Qua tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng sâu đậm bằng một tình huống éo le, cảm động: Tràng “nhặt” được vợ vào nạn đói khủng khiếp. Cái tài của nhà văn chính là trong tình huống ấy phẩm giá của con người được bộc lộ rõ nét nhất.
Nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm cho thấy điều đó. Trước việc con trai dẫn về nhà một người đàn bà đồng nghĩa với việc thêm một miệng ăn trong cảnh “tối sầm vì đói khát”, người mẹ già ấy đã chấp nhận người đàn bà đói, bỏ qua những việc tối cần thiết vào lúc dựng vợ gả chồng cho con. Bà có trái tim nhân hậu khi vượt qua nỗi ám ảnh của cái đói để cưu mang, đùm bọc, xót thương người “vợ nhặt” với suy nghĩ “ Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình” . Người mẹ chồng ấy nhìn con dâu với ánh mắt xót xa và ái ngại.
Bằng tình thương của mình, bà đã xua đi cái cảm giác mặc cảm của người con dâu qua câu nói “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” . Mừng lòng chứ không phải bằng lòng, bà Tứ nhân hậu là ở chữ ấy, Kim Lân sâu sắc cũng là chữ đấy.
Người mẹ nghèo khổ trong tác phẩm đã không vì cái đói, cái cực của kiếp người tha hương cầu thực mà chai sạn tâm hồn, dửng dưng, vô cảm với tình cảnh khốn cùng của người khác.
Bà nói với người con dâu mới với giọng “thân mật”, chân tình biết bao khi mời người đàn khốn khổ theo không con trai bà “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân” . Đọc đến đây người đọc hẳn thấy mình rưng rưng xúc động cũng như cảm phục tấm lòng nhân ái của người mẹ trong truyện. Đồng thời, ta cảm nhận được tình người thật ấm áp bởi trong cái đói thê thảm, những người nghèo vẫn giang rộng vòng tay, che chở, yêu thương nhau. Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện rõ ở nhân vật này là vì thế.
Bên cạnh tình yêu thương với người cùng cảnh ngộ, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có lòng yêu thương con vô bờ. Con trai có vợ vào lúc đói kém, người chết vì đói “như ngả rạ” đã tác động mạnh đến tâm lí của người mẹ. Bà cụ Tứ có những cảm xúc đan xen phức tạp, bà vui vì con có được vợ nhưng buồn, lo lắng “Biết rằng chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.” Hơn nữa, nỗi tủi của người mẹ không lo được chuyện trăm năm cho con cứ đầy lên uất nghẹn “Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…” Người đọc nhận thấy sự thay đổi của người mẹ ấy vào sáng hôm sau. Không còn khuôn mặt bủng beo u ám mà thay vào đó là nét “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường” “rạng rỡ hẳn lên”, vượt lên cả cái mệt mỏi của dáng đi “lọng khọng” là hàng động hoạt bát “xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Trong bữa ăn đầu tiên của gia đình có nàng dâu mới, bà cụ nói chuyện ngăn nhà nuôi gà với bao nhiêu là hi vọng. Người nói đến tương lai nhiều nhất trong truyện lại là bà mẹ gần đất xa trời. Phải chăng người mẹ muốn gieo vào lòng con trai, con dâu niềm tin vào sự đổi thay, vào sự sống bất diệt? Cũng trong buổi sáng hôm ấy, bà cụ nấu nồi chè khoán để đãi nàng dâu mới. Cái dáng lật đật, lễ mễ và hành động vừa khuấy khuấy vừa tươi cười đon đả mới đáng kính và xúc động làm sao. Tình cảm của người mẹ được Kim Lân diễn tả đầy đủ và tinh tế qua những từ láy đó. Phải chăng bà vội vã để níu kéo niềm hạnh phúc mong manh mà bà cảm nhận đang mất đi trước thực tại đói khổ? Có thể thấy, mọi suy nghĩ, hành động của bà
cụ Tứ đều xuất phát từ lòng thương con vô bờ. Người mẹ già ít nghĩ đến mình. Bà lo, thương, trĩu nặng, trăn trở vì con. Đức hi sinh của bà thật cao cả.
Với nhân vật người mẹ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa lòng bao dung, vị tha, đức hi sinh được thể hiện trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Bị chồng đánh dã man nhưng chị không hề trách chồng mà nhận lỗi về mình “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”. Cái lí do chị đưa ra mang trong nó bao nhiêu là bao dung bởi chị cũng như những người đàn bà khác đâu có đẻ một mình được. Điều đáng nói ở đây là người phụ nữ ấy nhận hết lỗi về mình xuất phát từ niềm cảm thương sâu sắc dành cho chồng. Còn đối với những đứa con, người đàn bà hàng chài là người mẹ yêu con đến mức có thể chịu mọi đau đớn tủi cực vì con. Chị cần một đàn ông chèo chống lúc phong ba để nuôi đàn con đông đúc lớn lên, dù có phải sống với một người chồng tàn ác, phải chịu những trận đòn đau đớn. Hạnh phúc của người mẹ ấy thật giản dị nhưng cũng rất hiếm hoi “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” . Với chị, thiên chức của người mẹ gắn liền trách nhiệm bổn phận “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi con khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Vì vậy, người đàn bà có một lựa chọn đầy cay đắng, chị xin chồng “đưa lên bờ mà đánh”. Không phải chị không biết đến quyền được giải thoát khỏi người chồng vũ phu. Ở đây chị khước từ nữ quyền để thực hiện bổn phận làm mẹ với những đứa con. Câu nói “Cá chuối đắm đuối vì con”
quả là không sai. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã phát hiện và tôn vinh cái đẹp trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận. Tình mẫu tử cao cả được đặt trong thử thách ghê gớm khiến người ta liên tưởng đến người mẹ trong tiểu thuyết Báu vật của đời của Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải thưởng Nobel năm 2012. Trong tác phẩm của nhà văn Trung Quốc, người mẹ già đi làm thuê nhưng không đủ sức nuôi người con gái mù lòa và đứa cháu ngoại nên đã ăn cắp. Bà nuốt những hạt đậu một cách vụng trộm rồi về nhà đau đớn móc ra. Những hạt đậu nuôi con, nuôi cháu có dính cả máu, dịch nhờn của dạ dày. Mạc Ngôn đã tìm cái đẹp ngay trong cái xấu, mĩ hóa cái xấu. Làm được điều đó phải là một cây bút điêu luyện và một trái tim yêu thương con người, tôn vinh con người ngay cả những giây phút cơ cực, nhọc nhằn nhất của kiếp nhân sinh. Người mẹ trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu và Mạc Ngôn làm ta nhận ra một điều:
tình yêu của người mẹ thật diệu kì như câu danh ngôn “Vũ trụ có nhiều kỳ quan nhưng tuyệt mĩ nhất chính là trái tim của người mẹ
2. Sắc sảo, hiểu đời và trải đời
Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ là người mẹ có trái tim nhân hậu mà còn là người sắc sảo, hiểu đời. Bà ngạc nhiên, “phấp phỏng” trước thái độ vồn vã, trang trọng của người con trai và còn ngạc nhiên hơn khi trong nhà mình có một người đàn bà, lại chào bà “U đã về ạ”. Bao suy đoán làm cho bà mẹ cứ phân vân, băn khoăn, điều bà
không bao giờ dám nghĩ tới - con trai bà có vợ, lại đến vào lúc bà không ngờ nhất. Do vậy, bà cụ Tứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuy nhiên, chỉ nghe mấy câu nói của người con trai “Nhà tôi mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả…” , bà mẹ ấy “cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu biết bao cơ sự”. Cái cúi đầu nín lặng của bà cụ Tứ hàm chứa tất cả những éo le mà bà đã đoán ra. Bà không hỏi con trai về điều Tràng đang tránh nói, không dám kể và người phụ nữ lạ kia đang bẽ bàng, tủi hổ. Bằng sự từng trải, người mẹ đã không tra xét mà bà nhìn, nghe và thấu thị những uẩn khúc trong câu chuyện “nhặt” vợ để con trai đỡ căng thẳng và người đàn bà theo con trai mình không bị tổn thương. Cách ứng xử của bà cụ Tứ vừa thông minh, vừa nhân ái vô cùng.
Người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là nhân vật khá đặc trưng, tiêu biểu cho những khám phá về con người của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Một kiểu nhân vật đa diện mà ta khó có thể đánh giá kết luận bằng một mệnh đề đơn giản. Bề ngoài chị là một người thất học, lạc hậu nhưng thực ra ở nhân vật này có sự trải đời, thấu hiểu lẽ đời. Nếu như Đẩu và Phùng cho rằng người đàn ông đáng bị lên án vì hành động thô bạo của anh ta thì người đàn bà hàng chài lại có những lí lẽ riêng để thấy rằng người chồng của mình đáng được cảm thông. Chị không bỏ người chồng dữ tợn của mình vì nhận thấy những biến đổi trong tính cách của anh ta có căn nguyên từ cuộc sống đói nghèo.
Anh phải lao động vất vả ở trên một con thuyền chật mà con lại đông, nheo nhếch, khổ sở.
Trong cảnh túng quẫn, bức bối, bi phẫn người chồng thay đổi tâm tính từ người cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh đập vợ trở thành người chồng vũ phu. Sự thâm trầm trong việc thấu trải lẽ đời của người đàn bà làm cho Đẩu và Phùng có thêm những vỡ lẽ về con người, cuộc đời và nghệ thuật. Vấn đề được Nguyễn Minh Châu gợi ra ở đây là con người cần có cái nhìn đa diện và thấu đáo về cuộc đời.
Bà Hiền trong sáng tác Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải là một người mẹ trí tuệ và đầy bản lĩnh - bản lĩnh mang cốt cách văn hóa. Lúc còn là thiếu nữ, cô Hiền đã chọn bạn đời theo một tiêu chí riêng về mái ấm gia đình khiến cả “Hà Nội phải kinh ngạc”. Trở thành mẹ, người phụ nữ ấy chú ý dạy con biết tự trọng trong tư cách của người Hà Nội có văn hóa.
Giữa những biến động của thời cuộc, bà Hiền không a dua theo thời, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ” . Tuy có bộ mặt rất tư sản, lối sống rất tư sản nhưng bà Hiền không phải đi học tập cải tạo bởi bà đã khôn khéo bán ngôi nhà ở Hàng Bún, ngăn không cho chồng mua máy in để kinh doanh. Người phụ nữ thanh lịch ấy chọn nghề làm hoa giấy vì “rất đủ ăn, lại nhàn”. Những việc làm đó cho thấy sự thích ứng của con người mang bản lĩnh văn hóa trước những biến động lớn của xã hội. Khép lại tác
phẩm là câu chuyện về cây si cổ thụ của bà Hiền khiến người cháu trầm trồ ngưỡng mộ “Bà vẫn giỏi quá, khiêm tốn và rộng lượng quá”. Trước sự băng hoại, xuống cấp của văn hóa Hà Nội do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bà vẫn thể hiện niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa đất kinh kì. Sự sắc sảo ấy của bà có cội nguồn của sự từng trải. Qua Một người Hà Nội, Nguyễn Khải muốn gửi gắm khám phá của ông về bản sắc văn hóa Hà Nội, cái quyết định vận mệnh và vị thế của Hà Nội trong lịch sử, cũng là nền tảng cho bước phát triển của nó trong tương lai.