Tổng quan về phụ phẩm bã tinh dầu sả

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc trưng và khả năng xử lý dư lượng kháng sinh trong nước của than sinh học tổng hợp từ thân cây sả (Trang 25 - 28)

Tên khác: Cỏ sả, lá sả, hương mao.

Tên khoa học: Cymbopogon citratus (DC.) Stapf Họ: Poaceae (họ Lúa)

Mô tả [66]

Sả là loài cỏ sống lâu năm mọc thành bụi, rễ chùm, cao từ 0,8-1,5 m hay hơn. Thân rễ trắng hay hơi tím, có đốt ngắn được bao bọc kín bởi các bẹ lá, tạo thành các tép sả. Lá hẹp, có gân chính nổi rõ, hai mặt và mép lá có lông cứng, nhám. Độ dài của lá có thể từ 0,2-1,2 m, tuỳ theo từng loài. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống, có 2 loại hoa trên cùng một cây: hoa lưỡng tính và hoa đực. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

Cây sả được trồng nhiều nơi ở Việt Nam, thường làm gia vị hoặc chiết xuất tinh dầu. Các bộ phận thu hái, chế biến bao gồm: Toàn cây (Herba Cymbopogonis citrati), tinh dầu (Oleum Cymbopogonis citrati).

Thành phần hóa học của sả [67]

Cây sả có chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng như: citronella, citral, geraniol và citronellol, được dùng cho nhiều mục đích như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, trong đó phổ biến nhất là điều chế tinh dầu [68].

Tuỳ theo giống và môi trường sinh thái khác nhau, mỗi cây sả chứa từ 1,5 - 2% tinh dầu, với 60 - 85% citral và 40% geraniol. Citral có hương vị chanh và được sử dụng làm tiền chất để tổng hợp một số sản phẩm công nghiệp quan trọng... Phương pháp chưng cất phân đoạn để tách citral ra khỏi tinh dầu sả. Geraniol, linalool và citronellol được tách ra từ dầu sả chanh để sử dụng làm chất tạo hương liệu.

Quá trình chưng cất tinh dầu để lại một lượng bã sả rất lớn, chủ yếu ủ thành phân bón hay dùng làm chất trồng cây, thậm chí có thể đốt bỏ. Quá trình này đã loại bỏ một lượng lớn các chất hữu cơ trong lá sả, thành phần còn

lại chủ yếu là cellulose, rất thuận lợi cho chế tạo than sinh học, một vật liệu hấp phụ tiềm năng.

1.3.2. Một số nghiên cứu chế tạo than sinh học từ sả và ứng dụng

Nhóm tác giả M. Singh đã nghiên cứu thu thập bã chưng cất tinh dầu sả cùng với bã mía, vỏ dừa rửa sạch, sấy khô, cắt tới kích thước nhỏ hơn 0,211 mm, đem nhiệt phân trong điều kiện khí trơ ở 450oC trong 1 giờ. Than sinh học (biochar) được dùng nghiên cứu hấp phụ anion thuốc nhuộm Remazol Brilliant Blue R trong môi trường nước. Kết quả cho thấy, biochar từ bã sả có khả năng hấp phụ hàm lượng nhóm chức thơm và khoáng chất của thuốc nhuộm tới 68–78%. Sự hấp phụ theo mô hình hấp phụ Langmuir và Freundlich, tuân theo động học hấp phụ bậc hai, khả năng tái sử dụng tốt. [69]

Nhóm tác giả B. B. Basak chế tạo phức khoáng – biochar: bã chưng cất tinh dầu sả được sấy khô, cắt vụn tới kích thước dưới 2 mm, nhiệt phân ở 350oC trong 2 h trong khí quyển N2; sau đó, 32 g biochar sả đươc trộn với một loại khoáng chất (30 g đất sét cao lanh, 12,5 g đá photphate, và 5,5 g chất thải mica) và 20 g phân chuồng trại, trộn đều và thủy nhiệt ở 220oC 1 h. Phức này được bón vào đất và kết quả thử nghiệm cho thấy, phức hợp này đã làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng cho cây trồng, hàm lượng carbon trong đất và tăng cường hoạt động của các vi sinh vật hỗ trợ sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng [70].

Nhóm tác giả Mohd Azmier Ahmad chế tạo than hoạt tính từ lá sả: than hoạt tính được điều chế bằng phương pháp hóa lý để loại bỏ thuốc nhuộm methyl đỏ khỏi dung dịch nước. Sự hấp phụ thuốc nhuộm đỏ methyl đã được nghiên cứu bằng cách sử dụng các thông số khác nhau. Tỷ lệ phần trăm tối ưu của thuốc nhuộm methyl đỏ được loại bỏ đã được quan sát thấy ở pH 2. Tỷ lệ loại bỏ thuốc nhuộm đối với thuốc nhuộm methyl đỏ giảm khi nồng độ thuốc nhuộm ban đầu tăng. Sự hấp phụ của thuốc nhuộm methyl đỏ đã được tìm

thấy tăng lên khi tăng nồng độ thuốc nhuộm methyl đỏ ban đầu, thời gian tiếp xúc và nhiệt độ dung dịch [71].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi dùng bã chưng cất tinh dầu sả chế tạo than sinh học theo phương pháp thủy nhiệt, nghiên cứu các đặc trưng cấu trúc của than sinh học thủy nhiệt, đánh giá khả năng hấp phụ AMO trong nước của vật liệu này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc trưng và khả năng xử lý dư lượng kháng sinh trong nước của than sinh học tổng hợp từ thân cây sả (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)