Các hình thức tổ chức thực hiện CGHNN

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 87 - 90)

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG CGHNN Ở TỈNH HÀ TĨNH

3.2. Tình hình CGHNN ở tỉnh Hà Tĩnh

3.2.4. Các hình thức tổ chức thực hiện CGHNN

Hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đều được thực hiện tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp với 3 hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu đó là hình thức sản xuất theo quy mô nông hộ, trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó tỷ lệ áp dụng cũng như mức độ cơ giới hóa cao đều tập trung ở các doanh nghiệp và trang trại. Điều này phản ánh một thực tế là chỉ có những cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mới đáp ứng khả năng và các nguồn lực để tăng cường áp dụng cơ giới hóa. Xuất phát từ thực tế đó, kể từ năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó vai trò của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất luôn được ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu. Để thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung khuyến khích đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô trang trại và doanh nghiệp, với phương châm “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư”, theo chuỗi liên kết “vừa tập trung, vừa phân tán” [29].

Bảng 3.3. Số lượng doanh nghiệp và trang trại hoạt động trong ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 (ĐVT: DN/Trang trại)

Doanh nghiệp/Trang trại 2011 2012 2013 2014 2015

1. Doanh nghiệp nông nghiệp 180 243 292 307 430

- Nông nghiệp 158 208 241 255 345

- Lâm nghiệp 10 18 16 14 15

- Khai thác và nuôi trồng thủy sản 12 17 35 38 70

2. Trang trại sản xuất nông nghiệp 14 86 137 181 190

- Trồng cây hàng năm 1 1 3 6 8

- Trồng cây lâu năm 0 0 0 1 1

- Chăn nuôi 11 82 124 160 165

- Nuôi trồng thủy sản 2 3 10 14 16

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2015)

Theo số liệu niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 430 doanh nghiệp và 190 trang trại hoạt động trong ngành nông nghiệp. Trong số 430 doanh nghiệp tham gia vào ngành nông nghiệp thì có đến 345 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chiếm đến 80,23% tổng số doanh nghiệp, tiếp đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, với 70 doanh nghiệp, chiếm 16,28%. Đối với các trang trại, hầu hết là các trang trại chăn nuôi, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn, với 165 trang trại (chiếm 86,84%). Trong giai đoạn 2011 – 2015, số lượng các doanh nghiệp và trang trại tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều có xu hướng gia tăng liên tục qua các năm, với tốc độ tăng bình quân ở các mức tương ứng là 24,3% và 91,9%. Điều này phản ánh sự hình thành và phát triển nhanh chóng các hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, đồng thời đây chính là cơ sở để Hà Tĩnh đẩy mạnh CGHNN.

(Nguồn: Tổng hợp từ các Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh)

Hình 3.13. Tỷ lệ doanh nghiệp và trang trại ở Hà Tĩnh áp dụng cơ giới hóa trong một số khâu sản xuất (năm 2015)

Số liệu ở hình 3.13 là kết quả thống kê từ nguồn số liệu tổng hợp thông qua các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2015 về tình hình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong các doanh nghiệp và trang trại.

Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp và trang trại ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh áp dụng cơ giới hóa trong một số khâu sản xuất là khá cao. Xét từng lĩnh vực hoạt động cho thấy, 100% các doanh nghiệp đã áp dụng cơ giới vào sản xuất lâm nghiệp (chủ yếu là trồng rừng Keo lai), từ khâu làm đất, tạo bầu đến thu hoạch và vận chuyển, trong khi tỷ lệ các trang trại áp dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất lâm nghiệp thấp hơn nhiều. Thực tế cho thấy, các khâu sản xuất như làm đất, chặt hạ, vận chuyển trong sản xuất rừng trồng ở các trang trại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng như ở các địa phương khác là phải thuê các dịch vụ cơ giới, đặc biệt việc chặt hạ rừng trồng đều được thực hiện bởi các thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua thông qua thuê các lao động chuyên làm dịch vụ chặt hạ, thu hoạch rừng trồng. Đặc biệt, ở các trang trại hoàn toàn không thể thực hiện khâu làm bầu ươm giống, thay vào đó phải mua giống từ các công ty lâm

nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lâm nghiệp, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong các công đoạn sản xuất đạt ở mức cao có thể được giai thích bởi lý do là hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư trang bị các loại máy móc và phương tiện cơ giới, do đó họ hoàn toàn chủ động trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Số liệu ở bảng 3.4 minh chứng cho điều này, đó là giá trị tài sản cố định bình quân 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp là 42,2 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với các doanh nghiệp nông nghiệp và gấp 42 lần so với các doanh nghiệp khai thác và nuôi trồng thủy sản, phản ánh việc đầu tư máy móc và phương tiện cơ giới của các doanh nghiệp lâm nghiệp là rất lớn.

Bảng 3.4. Giá trị tài sản cố định bình quân một doanh nghiệp ở Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015 (ĐVT: triệu đồng)

Phân theo ngành kinh tế 2011 2012 2013 2014 2015

Nông nghiệp 8.972 8.043 8.146 8.628 6.952

Lâm nghiệp 26.043 21.372 34.450 47.343 42.197

Khai thác và nuôi trồng thủy sản 1.433 692 854 799 993 (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2015)

Xét ở lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ các doanh nghiệp và trang trại có áp dụng cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất là khá cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp. Hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa tại các doanh nghiệp cũng như trang trại trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh phần lớn được thực hiện ở trong các khâu cung cấp thức ăn và nước uống cho các loại vật nuôi, trong đó hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng cơ giới hóa, với tỷ lệ trên 95%. Điều này có thể được lý giải là 100% các doanh nghiệp chăn nuôi ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều áp dụng phương thức chăn nuôi công nghiệp, với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Hơn thế nữa, sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 04/05/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, các hình thức tổ chức chăn nuôi quy mô lớn phát triển nhanh chóng, với 2 loại hình chăn nuôi tập trung chủ yếu đó là doanh nghiệp và trang trại.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)