Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài luận án

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước: Thành ủy Hà Nội lãnh đạo công tác phòng, chống lãng phí giai đoạn hiện nay (Trang 22 - 35)

Chương 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài luận án

1.2.1. Các công trình nghiên cứu về lãng phí và phòng, chống lãng phí Tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chống tham ô, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác là một trong những nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu các quan điểm của Người cũng như những nội dung học tập và THTK, CLP theo lời dạy của Bác là chủ đề của nhiều nhà khoa học, thể hiện ở nhiều sách, bài viết được đăng trên nhiều tạp chí khác nhau, có thể kể đến như:

- Cuốn sách Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu [66] là Tài liệu học tập do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia biên soạn nhằm cung cấp tài liệu cho cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuốn sách gồm 2 chuyên đề: Chuyên đề 1 - Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; Chuyên đề 2 - Giới thiệu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Trong đó, chuyên đề 1 tập trung phân tích tư tưởng và tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm, về chống tham ô, lãng phí, quan liêu, trong đó nêu rõ khái niệm, nội dung của tiết kiệm, tác hại của tham ô, lãng phí, quan liêu, ý nghĩa và những biện pháp chống tham ô, lãng phí, quan liêu, việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo

đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

- Bài viết “Hồ Chí Minh với vấn đề chống giặc nội xâm - suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” của tác giả Nguyễn Hùng Hậu [38] đã phân tích những quan điểm của Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” – các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Bài viết cũng phân tích sự vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh trong chống “giặc nội xâm” của Đảng, thể hiện ở việc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã cụ thể hóa trong việc nhận diện những biểu hiện suy thoái, chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện và đề ra các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Các phân tích trong bài viết về các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này có giá trị thiết thực đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

- Cùng một số bài viết khác: “Quan điểm của Hồ Chí Minh về THTK, CLP” của tác giả Nguyễn Lan Anh đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (số tháng 1/2015) [1]; bài viết “Học Bác sống tiết kiệm, ứng xử có nghĩa, có tình” của tác giả Trần Quốc Vượng, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, số tháng 6 năm 2018 [100]; bài viết “Đẩy mạnh THTK, CLP theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay” của tác giả Đinh Ngọc Giang, Nguyễn Thị Hồng Hạnh đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước số tháng 7 năm 2013 [37]; bài viết“Quan điểm "Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của thi đua ái quốc" trong tư tưởng Hồ Chí Minh và ý nghĩa hiện thời của nó” của PGS, TS. Nguyễn Thị Nga, TS. Hoàng Thị Kim Oanh đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị số 6/2018 [67]; bài viết “Phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy hành chính nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Đình Thắng, Lê Văn Nam trên Tạp chí Giáo dục lý luận số 245 năm 2016 [60];…

Nghiên cứu về lãng phí trong các mối quan hệ và nguyên nhân, tác hại của lãng phí, có một số bài viết khác luận án có thể tham khảo như: bài viết

“Kiểm điểm trách nhiệm gây lãng phí”[36] đăng trên Tạp chí Nội chính; bài

viết “Mối quan hệ giữa tăng trưởng, lạm phát, tiết kiệm và đầu tư tại Việt Nam” đăng trên Tạp chí Tài chính [32]; bài viết “Một biểu hiện của bệnh lãng phí” đăng trên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân [71],…

Về thực tế lãng phí và công tác PCLP của các địa phương, đơn vị, có những bài viết như: bài viết “Công ty Duyên Hải THTK, CLP” của Đại tá Phạm Đức Long đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 6 năm 2019 [55]; bài viết “Làm theo lời Bác Hồ dạy, Quân đoàn 2 đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” của tác giả Bùi Quang Khải đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 7 năm 2018 [50]… Cuốn sách Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, LP của tác giả Nguyễn Tuấn Khanh [51] có nội dung gồm bốn phần, trong đó, phần IV giới thiệu về Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong PCTN, LP, cung cấp góc nhìn từ chính quyền cơ sở đối với công tác PCTN, LP. Cuốn sách là tài liệu hữu ích không chỉ giúp cho đông đảo bạn đọc, nhất là cán bộ, công chức và nhân dân tại cơ sở xã, phường, thị trấn giải quyết tốt các công việc liên quan đến tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và PCTN, LP một cách hiệu quả mà còn giúp tác giả luận án có góc nhìn cụ thể và thực tiễn tốt đối với công tác PCTN, LP.

Nghiên cứu về các giải pháp PCLP trong các lĩnh vực, có các công trình nghiên cứu như:

Bài viết "Phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo luật tục của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam" của tác giả Lừ Văn Tuyên được đăng trên Tạp chí Nội chính số 31 năm 2016 [91] giới thiệu khái quát về luật tục dân tộc Thái và phân tích những quy định trong Luật tục của người Thái về phòng ngừa tham nhũng, quan liêu, lãng phí, trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số đề xuất phát huy giá trị của luật tục để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, quan liêu, lãng phí tại vùng dân tộc Thái ở Tây Bắc. Từ thực tiễn tại Tây Bắc, tác giả bài viết khẳng định bên cạnh các

quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, việc tìm hiểu các hương ước, các quy tắc cộng đồng của địa phương là cần thiết để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, lãng phí ở những địa phương đặc thù.

Cùng nghiên cứu về báo chí và vai trò của báo chí đối với công tác PCLP nói riêng, công tác PCTN, LP nói chung, có bài viết của Đại tá, PGS, TSKHQS Trần Nam Chuân có tên “Báo chí cách mạng – Nhân tố quan trọng góp phần cùng cả nước PCTN, LP”[17]; bài viết của tác giả Hồ Quang Lợi, có tên “Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh PCTN, LP”[54] và bài viết của tác giả Vũ Trung Kiên với tên “Dùng báo chí để chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”[52]; bài viết “Tự phê bình và phê bình trên báo chí – Giải pháp quan trọng góp phần PCTN, LP”[59] cùng được đăng trên Tạp chí Nội Chính. Các tác giả đều thống nhất nhận định: là nhóm “quyền lực thứ tư”, báo chí là công cụ hiệu quả, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Báo chí không chỉ là phương thức tuyên truyền tích cực về THTK, CLP mà còn là nguồn phát hiện các biểu hiện tiêu cực, các hành vi sai phạm, tham nhũng.

Những công trình khoa học trên đã đề cập đến nhiều mặt của lãng phí và công tác lãng phí, đặt lãng phí trong các mối quan hệ với tham ô, tham nhũng, quan liêu để làm rõ hơn, khẳng định vai trò và sự cần thiết của công tác PCLP cũng như đề xuất một số giải pháp PCLP trong nhiều lĩnh vực, điển hình là trong đầu tư công. Đây là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả luận án trong việc nghiên cứu về lãng phí và đấu tranh PCLP dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Các công trình nghiên cứu xác định đến các giải pháp thậm chí hệ thống giải pháp trên cơ sở phân tích thực trạng của từng địa phương, đơn vị nhất định. Các giải pháp được đưa ra tương đối cụ thể và có tính khả thi cao.

Các công trình nghiên cứu về lãng phí có số lượng tương đối nhiều và đưa ra những biện pháp, cách thức để loại bỏ hoặc hạn chế lãng phí. Tuy nhiên, hầu

hết các sách, báo về lãng phí mới chỉ đi vào một mặt, một lĩnh vực nào đó như nghiên cứu lãng phí và phòng ngừa lãng phí trong các doanh nghiệp, trong sản xuất kinh doanh hay nghiên cứu khắc phục lãng phí dưới góc độ cá nhân.

Số ít công trình còn lại tiếp cận lãng phí như một vấn nạn cần được giải quyết, giống với đề tài luận án đang nghiên cứu, song mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu công tác PCTN, LP nói chung. Kết quả nghiên cứu chỉ ra những khó khăn, phức tạp của công tác PCTN, LP, những hậu quả kinh tế - xã hội do tham nhũng, lãng phí gây ra, những bài học thành công hay chưa thành công của Việt Nam cũng như các nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Các công trình nêu trên cũng đưa ra những giải pháp, biện pháp khác nhau để thực hiện tốt hơn công tác PCTN, LP trong giai đoạn hiện nay, đồng thời khẳng định để những giải pháp, biện pháp đó được thực hiện hiệu quả cần có sự quyết tâm thực hiện không chỉ của riêng Đảng mà còn của cả HTCT và toàn thể nhân dân.

Lãng phí xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đầu tư công là lĩnh vực thường xuyên xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Việc quản lý các dự án đầu tư công hiệu quả là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lãng phí, thất thoát. Cuốn sách chuyên khảo Quản lý dự án đầu tư công[41] cung cấp kiến thức, kỹ năng, công cụ và kỹ thuật vào việc lập, thẩm định và quyết định về đầu tư công và quản lý đầu tư công; dự án đầu tư công và quản lý dự án đầu tư công, các bên liên quan và tổ chức văn phòng quản lý dự án; phương pháp lập, phân tích hiệu quả và thẩm định dự án đầu tư công; các hình thức, quy trình, kỹ thuật và kiểm soát thực hiện dự án đầu tư công; cách thức giám sát, đánh giá dự án đầu tư công và xử lý kết quả giám sát, đánh giá.

1.2.2. Các công trình nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng và cấp ủy đảng các cấp đối với công tác phòng, chống lãng phí và các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực khác

- Nội dung cuốn sách Đảng với cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí [63] đưa ra cái nhìn đa chiều của nhiều tác giả về tham

nhũng, lãng phí và PCTN, LP nói chung với độ dày 400 trang bao gồm 5 phần chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chống quan liêu, tham ô, lãng phí; những văn bản của Đảng chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng, lãng phí; tham nhũng, lãng phí ở nước ta đến năm 2016 – thực trạng và giải pháp phòng, chống; Một số bài viết trên báo chí về tham nhũng, đặc biệt phân tích một số vụ án tham nhũng cụ thể; thực tiễn tham nhũng và một số cách nhìn về chống tham nhũng của quốc tế. Cuốn sách được ấn hành đã góp phần vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Hướng dẫn số 160B-HD/BTGTW của Ban tuyên giáo Trung ương ngày 07/9/2015 về việc đấu tranh PCTN, LP.

- Sách tham khảo Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với PCLP ở nước ta hiện nay - Những vấn đề đặt ra và giải pháp [86] tập trung làm rõ những nội dung cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về PCLP từ năm 2006 (từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường SLĐ của Đảng đối với công tác PCTN, LP), những kết quả đạt được và những hạn chế, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp chủ yếu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với PCLP ở nước ta trong những năm tiếp theo. Tập thể tác giả công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: “công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không chỉ là những chức năng lãnh đạo của Đảng mà còn là công cụ đắc lực góp phần quan trọng, có hiệu quả nhất vào cuộc đấu tranh PCLP ở nước ta hiện nay”

[86]. Trong cuốn sách, một số kinh nghiệm và giải pháp chủ yếu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với PCLP ở nước ta trong thời gian tới cũng được trình bày cụ thể, chi tiết.

- Quan liêu cùng với tham nhũng, lãng phí là ba căn bệnh luôn đi liền với nhau. Tệ quan liêu là yếu tố phát sinh, phát triển và nuôi dưỡng lãng phí.

Ở đâu có quan liêu thì ở đó có lãng phí. Quan liêu là căn bệnh nguy hiểm và là nguy cơ lớn đối với Đảng cầm quyền. Trong cuốn sách Bệnh quan liêu

trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp [99], các tác giả - những chuyên gia về Xây dựng Đảng khẳng định:

Bệnh quan liêu là căn bệnh tồn tại trong mọi chế độ xã hội và có thế xuất hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, trong các tổ chức đảng, trong bộ máy Nhà nước, trong các tổ chức CT-XH và ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong lĩnh vực hoạt động nào bệnh quan liêu cũng đều là hiện tượng tiêu cực và nguy hiểm, gây nhiều tác hại cho xã hội, nhưng tác hại nhất là bệnh quan liêu trong công tác cán bộ. Tìm hiểu về quan liêu, tác hại của quan liêu cũng như giải pháp đề phòng, khắc phục bệnh quan liêu nói chung, bệnh quan liêu trong công tác cán bộ nói riêng là cần thiết để hiểu hơn về lãng phí và PCLP. Với kết cấu ba chương, cuốn sách nghiên cứu làm rõ nguồn gốc, bản chất và những tác hại của bệnh quan liêu trong công tác cán bộ, chỉ ra một số biểu hiện chủ yếu và nguyên nhân của bệnh quan liêu trong công tác cán bộ, đưa ra phương hướng và đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm đề phòng, khắc phục bệnh quan liêu trong công tác cán bộ. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích để tác giả luận án nghiên cứu và học tập.

- Cùng nghiên cứu về việc thực hiện phòng, chống quan liêu, xa dân nhưng tiếp cận theo chuyên ngành Hồ Chí Minh học, đề tài khoa học cấp bộ

“Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào phòng, chống căn bệnh quan liêu, xa dân, coi thường quần chúng của Đảng cầm quyền” do PGS. TS Bùi Đình Phong làm chủ nhiệm [70] đã đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và việc thực hiện phòng, chống “quan liêu, xa dân, coi thường quần chúng”- những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Nội dung chính của đề tài làm rõ một số vấn đề lý luận trong di sản Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và tập trung đánh giá thực trạng việc phòng chống bệnh quan liêu, xa dân, coi thường quần chúng qua hơn 30 năm đổi mới của Đảng cầm quyền.

Đề tài thành công trong việc nhận diện những căn bệnh quan liêu, xa dân, coi thường quần chúng và nêu ra hệ giải pháp phòng, chống bệnh quan liêu, xa

dân, coi thường quần chúng và nêu ra hệ giải pháp phòng, chống căn bệnh quan liêu, xa dân trong tình hình hiện nay. Đề tài nhận định hiện nay Đảng ta đã và đang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nói chung, phòng chống quan liêu, xa dân, coi thường quần chúng nói riêng, tuy từng bước, cách tiến hành cụ thể có những điểm khác nhưng nhìn chung vẫn xoay quanh các giải pháp: tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính khoa học của bộ máy, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể CT-XH và các tầng lớp nhân dân, vai trò của báo chí, truyền thông.

- Lãng phí và tham nhũng thường đi đôi với nhau, nhiều hành vi lãng phí thực chất là tham nhũng. Tham nhũng là vấn đề hết sức phức tạp và là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Cuốn sách Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũngxuất bản năm 2019 [87] gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII đến nay. Nhằm hệ thống hóa những chỉ đạo của Ông, các bài viết được Nxb Chính trị quốc gia sắp xếp thành hai phần: Một là, một số bài phát biểu, bài viết và trả lời phỏng vấn về công tác PCTN; hai là, phát biểu của Ông tại một số phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Với SLĐ quyết liệt của Đảng, trong những năm qua, công tác PCTN đã đạt nhiều kết quả rõ rệt, nhận được sự ủng hộ, đồng tình, phấn khởi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Cuốn sách là tài liệu hữu ích giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đảng và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác PCTN, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo hữu ích đối với tác giả luận án.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước: Thành ủy Hà Nội lãnh đạo công tác phòng, chống lãng phí giai đoạn hiện nay (Trang 22 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(208 trang)