CHƯƠNG 5. BẢN ĐỒ CẢNH QUAN
5.3. Xây dựng bản đồ cảnh quan
5.3.1. Cách thức xây dựng bản đồ cảnh quan 5.3.1.1. Xây dựng bảng chú giải
Bảng chú giải của bản đồ cảnh quan thể hiện toàn bộ hệ thống phân loại của cảnh quan một lãnh thổ, từ bậc phân vị cao đến bậc phân vị thấp. Do đó phải xây dựng bảng chú giải trước mới xác định được đơn vị cơ sở để thể hiện trên bản đồ cảnh quan.
Hình 5.2. Bảng chú giải của bản đồ cảnh quan huyện Đại Từ
Bảng chú giải được xây dựng theo bảng ma trận. Các cột dọc ở lề bên trái biểu diễn nền tảng rắn (địa hình, loại đất). Cột ngang ở bên trên biểu diễn nền tảng nhiệt- ẩm (kiểu khí hậu, thực vật, thuỷ văn). Sự giao thoa giữa các cột dọc và hàng ngang tạo ra các ô ma trận có ghi số và tô màu đặc trưng cho đơn vị cảnh quan (các khoanh vi). Mỗi khoanh vi ký hiệu bằng chữ in hoa hoặc in thường, chữ viết hoa hoặc viết thường, nhưng thường là đánh số. Số hiệu và màu sắc trên ô ma trận của bản chú giải ghi và tô đúng theo số, màu trên bản đồ. Từ mỗi ô ma trận của bản chú giải theo chiều ngang sẽ đọc được các thông tin về địa hình, đất, đá, theo chiều dọc sẽ đọc được các thông tin về khí hậu, thủy văn, sinh vật.
b, Thành lập bản đồ cảnh quan
Bản đồ cảnh quan được thành lập trên cơ sở tổng hợp các bản đồ thành phần như bản đồ địa mạo, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ thảm thực vật, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Đơn vị cơ sở trên
bản đồ thường là thể hiện cho cấp phân vị thấp nhất của cảnh quan khu vực nghiên cứu. Tùy theo qui mô lãnh thổ, tỷ lệ nghiên cứu thì đơn vị cơ sở có sự khác nhau, có thể là loại, hay dạng, hay nhóm dạng cảnh quan. Trong đó:
- Bản đồ địa mạo, địa hình là cơ sở nền rắn và phân chia các lớp cảnh quan.
- Bản đồ sinh khí hậu được sử dụng làm cơ sở chia ra các kiểu cảnh quan.
- Bản đồ thảm thực vật là cơ sở để phân chia ra nhóm thực vật tự nhiên và nhóm thực vật nhân tác.
- Bản đồ đất kết hợp với bản đồ thảm thực vật và các bản đồ khác là cơ sở phân chia các loại cảnh quan. Khi chia đến cấp dạng cảnh quan cần kết hợp giữa bản đồ thổ nhưỡng thêm với bản đồ địa mạo căn cứ vào độ dốc.
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là cơ sở để phân ra thành các nhóm HST đặc trưng, ví dụ như rừng nguyên sinh ít bị tác động, rừng thứ sinh, rừng trồng, trảng cỏ xen nương rẫy, cây hàng năm và cây công nghiệp, lúa nước, diện tích mặt nước... Bản đồ này còn là cơ sở kiểm tra bản đồ cảnh quan với thực tế để biết được hợp lý với thực tiễn.
Trước khi chưa có sự hỗ trợ của máy tính, việc thành lập bản đồ cảnh quan dựa vào phương pháp họa đồ, chồng ghép các bản đồ thành phần bằng tay trên bàn kính hay trên giấy can theo trình tự bản đồ địa mạo, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ thảm thực vật, bản đồ thổ nhưỡng.
Hiện nay, công việc này có sự hỗ trợ của công nghệ GIS để thành lập các bản đồ chuyên đề, sau đó chồng xếp lên nhau để có bản đồ tổng hợp. Trong đó, phần mềm Mapinfo là phần mềm được sử dụng thông dụng với chức năng tổ chức các thông tin theo tập tin, theo các lớp đối tượng và liên kết các thông tin thuộc tính với các đối tượng bản đồ. Phần mềm Map sử dụng để xử lý, số hóa các bản đồ thành phần. Tiến hành chồng xếp các lớp thông tin của bản đồ thành phần để có ranh giới và khoanh vi của đơn vị cơ sở, đơn vị thấp nhất của CQ khu vực nghiên cứu.
5.3.2. Xây dựng bản đồ cảnh quan các tỷ lệ
Các loại bản đồ cảnh quan được xây dựng ở rất nhiều tỷ lệ khác nhau.
Theo những qui định của tỷ lệ bản đồ chia làm 3 loại: tỷ lệ nhỏ, tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn.
Bản đồ cảnh quan tỷ lệ nhỏ và trung bình mang tính khái quát nhằm phản ánh các qui luật chủ yếu của sự phân hóa tự nhiên trong không gian, trong thời gian và thể hiện mối quan hệ tương hỗ giữa các hợp phần trong cảnh quan. Đơn vị cơ sở trong các bản đồ cảnh quan tỷ lệ nhỏ (1\2.000.000 đến 1\1.000.0000) lấy đơn vị cơ sở là kiểu cảnh quan. Bản đồ cảnh quan tỷ lệ trung bình (1\500.000 đến 1\250.000) thường có đơn vị cơ sở là hạng cảnh quan. Vì thế, bản đồ cảnh quan này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Là cơ sở đáng tin cậy cho công tác qui hoạch chung, có tính chiến lược về phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay việc khai thác đất đai, mở rộng sản xuất và sử dụng TNTN được thực hiện trong phạm vi tương đối hẹp. Việc xây dựng qui hoạch và kế hoạch sản xuất, bảo vệ môi trường ngoài tuân theo các qui luật chung còn cần các thông tin chi tiết, cụ thệ từ các bản đồ cảnh quan tỷ lệ lớn (từ 1\100.000 đến 1\10.000). Cấp đơn vị cơ sở có thể từ loại đến dạng, diện cảnh quan.
Việc nghiên cứu, xây dựng bản đồ CQ ở tỷ lệ lớn không những có giá trị khoa học mà còn có giá trị thực tiễn cao. Bởi vì việc khai thác đất đai, sử dụng tài nguyên diễn ra trên các đơn vị CQ hạng, loại, dạng, diện nên việc nắm được đặc điểm các thành phần và mối quan hệ giữa chúng cho phép xác định các biện pháp khai thác hợp lý và phòng ngừa những bất lợi hay những tiêu cực xảy ra sau khai thác. Với việc sử dụng hợp lý, đúng đắn TNTN là tạo điều kiện cho các dạng tài nguyên phục hồi, tái tạo nhanh hơn, hạn chế tình trạng cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên không phục hồi được.
BÀI TẬP CHƯƠNG 5
5.1. Xây dựng bản đồ cảnh quan (họa đồ cảnh quan và thành lập trên Mapinfo) huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Seminar: 6 tiết (0- 0- 6)
1. Qui luật địa đới và biểu hiện của qui luật ở Việt Nam.
2. Qui luật phi địa đới và biểu hiện của qui luật ở Việt Nam.
3. Các hợp phần và yếu tố cơ bản thành tạo cảnh quan Việt Nam.
4. Những vấn đề lý luận nghiên cứu cảnh quan chung và cảnh quan nhiệt đới gió mùa Việt Nam