Đối với mối quan hệ giữa tham nhũng và nợ công thì hầu như các lý thuyết trước đây vẫn chưa trực tiếp đề cập đến mối quan hệ này (Tarek và Ahmed, 2017). Tuy nhiên, tham nhũng được cho rằng có ảnh hưởng đến nợ công bằng cách tác động đến cơ chế quản lý nợ công của quốc gia (Roubini và Sachs, 1989; De Haan và Sturn, 2000; Woo, 2006). Cụ thể, Alesina và Tabellini (1990) và Person và Svensson (1989) đã phát triển lý thuyết nợ tích cực, khi cho rằng mức độ nợ công cao chỉ tồn tại khi các nhà điều hành chính sách, các nhà chính trị gia của quốc gia không có sự nhất quán trong việc quản lý nợ công. Nói cách khác, chất lượng thể chế tốt (đặc biệt là mức độ tham nhũng thấp) có thể giúp các nước quản lý nợ công tốt hơn bằng cách giảm thiểu chi phí đi vay, rủi ro tài chính thấp và phát triển thị trường nợ trong nước (Tarek và Ahmed, 2017). Ngược lại, chất lượng thể chế thấp, đặc biệt là tham nhũng càng cao, sẽ càng làm cho quốc gia vay nợ nhiều hơn và chi tiêu chính phủ nhiều hơn (Wei và Zeckhauser, 1999; Tanzi và Davoodi, 2002; Cooray và các cộng sự, 2017). Sự gia tăng trong mức độ vay nợ xuất phát từ việc thu ngân sách, bởi lẽ nguồn thu ngân sách của quốc gia để tài trợ cho các khoản chi tiêu chính phủ giảm mạnh (Audu, 2004; Kaufam, 2010), do đó sẽ thúc đẩy động cơ Chính phủ thực hiện vay nợ nhiều hơn để có đủ nguồn vốn tài trợ. Kết quả là mức độ nợ công của quốc gia ngày càng gia tăng
3.1.2. Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là yếu tố mà các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách quan tâm đáng kể. Có thể thấy rằng đây là yếu tố quan trọng đối với cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế
càng cao càng hàm ý quốc gia đang tăng trưởng tốt và nền kinh tế hoạt động ổn định, cũng như các hoạt động, chính sách trong nền kinh tế đều đạt được hiệu quả. Do đó, tăng trưởng kinh tế sẽ có thể tác động đến tỷ lệ nợ công của quốc gia khi tác động đến cán cân ngân sách của các quốc gia. Thật vậy, có thể thấy rằng các quốc gia có tăng trưởng kinh tế càng cao, càng cho thấy rằng thu nhập của người dân và của quốc gia đang gia tăng, dẫn đến thu ngân sách của quốc gia sẽ gia tăng và do đó cán cân ngân sách của các quốc gia này thường có khuynh hướng thặng dư hoặc tối thiểu sẽ tốt hơn so với các quốc gia. Do đó, các quốc gia này sẽ trả nợ và giảm tỷ lệ nợ công của quốc gia xuống. Các nghiên cứu trước đây như Panizza và Presbitero (2014), Greiner và Fincke (2015), Van Bon (2015), Pereima và các cộng sự (2015), Cooray và các cộng sự (2017), Tarek và Ahmed (2017), Benfratello và các cộng sự (2018), Pecaric và các cộng sự (2018) cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm ủng hộ tác động ngược chiều của tăng trưởng kinh tế đến tỷ lệ nợ công của các quốc gia.
3.1.3. Lạm phát
Lạm phát được cho rằng là yếu tố đại diện cho vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô (Forslund và các cộng sự, 2011), do đó, lạm phát sẽ có thể có tác động đáng kể đến nợ công của quốc gia. Theo đó tác động của lạm phát đến nợ công của quốc gia xuất phát từ vấn đề lạm phát cao sẽ có thể làm giảm chi phí thực của việc vay nợ hoặc giá trị thực của các khoản vay (Reinhart và Rogoff, 2010; Niemann và các cộng sự, 2010;
Aizenman và Marion, 2011). Điều này bởi vì mặc dù giá trị danh nghĩa của khoản nợ dường như không đổi, nhưng lạm phát cao sẽ làm cho các chính phủ dễ trả nợ vay hơn bởi số tiền trả đã giảm. Do đó sẽ có thể làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP của các quốc gia (Lascelles, 2013). Điều này được các nghiên cứu trước đây gọi là “làm xói mòn giá trị thực của nợ công” (Akitoby và các cộng sự, 2014). Hơn thế nữa, hầu hết các nhà kinh tế học cũng cho rằng nếu lạm phát không thể dự đoán được thì lạm phát sẽ có thể làm giảm nợ công của các quốc gia (Sowa, 2002).
Do đó có thể thấy rằng lạm phát có thể làm giảm tỷ lệ nợ công của các quốc gia, nhưng tại sao chính phủ lại muốn giảm nợ công thông qua lạm phát? Theo Herz và Tong (2004), lạm phát sẽ trở thành một công cụ cần thiết để giảm thiểu tỷ lệ nợ công của quốc gia nếu các nhà đầu cơ (speculators) có thể dự báo được sự mất giá của tỷ giá hối đoái. Rủi ro của sự mất giá này có thể làm cho các nhà đầu tư yêu cầu một tỷ suất sinh lợi cao hơn như là một khoản “bồi thường” từ phía chính phủ. Sự gia tăng trong các khoản nợ vay là kết quả của một mức lãi suất cao hơn áp dụng cho các nhà đầu tư và điều này sẽ làm cho chính phủ muốn giảm tỷ lệ nợ công thông qua lạm phát.
Các nghiên cứu thực nghiệm sau này cũng ủng hộ một mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và nợ công của quốc gia. Chẳng hạn như Reinhart và Sbrancia (2011), Guillementte và Strasky (2013), Akitoby và các cộng sự (2014), Hilscher và các cộng sự (2014), Van Bon (2015).
3.1.4. Tăng trưởng dân số
Dân số được xem như yếu tố quan trọng đối với một quốc gia, do dân số của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhiều thành phần của nền kinh tế chẳng hạn như chi tiêu dùng và tiết kiệm của người dân, thu nhập trên đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lực lượng lao động, Do đó, dân số cũng sẽ có thể có tác động đáng kể đến tỷ lệ nợ công của các quốc gia vì sẽ có thể ảnh hưởng đến thu và chi ngân sách của quốc gia dẫn đến sự gia tăng hoặc suy giảm trong cán cân ngân sách của các quốc gia (Benito và Bastida, 2004; Chen, 2004; Hajek và Hajkova, 2009; Afflatet, 2018; Benfratello và các cộng sự, 2018).
Đối với tác động của tăng trưởng dân số đến tỷ lệ nợ công của các quốc gia cũng tồn tại hai quan điểm trái chiều với nhau. Quan điểm đầu tiên cho rằng tăng trưởng dân số sẽ có tác động ngược chiều đến tỷ lệ nợ công của các quốc gia. Nói cách
khác, các quốc gia càng có tăng trưởng dân số càng cao thì sẽ càng có thể giảm thiểu tỷ lệ nợ công của các quốc gia. Quan điểm này lập luận rằng các quốc gia càng có tăng trưởng dân số càng cao thì sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, dẫn đến thu nhập của người dân sẽ cao hơn và nguồn thu của chính phủ sẽ gia tăng. Kết quả là cán cân ngân sách sẽ được cải thiện và các quốc gia có nguồn vốn để thực hiện việc trả nợ, cho nên tỷ lệ nợ công của các quốc gia sẽ được cải thiện. Một số nghiên cứu trước đây cũng cung cấp bằng chứng thực nghiệm ủng hộ quan điểm này bao gồm Afflatet (2018), Benfratello và các cộng sự (2018).
Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng tỷ lệ nợ công của các quốc gia sẽ gia tăng khi tăng trưởng dân số của các quốc gia gia tăng. Quan điểm này giải thích ở một khía cạnh khác khi cho rằng, các quốc gia càng có tăng trưởng dân số càng cao thì các quốc gia buộc phải chi tiêu nhiều hơn để đáp ứng lại các nhu cầu của xã hội cũng như các khoản chi đầu tư cơ sở hạ tầng của quốc gia (Chinn và Prasad, 2003; Chen, 2004;
Hajek và Hajkova, 2009; Huntington, 2015). Điều này sẽ làm cho cán cân ngân sách của quốc gia gặp nhiều vấn đề, thậm chí có thể thâm hụt và do đó sẽ làm gia tăng tỷ lệ nợ công của các quốc gia.
3.1.5. Thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp cũng được xem là một trong các vấn đề được các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách trên thế giới quan tâm. Bởi lẽ yếu tố này thể hiện tình hình của nền kinh tế của một quốc do có một sự gia tăng trong tỷ lệ thất nghiệp có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế cũng như có thể làm giảm tiêu dùng của quốc gia do thu nhập của người dân và hộ gia đình đã giảm. Do đó có thể thấy rằng tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ có thể tác động đến sự thay đổi trong nợ công của quốc gia (Barro, 1979; Roubini và Sachs, 1989; Afflatet, 2018) thông qua các yếu tố khác nhau chẳng hạn như thu ngân sách sẽ giảm vì thu nhập người dân giảm, năng suất lao động
giảm, các doanh nghiệp sẽ giảm thu nhập và do đó phần thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ suy giảm, hoặc Chính phủ phải chi ngân sách hỗ trợ thất nghiệp…Kết quả là các quốc gia có thể phải cân nhắc đến việc gia tăng nợ công của quốc gia để bù đắp cho sự thiếu hụt từ ngân sách quốc gia. Cho nên tỷ lệ thất nghiệp sẽ có một tác động cùng chiều đến nợ công của các quốc gia. Tác động này của tỷ lệ thất nghiệp cũng nhận được nhiều ủng hộ của các nghiên cứu thực nghiệm khi tìm thấy một quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp càng cao sẽ làm cho nợ công của quốc gia gia tăng như Figlewski và các cộng sự (2006), Fedeli và Forte (2012), Kurecic và Kokotovic (2016), Tarek và Ahmed (2017) và Afflatet (2018).
3.1.6. Chi tiêu chính phủ
Chi tiêu chính phủ được các nghiên cứu trước đây cho rằng là thành phần quan trọng của cán cân ngân sách và có tác động đáng kể đến tình hình của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế, các chính sách của quốc gia. Cho nên chi tiêu chính phủ sẽ có thể có tác động đáng kể trong sự thay đổi của tỷ lệ nợ công của các quốc gia (Tanzi và Davoodi, 2002; Sinha và các cộng sự, 2011; Mah và các cộng sự, 2013; Cooray và các cộng sự, 2017; Tarek và Ahmed, 2017; Benfratelloa và các cộng sự, 2018). Cụ thể, một quốc gia có chi tiêu chính phủ càng nhiều thì sẽ có thể sẽ phải đối diện với vấn đề thâm hụt cán cân ngân sách hoặc ít nhất là sẽ làm xấu đi tình hình của cán cân ngân sách của quốc gia, do đó điều này sẽ thúc đẩy các quốc gia thực hiện gia tăng nợ công để bù đắp sự thâm hụt này. Cho nên tác động của chi tiêu chính phủ đến tỷ lệ nợ công của các quốc gia được xem như là tác động cùng chiều. Một số nghiên cứu trước đây cũng đã ủng hộ quan điểm này khi cung cấp các bằng chứng thực nghiệm có chiều hướng tác động như quan điểm đã cập. Các nghiên cứu này bao gồm Sinha và các cộng sự (2011), Mah và các cộng sự (2013), Cooray và các cộng sự (2017), Tarek và Ahmed (2017), Benfratelloa và các cộng sự (2018), Pecaric và các cộng sự (2018).