CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Trái đất có bán kính trung bình 6371 km, chu vi theo đường xích đạo 40.075 km và diện tích bề mặt của trái đất ước tính khoảng 510 km2 (tương đương với 51 tỉ hecta) trong đó biển và đại dương chiếm khoảng 36 tỉ hecta, còn lại là đất liền và các hải đảo chiếm 15 tỉ hecta.
Theo P. Buringh (1994), toàn bộ đất có khả năng canh tác nông nghiệp của thế giới 3,3 tỉ hecta (chiếm 22% tổng số đất liền) còn 11,7 tỉ hecta (chiếm 78% tổng số đất liền) không dùng cho sản xuất nông nghiệp được. Diện tích các loại đất không sử dụng được cho nông nghiệp là: Đất quá dốc 2,682 tỉ ha (18%), đất quá khô 2,533 tỉ ha (17%), đất quá lạnh 2,235 tỉ ha (15%), đất đóng băng 1,490 tỉ (10%), đất quá nóng 1,341 tỉ (9%), đất quá nghèo 0,745 tỉ ha (5%), đất quá lầy 0,596 tỉ (4%).
Ðất trồng trọt trên thế giới chỉ có 1,5 tỉ hecta (chiếm 10,8% tổng diện tích đất đai, bằng 46% đất có khả năng sản xuất nông nghiệp) còn 1,8 tỉ hecta (54%) đất có khả năng sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được khai thác. Về mặt chất lượng đất nông nghiệp thì: Đất có năng suất cao chỉ chiếm 14%, đất có năng suất trung bình chiếm 28% và đất có năng suất thấp chiếm tới 58%.
Như vậy, đất có khả năng canh tác nông nghiệp trên toàn thế giới có hạn, diện tích đất có năng suất cao lại quá ít. Mặt khác mỗi năm trên thế giới lại bị mất 12 triệu hecta đất trồng trọt cho năng suất cao bị chuyển thành đất phi nông nghiệp và 100 triệu hecta đất trồng trọt bị nhiễm độc do việc sử dụng phân bón và các loại thuốc sát trùng.
Như vậy, trên toàn thế giới diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp càng ngày càng giảm dần trong khi đó dân số càng ngày càng tăng. Vì vậy, để có đủ lương thực và thực phẩm cung cấp cho nhân loại trong tương lai thì việc khai thác số lượng diện tích đất có khả năng sư dụng cho nông nghiệp còn lại để sử dụng là vấn đề cần được đặt ra. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt cho rằng với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật như hiện nay thì có thể dự kiến cho đến năm 2075 con người mới có thể khai phá hết diện tích đất có khả năng nông nghiệp còn lại đó.
Hiện tượng mất rừng cũng gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng đất nông nghiệp.
Toàn thế giới có khoảng 3,8 tỷ hecta rừng. Hàng năm mất đi khoảng trên 15 triệu hecta.
Tỷ lệ mất rừng nhiệt đới khoảng 2%/năm. Diện tích rừng bị mất nhiều nhất ở vùng Mỹ - Latinh và châu Á. Tại Braxin hàng năm mất 1,7 triệu hecta rừng, tại Ấn độ con số này là 1,5 triệu ha. Tại các nước như: Campuchia, Lào nạn phá rừng làm củi đun, làm nương rẫy, xuất khẩu gỗ, chế biến các sản phẩm từ gỗ phục vụ cho cuộc sống của cư dân đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng phong phú (FAO, 1993).
Bên cạnh hiện tượng thu hẹp về diện tích đất nông nghiệp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thì bên cạnh đó hiện tượng suy giảm chất lượng đất nông nghiệp do sa mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, mất rừng, việc chuyển đổi đất nông nghiệp không bền vững sẽ làm tình trạng sản xuất nông nghiệp rơi vào nạn suy thoái đất.
Cùng với mức gia tăng dân số và sự gia tăng hàng loạt nhu cầu của con người về các sản phẩm nông nghiệp thì cách tiếp cận quản lý đất đai không bền vững đã đem lại nhiều thất bại.
1.2.2. Tình hình sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam
Đất vừa là thành phần quan trọng của môi trường, vừa là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, sinh hoạt. Do vị trí và địa hình của nước ta phức tạp làm cho tài nguyên đất rất đa dạng và phân hóa rõ từ đồng bằng lên núi cao, từ Bắc vào Nam và từ Ðông sang Tây, có thể phân thành 14 nhóm đất chính và 31 loại. Ba phần tư diện tích
đó thuộc về miền núi và trung du, chiếm khoảng 23,4 triệu ha. Diện tích đất phù sa không nhiều, chỉ có khoảng 3,4 triệu ha, chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên cả nước.
Các loại đất sử dụng trong nông nghiệp hiện nay chủ yếu là đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất cát biển, đất mặn và đất phèn.
Tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,097 triệu ha, trong đó diện tích sông suối và núi đá khoảng 1.068.100 ha (chiếm khoảng 3,32% diện tích đất tự nhiên), phần đất liền khoảng 31,1 triệu ha (chiếm khoảng 94,5% diện tích tự nhiên) và là một trong những nước có diện tích tự nhiên nhỏ, xếp vào nhóm thứ năm trong nhóm nước có diện tích bình quân từ 0,3 - 0,5 ha/người, đứng thứ 203 trong số 218 nước trên thế giới.
Bình quân đất nông nghiệp 0,11 ha/người, thuộc nhóm 7 có mức bình quân diện tích đất từ 0,1 - 0,2 ha/người (Nguyễn Văn Bộ, 2000).
Hiện trạng sử dụng đất đến năm 2014 với tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,096 triệu ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 81% tổng diện tích đất. Cũng theo đánh giá thì tổng diện tích đất đưa vào sản xuất nông nghiệp từ 2010 đến nay có xu hướng tăng do việc chuyển đổi những diện tích đất hoang hóa, đất trống đồi núi trọc, đất bằng chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Đây là một xu thế tích cực, tuy nhiên đất trồng lúa 2 vụ và có độ phì nhiêu cao, dễ đi lại và gần những nơi tập trung đông dân cư lại giảm sút do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, ước tính giảm khoảng 500.000 ha (Lê Thái Bạt, 2008).
Tài nguyên đất được sử dụng ngày càng hiệu quả hơn, trong đó vẫn giữ vững 3,8 triệu ha đất trồng lúa theo Nghị quyết của Quốc hội và diện tích đất chưa sử dụng thu hẹp đáng kể, từ 7 triệu ha đất hoang hóa năm 1987, đến 2010 còn 4,5 triệu ha, đến 2014 còn 2,5 triệu ha và dự kiến đến hết 2020 chỉ còn khoảng 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, với xu hướng tăng dân số nhanh thì áp lực đối với nhu cầu khai thác, sử dụng đất sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng gây ra nhiều sức ép đối với đất đai. Quy hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương bộc lộ hạn chế và bất hợp lý trong phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016 - 2020) cấp quốc gia, Quốc hội cũng nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; chính sách, pháp luật, việc phân cấp trong quản lý quy hoạch còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh sức ép diện tích đất nông nghiệp vừa thấp tính theo đầu người, vừa suy giảm do quá trình phát triển thì vấn đề ô nhiễm và suy thoái đất cũng là những thách thức lớn đối với nước ta.