Kiểu con người anh hùng

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN (Trang 277 - 282)

B. Gương mặt đất nước trong thơ văn kháng chiến

II. Thanh Thảo và Đàn Ghi ta của Lorca

2. Quan niệm con người sử thi

2.1. Kiểu con người anh hùng

Cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt đã đặt mỗi người Việt Nam bình thường ở vào tình huống không thể không trở thành anh hùng - “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt – Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Đồng thời, mỗi con người, một cách tự nhiên đều cảm thấy hết sức gắn bó với cộng đồng và có ý thức nhân danh cộng đồng mà suy nghĩ và hành động.

Tổ quốc còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ, ngục tù? Câu hỏi ấy khiến mỗi người Việt Nam chân chính tự nguyện dẹp đi tất cả mọi lợi ích cá nhân, cá thể, hy sinh tất cả, kể cả tính mệnh của mình:

Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…

(Chế Lan Viên)

Ra đời và phát triển trong không khí lịch sử đó, văn học giai đoạn 1945 – 1975 là văn học của những sự kiện lịch sử, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm của nó là những con người đại diện cho giai cấp dân tộc, thời đại và kết tinh một cách chói lọi những phẩm chất cai quý của cộng đồng.

Tố Hữu nhìn chị Trần Thị Lý không phải là một cá nhân mà là một con người của dân tộc và nhân loại, với “trái tím vĩ đại không phải “đập cho em” mà cho “lẽ phải trên đời, cho quê hương em, cho Tổ quốc, loài người”. Nhà thơ không gọi nhân vật của mình là Trần Thị Lý mà là “Người con gái Việt Nam”. Những mẹ Tơm, mẹ Suốt, bà bầm, bà bủ trong thơ Tố Hữu đều là những bà mẹ Việt Nam anh hùng, trung hậu, bất khuất, đảm đang. Những em bé liên lạc như Lượm “Vụt qua mặt trận – Đạn bay vèo vèo – Thư đề thượng khẩn – Sợ chi hiểm nghèo”, như em Hòa: “Tuổi mười bốn những ước ao – Buổi đầu cầm súng biết bao là mừng – Mẹ ơi

súng đẹp quá chừng – Con đi đánh giặc mẹ đừng lo chi” cũng là những anh hùng thiếu niên, như nhà thơ đã khẳng định:

“Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng

Đến em thơ cũng hóa những anh hùng Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”.

(Ê-mi-ly, con)

Đặc biệt là các anh chiến sĩ, người lính trong thơ Tố Hữu:

“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên Chiến sĩ anh hùng

Đầu nung lửa đạn

Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non

Gan không lún Chí không mòn”

(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)

Trong quan niệm về con người sử thi, cái cá nhân, cái riêng tư cơ hồ mất vị trí trong cảm quan thẩm mỹ - cái thời mà Chế Lan Viên gọi là “Những năm toàn đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt”, nhà thơ cũng nhìn Tổ quốc mình không phải bằng con mắt cá nhân mà bằng con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa”, nghĩa là con mắt của lịch sử dân tộc. Lê Anh Xuân thì hình dung anh giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất như một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên cái nền bát ngát của không gian Tổ quốc và thời gian những thế kỷ. Người chiến sĩ ấy là ai? Không cần biết. Anh không để lại tên tuổi địa chỉ gì hết. Vì anh là biểu tượng của giải phóng quân, hơn nữa là “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” để cho “Tổ Quốc bay lên bát ngát màu xanh” (Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân). Những anh Núp của Nguyên Ngọc, chị Út Tịch của Nguyễn Thi, ông Tám Xẻo Đước của Anh Đức, bà mẹ đào hầm của Dương Hương Ly… đâu phải chỉ là những cá nhân. Đó là Đất nước đứng lên, là những Người mẹ cầm súng, là Cô gái mở đường, là sự vùng dậy của Đất, là sức mạnh vô tận của Đất quê ta mênh mông

Các nhà lý luận thường nói đến khoảng cách sử thi giữa nhà văn và nhân vật anh hùng.

Do khoảng cách ấy, giọng văn sử thi thường trang nghiêm và thiên về ngợi ca với thái độ chiêm ngưỡng đầy cảm phục và hình ảnh sử thi thì thiên về vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng. Những hình ảnh như “Áo bào thay chiếu anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến – Quang Dũng), hình ảnh “lửa cháy khắp rừng, cả rừng Xô Man ào ào rung động” (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành), ... đều là những hình ảnh mang đậm màu sắc sử thi. Hình ảnh những chàng trai rời thủ đô lên chiến khu Việt Bắc được Chính Hữu miêu tả trong Ngày về thật lớn lao, đẹp đẽ:

Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.

(Chính Hữu)

“Chào anh du kích đất Cam Đẹp như pho tượng Đam San thuở nào

Ngực anh đỏ tựa đồng thau

Vui tình đồng chí, trắng phau răng cười AK nòng thép xanh ngời

Hôn anh một cái hỡi người bạn thân.

(Tố Hữu)

Kiểu con người anh hùng trở thành hình tượng chính trong quan niệm con người sử thi

Xô Man trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là hình hình tượng tiêu biểu. Hình tượng người lính Tây Tiến đã được xây dựng với những phẩm chất của người anh hùng thời đại chống Pháp: vượt lên mọi khó khăn gian khổ của những chặng đường hành quân với đủ mưa rừng, sương núi, thác gầm, cọp dữ, với những thiếu thốn, bệnh tật hoành hành. Tất cả đều hướng về chiến trường, với ý nguyện: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, chấp nhận những hi sinh mất mát, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thuở trước. Hình tượng tập thể anh hùng được xây dựng tròn Rừng xà nu lại là hình tượng tiêu biểu của con người sử thi thời đại chống Mĩ cứu nước. Đó là những thế hệ già trẻ nối tiếp nhau, người trước ngã xuống, người sau tiếp tục đứng lên chống Mĩ bảo vệ buôn làng. Từ cụ Mết, đến anh Xút, bà Nhan, đến Tnú, Mai, Dít, đến bé Heng, ... tất cả đã tạo nên một dòng suối cách mạng không ngừng. Thế hệ sau cứng cáp, bản lĩnh và đi xa hơn thế hệ trước. Lời đúc kết cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” là chân lí cách mạng của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên và của cả dân tộc ta thời chống Mĩ.

Những truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975 đã phản ánh rất rõ hình tượng con người sử thi. Với quan niệm con người mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng, của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, ở thời kì trước 1975, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nên những hình mẫu nhân vật mang đậm cảm quan nghệ thuật của nhà văn. Con người trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu trước hết là con người có lí tưởng sống cao đẹp, ý thức được tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Cô giáo Thùy trong Cửa sông (1966) đã “dành một phần nhỏ thì giờ biên thư cho các học sinh của mình hiện đang ở các đơn vị bộ đội” vì đã tự coi mình như “một người con gái ở hậu phương có nhiệm vụ đem đến cho họ những lời động viên, có nhiệm vụ săn sóc các chiến sĩ ngoài mặt trận”. Thùy luôn cố gắng “tìm cách không tách mình ra khỏi cái guồng máy sinh hoạt chung của nhân dân đang hối hả chuyển sang thời chiến” bởi như thế là ích kỉ, là coi trọng hạnh phúc cá nhân. Những người lính trong Dấu chân người lính (1972) đều xác định được trách nhiệm cao cả của thế hệ mình trước tiếng gọi thiêng liêng của non sông. Khuê, chiến sĩ cần vụ của chính ủy trung đoàn 5, rất quen thuộc, gắn bó với những khu rừng ngày đêm dội vang những trận bom, những cuộc chuyển quân trong tầm súng của địch. Khung cảnh bề bộn, dựng lửa của chiến trường “trước đây vài tháng, khi anh còn mài gót giày trên những chặng đường đi dài dằng dặc của núi Trường Sơn, anh như đã trông thấy, hình như nó đang vẫy gọi, đang giục giã anh và đồng đội của anh bằng tất cả sức mạnh quyến rũ không thể nào lường được”.

Các nhân vật của Nguyễn Minh Châu thường được đặt trong những hoàn cảnh thử thách ngặt nghèo, trước những tình huống phải lựa chọn giữa sống và chết để “càng làm kiên định ý chí cách mạng và bộc lộ sáng chói chủ nghĩa anh hùng” (Nguyễn Văn Long). Nguyệt, cô gái đi nhờ xe trong Mảnh trăng cuối rừng (1970), đã để cả quần áo “nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bờ giúp tôi cột dây tời vào một gốc cây”, đã nấp ở mé ngoài để che chở cho Lãm vì “Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!”, đã bình tĩnh, rành rọt chỉ đường cho Lãm và khi bị thương vẫn tươi tỉnh, xinh đẹp. Nhận được lệnh xuất kích, từ chính ủy Kinh đến

những người lính thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 5 (Dấu chân người lính) đều náo nức xen lẫn hồi hộp. Họ mang súng và một số cơ đạn, dây lưng to thắt rất chặt, mặt nghiêm trang, chuyện trò ít đi, ai nấy đều nghĩ đến cuộc chiến đấu mở màn sắp tới với quyết tâm “làm sao cho đơn vị mình đánh thắng trận đầu, nhất thiết phải đánh thắng giòn giã trận đầu”.

Là con người của chủ nghĩa anh hùng, của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trước 1975 đã kết tinh được phẩm chất của con người Việt Nam, tiêu biểu cho vẻ đẹp cộng đồng. Trong tiểu thuyết Cửa sông, người đọc cảm phục Bân có tình đồng chí gắn bó, keo sơn - anh thầm hứa với lòng mình, nhất định sẽ trả thù cho Ái, sẽ sống xứng đáng với sự hi sinh của Ái; thương mến sự lạc quan, vui tươi của Tốt - cô hát nhiều, cười nhiều trước hôm đi dân công mở đường đợt sáu tháng tận miền tây khu Bốn. Chính Thùy cũng đã từng nghĩ: “mỗi tấc đất làng Kiều, mỗi con người quen biết mà mình từng chung sống, từng dạy dỗ con cái họ đều có một cuộc đời gắn liền với lịch sử đất nước đầy thử thách, mỗi người đều mang trong lòng bao điều tốt đẹp mà mình có thể học hỏi, có thể khám phá suốt đời”. Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng), như mọi cô gái Việt Nam khác, có một tình yêu thủy chung, một niềm tin mãnh liệt. Sống giữa sự tàn phá của chiến tranh, bao năm cô vẫn chờ đợi người con trai chưa hề gặp mặt, chưa hứa hẹn một điều gì, bởi vì trong lòng cô “cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh, qua thời gian và bom đạn vẫn không phai nhạt, không hề đứt”. Chỉ là câu nói đùa nhưng người đọc thấy được cách Nguyệt hành xử rất phù hợp với truyền thống đạo lí của dân tộc, sống có trước có sau, trọn vẹn nghĩa tình: “Anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư”.

Trong giai đoạn văn học này, khuynh hướng sử thi không chỉ thể hiện ở những thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, truyện ký hay những bản trường ca. Nó chi phối đến cả những bài thơ trữ tình ngắn, thậm chí nhiều bài thơ tứ tuyệt:

Chống gậy lên non xem trận địa Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

(Hồ Chí Minh) O du kích nhỏ giương cao súng

Thắng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu Ra thế! To gan hơn béo bụng

Anh hùng đâu cứ phải mày râu.

(Tố Hữu)

Nói như thế không có nghĩa là văn học giai đoạn 1945 – 1975 hoàn toàn không có giọng văn nào khác. Đôi lúc cũng thấy có xen vào một vài giọng điệu khác như giọng đùa cợt, suồng sã hay châm biếm mỉa mai… Nhưng những giọng điệu ấy nếu không ném vào những nhân vật phản diện thì không bao giờ chiếm ưu thế và bị phê bình uốn nắn…

Một phần của tài liệu NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NGỮ VĂN (Trang 277 - 282)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(467 trang)