1.3. Mô hình bệnh tật
1.3.1. Mô hình bệnh tật tại bệnh viện
Nghiên cứu mô hình bệnh tật trong bệnh viện chủ yếu dựa vào hồ sơ lưu trữ tại các bệnh viện theo bệnh án mẫu thống nhất toàn ngành y tế. Có nhiều loại bệnh án khác nhau cho từng chuyên khoa nhưng phải đảm bảo tính thống nhất ở những thông tin chính, thuận lợi cho việc thống kê và nghiên cứu.
Nghiên cứu mô hình bệnh tật tại bệnh viện có thuận lợi là có tiêu chuẩn chẩn đoán, có sự hỗ trợ của xét nghiệm. Chẩn đoán lúc ra viện hay tử vong được thực hiện thống nhất theo bảng phân loại bệnh tật ICD 10. Tuy nhiên, chẩn đoán cũng còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của nhân viên y tế và
điều kiện xét nghiệm của cơ sở y tế. Do đó, phân loại ở các bệnh viện khác nhau đôi khi có sự khác biệt, mặc dù từ năm 2015, với quyết định của 3970/QĐ - BYT của Bộ Y tế việc phân loại bệnh đã thống nhất hơn [6].
Tuy nhiên, mô hình bệnh tật tại bệnh viện cũng không phản ánh hết được bệnh lý trong cộng đồng. Một số bệnh lý nhẹ nhưng tỷ lệ mắc nhiều được điều trị ngoại trú dẫn đến làm thay đổi mô hình bệnh nội trú như các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp trên, nhiễm trùng da, bệnh lý răng miệng,... [8]. Trong khi đó các bệnh lý mạn tính có thể được điều trị nhiều đợt trong năm làm số liệu thống kê bị ảnh hưởng như các bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh máu, ung thư, ... Điều này là sự khác biệt giữa mô hình bệnh tật và cấu trúc bệnh tật.
1.3.1.1. Mô hình bệnh tật trên thế giới
Để định hướng cho phát triển, các nước trên thế giới đều thực hiện nghiên cứu mô hình bệnh tật để có những chính sách cải thiện tốt nhất cho sức khỏe người dân từ các nước đang phát triển đến các nước đã phát triển.
Hoa Kỳ với nền kinh tế phát triển, năm 2007, có mô hình bệnh tật đặc trưng của một nước đã phát triển. Nhóm bệnh lý không lây như tiểu đường, tim mạch, bệnh lý người già là nhóm bệnh lý chính. Trong các nguyên nhân tử vong, hàng đầu là bệnh tim, ung thư và đột quỵ [9].
Trong khi đó, mô hình bệnh tật tại bệnh viện tỉnh Champasac - Lào cho thấy bệnh lý nhập viện cao nhất năm 2005 là: viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn (18,3%), sốt rét (17,5%), tai nạn giao thông (14,9%), sốt xuất huyết (11,5%), viêm đường hô hấp (10,2%), tiêu chảy (9,8%), viêm Amydal (7,1%), viêm ruột thừa (6,4%), tâm thần thần kinh (2,3%) và tăng huyết áp (2,0%) [10]. Điều này cho thấy mô hình bệnh tật ở các nước đang phát triển khác biệt so với các nước phát triển.
1.3.1.2. Mô hình bệnh tật tại Việt Nam Mô hình chung
Tại Việt Nam, hằng năm Bộ Y tế đều có thống kê các số liệu về số mắc, số chết và mô hình bệnh tật trong niên giám thống kê Y tế Việt Nam được tổng kết từ báo cáo y tế địa phương gởi về Bộ Y tế. Theo số liệu báo cáo từ năm 1996 – 2007, mô hình bệnh tật nước ta đã dần thay đổi. Nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn, chấn thương có xu hướng tăng. Tỷ lệ giữa các bệnh lây - không lây - tai nạn, chấn thương, ngộ độc năm 1996 là 37,63% - 50,02% - 12,35%. Tuy nhiên, đến năm 2007 tỷ lệ này là 25,73% - 60,65% - 13,62% [11]. Nguyên nhân là do sự phát triển đô thị hóa làm gia tăng các tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông. Ô nhiễm môi trường làm tăng các bệnh ung thư, ngộ độc do hóa chất, ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ ngày càng cao. Dân số càng già hóa thì tỷ lệ những người bị bệnh tim mạch, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường tăng lên đáng kể [12]. Theo số liệu thống kê năm 2008, tỷ lệ các bệnh nhiễm trùng và tai nạn, ngộ độc, chấn thương giảm nhẹ so với năm 2007, trong khi đó, các bệnh không lây tăng lên đáng kể (63,14% so với 60,65%) [13]. Từ đó cho thấy hiệu quả của công tác phòng chống các bệnh nhiễm trùng, phòng chống tai nạn thương tích đã dần phát huy trong việc làm giảm số ca mắc bệnh và tử vong.
Mô hình bệnh tật trẻ em
Mô hình bệnh tật trẻ em cũng được tác động rất nhiều từ các chính sách xã hội và chính sách y tế. Với kết quả của chương trình tiêm chủng mở rộng, các bệnh lý lây nhiễm giảm rõ rệt, các bệnh lý hô hấp chiếm tỷ lệ cao.
Nghiên cứu tại bệnh viện Nhi Trung Ương năm 2001 của Nguyễn Thu Nhạn và cộng sự thì 5 nguyên nhân hàng đầu là: bệnh lý hô hấp (25,1%),
nhiễm khuẩn – ký sinh trùng (16,9%), di tật bẩm sinh (9,4%), bệnh tiêu hóa (8%), bệnh hệ thần kinh (5,9%) [2].
Mô hình bệnh tật ở trẻ em dân tộc Dao vùng Tây Bắc năm 2001 cho thấy 5 bệnh thường gặp ở là: nhiễm khuẩn - ký sinh trùng (chương I), bệnh nội tiết dinh dưỡng chuyển hóa (chương IV), bệnh tiêu hóa (chương XI), bệnh lý hô hấp (chương X). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và trên 5 tuổi cũng khác nhau [14].
Nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong 5 năm 1999 – 2003 của Nguyễn Thị Ân cho thấy các bệnh thường gặp nhất là: bệnh lý hô hấp (47,58%), nhiễm khuẩn - ký sinh trùng (16,08%), chấn thương - ngộ độc và do hậu quả của các bệnh khác (14,95%). [15].
Một nghiên cứu khác gần đây tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho thấy các bệnh nhiễm khuẩn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Lao, Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Bại liệt, Sởi, Viêm gan siêu vi B) vẫn tiếp tục giảm. Mô hình có sự thay đổi theo thời gian. Năm 1995: bệnh lý hô hấp (38,9%), bệnh nhiễm khuẩn (37,1%), bệnh tiêu hóa (6,8%), bệnh tiết niệu sinh dục (2,8%). Đến năm 2007:
bệnh lý hô hấp (39,9%), bệnh nhiễm khuẩn (28,2%), bệnh tiêu hóa (8,9%), bệnh lý bẩm sinh (4,3%). Bệnh lý hô hấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bệnh lý bẩm sinh ngày càng được phát hiện nhiều hơn có thể do sự tiến bộ của y học, sự đầu tư kỹ thuật cho các bệnh viện và trình độ chuyên môn của nhân viên y tế ngày càng được chú ý. Bệnh lý nhiễm khuẩn (chương I): tiêu chảy chiếm tỷ lệ cao 47,1% sau đó là sốt xuất huyết; bệnh lỵ giảm đáng kể trong năm 2007 chỉ còn 0,4%. Một số bệnh uốn ván, bại liệt không gặp trong năm 2007 [3].
Theo báo cáo của WHO năm 2009 thì tỷ lệ tiêu chảy tại cộng đồng của Việt Nam là 16% [16].