thực hiện xã hội hóa công tác vận động thanh niên
Hơn lúc nào hết, vấn đề thanh niên tôn giáo được đặt ra trong tình hình mới với những yêu cầu mới. Nếu các ngành, các cấp và toàn xã hội không quán triệt được quan điểm, tư tưởng của Đảng và của Bác Hồ đối với công tác thanh niên nói chung, công tác vận động thanh niên tín đồ Công giáo nói riêng thì thực tiễn sẽ khó có sự chuyển biến đáng kể. Nếu tiếp tục để tình trạng công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa lúng túng và khó khăn như hiện nay thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường hết. Để đẩy mạnh công tác vận động thanh niên của tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung, cùng với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên, cần có sự phối hợp gắn bó, đồng bộ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương, sự quan tâm giúp đỡ của Chính quyền cơ sở và gia đình nhằm tạo môi trường, nguồn lực và động lực cho phong trào thanh niên. Tổng Bí thư Đỗ Mười (nay là cố vấn BCHTW Đảng) đã nói: "... Thanh niên và Đoàn thanh niên là lực lượng xung kích, đồng thời cần có biện pháp chỉ đạo chặt chẽ, với sự phối hợp của Nhà nước, của xã hội và của gia đình" và "... để Đoàn thực hiện vai trò của mình, giúp cho phong trào thanh niên mở rộng hoạt động, đoàn kết và rèn luyện tuổi trẻ, khắc phục những mặt yếu kém của mình, hệ thống chính trị của toàn xã hội có trách nhiệm rất lớn" [43, tr. 25-29]. Điều đó nói lên rằng, công tác vận động thanh niên không chỉ là trách nhiệm của
Đảng, của Đoàn mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và gia đình.
Cùng với việc Đảng tích cực đổi mới công tác vận động thanh niên bằng việc tổ chức sự phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể trên quy mô toàn xã hội giữa chính quyền Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, gia đình và xã hội đối với công tác thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng; chính quyền cơ sở vùng Công giáo tập trung cần có những giải pháp tạo điều kiện cần thiết cho Đoàn thanh niên tổ chức phong trào thanh niên, thực hiện sự phối hợp với các đoàn thể xã hội trong công tác vận động thanh niên Công giáo. Khắc phục tình trạng các cấp chính quyền cơ sở xem việc đầu tư kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho phong trào thanh niên, chế độ cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở là việc "bắt buộc", là " không cần thiết", là vì "xin mà phải cho"... Thực chất đầu tư kinh phí cho Đoàn hoạt động là đầu tư cho việc đào tạo nguồn lực con người. Sự phối hợp của Chính quyền cơ sở và các đoàn thể xã hội còn phải tạo ra những cơ chế, điều kiện để Đoàn thanh niên được đảm nhận các chương trình, dự án trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thực tế ở cơ sở vùng Công giáo tập trung hiện nay, thanh niên thiếu việc làm, trong khi đó nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, thanh niên Công giáo vẫn phải đứng ngoài cuộc (xem phụ lục 5).
Để phát huy vai trò chủ động của mình trong việc xã hội hóa công tác vận động thanh niên vùng Công giáo tập trung, tổ chức cơ sở Đoàn cần chủ động thông tin để các cấp chính quyền, các đoàn thể, xã hội hiểu rõ hơn về phong trào thanh niên và về các hoạt động của Đoàn. Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch liên tịch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tạo sự trợ giúp, tạo tiếng nói đồng tình và cùng tổ chức thực hiện các chương trình công tác đề ra. Quá trình thực hiện sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải trên nguyên tắc cộng đồng trách
nhiệm vì một mục tiêu chung; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm; tránh tình trạng sự phối hợp chỉ là hình thức, triển khai nhưng không thực hiện. Sự phối hợp phải có cơ chế phối hợp, có trách nhiệm trong sự phối hợp để tạo nên hiệu quả trong phối hợp. Trong quá trình hoạt động, tổ chức cơ sở Đoàn cần tranh thủ sự ủng hộ của gia đình thanh niên, mời các bậc lão thành cách mạng, những cán bộ cao tuổi có uy tín ở địa phương, có tâm huyết tham gia công tác vận động thanh niên. Đặc biệt, trong gia đình thanh niên Công giáo, gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Thanh niên Công giáo thường chịu sự quản lý, khuyến khích của gia đình trong các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Tâm lý chung là họ không muốn cho con em mình tham gia các hoạt động của Đoàn, không muốn cho con em vào Đoàn và Đảng, bởi sợ bị nhạt đạo, xa đạo. Do đó, tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo cần có biện pháp tuyên truyền, thuyết phục gia đình tạo điều kiện cho con em của họ tham gia các hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên. Nếu được gia đình ủng hộ, khuyến khích sẽ là cơ hội tốt để thanh niên tích cực tham gia với Đoàn, với Hội. Tại diễn đàn Đại hội lần thứ VII Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuổi trẻ cả nước đã thể hiện mong muốn: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội hãy quan tâm, chăm lo hơn nữa đến công tác thanh niên, hãy dành cho thanh niên cơ hội và điều kiện để phấn đấu, trưởng thành, là người con hiếu thảo của gia đình, những công dân hữu ích của đất nước [59, tr. 95-97].
Trong vùng Công giáo tập trung, sự ảnh hưởng của hàng ngũ chức sắc Công giáo - cụ thể là các Linh mục, các thành viên trong ban hành giáo là không nhỏ. Họ quản lý thanh niên bằng những quy định của giáo lý, giáo luật và quy định của các hội đoàn Công giáo nên thanh niên ít có cơ hội tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên tổ chức. Do đó, tổ chức cơ sở Đoàn cần chủ động tiếp xúc, tạo sự hiểu biết và đồng tình ủng hộ của hàng ngũ chức sắc tôn giáo - nhất là các linh mục trẻ. Trong những nội dung và
điều kiện cho phép, tổ chức cơ sở Đoàn cần tranh thủ sự phối hợp với họ để tổ chức, phát động một số nội dung hoạt động có tính tương đồng có lợi cho phong trào thanh niên, vì cái chung của phong trào thanh niên. Đây là một yếu tố có lợi cho môi trường hoạt động của Đoàn cần tranh thủ, phát huy. Thực tiễn một số cơ sở Đoàn ở Nga Điền, Nga Liên, Nga Thanh (Nga Sơn), Hải Thanh (Tĩnh Gia), Quảng Phú (Thọ Xuân)... Do biết tranh thủ được sự ủng hộ của các Linh mục, các chức sắc trong ban hành giáo mà phong trào thanh niên ở đây khá tốt. Một số hoạt động được sự trợ giúp về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất. Linh mục và các ban hành giáo trực tiếp tham gia một số hoạt động của Đoàn tổ chức. Có nơi như ở Nga Điền (Nga Sơn), Đoàn thanh niên đã vận động được trùm trưởng cho con trai mình tham gia vào Ban chấp hành Chi đoàn, được kết nạp Đảng và được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Từ đó, ông rất nhiệt thành ủng hộ phong trào thanh niên.
Chỉ trong năm 1999, Chi đoàn thôn này từ yếu kém trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, có 2 thanh niên là tín đồ Công giáo được kết nạp vào Đảng.
Công tác vận động thanh niên nói chung, thanh niên Công giáo nói riêng của tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung thực sự là một khoa học và nghệ thuật. Sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước; sự phát triển ngày càng cao về nhu cầu của thanh niên Công giáo là một thực tế hiện nay. Những nội dung và giải pháp nêu trên trong công tác vận động thanh niên Công giáo của tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung ở Thanh Hóa hiện nay là sự định hướng có tính nguyên tắc. Thực tế tình hình tổ chức cơ sở Đoàn, thực tế tình hình thanh niên Công giáo là cơ sở quan trọng để mỗi cấp bộ Đoàn, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn nghiên cứu, vận dụng.
Dẫu trong điều kiện và hoàn cảnh nào, công tác vận động thanh niên Công giáo của tổ chức cơ sở Đoàn vùng Công giáo tập trung phải giữ vững
định hướng sự lãnh đạo của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện xã hội hóa công tác vận động thanh niên nhằm đạt tới mục tiêu: Vì sự phát triển của thanh niên; vì sự vững mạnh của tổ chức Đoàn Thanh niên; vì thắng lợi của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.