Đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí

Một phần của tài liệu YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC (Trang 98 - 101)

CHƯƠNG 3: YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN

3.1.3. Đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí

Trong những truyện ngắn như Không có vua, Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường, Những người thợ xẻ… mặc dù là những chuyện viết về cuộc sống đời thường, hoàn toàn không có sự tham gia của những chi tiết hoang đường, siêu

nhiên nhưng không khí ngột ngạt mang màu sắc quái dị vẫn bao trùm các tác phẩm.

Điều này là do Nguyễn Huy Thiệp đã cố tình đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí.

Đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí là một thủ pháp thường thấy từ lâu của các nhà văn kì ảo hiện đại trên thế giới mà F. Kafka được xem là một trong những đại biểu xuất sắc nhất với những tác phẩm như Vụ án, Lâu đài... Ở những tác phẩm đó hiện thực được mô tả như một hiện thực khác, chúng dường như rất giống mà cũng không giống với cái thường ngày. Theo cách nói của nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu khi nghiên cứu tác phẩm của Kafka thì đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí là cách nhà văn làm biến dạng đi những chất liệu hiện thực, “tổ chức lại theo kiểu cách riêng, khác hẳn với kiểu cách vốn có của đời sống hiện thực” [41, tr.10].

Ở Nguyễn Huy Thiệp thủ pháp này cũng đã đem đến một mảng truyện ngắn riêng biệt mà nhìn sơ qua sẽ không nhận ra đó là những tác phẩm có tồn tại yếu tố kì ảo; bởi ở mảng này thế giới kì ảo mà nhà văn tạo ra không có thần linh, ma quỷ, phép màu… mà hiện lên chỉ là một cuộc sống hiện thực với những con người đương đại đang vật lộn trong cuộc tồn sinh lắm nhọc nhằn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những sự kiện, chi tiết, không gian, thời gian, nhân vật bước ra từ đời sống hiện thực ấy lại luôn bị làm “biến dạng” đi cho nên cái bình thường đã trở thành cái siêu thực, phi thường. Cuộc sống trong gia đình của một ông tướng về hưu trong Tướng về hưu ngỡ như bình thường lại chất chứa bao điều phi lí: Bao nhiêu năm phiêu bạt ông không cô đơn giữa bao nhiêu người xa lạ nhưng đến khi trở về sống bên những người thân yêu, ruột thịt ông lại phải kêu lên “Sao tôi cứ như lạc loài”. Người con dâu làm việc ở bệnh viện phụ sản, nơi đón đỡ những sinh linh bé nhỏ vào cuộc đời lại đem thai nhi bị bỏ về xay nấu cháo nuôi chó kinh doanh. Anh chồng khi biết vợ ngoại tình chỉ biết im lặng rồi chạy ra công viên ngồi như một kẻ

du thủ du thực”… Ở Không có vua, các nhân vật nam trong truyện hiện lên đầy đủ qua những vênh lệch về vai xã hội và hành động thực tế: Lão Kiền là người cha đáng kính trong cảnh gà trống nuôi con trong suốt bao nhiêu năm nhưng lại bắc ghế

nhìn trộm con dâu tắm, bị đứa con trai chửi là “Đồ khốn nạn”. Đoài làm việc ở Bộ giáo dục nhưng lại giở trò sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu và là người đưa ra yêu cầu biểu quyết để bố chết. Người mơ giấc mơ đi giết lợn và ngập ngụa trong dơ bẩn lại là chàng sinh viên đang ôm mộng ra nước ngoài còn người đọc kinh vô thường giúp lão Kiền nhắm mắt xuôi tay là anh con trai nóng nảy làm nghề “đồ tể”… Còn ở Huyền thoại phố phường người mẹ tổ chức tiệc sinh nhật cho con rất long trọng nhưng khi nghe con nói làm mất chiếc nhẫn vàng thì ngay lập tức tát con như trời giáng trước mặt quan khách. Hay nhân vật Hạnh trong lúc đưa tay xuống rãnh cống mò nhẫn cho con gái bà Thiều mò phải cả phân người trước khi mò thấy nhẫn…

Việc đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nên những nét độc đáo trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện của ông. Tính chất phi lí, ngẫu nhiên được tác giả hợp lí hóa triệt để cùng với quá trình phân rã cốt truyện. Tác phẩm vì thế là sự nối ghép ngẫu nhiên những mảnh rời rạc, không mấy logic với nhau cho nên dẫu cắt bỏ một hoặc một vài yếu tố nào đó vẫn không mấy ảnh hưởng đến tính vẹn của cốt truyện.

Tướng về hưu kểchuyện về ông Tướng Thuấn thông qua những hồi ức của người con trai sau khi ông mất, gồm 15 phần được đánh số La mã, mỗi phần kể một nội dung khác. Sự sắp xếp các phần không liên tục mà ngắt quãng. Chẳng hạn ở phần I người con trai giới thiệu về cha mình và việc về hưu của ông rồi kết thúc ở “Đúng một tháng sau tôi mới có dịp ngồi với cha tôi bàn chuyện gia đình” [25, tr.18]. Sang phần II lại kể về những người khác trong gia đình rồi đến phần III mới tiếp tục kể chi tiết việc bàn chuyện gia đình… Ở Không có vua mỗi khoảng thời gian là một câu chuyện mang tính độc lập, không có sự nối tiếp liên tục với nhau. Các mốc thời gian dùng để đặt tiêu đề cho mỗi phần trong truyện không nhằm vào việc diễn tả thời gian trong mối quan hệ nhân quả của sự kiện mà chỉ là lắp ghép sự kiện và thời gian của nó. Cũng bởi tính chất lắp ghép này đã đưa đến cách cấu tạo theo kiểu truyện lồng trong truyện gặp ở một loạt truyện như: Những ngọn gió Hua tát, Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Chút thoáng Xuân Hương, Không có vua

Việc đẩy hiện thực sang phạm vi siêu thực, phi lí trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn liên quan đến cách tạo lập không gian u linh, thời gian mơ hồ và cách xây dựng nhân vật đan xen thực ảo (xem mục 2.2 và 2.3 của chương II).

Như vậy, việc xây dựng yếu tố kì ảo bằng những chi tiết hiện thực được đẩy sang phạm vi của cái siêu thực, phi lí đã góp phần giúp Nguyễn Huy Thiệp mang đến một lối tự sự hoàn toàn mới lạ. Sự mới lạ ấy đã gây ra những cú sốc lớn cho việc tiếp nhận của công chúng văn học một thời. Nhưng thời gian qua đi, thực tế sáng tác đã chứng minh rằng những nỗ lực cách tân thể nghiệm này của Nguyễn Huy Thiệp đều là những đóng góp quan trọng và có giá trị. Chúng góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi đương đại nói riêng theo hướng hiện đại về mặt cốt truyện, không thời gian nghệ thuật và xây dựng nhân vật.

Một phần của tài liệu YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)