CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở lí luận
1.2.1. Các khái niệm làm cơ sở xây dựng NLTH Sinh học
- Khái niệm NL được biện giải theo nhiều cách khác nhau. Theo DeSeCo (2002), “NL là sự kết hợp trong tư duy, kiến thức, kĩ năng và thái độ có sẵn hoặc ở dạng tiềm năng có thể học hỏi được của một cá nhân hoặc tổ chức để thực hiện thành công nhiệm vụ” [1]. Năng lực chính là khả năng thực hiện hoặc hoàn thành một công việc cụ thể. Trong từ điển tiếng Anh [69], NL tương đương với các thuật ngữ “competence”, “ability”, “capability”,… Theo nghĩa của từ “Compentence” NL là “khả năng thực hiện hiệu quả một nhiệm vụ/một hành động cụ thể, liên quan đến một lĩnh vực chuyên môn nhất định dựa trên cơ sở hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và sự sẵn sàng hành động”.
- Xét về tâm lý học, “năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức”[144] (Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường , (2006)).
- Trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo 2018, NL đã được định nghĩa như sau: “NL là khả năng thực hiện thành công hoạt động trong một bối cảnh nhất định nhờ huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí” [13].
Trong phạm vi luận án này, khái niệm NL của Xavier Roegiers gần với hoạt động TH. Tác giả cho rằng, “NL là sự tích hợp các kĩ năng tác động một cách tự nhiên lên các nội dung trong một loại tình huống cho trước để giải quyết những vấn
đề do tình huống này đặt ra” (1996) [76]. Theo khái niệm này, NL là chuỗi các hoạt động và tích hợp của 3 thành tố cơ bản là: nội dung, kĩ năng và tình huống. Mỗi vấn đề Sinh học là một nội dung được đưa ra trong bài TH như một tình huống cụ thể và HS sử dụng các kĩ năng TH để giải quyết vấn đề đó, từ đó HS hình thành được NLTH Sinh học.
1.2.1.2. Khái niệm thực hành, thực hành Sinh học
Khái niệm TH là một khái niệm cơ bản thường có trong các cuốn từ điển.
Theo nghĩa tiếng Nga, thực hành (danh từ) “là một hoạt động của con người có áp dụng lí thuyết vào thực tiễn sản xuất để tích lũy kinh nghiệm”. Trong từ điển tiếng Anh, “practise” là luyện tập, TH (practise - động từ) là làm lặp đi lặp lại hoặc đều đặn một việc gì đó để nhằm nâng cao sự khéo léo của mình. Theo từ điển tiếng Việt “TH nói một cách khái quát là làm để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn” [7].
Tóm lại, theo định nghĩa trong các cuốn từ điển thì TH là một hoạt động của con người có áp dụng lí thuyết vào thực tiễn nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó để nhận thức đối tượng cụ thể. Trong dạy học, TH là hoạt động của GV giúp HS vận dụng các tri thức để thực hiện các nhiệm vụ học tập và đáp ứng các yêu cầu về nhận thức kiến thức môn học và hình thành kĩ năng cụ thể.
Trên cơ sở tâm lí học, theo nghiên cứu dạy học TH của A.N.Leonchep, “khi đưa thí nghiệm thực hành vào dạy học thì tất yếu phải chú ý đến hai cơ sở tâm lí học: một là, thí nghiệm TH đóng vai trò gì trong lĩnh hội tri thức?; hai là, nội dung thí nghiệm TH phục vụ cho đối tượng nhận thức nằm trong mối quan hệ nào?” [2].
Như vậy, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, TH là hoạt động mang tính vận dụng, thông qua đó hình thành kĩ năng khám phá đối tượng qua quan sát, phân tích, xác định phương pháp, tìm cách biện giải để xác định bản chất khách quan của đối tượng. Như vậy, “TH là hoạt động của con người tác động vào thực tiễn dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân để đáp ứng nhu cầu cần tìm hiểu đối tượng”.
Trong dạy học Sinh học, “TH là việc HS tự mình trực tiếp quan sát, tiến hành các thí nghiệm, tập triển khai các quy trình kĩ thuật chăn nuôi - trồng trọt trên
cơ sở tri thức khoa học Sinh học” [8]. Mục đích của TH là rèn luyện các thao tác thực hiện, củng cố kiến thức cũng như phát triển các kĩ năng tư duy của HS.
Qua quan sát, tiến hành thí nghiệm, HS xác định nhận thức các đối tượng, tìm hiểu mối liên hệ giữa cấu trúc và chức năng, phát hiện được các quy luật Sinh học. TH trong dạy học Sinh học được phân loại như sau:
- Theo mức độ nhận thức, TH gồm các loại: TH minh họa nhằm chứng minh kiến thức đã học, TH tìm tòi bộ phận để rèn luyện hệ thống tư duy logic, TH nghiên cứu định hướng HS khám phá khoa học.
- Theo phạm vi tiến hành: TH trong phòng TN; TH ngoài thực địa
Từ những phân tích và khái niệm TH, đồng thời căn cứ vào các đặc trưng trong dạy học TH Sinh học như đã trình bày ở trên, có thể hiểu: “TH Sinh học là những hoạt động, hành động học tập của HS trên cơ sở vận dụng những hiểu biết về kiến thức SH và phương pháp học tập bộ môn để giải quyết những nhiệm vụ học tập và những vấn đề của cuộc sống đặt ra”.
Đối với HS chuyên Sinh, TH là một hoạt động mang tính khám phá đối tượng thông qua quan sát, phân tích, xác định phương pháp, xây dựng quy trình, tìm cách biện giải để xác định bản chất khách quan đối tượng. Như vậy, hoạt động TH đặc thù của HS chuyên Sinh là hoạt động TH theo định hướng nghiên cứu.
1.2.1.3. Vai trò của TH trong dạy học Sinh học
Trong quá trình dạy học Sinh học, TH là một hoạt động chủ chốt không thể thiếu. TH là mô hình đại diện của hiện thực khách quan, là cơ sở xuất phát cho quá trình nhận thức của người học. Dạy học TH là xây dựng mối liên hệ giữa kiến thức và thực tiễn, do đó hoạt động TH là biện pháp quan trọng nhất giúp HS hình thành kĩ năng, kĩ xảo TH và khả năng nhận thức tri thức khoa học. TH là một phương pháp dạy học, cũng là biện pháp có tác dụng giáo dục HS phát triển hoàn thiện, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục một cách có hiệu quả. Trong dạy học Sinh học, TH hỗ trợ HS nhận thức cụ thể các đối tượng Sinh học là các cấu trúc, cơ chế và giúp HS tìm hiểu các quá trình, quy luật Sinh học. Phương thức tiến hành các hoạt động TH trong dạy học SH rất phong phú, đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào đặc trưng kiến
thức, điều kiện vật chất cho phép thực hiện cũng như khả năng hiện có của HS. Hình thức TH sẽ chi phối hành động, thao tác học tập của HS. Như vậy, hoạt động TH vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, phương pháp của quá trình dạy học.
Vì vậy sử dụng TH trong dạy học Sinh học không những rèn luyện cho HS kĩ năng quan sát, kĩ năng làm thí nghiệm mà còn hình thành các kĩ năng tư duy như:
phân tích, so sánh, tổng hợp, có tác dụng giúp HS nâng cao mức độ tích cực, chủ động, khả năng hoạt động độc lập từ đó HS chuyên Sinh có khả năng nghiên cứu khoa học và định hướng nghề nghiệp. Riêng đối với HS chuyên Sinh, mục đích quan trọng là định hướng HS trở thành những con người có khả năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu Sinh học trong tương lai. Vì vậy, các bài TH được tổ chức và xây dựng với các tình huống nghiên cứu theo hướng giúp HS thiết kế bài TH để quan sát, thí nghiệm, thực hiện các bài tập TH và đề tài thực nghiệm khoa học đặc trưng của môn học.