Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo pháp luật Việt Nam hiện nay từ thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai (Trang 30 - 43)

Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

2.1. Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Nguyên tắc của mỗi ngành luật là những tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và áp dụng của ngành luật đó. Pháp luật lao động là một phần của pháp luật dân sự nên pháp luật lao động cũng tuân theo những nguyên tắc của ngành luật dân sự. Bộ luật lao động quy định về nhiều chế định khác nhau, trong đó có chế định giải quyết tranh chấp lao động, mỗi chế định có những nguyên tắc khác nhau, giải quyết tranh chấp lao động cũng tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo việc giải quyết tranh chấp lao động mà tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động đều phải tuân thủ. Cụ thể:

Thứ nhất là tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất của quan hệ lao động - quan hệ được thiết lập trên cơ sở tự do thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.

Thương lượng là một biện pháp rất quan trọng – biện pháp đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 194 BLLĐ năm 2012, Điều 5 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và tiếp tục được ghi nhận tại Điều 180 BLLĐ năm 2012, Điều 5 BLTTDS năm 2015, theo đó: Toàn bộ quy trình tố tụng đều bắt nguồn từ ý chí của các bên, Toà án chỉ giải quyết TCLĐ trong phạm vi khởi kiện, có quyền tự hoà giải với nhau. Việc ghi nhận nguyên tắc này là hoàn toàn phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Khi thương lượng, người sử dụng lao động và người lao động sẽ thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về cách giải quyết xung đột một cách bình đẳng với nhau về mọi vấn đề. Kết quả của quá trình thương lượng có thể đạt được sự đồng thuận của hai bên.

Nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động giúp tạo ra khả năng hàn gắn, gìn giữ mối quan hệ lao động, tạo ra bầu không khí hòa bình trong giải quyết tranh chấp. Quá trình thương lượng diễn ra trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, các bên cùng thảo luận, quyết định vấn đề tranh chấp nên kiềm chế những xung đột và tránh được những xung đột tiếp theo. Điều đó giúp hàn gắn và phát triển quan hệ lao động. Khi thương lượng thành công, các bên có thể cùng nhau thực hiện các thỏa thuận đã đạt được mà không cần phải thực hiện các biện pháp mang tính pháp lý khác giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động hoàn toàn dựa vào sự thiện chí của các bên dẫn đến việc đạt kết quả khả quan chung thường là khó khăn.

Sau khi thương lượng thì các bên tự giác thi hành các thỏa thuận đã đạt được trong quá trình thương lượng, nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có quyền sử dụng các cơ chế khác để giải quyết tranh chấp lao động.

Hai là, coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

Cùng với nguyên tắc thương lượng, Nhà nước còn đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp bằng cách thực hiện hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật. Trong trường hợp thông qua các phương thức đó mà tranh chấp các bên không thể giải quyết được hoặc các bên không đồng ý với kết quả giải quyết thì có quyền sử dụng phương pháp tiếp theo, đó là kiện ra Tòa án. Nguyên tắc hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại khoản 2 Điều 194 BLLĐ năm 2012 và tiếp tục được quy định tại khoản 2 Điều 180 BLLĐ năm 2019, trong tố tụng dân sự được ghi nhận ở Điều 10 BLTTDS năm 2015. Theo đó, Hòa giải viên lao động, Hội đồng Trọng tài, Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các bên đương sự tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Nguyên tắc hoà giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động nhằm góp phần

củng cố và tăng cường hiểu biết pháp luật của các chủ thể giúp họ nhanh chóng giải quyết TCLĐ mà không nhất thiết phải thành lập phiên toà.

Đây là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhưng kết quả giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải, trọng tài chính là kết quả tự quyết định của hai bên tranh chấp, bởi các bên phải cùng nhau đồng ý với phương án hòa giải mới lập biên bản hòa giải thành, ngược lại nếu các bên không đồng ý thì việc giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải, trọng tài lao động sẽ không đạt kết quả. Nguyên tắc coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài không chỉ được thực hiện trước khi phát sinh vụ án tại Tòa án mà hoà giải còn là thủ tục bắt buộc mà Toà án phải thực hiện trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.

Bất kỳ thời điểm nào trong các giai đoạn tiếp theo của quá trình giải quyết TCLĐ tại Toà án, nếu có khả năng hoà giải thành thì Toà án tiến hành hoà giải. Sự thoả thuận của các đương sự nếu hoà giải thành được Toà án công nhận bằng quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Tuy nguyên tắc này tôn trọng ý chí của các bên trên cơ sở hòa giải, trọng tài nhưng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài phải trên tương thích với lợi ích chung của xã hội và không trái pháp luật.

Ba là, việc giải quyết tranh chấp lao động phải công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

Theo từ điển tiếng Việt, công khai “là việc không giữ kín, mà để cho mọi người đều có thể biết”, minh bạch là “rõ ràng, rành mạch” [25, tr.277; tr.815]. Tranh chấp lao động phải được giải quyết một cách công khai, cách thức tổ chức phải rõ ràng nhưng công khai, minh bạch không có nghĩa là bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tham gia giải quyết tranh chấp. Khách quan nghĩa là việc giải quyết tranh chấp phải trung lập, không vì lợi ích của một bên tranh chấp, mà mục đích giải quyết tranh chấp là mang lại công bằng và lợi ích của cả hai bên. Để đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết tranh chấp lao động đòi hỏi tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và đánh giá chứng cứ phải đứng ở vị trí trung lập, căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ việc để xây dựng phương án hòa giải hoặc ra các quyết định giải quyết. Ngoài ra, giải quyết tranh

chấp phải kịp thời, bởi lẽ khi các bên tranh chấp tác động tiêu cực tới người sử dụng lao động như hoạt động sản xuất kinh doanh có thế bị ngừng trệ, uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường có thể bị giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động làm tác động đến đời sống của bản thân và gia đình họ. Tranh chấp lao động còn ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường lao động. Vì vậy, tranh chấp lao động cần phải được giải quyết kịp thời, nhanh chóng để phòng ngừa và khắc phục những tác động tiêu cực nói trên, góp phần giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do tranh chấp gây ra. Khi giải quyết tranh chấp lao động nói riêng và các tranh chấp nói chung, dù bảo đảm quyền lợi của các bên nhưng vẫn phải tuân theo đúng pháp luật. Đây là yêu cầu tất yếu của công tác giải quyết tranh chấp lao động.

Đúng pháp luật là yêu cầu đối với người có thẩm quyền tiến hành giải quyết vụ tranh chấp lao động, đồng thời là mong muốn chính đáng của các bên tranh chấp, của xã hội và là yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 194 BLLĐ năm 2012, nay được ghi nhận tại khoản 4 Điều 180 BLLĐ năm 2019 và là nguyên tắc giải quyết TCLĐ nói chung cần được bảo đảm ở mọi giai đoạn, mọi quá trình giải quyết TCLĐ. Đại diện của các bên không chỉ là thông qua người đại diện do đương sự ủy để tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động mà quan trọng hơn là sự tham gia của tổ chức đại diện các bên vào quá trình giải quyết tranh chấp này (tổ chức công đoàn đại diện của người lao động tập thể lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động). Theo quy định của pháp luật, các tổ chức này có thể cử đại diện tham gia với tư cách là người thành viên của hội đồng giải quyết tranh chấp lao động (hòa giải viên lao động, thành viên của Hội đồng trọng tài lao động hay hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử), tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động với tư cách là tổ chức đại diện các bên (theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức).

Năm là, việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên

tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Tranh chấp lao động cũng là một tranh chấp dân sự mà đặc điểm chung của việc giải quyết các vụ tranh chấp có tính chất dân sự, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chỉ giải quyết tranh chấp khi các bên có đơn yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu thể hiện quyền tự định đoạt ngay ban đầu của các bên. Quy định này còn phù hợp với nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

2.1.2. Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động, nhưng việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không chỉ của hai chủ thể tranh chấp mà còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan quản lý nhà nước về lao động nói riêng, của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Điều 181 BLLĐ năm 2019 (Điều 195 BLLĐ năm 2012) quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tranh chấp lao động nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các bên tranh chấp và nâng cao năng lực của chủ thể giải quyết tranh chấp lao động nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của giải quyết tranh chấp lao động. Tổ chức đại diện người lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động; tương tự như vậy, tổ chức đại diện người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hổ trợ người sử dụng lao đồng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả của việc hướng dẫn, hỗ trợ các bên tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Hòa giải viên lao động và trọng tài viên là những chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động nhưng hai chủ thể trên cần phải được tập huấn, nâng cao

năng lực chuyên môn. Trách nhiệm tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động là của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mặc dù BLLĐ năm 2019 và BLLĐ năm 2012 đều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tranh chấp lao động, nhưng BLLĐ năm 2019 đã bỏ bớt đi một chủ thể là cá nhân. Việc bỏ bớt chủ thể là cá nhân trong điều luật này là phù hợp, bởi Điều 195 BLLĐ năm 2012 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng nội hàm của điều luật lại không đề cập đến cá nhân. Như vậy, quy định tại Điều 181 BLLĐ năm 2019 đã hoàn thiện hơn Điều 195 BLLĐ năm 2012 về mặt kỹ thuật lập pháp.

Giải quyết tranh chấp lao động được hiểu là dàn xếp để chấm dứt những bất ổn, mâu thuẫn trong quan hệ lao động mà vẫn bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các bên. Việc giải quyết này có thể do các bên tự thương lượng hay có sự can thiệp của một chủ thể khác đóng vai trò trung gian để hoà giải hay ra phán quyết về tranh chấp lao động.

Vấn đề chính của hoạt động giải quyết tranh chấp lao động là giải quyết nội dung của tranh chấp lao động, có như vậy mới bảo vệ được quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan trong tranh chấp lao động. Giải quyết tranh chấp lao động được hiểu là toàn bộ các hoạt động được tiến hành nhằm muc đích chấm dứt tranh chấp lao động, bình ổn quan hệ lao động. Các hoạt động này có thể được thực hiện theo những phương thức khác nhau như hoà giải tại Hòa giải viên lao động, giải quyết bằng Hội đồng trọng tài hay giải quyết tại Toà án.

Dù với phương thức giải quyết tranh chấp lao động nào thì cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cũng phải xác định mâu thuẫn giữa các bên trong tranh chấp lao động và giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp lao động.

Khi xảy ra tranh chấp lao động nói riêng và tranh chấp dân sự nói chung, để giải quyết đúng đắn vụ việc thì điều đầu tiên vẫn cần xác định các tình tiết khách quan của sự việc. Việc làm sáng tỏ một cách đầy đủ và toàn diện tất cả các tình tiết liên quan đến tranh chấp lao động có ý nghĩa đối với việc xác định quan hệ tranh chấp và suy cho cùng có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn tranh chấp.

Quan hệ pháp luật lao động được hình thành từ sự tự do, tự nguyện thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nên việc giải quyết tranh chấp lao động là giải quyết các quyền và nghĩa vụ mà các chủ thể đã thỏa thuận trước đó. Do đó, các bên tranh chấp là người có nghĩa vụ trình bày, chứng minh sự kiện đã diễn ra, đưa ra yêu cầu của mình và cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.

Khi các bên trong quan hệ tranh chấp lao động nghĩa là các bên đều mong muốn đòi quyền lợi cho mình. Trong từng trường hợp tranh chấp lao động, căn cứ vào diễn biến và tính chất của tranh chấp lao động, trên cơ sở yêu cầu của các bên và những phương thức giải quyết tranh chấp cụ thể mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động sẽ đưa ra kết luận về quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi tranh chấp lao động do các bên tự thương lượng giải quyết hoặc thông qua hòa giải viên lao động mà đạt được thoả thuận chung giữa hai bên, tranh chấp lao động đương nhiên sẽ chấm dứt bởi quyền lợi của các bên đã hài hòa trên cơ sở đồng thuận. Khi tranh chấp được giải quyết bởi Ban trọng tài hoặc thông qua Toà án, thì các chủ thể này sẽ là bên thứ ba đánh giá toàn bộ sự việc, căn cứ vào lỗi và yêu cầu của các bên trên cơ sở hợp đồng và pháp luật đưa ra một quyết định phân định quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân BLLĐ không chỉ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân mà còn quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động để làm cơ sở cho các bên bảo vệ quyền lợi của mình. Điều 182 BLLĐ năm 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên, theo đó, các bên có quyền và nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, có quyền trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia giải quyết tranh chấp. Người lao động có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp; người sử dụng lao động là cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp;

người sử dụng lao động là tổ chức luôn luôn tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua người đại diện. Người đại diện nhân danh người lao động hoặc

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo pháp luật Việt Nam hiện nay từ thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai (Trang 30 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)