Đồng bào các dân tộc ít người:

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các lĩnh vực trong chiến lược phát triển bền vững ở việt nam (Trang 91 - 93)

II. Huy động toàn dân tham gia thực hiện phát triển bền vững: 1 Chủ trương chung:

e. Đồng bào các dân tộc ít người:

Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Chính sách dân tộc nhất quán của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam là tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tập trung xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, xóa bỏ sự chênh lệch mọi mặt giữa các vùng, các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Do điều kiện lịch sử để lại, sự phát triển của các dân tộc không đồng đều. Mức sống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc rất thấp, đói nghèo và lạc hậu hiện còn là thách thức lớn đối với quá trình phát triển. Mặc dù đất đai miền

núi đã được sử dụng nhiều hơn cho các mục đích kinh tế, song hiệu quả chưa cao. Gần một nửa trong số 25 triệu ha đất dốc là đất xấu, có tầng đất mặt mỏng, bị xói mòn mạnh và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ tăng dân số ở các vùng miền núi rất cao do việc di dân và tỷ lệ sinh đẻ cao. Áp lực tăng dân số đối với môi trường rất mạnh, biểu hiện rõ nhất ở tình trạng phá rừng còn phổ biến và chất lượng rừng ngày một suy thoái. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, mức sống, về khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, nhất là những dịch vụ công như y tế, giáo dục, văn hóa của miền núi so với đồng bằng còn rất xa. Ở các vùng miền núi Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ đói nghèo cao nhất, trong khi chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Trong cơ chế thị trường, khoảng cách này đang có xu hướng tăng lên và có nguy cơ gây nên những mâu thuẫn xã hội trong tương lai.

Để tiến tới phát triển bền vững ở vùng miền núi và vùng đồng bào các dân tộc ít người, cần tiến hành các hoạt động ưu tiên sau đây:

- Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi...) phục vụ cho sản xuất và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ít người, bảo đảm tính cân đối, hợp lý và thu hẹp khoảng cách trong phát triển giữa các vùng, các dân tộc.

- Gắn đầu tư cho sản xuất với đầu tư cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc mở mang ngành nghề dịch vụ, công nghiệp chế biến, mạng lưới thông tin, thu mua tiêu thụ có định hướng, có tổ chức để khuyến khích sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người sản xuất.

- Coi trọng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, kết hợp với tuyển dụng, bố trí sử dụng hợp lý sau đào tạo đáp ứng cho nhu cầu nhân lực và đội ngũ cán bộ là con em đồng bào các dân tộc.

- Gắn cải cách hành chính với việc tổ chức lồng ghép và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ miền núi và đồng bào dân tộc ít người.

- Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá mới.

- Chú trọng huy động đồng bào các dân tộc ít người tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; thực hiện các chính sách cung cấp lương thực và trợ cấp cho những người nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu các lĩnh vực trong chiến lược phát triển bền vững ở việt nam (Trang 91 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w