Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.7. Khái quát chung về dân tộc Tày, tiếng Tày và nghệ thuật múa rối cạn tại huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
1.7.3. Nghệ thuật múa rối cạn tại huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
Múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa được biểu diễn trong ngày hội Lồng tồng (Lễ hội Xuống đồng) của bản hoặc biểu diễn trong những dịp hội làng, hội đình, chùa hàng năm. Trong ngày tết có tổ chức lễ hội Lồng tồng. Hội Lồng Tồng thường tổ chức 3 ngày và gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thể hiện “cái tinh thần” còn phần hội thể hiện “cái tinh hoa”. Mở đầu hội nhất thiết phải lễ cúng trời đất để cầu mưa thuận gió hoà, nhà nhà ấm no, hạnh phúc của thầy Tào, sau đó là phần thầy cúng sẽ chọn những thửa ruộng tốt, con trâu béo để mở những luống cày đầu tiên. Lễ tế thần nông được chuẩn bị sớm. Sau khi tế song thì hạ bàn, mời mọi người tham dự cùng ăn, nó thể hiện tính đoàn kết cộng đồng. Trong lễ hội Lồng tồng xưa không thể thiếu hai trò chơi dân gian truyền
thống của người Tày là “Tung còn” và “Múa rối cạn”.
Hoạt động diễn xướng “múa rối cạn” được diễn ra trên khoảng đất rộng đủ cho dựng buồng trò, sân múa, dàn nhạc ngồi và người xem.
Mở đẩu buổi diễn là dàn nhạc gồm bốn người đánh trống bản, hai người vỗ trống cơm ra ngồi vào chiếu để thu hút người xem. Một vị trong ban tổ chức hội địa phương được mời đến cầm chầu bằng trống cái. Vị cầm chầu ngồi trên hàng đầu người xem. Tiếng trống bản, trống cơm, hòa tấu rộn rã với tiếng trống cái tạo không khí lôi cuốn cho buổi diễn.
Trong mỗi buổi diễn của phường thường có: hai người mặc áo dài thâm, quần trắng, quấn xiêm gồm nhiều dải vải thêu, tay cầm hai cặp sênh tre, ra giáo pháo. Họ vừa múa, vừa hát, vừa đánh sênh, theo nhịp trống của dàn nhạc, để mở đầu, để dẹp đám; Ông trùm hội hay một người có giọng hát mừng, vừa giáo, vừa đánh mèn làm nhịp, có dàn nhạc phụ họa. Các bài giáo gồm: Giáo Trống cơm và Trống cái; Giáo Phách; Giáo Ràn rạt; ... Múa giáo trống có hai điệu: Múa giáo trống cơm và múa giáo trống cái. Phần múa này đều do nhạc công tự trình diễn cả lời lẫn động tác. Điệu múa trống cái thực ra là múa trống bản, còn trống cái dùng để dàm chầu không được sử dụng tới. Trong điệu múa trống, các nghệ nhân đeo trống trước ngực, đứng hàng ngang, tay vỗ vào mặt trống. Họ cùng làm động tác tiến, lui, quay, thay hàng, đổi lối và cùng đồng thanh giáo lời. Hết phần múa trống, ông trùm phường cầm mèn bước vào sân múa, vừa gõ mèn làm nhịp, vừa giáo các nhạc cụ: phách, ràn rạt, xiêm...
Phần múa rối: Những người điểu khiển con rối, diễn trò đều ở trong buồng kín và điều khiển các con rối trên đầu theo lời người giáo trò. Người điều khiển quân rối không giáo lời mà do ông trùm gõ mèn giáo ngoài sân múa. Cứ khi nào ông trùm giáo đến quân rối nào thì người điều khiển mang quân rối đó ra đưa qua, đưa lại, xoay phải, xuay trái...không theo trình tự nào, không khớp với lời giáo.
Sau trò múa rối, người giáo trò lại tiếp tục kể chuyện thơ với nhịp mèn, nhịp trống …. Các câu chuyện kể về: Chu Mãi Thần, Lưu Bình- Dương Lễ, Tiền Hán, Hậu Hán. Hết phần múa rối, giáo trò nghỉ. Bộ phận Nhà tơ hát kết thúc.
Múa rối cạn ngày nay biểu diễn tuy không cầu kỳ như ngày trước nhưng vẫn thu hút đông đảo khán giả đến xem. Và tuy nó không đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá của người dân như trước đây (lúc đó người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, nên rất coi trọng việc cầu mưa; và còn vì phương tiện giải trí của họ khá ít ỏi nên người dân rất thích những trò biểu diễn mua vui trong những ngày hội hè, nông nhàn) nhưng ngày nay trò múa rối cạn vẫn được người dân quan tâm, tìm hiểu về vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc.
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, luận văn đã trình bày sơ lược một số khái niệm ngôn ngữ học khái niệm từ, cấu tạo từ, ngữ, khái niệm nghĩa, khái niệm phương thức định danh, nghệ thuật sân khấu v.v... Đây là những cơ sở lý thuyết để người viết dựa vào đó triển khai nghiên cứu những vấn đề tiếp theo cho mục đích của luận văn.
Cũng trong chương 1, sự tìm hiểu sơ lược về dân tộc Tày và tiếng Tày với những đặc điểm về chữ viết, về tình trạng song ngữ Tày - Việt, về dân tộc Tày ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên và nghệ thuật múa rối cạn ở Định Hóa, Thái Nguyên đã trang bị cho người viết những kiến thức nền tảng trong việc thực hiện đề tài.
Chương 2