Đánh giá định tính kết quả thực nghiệm

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực thực hành cho học sinh 11 chuyên sinh (Trang 147 - 152)

CHƯƠNG 3. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM

3.4. Kết quả thực nghiệm

3.4.4. Đánh giá định tính kết quả thực nghiệm

Quá trình trực tiếp triển khai thực nghiệm sư phạm và thường xuyên trao đổi với các giáo viên triển khai thực nghiệm, chúng tôi nhận thấy rằng các bài TH sử dụng trong quá trình TN đã giúp HS thể hiện sự sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ; chủ động lập kế hoạch nghiên cứu, chuẩn bị và sắp xếp các dụng cụ và mẫu vật TH; hợp tác nhóm để xây dựng mẫu báo cáo kết quả TH. Trong quá trình thực hiện các bài thí nghiệm TH, HS đã dần hoàn thiện và phát triển các kĩ năng TH; với các bài thí nghiệm nghiên cứu, HS biết cách thiết kế các thí nghiệm để chứng minh cho các kiến thức lý thuyết, nâng cao nhận thức về các vấn đề Sinh học và chủ động tiếp nhận các kiến thức mới. HS đã chủ động thực hiện một số thí nghiệm nghiên cứu, làm báo cáo thu hoạch và báo cáo sản phẩm trước tập thể.

Trong các báo cáo TH thu được từ các bài TH của HS đã thể hiện rõ khả năng xác định vấn đề TH, lập kế hoạch và các đề xuất cải tiến; đồng thời càng về sau thì tính hợp tác, tính chủ động và hiệu quả thực hiện các yêu cầu của các bài TH ngày càng cao.

Từ phân tích định lượng, định tính sau khi thực nghiệm sư phạm có thể khẳng định sự tiến bộ của lớp thực nghiệm thể hiện qua điểm của từng bài TN và sự ghi nhận sự biến chuyển tích cực những biểu hiện các kĩ năng TH Sinh học của HS chuyên Sinh, đã chứng minh cho giả thuyết của luận án.

Ngoài ra, chúng tôi đã gửi quy trình xây dựng hệ thống bài TH, quy trình dạy học theo định hướng hình thành phát triển NLTH Sinh học cho HS chuyên Sinh, hệ thống giáo án và bài TH thực hiện trong quá trình TN và hệ thống các bài TH nhằm đánh giá NLTH Sinh học cho 11 tổ chuyên môn của trường THPT chuyên Lào Cai, Lào Cai; chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM; chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc; chuyên Biên Hòa, Hà Nam; chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình;

chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương; chuyên Bắc Ninh; chuyên Hưng Yên, Hưng Yên; chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; chuyên Quang Trung, Bình Phước; chuyên Trần Phú, Hải Phòng để tham khảo và xin ý kiến đóng góp. Các giáo viên đều có phản hồi tích cực về hệ thống các bài TH được xây dựng theo lôgic của cấu trúc NLTH Sinh học. Các giáo viên đều cho rằng quy trình dạy học TH theo hướng hình thành và phát triển NLTH Sinh học đã được xây dựng là có giá trị đối với HS chuyên Sinh, nhất là trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi và nếu được sử dụng hợp lý trong dạy học sẽ phát triển được NLTH cho HS. Phần lớn các GV cho rằng nếu thực hiện được mức 3 trong quy trình thì sẽ đào tạo được HS trở thành những nhà Sinh học với đầy đủ các kĩ năng TH và thực nghiệm trong tương lai. Đồng thời, các giáo viên cũng đánh giá cao hệ thống các bài kiểm tra đánh giá NL cho HS.

Giáo viên Lã Thị Luyến (Trường THPT chuyên Lào Cai, Lào Cai) cho rằng, quy trình xây dựng hệ thống các bài TH có thể đáp ứng được yêu cầu của GV chuyên Sinh trong việc thiết kế chương trình và bài dạy TH cho HS chuyên nói chung, đồng thời cũng phù hợp với việc dạy chuyên của từng trường mang tính

riêng biệt

GV Nguyễn Văn Bình (Trường THPT chuyên Hưng Yên, Hưng Yên) có nhận xét: Hệ thống bài TH phần Sinh học 11 dành cho HS chuyên đã bổ sung và hoàn thiện các bài TH Sinh học, đáp ứng yêu cầu dạy học TH trong trường chuyên

GV Lê Huy Chiến (Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) cho rằng việc phân chia thành các mức độ rèn luyện các kĩ năng của NLTH Sinh học cho HS chuyên là hiệu quả và có tính thực tiễn cao. Hệ thống các bài TH tiến hành TN đã giúp học học tập môn Sinh học một cách hiệu quả, đem lại tính hứng thú cũng như yêu thích môn Sinh học.

GV Lê Thị Bích Thủy (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM) đã có một số nhận xét: Hệ thống bài TH sử dụng trong quá trình TN rất hiệu quả, không chỉ rèn luyện các kĩ năng TH của HS chuyên, tiếp cận với các kĩ năng TH theo yêu cầu của IBO mà còn kích thích được tư duy của học sinh, giúp các em nâng cao nhận thức về các vấn đề Sinh học thông qua TH và định hướng cho các em làm việc như những nhà nghiên cứu khoa học.

GV Lương Thị Liên (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) cho rằng hệ thống các bài TH được xây dựng có tính thực tiễn cao, phù hợp với chương trình dạy-học chuyên Sinh lớp 11 và hướng ra đề thi học sinh giỏi Quốc gia của Bộ GD&ĐT những năm gần đây và nếu học sinh được rèn luyện thì sẽ không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với các đề thi IBO hiện nay.

GV Lữ Văn Tập (THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) cho rằng với phương pháp dạy các bài TH được đưa ra và các nguyên tắc thiết kế bài TH đã có thể góp phần nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo, giúp hình thành NL giải quyết vấn đề và các NL khác đối với HS, bộ công cụ rèn luyện NLTH Sinh học cũng đã tích hợp được các kiến thức liên môn đối với dạy học TH nói riêng và Sinh học nói chung.

GV Trần Mộng Lai (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) có ý kiến về bộ công cụ đánh giá và cách đo NLTH Sinh học theo các tiêu chí mà luận án đưa ra đã đổi mới và tiếp cận với định hướng dạy học rèn luyện và phát triển NL HS nói chung và các NL chuyên biệt của HS chuyên Sinh; nếu xây dựng hoàn thiện được

toàn bộ hệ thống các bài TH theo quy trình và phương pháp mà luận án đã đưa ra cho chương trình chuyên Sinh sẽ rất có ý nghĩa đối với việc dạy học môn Sinh học bám sát với trình độ các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, các GV cũng phản ánh có một số bài TH vẫn khó thực hiện tốt do điều kiện về cơ sở vật chất phòng thí nghiệm của nhà trường chưa đáp ứng được đầy đủ; bên cạnh đó, các GV cũng đề cập đến những khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các bài TH, bởi chương trình chuyên lượng kiến thức nhiều và việc thực hiện theo hệ thống các bài TH tốn khá nhiều thời gian, vì vậy cần phải điều chỉnh cả chương trình học lý thuyết cho hợp lý (Giáo viên Nguyễn Mạnh Hà – Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc). GV Lương Thị Liên (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) có một số đóng góp như: một số kĩ thuật phòng thí nghiệm còn chưa quen với học sinh THPT; các bài tập TH cần bổ sung nhiều hơn để khai thác hết khả năng tư duy của học sinh.

Những thông tin phản hồi trên rất có giá trị đối với chúng tôi, trên cơ sở đó, chúng tôi đã xem xét và có những điều chỉnh để giá trị và hiệu quả sử dụng quy trình xây dựng hệ thống bài TH, quy trình dạy học phát triển NLTH Sinh học cho HS chuyên Sinh và đánh giá NLTH được tốt hơn.

Sau một năm triển khai thực nghiệm, các GV dạy thực nghiệm đều đề nghị được tiếp tục áp dụng quy trình dạy học phát triển NLTH Sinh học và cách đánh giá NLTH Sinh học cho HS chuyên Sinh mà đề tài luận án đã xây dựng vào dạy học Sinh học ở các năm tiếp theo. Điều này phần nào chứng tỏ hiệu quả và tính ứng dụng của sản phẩm luận án trong thực tiễn dạy học Sinh học ở trường chuyên hiện nay.

Tiểu kết chương 3

Phân tích các kết quả định lượng và định tính của quá trình TNSP cho thấy việc sử dụng hệ thống các bài thực hành được xây dựng và quy trình dạy học phát triển NLTH Sinh học cho HS chuyên Sinh lớp 11 trong ở trường THPT chuyên mà luận án đề xuất có tác dụng rèn luyện các kĩ năng TH và phát triển NLTH Sinh học, cũng như nâng cao hiệu quả lĩnh hội tri thức của HS chuyên thể hiện ở sự sai khác có ý nghĩa và mức độ tăng dần về điểm trung bình cộng của các bài TH và điểm kiểm tra của bài kiểm tra kiến thức qua quá trình dạy học và đánh giá ở các lớp TN.

Như vậy, qua dạy học TH vừa phát triển được NLTH vừa nâng cao NL nhận thức tri thức khoa học của HS chuyên Sinh. Bên cạnh đó, sử dụng quy trình dạy học các bài TH này trong dạy học cũng có tác dụng rèn luyện và phát triển một số các NL khác như NL hợp tác và giao tiếp, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo, NL nghiên cứu khoa học.. phù hợp với đặc điểm, tư chất của HS chuyên Sinh. Kết quả đã bước đầu khẳng định hệ thống bài TH được xây dựng và quy trình dạy học các bài TH là phù hợp và có giá trị trong đánh giá NLTH Sinh học của HS chuyên Sinh

Quá trình TN không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học TH theo hướng phát triển NL của HS chuyên mà từ các kết quả thực nghiệm thu được còn giúp chúng tôi điều chỉnh một số phương pháp, quy trình và công cụ rèn luyện các KN của NLTH Sinh học. Điều này có thể khẳng định giả thuyết khoa học của luận án đặt ra là hoàn toàn đúng đắn, khả thi và hiệu quả.

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực thực hành cho học sinh 11 chuyên sinh (Trang 147 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)