.
Năm 2020 tổng sản lượng quy thóc là 1.468 tấn, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 300kg/người/năm.
4.1.2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kinh tế của xã những năm gần đây liên tục tăng trưởng, phát triển.
Tuy vậy cơ cấu kinh tế của xã hiện vẫn là nông - lâm nghiệp - thủy sản;
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa mạnh nhưng thương mại - dịch vụ đã có bước phát triển. Dịch vụ kinh doanh vật liệu xây dựng và các dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân tăng cả về quy mô và doanh thu.
Doanh thu từ ngành dịch vụ - thường maị năm 2020 ước đạt 4500 triệu đồng, tăng 66,5% so với năm 2010.
4.1.2.3. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế.
a) Khu vực kinh tế nông – lâm nghiệp:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, là nguồn sống cơ bản của đại bộ phận dân cư. Năm 2020 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản ước đạt 15.215 triệu đồng, tăng 135% so với năm 2010 và tăng bình quân 7%/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng trong nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa cân đối, ngành trồng trọt vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
+ Trồng trọt: Là ngành sản xuất chính trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào
sản xuất theo hướng thâm canh, sản xuất hàng hóa có nhiều tiến bộ, đạt hiệu quả giúp đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Sản lượng sản xuất không ngừng tăng. Năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 5.544 tấn, tăng 15,8% so với năm 2010. Giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác ước đạt 25 triệu đồng/ha, tăng khoảng 40% so với năm 2010.
Công tác quy hoạch vùng sản xuất được quan tâm chú trọng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh, chuyên canh đạt kết quả như: sản xuất Ngô ở thôn Làng Chung, Cốc Lầy; sản xuất Chè tại thôn Pạc Tà, thôn K8, Làng Ói; Dứa tại Nậm Sưu, Nậm Sò…Nhiều giống cây như lúa, ngô, chè, dứa… có năng xuất cao được đưa vào sản xuất đã tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Nhiều cánh đồng dứa đã cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng/ha, giá trị sản lượng chè tươi đã đạt hàng tỷ đồng..
+ Lâm nghiệp: Khuyến khích nhân dân phát triển mô hình kinh tế VAC kết hợp vườn rừng đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đến nay toàn xã đã tổ chức giao được 203,285 ha rừng cho nhân dân kết hợp làm kinh tế. Phối hợp với các cơ quan chức năng vận động nhân dân ký cam kết bảo về rừng cũng như tham gia trồng rừng, từ năm 2010 đến nay toàn xã đã trồng được 180 ha rừng, năng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã lên 48%.
Các diện tích rừng đã có được bảo vệ, khoanh nuôi khá tốt. Hiện tượng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng gần như không xẩy ra.
+ Chăn nuôi: Trong 5 năm từ năm 2015-2020 nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như lựa chọn con giống có chất lượng cao vào chăn nuôi nên chăn nuôi vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Năm 2020, quy mô đàn gia súc, gia cầm tăng 53,1% so với năm 2015, bình quân mỗi năm tăng 10,6%
(trong đó: đàn trâu tăng 3,1%/năm; đàn bò tăng 1,5%/năm; đàn lợn tăng
19%/năm; gia cầm tăng 29,5%/năm…). Năm 2020, đàn trâu có khoảng 640 con; đàn bò khoảng 155 con; đàn lợn khoảng 6350 con.
+ Thủy sản: Bên cạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng trưởng nhanh, diện tích nuôi trồng thủy sản những năm qua cũng tăng đáng kể. Năm 2020 sản lượng cá thịt ước đạt trên 300 tấn/năm, sản lượng trung bình 4,5 tấn/năm/ha, tăng 43,5 % so với năm 2015.
b) Khu vực kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của xã là xay xát, chế biến lương thực và một số nghề thủ công truyền thống như sửa chữa dụng cụ sản xuất. Một số cơ sở khai thác đá, cát, sỏi khu vực ven sông suối, một số cơ sở sản xuất gạch, chế biến lâm sản và sản xuất gỗ thành phẩm …nhưng nhìn chung ở quy mô nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân.
c) Khu vực kinh tế dịch vụ:
Trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại các loại hình dịch vụ cũng có bước phát triển mới như buôn bán nhỏ, dịch vụ vận tải, kinh doanh nhà hàng, quán ăn, sản xuất và chế biến thực phẩm đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục vụ đời sống nhân dân và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương nhưng còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát tập chung chủ yếu ở những nơi đông dân cư. Tuy nhiên cũng đã góp phần làm cho hàng hoá lưu thông trên thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Hiện nay chợ thương mại của xã đã được quy hoạch và bước đầu triển khai hoạt động.
4.1.2.4. Dân số, lao động - việc làm và thu nhập.
* Dân số: Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn xã được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần hạ thấp tỷ lệ gia tăng dân số. Năm 2019 dân số toàn xã là 3.922 người với 1.023 hộ gia đình, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống trên 12 thôn. Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước, xã Bản Phiệt đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền dân số, ban dân số xã đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp và triển khai công tác dân số đến tận người dân. Giảm tỷ lệ sinh hàng năm 0,1%. Hiện nay tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,5%.
* Lao động - việc làm: Tổng số lao động chính toàn xã năm 2019 khoảng 1.574 lao động, chiếm 40,13% tổng dân số, bình quân 1,53 lao động/hộ, trong đó lao động nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 80,0% tỷ lệ lao động, lao động công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 19%, còn lại là lao động thương mại dịch vụ và các ngành nghề khác. Nguồn lao động của xã khá dồi dào tuy nhiên trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế và chưa đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu phát triển thì việc đào tạo, nâng cao chất lượng trình độ lao động là vấn đề cần quan tâm đặc biệt.
* Thu nhập và mức sống: Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 6,7 triệu đồng/người/năm. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế chung của xã, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm, chăm lo. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, lồng ghép nhiều dự án đã phát huy tác dụng từng bước nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở những nơi khó khăn như chương trình 134/CP, 135...Đến nay hộ đói, hộ nghèo giảm đáng kể, toàn xã còn 183 hộ nghèo chiếm 17% tổng số hộ.