CHƯƠNG 3: YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN
3.1.2. Nhại truyền thuyết và nhại cổ tích
Nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc trong bài viết “Bậc hiền triết – Con chó xồm”
hay kĩ thuật nhại của Nguyễn Huy Thiệpđã dẫn khái niệm nhại như sau:
“Nhại (parody) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp paroidia, có nghĩa là một bài hát được hát cùng bài hát khác. Trong văn học, nhại là hình thức phê bình châm biếm hoặc là hình thức chế giễu khôi hài bằng cách bắt chước phong cách (style) và bút pháp (manner) của một nhà văn hoặc một nhóm nhà văn riêng biệt để nhấn mạnh đến sự non yếu của nhà văn ấy, hoặc những quy ước bị lạm dụng của trường phái ấy” [50, tr.316].
Theo Đặng Anh Đào, nhại “không có nghĩa chỉ là bắt chước mà còn có nghĩa là giễu cợt, không nghiêm túc, bởi thế nó mang bản chất dân dã và dân chủ” [16, tr.158].
Trong văn học nói chung, đặc biệt là trong văn học hiện đại và hậu hiện đại, chúng ta có thể bắt gặp nhiều tác phẩm chứa đựng những yếu tố nhại. Phổ biến là những kiểu nhại các thể loại truyền thống: nhại cổ tích, nhại truyền thuyết, nhại lịch sử, giả sử hay nhại liêu trai. Với những tác phẩm văn học có yếu tố nhại những hình tượng nhân vật, cốt truyện truyền thuyết, thần thoại, cổ tích vốn đã tồn tại ổn định,
ăn sâu trong tiềm thức cộng đồng, giờ đây được các nhà văn mượn lại nhưng sáng tạo cho khác đi nhằm gây ra một sự đảo lộn nào đó trong logic tư duy của người tiếp nhận… những kiểu sáng tác này đã góp phần tạo ra sự mới lạ cho văn học. Với tư cách “là tia khúc xạ của một thực trạng: sự tan vỡ của một ảo ảnh, thần tượng”
[16, tr.158], nhại đã giúp nhà văn không những làm cho hình thức nghệ thuật trở nên đa dạng, lung linh hơn, mà còn bộc lộ được một khía cạnh tư tưởng. Đó là những cố gắng để chống lại việc mãi đi theo lối tư duy cũ mòn, đóng khung trong những khuôn mẫu quen thuộc, sẵn có nhằm giúp người đọc tỉnh táo hơn trong việc đánh giá và nhìn nhận lại các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.
3.1.2.1. Nhại cổ tích
Các truyện ngắn sáng tác theo lối nhại cổ tích nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp có thể kể đến là 10 câu chuyện nhỏ trong Những ngọn gió Hua Tát và Trương Chi. Có thể thấy trong hầu hết các tác phẩm nhại cổ tích này tác giả sử dụng lại những mẫu hình nhân vật quen thuộc của cổ tích thần kì như: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật có khả năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch… Yếu tố hoang đường đậm đặc đã khiến người đọc không khỏi hình dung về không khí cổ tích thần kì và tin rằng tác giả đang kể truyện cổ tích thần kì. Song điều đáng chú ý là tác giả lại luôn đem đến những kết thúc không giống như phần lớn kết thúc của các truyện cổ tích ấy để từ đó yếu tố nhại được bộc lộ. Trong chùm 10 câu chuyện nhỏ ở thung lũng Hua Tát thì đã có tới 7 câu chuyện kết thúc bằng bi kịch. Tương tự như vậy, chàng Trương Chi trong truyện ngắn cùng tên đã không bao giờ nhận được giọt nước mắt nào của Mị Nương cả bởi nàng ấy “sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc” [25, tr.347]. Đây là những điều vốn ít gặp trong các truyện cổ tích thần kì bởi nói tới cổ tích thần kì là nói tới một cuộc sống mà ở đó người hiền sẽ luôn gặp lành, người bất hạnh sẽ luôn được hưởng hạnh phúc…
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn thiếu vắng những kết thúc có hậu và viên mãn, điều mà đã trở thành một đặc trưng của cổ tích thần kì. Đo đó truyện ngắn của ông đã như là một phản đề đánh mạnh vào nhận thức của người tiếp nhận khiến họ nhận ra cuộc sống như trong cổ tích thần kì không còn nữa thậm chí chưa
bao giờ có cuộc sống như cổ tích thần kì trên thế giới này. Nó mãi chỉ là mơ ước, là khát vọng muôn đời của con người khi họ vẫn phải sống trong quá nhiều khổ đau và bất hạnh mà thôi. Để nhận thức rõ hơn rằng cuộc sống vốn dĩ nhiều phũ phàng là một thực tế không thể chối cãi. Và phải chăng qua những truyện ngắn nhại cổ tích của mình Nguyễn Huy Thiệp đã tha thiết muốn cảnh tỉnh con người hôm nay một điều rằng: cổ tích thần kì mãi chỉ là giấc mơ và cố gắng biến cuộc đời thành cổ tích thần kì là điều hoàn toàn không tưởng?
3.1.2.2. Nhại truyền thuyết
Đã một thời các nhà viết sử lên án gay gắt Nguyễn Huy Thiệp vì việc ông đã làm cho “diện mạo lịch sử méo mó đi” hoặc thậm chí là “xúc phạm đến danh dự của dân tộc mình” [66, tr.177]. Song đó thực ra đó là một sự nhầm lẫn. Nếu đặt toàn bộ những truyện đáng chú ý như: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút thoáng Xuân Hương trong một hệ thống thì sẽ thấy lịch sử không phải là đối tượng mà Nguyễn Huy Thiệp hướng đến. Cái ông quan tâm đó là quan niệm, là thái độ của dân gian đối với các nhân vật lịch sử mà họ ngưỡng mộ được thể hiện qua những truyền thuyết dân gian, điều này hoàn toàn không thuộc về lĩnh vực của bộ môn sử học với trách nhiệm của người chép sử.
Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vẫn đầy đủ chất liệu của truyền thuyết, nhưng lại bị tước bỏ cái nhìn hoặc thái độ sùng kính khi viết về các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Màn sương hư ảo bởi kết quả của sự cường điệu theo quy luật tâm lí cộng đồng trước những con người dự phần không nhỏ trong những biến cố của thời đại ấy đã không còn nữa chỉ còn lại những sự thật, trần trụi sự thật. Sự thật là Nguyễn Ánh chẳng phải thần thánh gì, con người ấy mưu mô, chước quỷ và gặp thời. Thanh kiếm sắc giúp Ánh làm nên sự nghiệp là biểu tượng của sự tàn nhẫn, vô tình. Tính chất nhại truyền thuyết trong truyện ngắn Kiếm sắc nằm ở chỗ Nguyễn Huy Thiệp đã quan tâm đến bi kịch của người anh hùng trong vinh quang của đấng quân vương bởi đằng sau những chiến công của những người đang được biết đến có thể là sự chôn vùi tên tuổi của những người đáng được ghi công. Tương tự như vậy với nhại truyền thuyết, hai truyện ngắn Vàng lửa và Phẩm tiết đã giúp
nhà văn chạm vào những khía cạnh đời tư của những người như Quang Trung và Nguyễn Ánh hay Nguyễn Du. Từ đó khẳng định rằng dẫu những con người ấy có phi thường đến mấy thì họ trước hết vẫn là những con người bình thường với đủ cả buồn vui, sướng khổ, cô đơn, tình yêu và cả những sai lầm. Họ không phải là thánh như những cái mác mà họ đã được mang suốt bao thế kỉ. Còn Nguyễn Thị Lộ trong truyền thuyết dân gian là con rắn trắng thành tinh xuất hiện để gây ra bi kịch thảm khốc cho Nguyễn Trãi. Nhưng Nguyễn Thị Lộ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không được nhìn nhận trong cái nhìn thành kiến ấy. Bi kịch của Nguyễn Trãi lớn hơn trong nỗi cô đơn của một con người sống nhầm thời đại. Đổ lỗi bi kịch của Nguyễn Trãi cho Nguyễn Thị Lộ phải chăng là không công bằng? Bởi chính nàng là người Nguyễn Trãi chọn là nơi gửi gắm tâm hồn trước bao giông bão đời mình.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã đi vào sử sách gắn với hình ảnh người anh hùng Đề Thám. Truyền thuyết về hùm xám của núi rừng Yên Thế trong nỗi kinh hoàng của giặc Pháp là điều không thiếu. Nhưng trách nhiệm, những do dự và cả sự nhu nhược trong người anh hùng ấy là điều Nguyễn Huy Thiệp muốn người đọc quan tâm khi đọc Mưa Nhã Nam. Cũng như Hồ Xuân Hương trong truyện ngắn Chút thoáng Xuân Hương của Nguyễn Huy Thiệp không phải là người đàn bà sắc sảo đến đáo để, thậm chí chanh chua với cá tính mạnh mẽ như những truyền thuyết về bà mà là người phụ nữ đằm thắm, hiểu lẽ đời và rất đỗi dịu dàng.
Đưa ra những cách lí giải trái ngược truyền thuyết Nguyễn Huy Thiệp thể hiện cái nhìn của con người hiện đại về những nhân vật đã trở thành huyền thoại. Cùng với thời gian những khung giá trị sẽ thay đổi, cho nên cái nhìn một chiều, lối tư duy cũ mòn, đơn giản sẽ không còn thích hợp. Nhại truyền thuyết trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp vì thế là sự lộn trái truyền thuyết, là sự hoài nghi trước những tín điều đã được nhiều người thừa nhận.