CHƯƠNG 3 BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC CẢM THỤ VĂN HỌC
3.3. Bồi dưỡng năng lực CTVH cho HSTH qua phân môn Tập làm văn
Mục đích của việc bồi dưỡng năng lực CTVH trong phân môn Tập làm văn là giúp học sinh tạo được những văn bản chân thực, bộc lộ rõ cá tính, năng lực ngôn ngữ và khả năng cảm thụ sáng tạo của mỗi em.
Làm văn là nơi thử thách các em về kỹ năng sử dụng tiếng Việt, vốn sống, vốn văn học, năng lực cảm thụ văn học. Học sinh phải thể hiện cảm xúc, suy nghĩ bằng ngôn ngữ nói và viết, từ đó rèn cách nghĩ, cách cảm nhận, luyện cách diễn tả chính xác, sinh động, hồn nhiên...
3.3.2. Nhiệm vụ
Tập làm văn là một phân môn có ý nghĩa thực hành - tổng hợp. Ở đây, tất cả các kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và kỹ năng của học sinh đều được huy động để giải quyết một tình huống sáng tạo cụ thể. Phân môn này không chỉ coi trọng ngôn ngữ viết mà còn mở rộng kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói, rèn luyện một số thao tác diễn đạt, tăng cường kỹ năng quan sát, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh, thể nghiệm…
42 Phân môn Tập làm văn có nhiệm vụ rèn kỹ năng ghi nhớ, diễn đạt cho các em:
+ Rèn kỹ năng vận dụng tri thức tổng hợp để sáng tạo những văn bản có thiên hướng văn chương.
+ Rèn luyện óc sáng tạo thẩm mỹ.
+ Rèn kĩ năng quan sát, miêu tả, kể lại về sự vật, sự việc, con người...
+ Rèn kĩ năng sử dụng tiếng Việt, kĩ năng diễn đạt tinh tế, mạch lạc.
+ Giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách văn chương cho học sinh
Với nhiệm vụ này, Tập làm văn miêu tả và kể chuyện sẽ giúp cho học sinh đi sâu vào quá trình sáng tạo văn bản nghệ thuật, hiểu rõ hơn về cấu trúc nội tại của tác phẩm cũng như những mối quan hệ giữa tác phẩm với cuộc sống bên ngoài. Thông qua đó, học sinh có thể thấy rõ được hơn bản chất sáng tạo của nhà văn, cảm thụ chính xác hơn những vấn đề về nội dung và nghệ thuật, và cuối cùng là đánh giá đúng đắn hơn những kết quả sáng tạo của nhà văn
3.3.3. Yêu cầu
Trong phân môn Tập làm văn, việc viết các bài văn miêu tả, kể chuyện sáng tạo chính là con đường đi đến thế giới văn chương của trẻ. Vì chúng dạy cho học sinh việc tạo lập văn bản nghệ thuật. Yêu cầu chung của phân môn Tập làm văn là các bài học, các dạng bài tập đều hướng đến rèn kĩ năng tạo lập văn bản cho học sinh. Một số yêu cầu cụ thể:
- Bài học, bài tập phải phù hợp với chủ đề của đơn vị học, phù hợp với vốn sống, lứa tuổi và hoàn cảnh sống của các em.
- Hệ thống bài tập đảm bảo rèn kĩ năng giao tiếp bằng lời (nói, nghe), và bằng chữ viết (viết, đọc).
- Nội dung bài học thiết thực, là những vấn đề có tính thời sự (bảo vệ môi trường, bảo vệ cộng đồng...), có tính chất vĩnh cửu (tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước).
3.3.4. Nội dung và cách thức
- Phân môn tập làm văn giúp học sinh tạo lập các loại văn bản, nhất là văn miêu tả và kể chuyện, đồng nghĩa với việc tạo cho các em kỹ năng sáng tạo thẩm mỹ, sáng tạo các văn bản có tính văn chương. Để làm được việc này, buộc các em phải có năng lực CTVH tốt.
Bồi dưỡng năng lực CTVH qua phân môn Tập làm văn gồm những nội dung chủ yếu sau:
43 + Giúp học sinh cảm nhận được đặc trưng, vẻ đẹp của đối tượng miêu tả, định hướng cảm xúc trước đối tượng đó (trong văn miêu tả).
+ Giúp học sinh biết quan sát, biết lựa chọn các chi tiết quan trọng; biết thể hiện các ý theo bố cục hợp lý
+ Giúp học sinh biết cách trình bày một văn bản trọn vẹn, bộc lộ những cảm nhận về thiên nhiên, xã hội, con người, đồng thời tự bộc lộ bản thân.
- Có năng lực CTVH tốt sẽ giúp các em học tốt phân môn Tập làm văn, ngược lại qua phân môn Tập làm văn có thể bồi dưỡng năng lực CTVH cho học sinh. Đây là sự tích hợp, hỗ trợ hết sức cần thiết để giúp các em ngày càng nâng cao kiến thức, kĩ năng văn học - tiếng Việt của mình. Việc bồi dưỡng năng lực CTVH cho học sinh qua phân môn Tập làm văn được tích hợp trong một số hoạt động sau:
3.3.4.1. Xây dựng bài tập:
Đề tài, nội dung các bài tập phải gắn với vốn sống, vốn hiểu biết của các em, vừa đảm bảo rèn kĩ năng viết đoạn văn, bài văn, vừa khơi gợi những cảm nhận thẩm mĩ và nhu cầu bộc lộ bản thân.
3.3.4.2. Hướng dẫn học sinh làm bài tập
- Giúp học sinh biết thu nhận những biểu tượng, cảm xúc, ý nghĩ nhờ quan sát và cảm thụ một cách chính xác, tinh tế về thế giới thiên nhiên, con người, xã hội…
trong văn học và cuộc sống và thể hiện thành văn bản một cách chân thật, tình cảm, hấp dẫn….
- Hướng dẫn các em biết dùng vẻ đẹp ngôn từ để diễn đạt những hiểu biết và cảm nhận về văn chương, cuộc sống theo một hệ thống bài tập từ đơn giản đến cao hơn là nói, viết một văn bản trọn vẹn.
- Khuyến khích sự tự do, sáng tạo của cá nhân học sinh trong quá trình làm văn, động viên các em viết ra suy nghĩ, cảm nhận riêng của mình, giúp các em tránh tình trạng rập khuôn, công thức.
Ví dụ: Muốn kể chuyện hấp dẫn phải kể đúng, kể lại bằng lời của chính mình, biết kể xoáy, kể lướt, kể có sáng tạo nhờ sự “thêm thắt” một vài chi tiết phụ. Sự “thêm thắt” này không được vi phạm cốt truyện, không được làm người nghe hiểu lầm hoặc hiểu sai ý nghĩa câu chuyện.
3.3.4.3. Đánh giá kết quả học tập
- Cần có tiêu chí đánh giá cho mỗi bài nói, viết của học sinh. Có thể cho các em biết trước những tiêu chí này để định hướng làm bài.