V. Tình hình tổ chức và nhân lực y tế tại Việt Nam
5.2. Tính sẵn có của nguồn nhân lực y tế Việt Nam
Trong vòng 10 năm qua, số lượng học sinh, sinh viên được đào tạo tại các cơ sở đào tạo y tế đã tăng lên nhiều. Trung bình hằng năm có khoảng 6.200 sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc các lĩnh vực y tế, 18.000 học sinh tốt nghiệp trung học y, dược và khoảng 3.000 học viên tốt nghiệp sau đại học. Tổng số sinh viên đại học khối ngành y tốt nghiệp đại học năm 2010 là 7.897. Với các loại hình nhân lực y tế cơ bản là bác sỹ, dược sỹ đại học và điều dưỡng, số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm đã tăng khá nhanh. Năm 2008, có 2365 sinh viên y khoa, 817 sinh viên dược đại học và 790 sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp. Năm 2010, đã có 4069 sinh viên y khoa, 1583 sinh viên dược đại học và 1710 sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp, tức là khoảng gấp đôi năm 2008. Các con số này cho thấy nguồn cung ứng nhân lực y tế đã được cải thiện đáng kể.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp cũng tăng ở các loại hình đào tạo khác như kỹ thuật viên y học, bác sỹ y học dự phòng..., nhưng số lượng tăng không nhiều.
Tổng số CBYT công tăng dần trong vòng 5 năm trở lại đây, từ 241.498 năm 2003 tăng lên 299.100 năm 2008. Số lượng CBYT tăng đều đặn ở tất cả các loại hình. Số lượng bác sĩ tăng từ 47.587 năm 2003 lên 56.208 năm 2008. Số lượng y sĩ tăng từ 48.325 năm 2003 lên 49.123 năm 2008. Số lượng dược sĩ đại học tăng từ 6.266 năm 2003 lên 10.524 năm 2008. Số lượng dược sĩ trung cấp, kỹ thuật viên trung cấp dược tăng từ 10.078 lên 12.533 năm 2008. Số lượng điều dưỡng tăng từ 48.157 năm 2003 lên 67.081 năm 2008. Số lượng hộ sinh tăng từ 16.218 năm 2003 lên đến 22.943 năm 2008. Số lượng lương y tăng từ 317 năm 2003 lên đến 882 năm 2008.
Số lượng kỹ thuật viên y học tăng từ 9.637 năm 2003 lên đến 15.682 năm 2008. Số lượng nhân viên y tế khác tăng từ 64.386 năm 2003 lên đến 15.683 năm 2008.
Nếu xét số CBYT trên 1 vạn dân, tổng số CBYT tăng từ 29,9 năm 2003 lên 34,7 năm 2008. Số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 5,9 năm 2003 lên 6,52 năm 2008. Số điều dưỡng trên vạn dân tăng từ 6,0 năm 2003 lên 7,78 năm 2008. Số dược sỹ đại học tăng từ 0,8 năm 2003 lên 1,22 năm 2008. Năm 2009 số bác sỹ/vạn dân tăng lên 6,59, số điều dưỡng/vạn dân tăng lên 8,82, số dược sỹ/vạn dân tăng lên 1,78.
Mặc dù số lượng CBYT tại Việt Nam tăng lên hằng năm nhưng sự phát triển nguồn nhân lực y tế tại Việt Nam cũng gặp một số vấn đề sau đây:
Số sinh viên theo học ngành y ra trường hiện nay là đáp ứng được với số lượng tuyển dụng hằng năm, thậm chí còn nhiều hơn số lượng tuyển dụng vào các cơ sở y tế công. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở y tế tư nhân tăng rất nhanh trong thời gian qua đã thu hút một số lượng
lớn sinh viên tốt nghiệp các trường công lập. Do vậy, số lượng bác sỹ đào tạo ra có thể không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng ở hệ thống công lập do thiếu cơ chế cạnh tranh thích hợp.
Số lượng nhân lực y tế cho lĩnh vực KCB còn thiếu so với định mức biên chế và nhu cầu thực tế. Hiện nay ngành y tế đang áp dụng chế độ làm việc theo giờ hành chính. Nếu chuyển sang chế độ làm việc theo ca, thì số CBYT ở các bệnh viện công lập sẽ cần tăng thêm khá nhiều. Cụ thể, trong khu vực KCB, hiện có 141.148 CBYT, nhu cầu cần có theo định mức biên chế là 188.182 cán bộ. Trong lĩnh vực điều trị ở cả 3 tuyến mới chỉ tính làm việc theo giờ hành chính đã cần bổ sung tới trên 47.000 CBYT, nếu làm việc theo ca thì con số đó là trên 80.000.
Tỷ số điều dưỡng và hộ sinh (gồm cả đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ học) so với số bác sỹ hiện nay là 1,6. Số này thấp so với quy hoạch của Chính phủ yêu cầu tại các cơ sở KCB có 3,5 điều dưỡng/bác sỹ. Tỷ lệ điều dưỡng trên bác sỹ thấp không phải do thiếu nguồn. Số lượng điều dưỡng được đào tạo không phải là ít, nhưng ở đây là vấn đề tuyển và sử dụng, nhất là ở tuyến trung ương.
Thiếu nhân lực cho YTDP. Theo định mức biên chế thì cán bộ cho TTYT quận/huyện rất thiếu, 90% quận/huyện còn thiếu, có đơn vị thiếu trên 30 người. Nếu ước tính mỗi quận/huyện cần thêm 5 người thì trên cả nước thiếu khoả̉ng 3.400 người cho YTDP. Nếu tính theo dự thảo Quy hoạch của Bộ Y tế thì cần bổ sung 15.979 người cho tuyến tỉnh và tuyến huyện. Trong nhân lực YTDP thì chủ yếu là thiếu bác sỹ, thiếu kỹ thuật viên YTDP.
Theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT quy định biên chế cho công tác dân số các cấp, đối chiếu với số nhân lực có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên hiện có trong cả nước, vẫn thiếu khoảng 502 cán bộ tuyến tỉnh, 2428 cán bộ cho tuyến huyệnvà trên 7471 cán bộ cho tuyến xã (chưa kể cán bộ cộng tác viên dân số ở các thôn/bản).
Thiếu nhân lực y tế cho một số chuyên khoa: Một số chuyên ngành y khoa hiện nay có sự thiếu hụt lớn về nhân lực so với các chuyên ngành khác:
o Chuyên ngành răng – hàm – mặt: Số lượng nhân lực RHM thiếu gồm bác sỹ RHM, kỹ thuật viên phục hình RHM, cán bộ nha học đường, nhất là các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
o Chuyên ngành Lao và bệnh phổi: rất thiếu, nhất là thiếu nhiều bác sỹ. Thiếu chuyên gia, cán bộ giỏi đầu ngành (kể cả cho tuyến trung ương). Ngoài việc thiếu nhân lực
cho khu vực điều trị tại bệnh viện còn rất thiếu NVYT thực hiện chương trình phòng chống lao tại cộng đồng.
o Chuyên ngành Da liễu: rất thiếu bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. So sánh với khu vực thì số NVYT chuyên ngành da liễu trên số dân ở Việt Nam thấp.
o Chuyên ngành Nhi: rất thiếu bác sỹ, thiếu điều dưỡng chuyên ngành sâu (điều dưỡng sơ sinh), thiếu nhân lực CSSK vị thành niên... để CSSK cho trên 22 triệu trẻ em.
o Chuyên ngành truyền nhiễm & HIV/AIDS: Từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh đều rất thiếu bác sỹ chuyên khoa, phải tuyển bác sỹ đa khoa làm truyền nhiễm, nhưng không đủ.
o Chuyên ngành giải phẫu bệnh học. Bệnh u bướu ngày càng gia tăng, để sàng lọc và phát hiện sớm, thực hiện chủ trương của ngành giải phẫu bệnh lý là phát triển chẩn đoán tế bào tới tận tuyến huyện, nên trong tương lai cần đào tạo nhiều cán bộ chuyên ngành này.
o Chuyên ngành Y pháp: Đội ngũ làm y pháp vừa rất thiếu vừa yếu, yếu cả về chuyên ngành y pháp và chuyên ngành giải phẫu bệnh học. Chúng ta thiếu các loại nhân viên chuyên ngành sâu: bác sỹ chuyên khoa, kỹ sư vật lý trị liệu, nhân viên hoá trị liệu, điều dưỡng, kỹ thuật viên.
o Chuyên ngành Sốt rét - Ký sinh trùng - Vi nấm - Côn trùng y học: Trong hàng chục năm qua, nhiều cơ sở chuyên khoa không tuyển được bác sỹ (kể cả tuyến trung ương, như Bộ môn Ký sinh trùng của trường đại học, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng). Ngày nay các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất phát triển trong đó đặc biệt là các bệnh do vi nấm, nhưng rất hiếm NVYT chuyên về vi nấm y học. Hiện nay thiếu hàng trăm bác sỹ làm ký sinh trùng cho các các Trường, Viện và 63 trung tâm YTDP tỉnh trong cả nước.
Bảng 4. Chỉ tiêu liên quan đến nhân lực y tế (QĐ 192/QĐ-TTg)
Tiêu chí Thực hiện 2012 Chỉ tiêu 2015 Chỉ tiêu 2020
Số bác sĩ/10.000 dân 7,34 8,0 9,0
Số dược sỹ ĐH/10.000 dân 1,96 2,0 2,2
Tỷ lệ TYT có bác sỹ 73,5 80,00 90,00
Tỷ lệ TYT có hộ sinh/y sĩ sản nhi 96,4 > 95 > 95
Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế 82,2 > 90 > 90
Nguồn: Báo cáo Bộ Y tế 2012
Bảng 5. Cơ cấu nhân lực y tế
Chức danh Số lượng Tỷ lệ
Bác sĩ (kể cả TS, PTS, thạc sĩ) 65.135 16,00
Y sĩ 54.564 13,40
Dược sĩ (kể cả TS, PTS) 17.360 4,26
Dược sĩ TH, KTV dược, dược tá 65.895 16,18
Thạc sĩ và cử nhân YTCC 1.065 0,26
Điều dưỡng ĐH 6.114 1,50
Điều dưỡng TH, SH 86.087 21,14
Hộ sinh ĐH, CĐ, TH, SH 27.992 6,88
Kỹ thuật viên y 15.711 3,86
Lương y 237 0,06
Khác 66.961 16,45
Tổng 407.148 100,00