1.2. Tình hình sản xuất đậu tương trên thế giới và Việt Nam
1.2.1. Tình hình sản xuất đậu tương trên thế giới
Cây đậu tương chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong 8 cây lấy dầu quan trọng của thế giới: đậu tương, bông, lạc, hướng dương, cải dầu, lanh, dừa và cọ dầu. Đây là trồng mang tính chiến lược với những quốc gia có điều kiện phát triển vì có trao đổi rất cao trên thị trường do nhu cầu sử dụng protein, dầu thực vật, thực phẩm chức năng và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gia súc ngày càng gia tăng nên cây đậu tương được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở các nước châu Mỹ chiếm tới 73%, tiếp đó là các nước thuộc khu vực châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) chiếm 23,15%. Diện tích, năng suất và sản lượng không ngừng tăng lên qua các thời kỳ. Số liệu thống kê về diện tích, năng suất và sản lượng trên thế giới được thể hiện ở bảng 1.1
Bảng 1.1. Tình hình sản xuất đậu tương trên thế giới trong những năm gần đây
Năm Diện tích (triệu ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (triệu tấn)
2011 103,82 25,20 261,60
2012 105,37 22,93 241,58
2013 111,63 24,91 278,09
2014 117,72 26,20 306,37
2015 120,79 26,76 323,20
2016 121,53 27,56 334,89
(Nguồn: FAOSTAT, 2018)
Qua số liệu bảng 1.1 cho thấy:
Về diện tích: Từ năm 2011 - 2016 diện tích trồng đậu tương trên thế giới không ngừng tăng lên và dao động trong khoảng từ 103,81 - 121,53 (triệu ha).
Trong đó diện tích trồng đậu tương đạt cao nhất là năm 2016 với 121,53 (triệu ha), tăng khoảng 17 (triệu ha) so với năm 2011.
Về năng suất: Năng suất đậu tương trên thế giới những năm gần đây tương đối ổn định, dao động từ 25,19 - 27,56 (tạ/ha). Năng suất đạt thấp nhất vào năm 2012 với 22,89 (tạ/ha) và năng suất cao nhất vào năm 2016 với 27,56 (tạ/ha).
Về sản lượng: Do hàng năm diện tích trồng liên tục tăng lên nên sản lượng đậu tương trên thế giới cũng tăng lên dao động từ 141,19 - 334,89 (triệu tấn), năm 2012 đạt thấp nhất 141,19 (triệu tấn). Năm 2012 sản lượng giảm khoảng một nửa so với 2011, đến năm 2013 thì sản lượng phục hồi lại gần gấp đôi.
Trong vòng 5 năm từ 2012 -2016 sản lượng đậu tương tăng 193 (triệu tấn). Năm 2016 sản lượng đậu tương đạt lớn nhất 334,89 (triệu tấn). Sản lượng
tăng như vậy là do diện tích trồng trong nhưng năm gần đây tăng lên và đã được sử dung các tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất.
Theo dự đoán trong thời gian tới tốc độ phát triển đậu tương trên thế giới sẽ chậm hơn so với các năm trước. Kết quả nghiên cứu của trên 200 chuyên gia ở các ngành khác nhau thuộc công ty Elanco và hiệp hội đậu tương Mỹ cho thấy rằng khoảng hơn 20 năm nữa trung bình hàng năm nhu cầu về sản lượng đậu tương tăng 4% /năm. Trong tương lai với sự trợ giúp của công nghệ sinh học, di truyền phân tử, nghiên cứu về cây trồng nói chung và cây đậu tương nói riêng sẽ thu được nhiều kết quả tốt. Công nghệ sinh học là một trong những yếu tố quan trọng để cải tiến chất lượng hạt đậu tương và khả năng chống chịu của cây.
Bảng 1.2. Tình hình sản xuất đậu tương của một số nước đứng đầu thế giới
Tên nước
Năm 2015 Năm 2016
Diện tích (triệu ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (triệu tấn)
Diện tích (triệu ha)
Năng suất (tạ/ha)
Sản lượng (triệu tấn)
Hoa Kỳ 33,12 32,29 106,95 33,48 35,00 117,21
Brazil 32,18 30,29 97,46 33,15 29,05 96,30
Argentina 19,33 31,76 61,40 19,50 30,15 58,80
Trung Quốc 6,51 18,11 11,79 6,60 18,02 11,97
(Nguồn: FAOSTAT,2018)
Đậu tương có khả năng thích ứng rộng nên nó đã được trồng ở khắp năm châu lục nhưng tập trung chủ yếu ở 4 nước: Mỹ, Brazil, Acgentina và Trung Quốc (Phạm Văn Thiều, 2006) [10]. Sản lượng đậu tương của 4 nước này chiếm 90 - 95% sản lượng đậu tương của toàn thế giới. Đặc biệt Mỹ là quốc
gia sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới. Hiện nay Mỹ là quốc gia đứng đầu về sản xuất đậu tương với diện tích 33,12 triệu ha đạt 106,95 triệu tấn năm 2015 lên 33,48 triệu ha với sản lượng 117,21 triệu tấn năm 2016. Đồng thời Mỹ cũng là quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất, phần lớn sản lượng đậu tương của Mỹ hoặc để nuôi gia súc, hoặc để xuất khẩu, mặc dù lượng đậu tương tiêu thụ ở người dân Mỹ đang tăng lên. Đậu tương đối với Mỹ được coi là mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu và thu ngoại tệ. Dầu đậu tương chiếm tới 80%
lượng dầu ăn được tiêu thụ ở Mỹ.
Nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới là Braxin, trong 2 năm 2015 và năm 2016 diện tích trồng đậu tương tăng lên từ 32,18 triệu ha lên 33,15 triệu ha năm 2016 nhưng năng suất và sản lượng lại giảm xuống. Hiện nay, Brazil đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chọn, tạo giống mới chống chịu sâu bệnh, giống chuyển nạp gen, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới và nghiên cứu kết hợp giữa trong và ngoài nước, phát triển mạnh lúa mỳ và ngô luân canh với đậu tương.
Quốc gia đứng thứ 3 về sản xuất đậu tương là Acgentina. Tại quốc gia này đậu tương thường được trồng luân canh với lúa mì. Chính phủ nước này đã có chính sách hỗ trợ cho việc phát triển cây đậu tương do đó mà cây đậu tương phát triển khá mạnh đưa nước này lên xếp thứ 3 về sản xuất đậu tương trên thế giới.
Trung Quốc là nước đứng thứ 4 về diện tích trồng cây đậu tương. Ở Trung Quốc; diện tích, năng suất, sản lượng đậu tương trong năm 2015 và năm 2016 đang tăng dần lên. Tuy sản xuất đậu tương của Trung Quốc còn đứng sau Mỹ, Braxin và Argentina nhưng đây vẫn là nước có diện tích, năng suất và sản lượng đậu tương lớn nhất châu Á.