Chương 3: TÌNH HÌNH XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA TỔNG NÔNG THƯỢNG CHÂU BẠCH THÔNG
3.2.1. Văn hóa vật chất
- Làng bản: Làng tiếng Tày còn gọi là Bán hay bản. Bản có thể có ít hoặc nhiều hộ, địa giới có thể dài, rộng đến cây số.
Ở Nông Thượng chủ yếu dân tộc Tày và cũng là tộc người định cư lâu đời nhất ở khu vực này. Họ sống ở chân núi, sườn núi, đồi, bên cánh đồng sông Cầu và gần sông suối. Để thuận tiện cho sản xuất cư dân có thể sống phân tán mỗi nơi vài hộ, tận dụng đất đai màu mỡ để trồng trọt, chăn nuôi. Xung quanh bản, quanh nhà đồng bào thường rào giậu, làm vườn rau, cây ăn quả...
Nơi đây mỗi bản có một dân tộc, có một hay hai dòng họ có quan hệ gần gũi mật thiết với nhau. Vì cuộc sống họ hòa thuận, bình đẳng, bao bọc giúp đỡ lẫn nhau khi sản xuất và cả lúc chống thiên tai, thú dữ và trộm cướp. Họ gắn bó
chặt chẽ bên nhau tạo thành một cộng đồng bền chặt. Vậy nên, nếu không tuân theo luật lệ của làng bản thì họ sẽ bị cô lập. Đến tận ngày nay, truyền thống đó vẫn được lưu giữ trong các làng, bản của người dân.
Trong mỗi bản có lớp người cao tuổi, có đức độ, tri thức, uy tín, được người dân mến trọng gọi là già bản. Đó là những người được ví như tấm gương sáng về đức độ cho con cháu noi theo.
Sinh sống cùng với đồng bào Tày ở Nông Thượng còn có đồng bào người Dao. Làng của đồng bào Dao được họ gọi là láng hoặc lèng. Làng bản của người Dao thường nhỏ và riêng biệt. Ở một số nơi dù cư trú trong cùng một khu vực với một số dân tộc khác như Tày Nùng… nhưng đồng bào vẫn có thói quen ở riêng thành một bản độc lập.
Người Dao rất chú ý tới nguồn nước và hướng cư trú. Khi lập bản mới, người Dao (Dao thuộc nhóm Dụ Kùn) luôn lập một miếu thờ tổ công cho cả bản gọi là lèng tàn với dụng ý cầu mong thần phù hộ cho dân bản.
Làng bản ở Nông Thượng còn có mối quan hệ với nhau về thờ cúng thần thổ công, thổ địa hay thành hoàng (slấn) ở các đình, miếu. Người trông coi ở đó gọi là Ông Từ. Đến mùa vụ Ông Từ phải gieo mạ cấy lúa trước thì cư dân trong bản mới được cấy.
Lúc bấy giờ, dù qui ước thành văn hay không thành văn đều được coi là luật, mọi người phải chấp hành nghiêm túc để xây dựng làng, bản.
- Nhà cửa: Cư dân tổng Nông Thượng cũng như bao dân tộc khác trên đất nước ta luôn quan tâm đặc điểm địa hình, khí hậu quy định để chọn cho mình một loại hình nhà ở thích hợp. Nhà sàn là loại nhà phổ biến ở các dân tộc sinh sống ở vùng Đông Nam Á, bởi nơi đây có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, các loại côn trùng phát triển mạnh. Nhà sàn là giải pháp thích hợp, tạo được môi trường trong ngôi nhà thoáng mát và hạn chế được nhiều loại thú vật, côn trùng hại người tấn công. Kiểu nhà truyền thống phổ biến là nhà sàn.
Về hình thức, khối nhà sàn bốn mái gần như hình vuông nhưng thực ra vẫn
phải đảm bảo độ chênh lệch giữa chiều dài và chiều rộng khoảng một sải tay tầm 1,6m. Đồng bào Nông Thượng thường làm nhà sàn 3 gian với 16 cột hoặc thêm 2 chái. Những gia đình có điều kiện thì làm căn rộng rãi 4-5 gian với vài chục cây cái, cột con. Kết cấu bộ sườn nhà nhìn qua bộ vì cột kèo ta thấy có nhiều kiểu: kiểu 3 cột, kiểu 5 cột, kiểu 7 cột. Cư dân Nông Thượng thường làm cột treo hàng hiên để đỡ mái, chạy hàng lan can thậm chí có khi bỏ cả trụ thượng song chỉ áp dụng khi mái lợp lá cọ, gianh nứa vì trọng lượng mái nhẹ [14, tr.71].
Bố trí của ngôi nhà sàn có 3 bộ phận sử dụng đó là gầm sàn, mặt sàn nhà và gác. Gầm nhà sàn thường là nơi để công cụ sản xuất, bếp lò nấu cám lợn, chuồng gia cầm. Có nhiều nơi gầm sàn còn có cả chuồng gia súc. Ngày nay chuồng lợn, chuồng gà được làm xa nhà để đảm bảo vệ sinh.
Mặt sàn nhà được bố trí: Bếp, bàn thờ, chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt chung. Giữa nhà có bếp đun nấu thức ăn, đồ uống và là nơi thờ vua bếp. Đây cũng là nơi sưởi lửa, tụ họp gia đình, sinh hoạt ăn uống. Đặc biệt trong nhà sàn có bàn ghế nhưng đồng bào rất thích tiếp khách bên bếp lửa lúc trời rét lạnh, vừa ấm áp lại thân tình.
Từ cầu vào đến bếp lửa gọi là phía ngoài (pạng noọc) là nơi đi lại tiếp khách của cả nam và nữ. Còn từ bếp lửa vào trong (pạng đâng) là nơi đi lại, tiếp khách phụ nữ và buồng ngủ của chị em. Từ bếp lửa lên phía trước theo hướng nhà gọi là phía trên (nả nưa) là nơi sinh hoạt của nam giới, chủ nhà tiếp khách ở đây.Ngoài ra còn có bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của nam giới. Từ bếp về phía sau được gọi là phía dưới (nả tấu) là lối đi của nữ vào phía trong, nơi chế biến đun nấu thức ăn, có chạn bát, nồi chảo, củi đuốc....
Bộ phận thứ 3 là gác là nơi chứa lương thực dự trữ của gia đình có thể là thóc giống, lạc giống, đỗ giống. Để lên đó người nhà làm một cầu thang ở cửa trước hay bên cạnh nhà. Cầu thang thường làm 9 bậc theo vía của người phụ nữ [14, tr. 73].
Ngoài ra mọi nhà đều có “sân sàn” liền kề nhà ở - nơi có ánh nắng mặt trời để phơi thóc lúa, quần áo. Những đêm trời đẹp sáng trăng trẻ con có thể ra ngắm
trăng, múa hát vui vẻ.
Ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc của tộc người nơi đây. Nó chứa đựng tình cảm thiêng liêng của gia đình, làng bản.
Để làm nhà đồng bào nơi đây cũng phải vào rừng chọn cây. Theo kinh nghiệm,nhất là gỗ dổi, nhị rào (gỗ chò chỉ), tam sao (gỗ sao), tứ quẻ (gỗ de)....
quý hơn có thể tìm gỗ nghiến, sến, táu nhưng vùng Nông Thượng rất ít. Cư dân kiếm về đem ngâm bùn một thời gian thì sẽ bền hơn rất nhiều. Đồng bào thường đi chặt gỗ vào mùa thu đông cho cây đỡ mọt nhưng kiêng chặt cây bị cháy, sét đánh... vì cho rằng lấy cây đó làm nhà là không may mắn.
Cư dân kiêng làm nhà tháng 9 vì như theo câu ca: Tháng Tám làm nhà để thóc, tháng Chín làm nhà để ma. Song cũng có thể lí giải là tháng Chín do bận rộn mùa màng nên cư dân tránh không làm. Lưng nhà thường dựa vào núi, hướng Nam hoặc Đông Nam.
Ngay nay nhà sàn đã giảm đi rất nhiều, nhà kiên cố được xây dựng do kinh tế khá lên, gỗ ngày càng hiếm. Đặc biệt đồng bào gần ven thành phố Bắc Kạn nhà cửa ngày càng bền đẹp, tiện nghi nội thất đầy đủ khang trang hơn.
Ngoài nhà sàn cư dân còn có một số công trình phụ khác như chuồng trâu bò, nhà vệ sinh, giếng nước hay các công trình thủy lợi như mương, phai, cọn nước.... Bên cạnh đó một công trình của làng không thể không kể đến đó là miếu thờ thổ công, nhà thờ thành hoàng đồng bào gọi là Đình, chùa và Đền như chùa Kim Sơn (Dương Quang), Đền Thác Giềng (Suất Hóa)....
3.2.1.2. Trang phục
Dân tộc Tày, dân tộc Dao hay bất cứ dân tộc nào cũng có những trang phục đặc trưng cho đồng bào mình.
Cư dân Nông Thượng đa phần là dân tộc Tày. Đặc điểm nổi bật của người Tày là ưa dùng quần áo màu chàm bằng vải bông dệt tay, cắt may đơn giản, không thêu thùa hoa văn.
Trang phục của người phụ nữ là mặc áo dài năm thân, cài cúc cổ và nách ở bên. Chiều dài của áo tới bụng chân, có yếm lót giống người Kinh. Trong là áo
ngắn xẻ tà, mở ngực cài khuy mặc lót trong áo dài. Váy hoặc quần dài tới mắt cá chân, thắt lưng to bản làm bằng vải dệt tạo nên eo người. Các cô gái thường trang điểm thêm vòng cổ, khuyên tai, thắt lưng đeo đuôi chuỗi dây xà tích bằng bạc khi cưới hoặc đi hội...
Trang phục nam giới mặc áo năm thân như nữ nhưng chỉ dài tới đầu gối hoặc mặc áo cánh, xẻ ngực cài cúc, quần lá tọa ống rộng dài tới mắt cá chân.
Nam giới thường họ đi giầy vải, phụ nữ đi hài nhung hình mũi thuyền, mõm lợn (đăng mu) hoặc mỏ gà (pác cáy)
Về đồ đội thường có mũ dạ, nón lá, ô...Nón được tự tạo bằng lá cọ hoặc đan (chúp mèng), thường đội khi đi làm. Khi đi lễ hội đàn ông có thể đội mũ dạ hình tròn, tay cầm ô.
Đối với người Dao, trang phục rất phong phú và đa dạng. Có quy định riêng giữa người đàn ông và đàn bà. Đàn ông tóc dài búi sau gáy hoặc để chỏm vấn khăn. Cách vấn cũng có nhiều kiểu như vấn kiểu đầu rìu, vấn nhiều vòng. Áo có loại xẻ ngực và loại cài khuy vải. Ống vạt tay áo nhỏ, chỉ vừa khít với tay của người mặc. Cổ áo, ngực áo, gấu áo viền chỉ đỏ, tay áo được thêu một số hoa văn, họa tiết. Quần nam giới cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa, đũng quần táp thêm một miếng vải nên có độ doãng rất lớn. Quần thường làm bằng vải chàm màu nâu hay đen.
Đối với Tổng Nông Thượng thì chỉ có nhóm người Dao Tiền. Đối với phụ nữ Dao Tiền họ thường cắt tóc ngắn, trên đầu đội khăn trắng có nhiều họa tiết và được thiết kế dài rộng khác nhau, chiếc khăn đó màu trắng dài từ 1,2 đến 1,5m.
Áo của phụ nữa có nẹp ngực nhỏ, thêu nhiều hoa văn và phía sau gáy đính 7 đến 9 đồng tiền, có khi còn thêu cả hình chiếc ấn của Bàn Vương, khuy áo được làm bằng bạc hình bán nguyệt, khi mặc cài móc vào với nhau. Để cho kín đáo, phụ nữ Dao còn có một chiếc yếm nhỏ (Yếm là mảnh vải hình vuông màu trắng có táp một mảnh vải chàm có hình tam giác để làm cổ yếm, hai góc có hai dây để buộc).
Đặc điểm về chiếc áo của người Dao Tiền là dài đến đầu gối người mặc, nó được xẻ tà và gấp nếp, làm nẹp từ thắt lưng trở xuống. Để mặc gọn gàng, có khi họ sử dụng dây lưng bó chiếc áo ôm gọn lấy người, dây lưng đó có thể là một sợi vải và chỉ màu chừng 2 sải tay, rộng 10cm [36, tr 236].
Phụ nữ Dao Tiền họ mặc váy. Đây là đặc điểm khác biệt với các phụ nữ Dao nhóm khác. Váy gồm nhiều bức, khi mặc khép lại nhờ dây rút. Độ dài của váy tùy từng địa phương mà có thể khác nhau.
Xà cạp là một mảnh vải dài chừng 1m, rộng khoảng 15-20cm, hai đầu có đính dây để buộc, trên xà cạp có thêu nhiều hoa văn bằng chỉ màu đỏ.
Phụ nữ Dao cũng rất thích đeo đồ trang sức và thường là màu trắng: đó là các loại vòng cổ, vòng tay, nhẫn, khuyên tai, dây xà tích... ngoài ra họ còn nhuộm màu ngũ sắc một số hạt cườm, ống trúc nhỏ... rồi xỏ dây đeo ở phía lưng áo trông rất nổi bật và đẹp mắt.
Trong cuộc sống hàng ngày, phụ nữ Dao thường kì công may cho mình một túi đựng trầu để đeo bên người. Túi có thể được đính bạc hình sao tám cánh hay chỉ là một miếng bạc hình tròn được chạm trổ tinh xảo hay cũng chỉ là một loại sợi chỉ, vải màu đỏ. Đây là vật bất ly thân của người phụ nữ ngoài đựng trầu họ còn có thể đựng một số đồ cá nhân .
Nói chung việc thiết kế trang phục và cách ăn mặc của đồng bào Nông Thượng khá phong phú và độc đáo, đặc biệt trang phục của phụ nữ Dao. Ngày nay, đồng bào đã tiếp nhận ăn mặc kiểu Âu hóa. Tuy nhiên vào những dịp lễ, hội, đám cưới họ vẫn thích mặc trang phục của dân tộc mình nhất là phụ nữ.
3.2.1.3. Ăn, uống
Cũng giống như đồng bào địa phương khác, cư dân Nông Thượng có cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, nguồn sống chính là nông nghiệp nên lương thực thực phẩm của họ là sản phẩm từ hoạt động sản xuất như lúa, ngô, khoai, sắn...
Người dân nơi đây ăn thực phẩm chính là lúa gạo rồi đến ngô. Hàng ngày họ ăn hai bữa chính là bữa trưa và bữa tối, ngoài ra ăn thêm một bữa phụ là bữa sáng (chin lèng). Bữa sáng ai thích thì ăn rồi đi làm chứ không dọn thành mâm.
Thức ăn có thể nấu dư thừa từ bữa chính để lại, bởi trong các bữa chính thường nấu khá nhiều thức ăn đề phòng nhà có khách đến ăn cùng. Nhà nào có trẻ con, người già thì bữa phụ nấu cháo, hay ăn củ khoai, củ sắn. Nguồn thực phẩm phục vụ gia đình chủ yếu tự cung tự cấp đó như rau, thịt, trứng, măng... sản phẩm theo mùa. Trong bữa cơm gia đình mọi người cùng ăn chứ không người trước người sau, miếng ngon dành cho người già và trẻ nhỏ.
Đồng bào Tày nơi đây chủ yếu ăn cơm tẻ, nếu có thiếu thì độn thêm khoai, sắn chờ vụ gặt tới. Bên cạnh đó thi thoảng họ nấu cơm nếp hoặc đồ xôi. Nhiều thứ bánh được làm từ gạo nếp được đồng bào chế biến trong các dịp lễ, tết. Ví như Tết cổ truyền họ làm bánh chưng loại to dài, bánh khảo, chè lam, sủi rìn (bột viên tròn) hay cơm lam. Đặc biệt cơm lam là món ăn đặc trưng của người Tày nơi đây mà đến tận bây giờ vẫn còn lưu giữ lại. Ống tre được vót nhẵn, bóc vỏ để lại lớp mỏng rồi gạo nếp được ngâm qua cho vào cùng một ít nước, đậy kín rồi đem nướng trên lửa hoặc đồ qua cho chín. Khi chín, để nguội, bóc vỏ tre và lớp mỏng trong, cắt thành khoanh ăn với muối lạc hay muối vừng, rất thơm ngon.
Khác một chút đồng bào Tày, do đặc điểm du canh du cư nên người Dao thường ăn chính là bữa sáng và bữa tối. Thường dọn 2 mâm: mâm trong và ngoài.
Mâm trong nữ giới ăn, còn mâm ngoài cạnh bàn thờ tổ tiên cho nam giới và khách. Ngăn cách hai mâm là tấm liếp, nếu mâm ngoài hết thức ăn thì nữ giới bên trong tự động mang thức ăn ra.
Ngoài ra đồng bào nơi đây còn có tập quán dự trữ lương thực, họ có nhiều cách để thịt lâu có khi hàng năm như món lạp sường làm từ thịt lợn. Thịt lợn dùng cả thịt mỡ và thịt nạc, đem thái mỏng rồi ướp gia vị, một số hạt thơm rồi nhồi vào lòng non lợn đem treo bếp giữa nhà cho khô rồi dùng ăn dần. Món này thường làm vào mùa đông, khi có gió khô hanh.
Nói chung những món ăn của cư dân nơi đây khá hấp dẫn nhưng cũng đơn giản, không cầu kì mà lại dự trữ được lâu, để ăn dần.
Đồ uống của cư dân nơi đây chủ yếu là rượu, chè. Có khi họ uống nước lã, nước đun sôi để nguội hay nước lá vối. Đồng bào Dao khi làm nương rẫy họ còn uống nước các khe suối.
Rượu cũng là một thức uống phổ biến của đồng bào kể cả trong đời sống hàng ngày lẫn trong lễ tết, ma chay, cưới xin. Rượu nấu bằng ngô nên uống rất êm và không đau đầu.
Khách đến nhà thì mời rượu là sự thể hiện lòng hiếu khách của mình. Dù quen hay lạ, trước khi bắt đầu một câu chuyện bao giờ chủ nhà cũng mời rượu.