CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Quy trình kỹ thuật
2.4.1.1. Nguyên liệu
Nguyên liệu nuôi trồng nấm sò rất đa dạng, đó là những nguyên liệu có nguồn gốc từ xác bã thực vật, phế phụ phẩm nông nghiệp như, rơm rạ, bông, mùn cưa. Tuy các loại nguyên liệu này khác nhau nhưng chúng cần đảm bảo một số tiêu chuẩn chung nhất định.
- Nguyên liệu nuôi trồng nấm sò là những loại xác bã thực vật không chứa tinh dầu.
- Nguyên liệu phải có các hàm lượng các chất dinh dưỡng đặc trưng cho các nguyên liệu đó mà nấm sò có thể sử dụng làm dinh dưỡng
- Nguyên liệu phải là những nguyên liệu sạch, không bị nhiễm bẩn, nhiễm nấm mốc và các loại nấm dại.
2.4.1.2. Những đặc điểm về khâu giống
Giống nấm sử dụng là giống cấp 2 hoặc cấp 3, được nhân nuôi trên môi trường xốp như: thóc, mùn cưa, vỏ trấu, rơm rạ, thân sắn được đựng trong các chai thủy tinh hoặc nhựa hay các túi nilon.
Cần kiểm tra tổng quát túi giống nhằm đảm bảo giống không bị nhiễm nấm mốc, nếu phát hiện nhiễm nấm dại thì cần loại bỏ túi giống đó. Giống phải có mùi thơm đặc trưng dễ chịu, nếu có mùi chua, khó chịu là nấm đã bị nhiễm nấm dại, vi khuẩn nên không được sử dụng các túi giống đó nữa. Ngoài ra, cần kiểm tra độ tuổi của giống, không nên sử dụng giống quá già hay quá non vì nó sẽ ảnh hưởng đến năng suất nấm.
Giống nấm phải được bảo quản ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và không có ánh sang trực tiếp chiếu vào. Khi vận chuyển giống nấm thì cần phải hết sức nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh làm tổn hại sợi tơ bên trong. Không được mở nút bông khi chưa có kế hoạch cấy giống vì có thể gây nhiễm nấm dại cho giống nấm.
2.4.1.3. Nhà nuôi trồng
Nhà nuôi trồng phải được dựng ở những nơi cao ráo, tránh xa các khu vực ô nhiễm như chuồng trại chăn nuôi, bãi rác, cống nước thải… Đồng thời phải đảm bảo các yếu tố môi trường như độ thoáng khí, nhiệt độ, độ ẩm… Do đó nhà nuôi trồng cần phải có hệ thống điều chỉnh các yếu tố môi trường thích hợp cho nấm sinh trưởng phát triển.
Ngoài ra, cần xử lý nhà nuôi trồng trước và sau khi trồng bằng bột lưu huỳnh hay foocmon nhằm tiêu diệt các mầm bệnh và côn trùng. Trong quá trình nuôi trồng cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho cả bên trong và xung quanh nhà nuôi trồng.
2.4.1.4. Các dụng cụ khác
- Vôi: Vôi dùng để xử lý nguyên liệu là vôi bột hoặc vôi tôi.
- Túi nilon: Dùng để đựng nguyên liệu trồng nấm, có kích thước: 22 × 32 cm.
- Bông không thấm nước: Bông phải sạch sẽ, khô ráo.
- Dây chun, dây treo, bạt che hoặc nilon…
2.4.2. Xử lý nguyên liệu 2.4.2.1. Ủ mùn
Mùn cưa sau khi được kiểm tra bằng cảm quan, nếu đạt chất lượng thì có thể tiến hành ủ mùn. Ủ mùn là trộn đều nguyên liệu với vôi nhằm giúp cân bằng pH để tiêu diệt và kìm hãm nấm dại đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân giải các chất trong nguyên liệu.
Ủ mùn có 2 cách phổ biến:
- Ủ mùn với nước vôi pha sẵn.
- Ủ mùn trực tiếp với vôi bột rồi bổ sung nước.
Dù ủ với cách nào thì cũng cần đảm bảo độ ẩm trong nguyên liệu từ 60 – 65%.
Có thể kiểm tra độ ẩm bằng máy đo chuyên dụng hoặc có thể kiểm tra bằng biện pháp
thủ công. Với biện pháp thủ công, ta lấy một nắm mùn lên và nắm chặt vừa phải, nếu thấy nước rỉ nhẹ trên khóe tay và khi thả tay ra thì khối mùn đó hơi nứt ra nhưng vẫn kết dính với nhau thì độ ẩm vừa đủ. Còn khối mùn đó rời ra thì độ ẩm chưa đạt hay nước chảy thành dòng là thừa nước.
Sau khi trộn xong, thì tiến hành che phủ bằng bạt, bằng các tấm nilon. Nếu đống ủ lớn trên 4 tấn mùn khô thì tốt nhất nên có cộc thông khí, còn đối với đống ủ nhỏ dưới 2 tấn mùn khô thì có thể không cần.
2.4.2.2. Đảo ủ
Nguyên liệu sau khi ủ tầm 3 – 5 ngày thì tiến hành đảo ủ. Đảo ủ nhằm mục đích làm chín đều nguyên liệu đồng thời giải phóng các loại khí sinh ra trong hoạt động yếm khí ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng nấm.
Đảo nguyên liệu theo nguyên tắc: Đảo từ trong ra ngoài, đảo từ trên xuống dưới.
Trong quá trình đảo ủ cần phải kiểm tra độ ẩm của cơ chất, nếu khô quá thì cần bổ sung nước vôi trong, còn nếu ướt quá cần phải phơi cho bớt nước. Sau đó tiến hành đậy đống nguyên liệu lại như ban đầu.
2.4.3. Đóng túi – Cấy giống 2.4.3.1. Phối trộn phụ gia
Mùn cưa sau khi được ủ đủ ngày thì tiến hành sàng trên lưới nhằm loại bỏ các tạp chất hay các thanh gỗ lớn, tạo sự đồng đều cho nguyên liệu. Sau đó bổ sung phụ gia đã được định sẵn vào mùn cưa. Phụ gia có thể là cám gạo, cám bắp, bột đậu xanh… và bột nhẹ thạch cao. Phụ gia được thêm vào nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho nấm sinh trưởng phát triển tốt. Tùy vào điều kiện sẵn có của từng địa phương mà có phụ gia thích hợp để bổ sung.
2.4.3.2. Đóng bịch
Khi nguyên liệu đã được bổ sung đầy đủ các loại phụ gia cần thiết thì cần được trộn đều. Sau đó cho nguyên liệu vào túi nilon PPE. Tùy vào kỹ thuật sản xuất mà mỗi trại nấm có những lựa chọn kích thước bao bì khác nhau. Một số kích cỡ bao bì thường được sử dụng là 19 × 30 cm, 22 × 32 cm hoặc 25 × 35 cm.
Nguyên liệu cho vào túi với trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/túi. Sau đó nén chặt túi nguyên liệu và buộc chặt miệng bằng dây chun.
2.4.3.3. Thanh trùng
Là quá trình xử lý để loại bỏ các nguồn nhiễm tự nhiên, có sẵn trong nguyên liệu.
Nguồn nhiễm chủ yếu là các vi sinh vật bất lợi cho nấm, nó cạnh tranh về thức ăn, biến đổi môi trường sống và có tốc độ sinh sản nhanh hơn nấm. Trong nuôi trồng nấm thông thường, biện pháp thanh trùng thường sử dụng nhiệt độ cao. Dụng cụ dùng để
hấp có thể đơn giản như thùng phuy hoặc phức tạp như các tủ đun bằng chảo.
Nguyên lý chung là sử dụng hơi nước nhiệt độ cao để làm nóng các túi nguyên liệu bên trong thùng phuy hoặc nồi hấp. Nhiệt độ bên trong có thể đạt tới 85 – 95 oC kéo dài liên tục 5 – 6 giờ đồng hồ. Khi xếp các bịch nấm trong nồi cần xếp xen kẽ giữa các lớp với nhau, tránh đè lên miệng bịch của các bịch bên dưới.
2.4.3.4. Cấy giống
Sau khi hấp xong cần đưa bịch nấm ra để nguội từ 12 – 24 giờ rồi mới tiến hành cấy giống. Tiến hành cấy giống trong phòng được vệ sinh sạch sẽ. Các dụng cụ cấy giống được khử trùng bằng cồn 90o. Khi cấy giống cần cấy gần ngọn đèn cồn nhằm giảm tỷ lệ nhiễm.
Giống nấm cần được bẻ nhỏ, nhưng tránh làm nát tơ nấm. Tiến hành rải giống xung quanh bề mặt bịch nấm. Trung bình mỗi bịch giống cấy được 30 – 35 bịch nấm.
Khi cấy xong dùng bông không thấm nước để làm nút nhằm giúp cho nấm có thể hô hấp.
2.4.4. Ươm sợi
Bịch nấm sau khi được cấy giống thì cần chuyển vào nhà nuôi ủ tơ. Xếp các bịch thành từng hàng, các bịch cách nhau 5 cm.
Trong nhà nuôi ủ tơ cần đảm bảo các điều kiện thích hợp để tơ nấm có thể sinh trưởng tốt. Nhiệt độ cao hoặc thấp hơn nhiệt độ thích hợp cho nấm sẽ làm tơ tăng trưởng chậm lại hoặc chết hẳn. Trong phòng nuôi trồng cần đảm bảo độ thông thoáng nhằm cung cấp oxy cho nấm và bớt thán khí CO2. Trong quá trình ủ tơ nấm không đòi hỏi về ánh sáng. Tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên bịch phôi vì sẽ làm tăng nhiệt độ ảnh hưởng đến sinh trưởng và cả sự phát triển của nấm về sau này.
Thời gian nuôi tơ nấm kéo dài từ 18 – 25 ngày tùy vào chiều cao của bịch nguyên liệu.
2.4.5. Chăm sóc – thu hái 2.4.5.1. Rạch bịch
Khi tơ nấm lan tới mép của đáy phôi thì đưa phôi nấm vào nhà trồng. Tiến hành rút nút bông ở miệng bịch. Sau đó dùng dao lam hoặc dao rọc giấy rạch lên thân phôi nấm. Rạch khoảng 6 – 8 đường/phôi, các đường rạch có chiều dài tầm 3 – 5 cm và sâu khoảng 1 mm.
Tùy vào kỹ thuật của từng trại nấm mà người ta có thể rạch xiên, rạch thẳng đứng hay rạch chữ V… Có những khu trại họ không sử dụng phương pháp rạch bịch mà chỉ lấy nấm ở đầu nút bông.
2.4.5.2. Chăm sóc
Công tác này bao gồm việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và không khí sao cho thích hợp nhất để cho nấm có thể hình thành quả thể.
- Độ ẩm: Trong nhà trồng cần giữ độ ẩm từ 80 – 90 % bằng cách tưới nước. Tưới nước bắt đầu từ 5 – 6 ngày sau khi rạch. Khi quan sát thấy tơ nấm đã phủ lên vết rạch thì mới tưới nước xung quanh phòng, tức là tưới lên tường, nền nhà chứ không được tưới trực tiếp lên phôi nấm. Sau khi thấy quả thể nấm bắt đầu xuất hiện thì khi đó mới tiến hành tưới phun sương trực tiếp lên phôi nấm. Sau mỗi đợt thu hái thì ngừng tưới 3 – 5 ngày rồi mới tưới lại.
- Nhiệt độ: Thực chất quá trình này được kiểm soát bởi việc tưới nước. Có thể lắp đặt hệ thống điều hòa nhằm điều chỉnh sự chênh lệch nhiệt độ nhằm kích thích nấm ra quả thể.
- Độ thông thoáng: Độ thông thoáng có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái quả thể.
Nồng độ CO2 cao sẽ khiến cho nấm có hình dạng như cái phễu, cuống nấm kéo dài và tai nấm thu hẹp và giòn dễ vỡ. Chính vì vậy cần giữ cho phòng nấm luôn được thông thoáng bằng việc thiết kế nhiều cửa sổ hay có hệ thống thông gió.
- Ánh sáng: Ngược lại với giai đoạn ươm sợi, giai đoạn này rất cần ánh sáng, tuy nhiên ánh sáng tốt nhất là ánh sáng tán xạ. Yếu tố ánh sáng cũng ảnh hưởng mạnh tới hình dạng quả thể.
2.4.5.3. Thu hái
Sau khi rạch phôi vài ngày thì nấm bắt đầu hình thành quả thể. Tùy vào từng loại giống mà có thời gian hình thành quả thể khác nhau như P. cajo – saju: 3 – 8 ngày, còn P. florida: 8 – 10 ngày... Nấm sò mọc thành từng cụm nên khi thu hái phải hái cả cụm. Cần hái nấm trước lúc nấm phát tán bào tử, như vậy thì nấm mới đạt cao nhất cả chất lượng và số lượng. Khi hái cần hái sạch gốc trên bịch nấm, làm như vậy sẽ giảm thiểu sự gây hại của dịch hại đồng thời tạo điều kiện ra nấm tốt hơn ở lần sau.
Thời gian thu hái kể từ lần đầu kéo dài khoảng 45 – 60 ngày.
2.4.6. Phòng, trừ sâu – bệnh hại
Ở nấm sò, có 2 dịch hại chủ yếu là mốc xanh và ấu trùng ruồi nhỏ.
Nấm mốc xanh đa phần là Trichoderma spp., đây là loài nấm mốc phát triển trên cơ chất có chất gỗ, làm bịch nấm thâm đen lại, ảnh hưởng đến năng suất nấm. Để hạn chế sự phát triển của loài nấm mốc này, cần khử trùng tốt nguyên liệu trồng nấm hoặc nâng pH môi trường.
Ấu trùng ruồi: Chúng chui vào các khe của phiến nấm, cắn phá làm hư hại nấm.
Tốc độ sinh sản chúng lại rất nhanh nên thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, nhà trồng nấm nên phải làm bằng lưới chắn, để chúng không lọt vào. Tuy nhiên, vấn đề chính là vệ sinh nhà trại không để ổ dịch phát sinh.
CHƯƠNG 3. KẾT QỦA NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN