Sự phát triển của cảnh quan

Một phần của tài liệu Co so canh quan hoc (Trang 83 - 88)

Chương 3: HỌC THUYẾT CẢNH QUAN

3.5. Sự phát triển của cảnh quan

3.5.1. Tính biến đổi và bền vững của cảnh quan 3.5.1.1. Tính biến đổi

Theo Begơ- người đầu tiên nghiên cứu sự phát triển của cảnh quan thì có 2 kiểu biến đổi (phát triển) của cảnh quan là: thuận nghịch và không thuân nghịch.

- Biến đổi thuận nghịch là sự biến đổi với sự trở lại trạng thái ban đầu sau lần tác động không có sự tái tạo cảnh quan về chất lượng chỉ thực hiện chức năng biến đổi trạng thái cảnh quan. Ví dụ như biến đổi theo mùa thuộc về biến đổi thuận nghịch, thực chất chúng không mang theo một cái gì mới vào trong trật tự đã xác lập của sự vật. Thuộc loại này còn có những sự biến đổi có

tính tai nạn (động đất, cháy lớn...), sau đó cảnh quan lại khôi phục gần giống trạng thái trước tai nạn.

- Biến đổi không thuận nghịch hay còn gọi là tiến bộ là sự biến đổi theo một phía, một hướng nhất định mà không quay trở lại trạng thái ban đầu. Theo L.S. Becgo thì khí hậu, các nhân tố địa chất (sự nâng lên, hạ xuống của mực nước biển), hoạt động của con người, sinh vật là các tác nhân gây ra sự biến đổi không thuận nghịch.

3.5.1.2. Tính bền vững

Tính bền vững là khả năng bảo tồn cấu trúc dưới tác động của các yếu tố.

Nó còn là khả năng trở về trạng thái ban đầu sau khi bị tác động hoặc phá huỷ.

Tính bền vững không có nghĩa là tính ổn định tuyệt đối, không biến động. Mà ngược lại, nó dao động quanh trạng thái trung bình nào đó, tức là cân bằng động. Biên độ dao động càng rộng càng ít rủi ro xảy ra của sự thay đổi không thuận nghịch trong sự tác động dị thường của các yếu tố bên ngoài.

Tính bền vững của cảnh quan mang tính tương đối và chỉ bền vững trong giới hạn xác định. Bất kỳ cảnh quan nào cũng đều có giới hạn (đều có ngưỡng).

Mức độ bền vững của địa hệ tỷ lệ với bậc của nó. Địa hệ cấp càng nhỏ tính bền vững đối với các tác động bên ngoài càng thấp:

Diện < Dạng < Cảnh quan

Tính bền vững ó ý nghĩa lớn đặc biệt khi nghiên cứu cảnh quan liên quan tới các yếu tố nhân sinh và nghiên cứu phát triển bền vững

3.5.2. Sự phát triển

* Khái quát: Mỗi cảnh quan đều có nguồn gốc phát sinh, có tuổi và lịch sử phát triển của nó. L.S. Becgơ là một trong những người đầu tiên đặt ra vấn đề về các dạng phát triển của cảnh quan. Ông phân biệt ra hai kiểu phát triển của cảnh quan là thuận nghịch và không thuận nghịch. Biến đổi theo mùa thuộc về biến đổi thuận nghịch. Ngoài ra thuộc loại thuận nghịch còn có những sự biến đổi có tính chất tai nạn như động đất, cháy rừng..

Những sự thay đổi không thuận nghịch còn gọi là tiến bộ sẽ làm biến đổi cảnh quan theo một hướng khác như sự biến đổi của khí hậu, các nhân tố địa chất, hoạt động sinh vật, con người...

Cảnh quan luôn chịu tác động của các nhân tố bên ngoài có thể làm thay đổi về thành phần, cấu trúc và tính chất cảnh quan.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự tự phát triển của cảnh quan. Sự phát triển cảnh quan là sự biến đổi tiến bộ của cảnh quan dưới tác động của các mâu thuẫn bên trong. Động lực của sự phát triển là sự giải quyết các mâu thuẫn bên trong.

* Đặc điểm:

Cảnh quan phát triển như là một hệ thống vật chất, nhưng tốc độ của các thành phần cấu tạo cũng như của các đơn vị hình thái không phù hợp nhau.

Cảnh diện có thể biến đổi nhanh chóng, nhóm cảnh diện thì chậm hơn, còn cảnh quan thì lại chậm hơn cả. Trong số các thành phần cấu tạo thì sinh vật biến động nhất, thì thổ nhưỡng biến đổi chậm hơn, còn khí hậu và địa hình thì biến đổi chậm hơn cả.

Nếu cảnh quan phát triển một cách liên tục thì trong cảnh quan hiện đại luôn tồn tại những nét thuộc về quá khứ, những nét hiện đại và những nét tiến bộ quyết định sự phát triển của nó trong tương lai, hay đó là các phần tử tàn dư, bảo thủ và tiến bộ.

Những phần tử tàn dư hay yếu tố di lưu sẽ giữ lại những nét của quá khứ, cho ta biết lịch sử phát triển của cảnh quan và cắt nghĩa đặc điểm trong cảnh quan hiện đại. Đó có thể là các dạng địa hình (địa hình băng hà), lưới thủy văn (lòng sông khô trên sa mạc), sinh vật và thổ nhưỡng.

Những phần tử bảo thủ hay những yếu tố hiện đại hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện thời và quyết định cấu trúc hiện tại của cảnh quan.

Còn các yếu tố tiến bộ, là cái mới, cái đang sinh ra trong cảnh quan chỉ rõ tính chất biến động của cảnh quan và khuynh hướng phát triển của nó (như các đảo rừng trong thảo nguyên...). Sự tích lũy dần về các phần tử cấu trúc mới trong cảnh quan sẽ dẫn đến sự biến đổi về chất, sẽ dần hình thành cảnh quan mới tại đó. Đây là cơ chế phát triển của cảnh quan.

* Các giai đoạn phát triển

Có hai giai đoạn phát triển cảnh quan:

- Giai đoạn hình thành cấu trúc: Cảnh quan hình thành vừa từ từ nhưng cũng tương đối nhanh của những đặc điểm cấu trúc cảnh quan. Sự kế thừa giữa cảnh quan cũ và mới vẫn còn được bảo tồn rõ rệt ngay sau khi có tai họa xảy ra.

Những thành phần bảo thủ nhất như nền địa chất, các dạng địa hình là yếu tố tàn dư, làm nền để phát triển cảnh quan mới. Cảnh quan có tính biến đổi nhanh (mang nét điển hình của cảnh quan trẻ) và kiến trúc còn chưa được hình thành (sinh vật quần chưa hình thành, thổ nhưỡng ở giai đoạn phát triển ban đầu, địa hình ít bị chia cắt, mạng lới thuỷ văn chưa được hoàn thiện...Ví dụ : Đảo giữa sông---> Dải bồi tụ .

- Giai đoạn ổn định cấu trúc: Các thành phần cấu tạo tương đối phù hợp với nhau, với điều kiện địa đới và phi địa đới chung. Cảnh quan có cấu trúc bền vững hơn. Giai đoạn này dài hơn, hình thành các mối tác động tương hỗ mâu thuẫn nhau của các thành phần phần cấu tạo cảnh quan trở thành nguồn lực biến đổi. Sự thay đổi cấu trúc bằng con đường tích lũy các phần tử tiến bộ phải trải qua một thời gian rất dài và không có ranh giới rõ rệt vì bước nhảy vọt về chất cần một thời gian dài nếu như không có sự can thiệp của các nhân tố bên ngoài.

Như vậy, sự tự phát triển của cảnh quan diễn ra tương đối chậm và ít biểu hiện ở dạng thuần khiết vì sự tác động chồng chất của các nhân tố bên ngoài. Những tác động này không những làm lệch sự phát triển bình thường của cảnh quan mà còn có thể đình trệ cũng như tiêu diệt. Hiện nay, sự phát triển của đại đa số cảnh quan đều có sự can thiệp của con người.

3.5.3. Tuổi cảnh quan

Còn nhiều tranh luận về tuổi cảnh quan. Trong học thuyết phát triển cảnh quan:

Tuổi cảnh quan là thời gian tính một cảnh quan mới bắt đầu hình thành là lúc cảnh quan đó có những phần tử cấu trúc mới xuất hiện, có nghĩa là những nét mới của khí hậu, thổ nhưỡng...cũng như cấu tạo hình thái.

Một cảnh quan mới xuất hiện có thể do cả nguyên nhân bên ngoài lẫn bên trong (tự phát triển), nhưng hiện nay chủ yếu thấy sự thay đổi liên quan đến yếu tố bên ngoài (băng phủ, vận động kiến tạo, sự thay đổi ranh giới biển và lục địa.

Không nên đồng nhất tuổi của cảnh quan với tuổi của nền địa chất mà trên đó cảnh quan phát triển. Tuyệt đại đa số những cảnh quan hiện đại chủ yếu ở tuổi Tân sinh trẻ hơn nền của chúng. Những cảnh quan trẻ nhất được hình thành trên các đáy biển mới nổi lên hiện thời (như đáy biển Caxpia bị khô do hạ thấp mực nước ngầm).

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 3

3.1. Phân tích vai trò của các hợp phần trong thành tạo cấu trúc đứng cảnh quan (lấy ví dụ ở Việt Nam)?

3.2. Phân tích các chức năng chính của cảnh quan?

3.3. Động lực mùa của cảnh quan? Động lực mùa của cảnh quan Việt Nam?

Một phần của tài liệu Co so canh quan hoc (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w