1.2. Thực trạng quản lý nước thải công nghiệp trên Thế giới và tại Việt Nam
1.2.1. Thực trạng quản lý nước thải công nghiệp trên Thế giới
Ở nhiều quốc gia đang phát triển, hơn 70% chất thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả vào nguồn nước và gây ô nhiễm nguồn nước cấp. Nước thải công nghiệp có thể chứa một loạt các chất gây ô nhiễm. Một số nguồn lớn nhất của chất thải công nghiệp độc hại bao gồm khai thác mỏ, nhà máy bột giấy, thuộc da, các nhà máy đường và sản xuất dược phẩm. Trong nhiều
trường hợp, nước thải từ ngành công nghiệp không chỉ xả trực tiếp ra sông, hồ, mà nó còn thấm xuống lòng đất và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và các giếng. Ở các nước đang phát triển, điều này thường khó để phát hiện khi việc quan trắc, giám sát thường khá tốn kém. Ngay cả khi được phát hiện, việc xử lý có thể cũng vô cùng khó khăn (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2017) [15].
* Các nước châu Âu
Ngay từ năm 1975, Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn về nước an toàn ở các sông, hồ. Năm 1980, EU tiếp tục đưa ra các chỉ tiêu chất lượng, bắt buộc đối với nước uống, nước tắm,… Đây là các chỉ tiêu nền tảng để thực hiện các biện pháp kiểm soát nước thải công nghiệp, nhất là nước thải có chứa các chất nguy hại. Ngoài các biện pháp kỹ thuật, EU cũng áp dụng các công cụ kinh tế như thu phí nước thải, gắn việc thực hiện trách nhiệm môi trường với giấy phép thương mại. Năm 1996, EU ban hành chỉ thị về phòng, chống và kiểm soát ô nhiễm tích hợp (IPPC), trong đó đưa ra các quy định nhằm giải quyết ô nhiễm từ các cơ sở công nghiệp lớn. IPPC được sửa đổi, bổ sung vào năm 2007, 2008. Năm 2010, EU ban hành Luật về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm (IED), trong đó xác định rõ nghĩa vụ của khoảng 50.000 cơ sở công nghiệp lớn trong khu vực trong việc phòng, ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nước. IED cũng yêu cầu các cơ sở này phải hoạt động theo đúng giấy phép, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của IED, phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường như giá trị giới hạn phát khí thải, nước thải, khả năng phục hồi môi trường khi nhà máy đóng cửa,… EU cũng yêu cầu các nước thành viên phải duy trì hoạt động thanh tra môi trường, mỗi cơ sở phải được thanh tra ít nhất 01 lần trong 03 năm.
Cũng trong năm 2010, Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban hòa giải của hội đồng châu Âu đã đi đến thỏa thuận cuối cùng về Chỉ thị khung cho hành động Chung trong lĩnh vực tài nguyên nước (WFD). Để có được thỏa thuận này, EU phải mất 12 năm để thiết lập các chính sách, khởi đầu là Hội thảo các
bộ trưởng về chính sách nước ở Frankfurt năm 1988. Rõ ràng, để đạt được thành công trong xử lý nước thải công nghiệp, các nước châu Âu đã xây dựng những quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý nước thải, bảo đảm hệ thống kiểm soát, giám sát xả thải vào môi trường, buộc các ngành công nghiệp thực hiện các biện pháp xử lý nước thải phù hợp với quy định, tạo động lực tài chính và kinh tế giúp ngành công nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ nhằm giảm chi phí nước thải (Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, 2017) [24].
* Mỹ
Là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ô nhiêm, Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật, chính sách liên quan đến môi trường ở cả cấp liên bang và cấp tiểu bang. Đây là hệ thống pháp lý phức tạp buộc các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phải thực hiện.
Trong vấn đề xử lý nước thải, Mỹ xây dựng Luật về chất lượng nước và công nghệ dựa trên giới hạn giấy phép (NPDES), cho phép thiết lập các chương trình giới hạn thải và đưa ra những điều kiện hạn chế cụ thể đối với từng nguồn thải công nghiệp. Luật cũng quy định về việc thực hiện Chương trình kiểm soát xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp vào hệ thống cống thoát nước của thành phố,…
Đạo luật Nước sạch (CWA) ban hành năm 1948, sửa đổi năm 1972 cũng quy định rõ việc điều tiết xả thải ô nhiễm vào vùng biển của Mỹ và quy định tiêu chuẩn chất lượng nước mặt. Theo quy định của Luật, cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ đã triển khai chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường như thiết lập các tiêu chuẩn nước thải công nghiệp (Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, 2017) [24].
* Hàn Quốc
Trong hoạt động xử lý nước thải công nghiệp, Hàn Quốc thiết lập tiêu chuẩn nước thải kiểm soát nồng độ chất gây ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp. Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến hành xử lý nước thải công
nghiệp, họ bắt buộc phải có giấy phép, đồng thời phải báo cáo với cơ quan quản lý môi trường trước khi xả thải. Các chất độc hại không được phép xả thải tại các khu vực nhạy cảm, đã được chỉ định cụ thể. Hàn Quốc cũng thiết lập các đơn vị giám sát việc tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn được phép xử lý nước thải, cùng với đó là áp dụng mức thu phí nước thải cơ bản và vượt định mức (nếu lượng nước thải công nghiệp vượt quá tiêu chuẩn được phép, nó sẽ được áp dụng mức thu phí khác cao hơn). Tại Hàn Quốc, nguồn kinh phí xây dựng các nhà máy được lấy từ nguồn thu phí nước thải công nghiệp từ các doanh nghiệp và một phần từ ngân khố quốc gia (Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử, 2017) [24].