Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.5. Khái niệm ngôn ngữ sân khấu và sân khấu rối cạn
Sân khấu là nghệ thuật mang tính tổng hợp cao. Trong một tác phẩm sân khấu hội tụ giá trị văn học, diễn xuất, hội họa, âm nhạc, múa... Nói một cách hình tượng, sân khấu như một cái lò luyện nên hợp kim, từ những nguyên liệu khác nhau song liên kết với nhau bởi một số thuộc tính cần.
Thuộc tính sân khấu là một từ trường mạnh để chi phối, hút những thành tố nghệ thuật cần để tạo nên ngôn ngữ sân khấu. Vũ đạo trong một tác phẩm sân khấu là vũ đạo sân khấu; hội họa, kiến trúc trên sân khấu trở thành nghệ thuật của không gian sân khấu - không phải không gian thuần túy; nghệ thuật biểu diễn không còn mang nghĩa chung của sự trình diễn, biểu diễn, mà sẽ phải là nghệ thuật diễn xuất sân khấu của diễn viên trong sự thể hiện nhân vật; kịch bản văn học phải trở thành kịch bản sân khấu.
Mỗi nghệ thuật đều có phương tiện ngôn ngữ biểu đạt riêng của mình.
Phương tiện nghệ thuật loại hình luôn là điểm tựa để người tiếp nhận, hay nghiên
thuật quyết định đặc tính loại hình nghệ thuật.
Với sân khấu, hành động là phương tiện nghệ thuật. Hành động là phương tiện nghệ thuật của sân khấu nói chung. Nghệ thuật sân khấu tồn tại dưới hai dạng: kịch bản văn học và vở diễn trên sân khấu.
Xét về mặt nội dung: múa rối cạn là nghệ thuật hành động điều khiển. Xét về mặt biểu hiện thì hành động điều khiển là nghệ thuật của hành động sân khấu.
Hành động điều khiển vừa là đối tượng mô tả, vừa là phương tiện miêu tả. Hành động toàn vở diễn được hình thành từ hàng loạt hành động nhỏ. Là ngôn ngữ nghệ thuật của sân khấu, hành động sân khấu được chuyển tải bằng hệ thống động tác điều khiển của nghệ nhân con rối như một hệ thống tín hiệu trong một không gian - thời gian sân khấu. Vì vậy, nghệ thuật điều khiển là thành phần trung tâm sự biểu đạt của sân khấu.
Một kịch bản trở nên sống động, được khắc họa vào không gian - thời gian bằng đời sống tâm hồn, bằng trái tim nóng với nhịp đập đời sống tươi mới của những con người chỉ có thể dựa vào nghệ thuật điều khiển con rối của nghệ nhân trên sân khấu. Một ý tưởng, một hình tượng nghệ thuật trong cấu tứ của tác giả và đạo diễn cũng chỉ có thể được thể hiện và biểu đạt bằng nghệ thuật điều khiển của người nghệ nhân.
Trên sân khấu, người nghệ nhân thể hiện được nhân vật của mình thông qua điều khiển con rối và hát. Hành động điều khiển và lời hát có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: hành động chi phối, điều hành động tác, động tác biểu hiện điều khiển con rối và khớp với lời hát. Sân khấu là nghệ thuật miêu tả hành động của con người bằng động tác.
Hệ thống hành động sân khấu được coi là hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật diễn xuất (điều khiển), biểu hiện ngữ nghĩa của sân khấu. Hệ thống hành động bao gồm hành động điều khiển, hành động ngôn ngữ... của người nghệ nhân.
Hành động điều khiển gồm những động tác tạo nên dáng vẻ cho con rối. Hành động ngôn ngữ là đối thoại, độc thọai, lời nói riêng.
Nếu sân khấu là sự phản ánh đời sống bằng hành động sân khấu qua ngôn
ngữ - người diễn viên, thì nghệ thuật điều khiển con rối của diễn viên chính là sự khám phá, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo nên những hình thức hành động, những động tác cụ thể, tạo nên hệ thống ngôn ngữ biểu đạt, tạo nên ngữ nghĩa cho một tác phẩm sân khấu.
1.6. Khái niệm văn hóa, biểu tượng văn hóa và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
1.6.1. Khái niệm văn hóa
Trước tiên, văn hóa xuất hiện phổ quát cả ở phương Đông lẫn phương Tây.
Ở phương Đông, theo lịch sử cổ đại Trung Quốc, văn hóa được cho là cách hành xử trong xã hội của tầng lớp thống trị. Ở phương Tây, văn hóa có nguồn gốc từ chữ Cultus (gieo trồng) và sau này phát triển theo nhiều nghĩa khác nhau tạo ra sự phong phú về nội dung cho từ văn hóa.
Theo đó, thuật ngữ văn hóa là một phạm trù rộng và hiện nay có trên 500 cách định nghĩa khác nhau về văn hóa. Tiếp cận từ các góc độ khác nhau nên mỗi định nghĩa lại có cách nhìn nhận và đánh giá văn hóa khác nhau.
Để có cái nhìn chung và bao quát về khái niệm văn hóa, trong phạm vi luận văn, chúng tôi trình bày một số khái niệm văn hóa được cộng đồng thế giới cũng như người Việt chấp nhận như:
Ở phạm vi thế giới, khái niệm về văn hóa của UNESCO đưa ra trong
“Tuyên bố chung của Unesco về tính đa dạng của văn hóa” được công đồng thế giới đồng thuận: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin".
Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa cũng được rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm. Tác giả Trần Ngọc Thêm định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người và
môi trường tự nhiên và xã hội của mình" [38, tr.10]. Từ việc nhận định, tác giả đã đi sâu phân tích ba đặc trưng của văn hóa là: tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh để khẳng định chức năng và vai trò của văn hóa trong đời sống cộng đồng.
Cùng bàn về vấn đề này nhưng tác giả Nguyễn Văn Chiến không đưa ra một định nghĩa về văn hóa của riêng mình và chỉ tập trung lí giải khái niệm bằng một số vấn đề:
- Văn hóa là một hiện tượng, một phạm trù thuộc về con người, do con người làm nên. Vì vậy, văn hóa là tiêu chuẩn, tiêu chí hiển nhiên khu biệt con người với con vật;
- Văn hóa là sản phẩm đặc thù của xã hội loài người;
- Một hiện tượng văn hóa luôn tồn tại với những lí do riêng của nó;
- Thành tựu của nền văn hóa là con người. Văn hóa không phải là các vật đơn thuần ta sờ thấy được một cách cụ thể. Hiện tượng văn hóa hiện diện trước mặt ta, trong ta như một thế giới được vật thể hóa, một thế giới được khúc xạ rõ ràng [15, tr.17].
Từ các quan niệm trên chúng tôi nhận thấy: văn hóa là sản phẩm của con người. Nó được tạo ra, phát triển trong cộng đồng người. Đồng thời, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo ra thế giới quan và nhân cách của con người, giúp duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Như vậy, văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và tồn tại có tính biện chứng trong quá trình lao động và tương tác xã hội của con người.
1.6.2. Biểu tượng văn hóa
Trong cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, các tác giả Jean Chevalier và cộng sự đã nhận định: “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử”.
Biểu tượng là hình thức cao của nhận thức, giúp ta lưu giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt. Biểu tượng không
nhất thiết phải mang ý nghĩa chính trị hay tư tưởng cao siêu mà nhiều khi là ước mong, hy vọng bình thường của loài người. Chẳng hạn, chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình hay một công trình kiến trúc là “hình ảnh sáng tạo nghệ thuật có ý
nghĩa tượng trưng”. Như vậy, một đặc trưng tự nhiên tiêu biểu cho nơi nào đó hay thậm chí là một món ăn độc đáo… đều có thể được coi là biểu tượng. Qua thời gian nhiều biểu tượng đã trở thành di sản văn hóa quốc gia hoặc di sản thế giới.
Trong quá trình nhận thức của con người, mặc dù biểu tượng chỉ là hình thức phản ánh cảm tính của cá nhân nhưng con người có mối quan hệ một cách gián tiếp qua hình thái ngôn ngữ mang nội dung xã hội, luôn tri nhận được. Vì vậy, theo tác giả Nguyễn Văn Chiến thì việc nghiên cứu văn hóa học, trong một số những từ văn hóa điển hình cần tập trung vào các biểu tượng văn hóa liên quan đến quá trình biểu trưng hóa bằng hình ảnh liên tưởng. Điều này, một mặt xác định vị trí của sự hiện diện các sự kiện ngôn ngữ nói chung; mặt khác xác định cấu trúc ngữ nghĩa của từ phản ánh những đặc trưng văn hóa tộc người trong chính những từ cụ thể.
1.6.3. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
Một ngôn ngữ nhất định tồn tại luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn cảnh văn hóa - xã hội. Nếu người tham gia giao tiếp không chú ý tới yếu tố văn hóa trong ngôn ngữ, rất khó để giao tiếp thành công ngôn ngữ đó.
Để hiểu rõ mối quan hệ này, trước tiên chúng tôi xin đưa ra quan niệm về ngôn ngữ và văn hóa:
Ngôn ngữ là công cụ của hoạt động giao tiếp, là phương tiện tư duy của con người. Nói như tác giả Emmitt & Pollock (1990) thì: “Ngôn ngữ là một hiện tượng phức tạp và trừu tượng mà có thể được nhận biết thông qua các mã bằng lời nói và không bằng lời nói”. Điều này chỉ rõ, ngôn ngữ được sử dụng để giao tiếp, truyền đạt nghĩa tới người nghe, thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa con người với con người. Theo đó, tác giả Halliday (1985), phân loại ngôn ngữ
thành ba chức năng chính: Chức năng tư tưởng (ideational function): liên quan đến trải nghiệm của người nói hoặc người viết về thế giới thực; Chức năng liên nhân (interpersonal function): để thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau; Chức năng ngôn bản (textual function): liên quan đến các ngôn bản nói hoặc viết phù hợp với một tình huống cụ thể.
Có rất nhiều quan niệm về văn hóa được nêu. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi đưa ra quan niệm của tác giả Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con nguời sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [38, tr.27].
Dựa trên các quan niệm về ngôn ngữ và văn hóa nêu trên, chúng tôi nhận thấy: mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa có một mối quan hệ tương tác lẫn nhau và được xác định một cách cụ thể. Nói như Sapir thì đó là mối quan hệ “vô cùng chặt chẽ, tới mức mà ta không thể hiểu và đánh giá đúng được cái này nếu không có kiến thức về cái kia” (Sapir, 1991).
Theo tác giả Brown (1996), ngôn ngữ là một phần của văn hóa và văn hóa là một phần của ngôn ngữ, cả hai đan xen nhau để cái nọ không tách khỏi cái kia mà không mất đi ý nghĩa của ngôn ngữ hay văn hóa.