Đề xuất cho việc dạy đọc hiểu

Một phần của tài liệu Tốc độ đọc của học sinh lớp một và chuẩn của chương trình Tiếng Việt (Trang 85 - 89)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.6. Một số đề xuất

3.6.2. Đề xuất cho việc dạy đọc hiểu

Để nâng cao chất lượng đọc hiểu, cần chú ý một số điểm sau:

- Cung cấp cơ hội cho học sinh tiếp xúc với văn bản hoàn toàn mới (bài đọc chưa đọc, câu hỏi chưa hỏi)

- Giảng dạy từ vựng hiệu quả hơn trong việc giúp học sinh phát triển vốn từ để hiểu ngôn ngữ.

- Tăng cường thời gian luyện tập nhận diện từ để đọc lưu loát.

- Trong tiết Tập đọc, ngoài việc luyện đọc thành tiếng cần kết hợp với việc đọc thầm để hỗ trợ cho quá trình tìm hiểu bài của các em. Các kĩ thuật đọc thầm như đọc lướt, đọc quét… cũng nên được cung cấp cho học sinh để giúp các em nâng cao kĩ năng hiểu văn bản đọc. Ngoài ra, giáo viên có thể linh động giảm thời gian luyện đọc thành tiếng và dành nhiều thời gian hơn cho đọc hiểu. Việc thay đổi thời lượng dành cho các hoạt động như trên ngoài việc tuỳ thuộc vào trình độ cụ thể của từng lớp, giáo viên cũng cần được xem xét cho phù hợp với nội dung của từng bài. Vì nếu như bài đọc có chứa nhiều từ khó phát âm thì việc cắt giảm thời lượng luyện đọc là không thật sự cần thiết.

- Thêm vào đó, đọc hiểu là một hoạt động cần có những chiến lược giảng dạy cụ thể. Sau đây, chúng tôi xin đề xuất một vài chiến lược hỗ trợ cho dạy đọc hiểu như sau:

Trước khi đọc Trước khi đọc, giáo viên có thể:

- Tạo tâm thế học tập cho học sinh thông qua các hoạt động tăng sự thích thú của các em (kể chuyện, đóng kịch hoặc trưng bày các bức tranh có liên quan tới bài đọc).

- Khai thác kinh nghiệm sống của học sinh về nội dung của bài học bằng các câu hỏi thảo luận giữa những điều các em sắp được đọc với những điều các em đã biết về nội dung hoặc bố cục của bài đọc.

Học sinh, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, có thể:

- Nảy sinh mong muốn được đọc bài.

- Nhận diện và thảo luận về các từ khó, các vế câu phức tạp cũng như các khái niệm trong bài đọc.

- Xem lại bài đọc (bằng cách xem xét thật kĩ tựa bài, tranh minh hoạ hoặc các cấu trúc câu bất thường trong bài văn…) để dự đoán về nội dung của bài.

- Suy nghĩ, bàn luận và viết chủ đề của văn bản.

Trong khi đọc Trong khi đọc, giáo viên có thể:

- Nhắc nhở học sinh các chiến lược đọc hiểu như đọc và ghi nhớ những điều mà chúng đã hiểu.

- Đặt ra các câu hỏi gợi mở nhằm hướng học sinh theo dõi và tập trung vào các ý chính quan trọng trong văn bản.

- Tập trung chú ý vào các chi tiết đòi hỏi học sinh phải suy luận.

- Yêu cầu học sinh tóm tắt các đoạn hoặc các sự kiện chính.

- Khuyến khích học sinh đối chiếu điều các em vừa đọc với các tiên đoán từ trước để xác định được tính đúng đắn trong những tiên đoán của mình.

Học sinh với sự giúp đỡ của giáo viên, có thể:

- Xác định và tóm tắt các ý chính cũng như các chi tiết làm sáng rõ nghĩa của các ý chính trên.

- Tạo nên mối liên hệ giữa các ý, các tình tiết, sự kiện trong bài đọc.

- Liên hệ thực tế bản thân với những điều đọc được.

- Tự đặt được câu hỏi liên quan đến nội dung bài đọc.

- Đưa ra những giải thích và hồi đáp về nội dung bài đọc.

- Tưởng tượng được các nhân vật, bối cảnh hoặc các sự kiện trong bài đọc.

Sau khi đọc Sau khi đọc, giáo viên có thể:

- Hướng dẫn thảo luận về bài đọc.

- Yêu cầu học sinh nhớ và kể lại những chi tiết mà các em đánh giá là quan trọng trong bài.

- Tạo cho học sinh nhiều cơ hội để hồi đáp về bài đọc bằng nhiều hình thức khác nhau như viết, sắm vai, kể chuyện, tranh luận hoặc thậm chí là diễn kịch câm tuỳ theo nội dung, thể loại bài đọc.

Học sinh với sự giúp đỡ của giáo viên có thể:

- Đánh giá và thảo luận về nội dung bài đọc.

- Áp dụng vào thực tế cuộc sống những điều rút ra từ bài học.

- Tóm tắt những điều đã đọc bằng cách kể lại các ý chính.

- Thảo luận các chủ đề được mở rộng từ nội dung của bài đọc.

Các biện pháp giảng dạy đề xuất trên đây tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các chiến lược cần thiết nhằm hiểu được nội dung văn bản vừa đọc. Tuy nhiên do dựa trên các thể loại văn bản thưởng gặp ở tiểu học là văn miêu ta và kể chuyện nên tuỳ thực tế về nội dung, thể loại bài đọc mà giáo viên có thể lựa chọn những biện pháp phù hợp hơn.

Tiểu kết chương 3

Qua cuộc khảo sát trên đối tượng là học sinh lớp Một ở một số trường thuộc thành phố Hồ Chí Minh mà tỉnh Đồng Nai, chúng tôi nhận thấy một số bất cập tồn tại trong chuẩn chương trình Tiếng Việt lớp Một. Thông qua đó, đề tài đã đưa ra một số bàn luận và đề xuất một số cách thức nhằm nâng cao chất lượng đọc của học sinh.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Tốc độ đọc của học sinh lớp một và chuẩn của chương trình Tiếng Việt (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)