2.3. Tình hình nghiên cứu, chọn tạo giống ngô trên thế giới và Việt Nam
2.3.2. Tình hình nghiên cứu, chọn tạo giống ngô tại Việt Nam
Ở Việt Nam ngô là cây trồng nhập nội nên nguồn gen hạn hẹp, công tác nghiên cứu về ngô của nước ta cũng chậm hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Giai đoạn 1955 - 1970 các nhà khoa học cũng đã điều tra về thành phần loài và giống ngô địa phương. Các chuyên gia Việt Nam trong một thời gian dài đã nỗ lực thu thập nguồn vật liệu khởi đầu trong nước, hợp tác với trung tâm cải tạo ngô và lúa mỳ quốc tế (CIMMYT) trong việc thu thập đánh giá, phân loại nguồn nguyên liệu cũng như đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh
vực nghiên cứu ngô, đặt nền tảng cho mọi hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ sản xuất ngô ở Việt Nam.
Đến năm 1973, Trạm nghiên cứu ngô Sông Bôi được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Trại đã tiến hành công tác thu thập nguồn vật liệu ngô địa phương và nhập nội. Cùng với việc duy trì đánh giá vật liệu, chọn tạo dòng thuần và giống lai, Trại còn khảo nghiệm các giống ngô nhập nội từ Hungary và đã xác định được giống lai đơn MVSC 660 cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện gieo trồng ở miền Bắc Việt Nam (Ngô Hữu Tình, 2009) [14].
Quá trình nghiên cứu chọn tạo giống ngô ở Việt Nam thực sự phát triển từ sau năm 1990. Để chuyển đổi từ giống ngô thụ phấn tự do sang ngô lai, năm 1992-1994, Viện nghiên cứu ngô đã lai tạo ra các giống ngô lai không quy ước là: LS-5, LS-6, LS-7, LS-8. Đây là những giống ngô lai có thời gian sinh trưởng khác nhau giúp cho quá trình sử dụng được linh hoạt tùy thuộc vào cơ cấu mùa vụ ở mỗi vùng, năng suất đạt 3-7 tấn/ha (Trần Hồng Uy, 1997)[20].
Từ năm 1994 đến nay, Viện nghiên cứu ngô đã lai tạo được nhiều giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao (10-12 tấn/ha), có thời gian sinh trưởng khác nhau phục vụ cho các vùng và mùa vụ trong cả nước. Trong đó lai tạo giống có thời gian sinh trưởng ngắn là những kết quả có ý nghĩa lớn đối với cuộc cách mạng mùa vụ của nước ta.
Từ các nguồn gen đang lưu giữ và nhập nội, các nhà khoa học nghiên cứu ngô ở Việt Nam đã tạo ra rất nhiều các giống ngô lai mới. Các giống ngô lai mới được khảo nghiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trong cả nước để chọn giống phù hợp với điều kiện sinh thái của mỗi vùng.
Để chọn được giống phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh Tuyên Quang, vụ Thu Đông 2011 và vụ Xuân 2012, các nhà khoa học đã khảo nghiệm một số giống ngô lai mới với giống đối chứng là C919. Kết quả cho thấy năng suất thực thu của các giống thí nghiệm đạt 47,0 - 61,9 tạ/ha (vụ Thu
Đông 2011) và 49,5 - 69,2 tạ/ha (vụ Xuân 2012). Giống SSC131 đạt năng suất cao nhất (62,9 tạ/ha) trong vụ Thu Đông 2011, 69,2 tạ/ha trong vụ Xuân 2012 cao hơn giống đối chứng chắc chắn ở mức tin cậy 95% (Trần Văn Điền, Ngô Thế Tuyến Dũng, 2014)[7].
Hiện nay, sản xuất ngô đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự thay đổi của điều kiện khí hậu, chính vì vậy việc nghiên cứu chọn tạo các giống ngô có khả năng chống chịu tốt là hướng quan tâm hàng đầu của các nhà chọn tạo giống. Năm 2010, giống ngô lai đơn LVN885 đã được công nhận giống mới có khả năng chống đổ tốt, chín sớm, chịu bệnh khô vằn và đốm lá khá, chịu hạn, rét tốt, tiềm năng năng suất 80-100 tạ/ha (Viện Nghiên cứu ngô, 2012)[18].
Để đáp ứng nhu cầu tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hạn chế thiệt hại do thiên tai, Viện nghiên cứu ngô đã tiến hành khảo nghiệm tập đoàn giống ngô và xác định được giống VS36 có đặc tính nông học tốt như: chín sớm, chịu hạn, thích hợp việc trồng dày, có khả năng thích ứng rộng, năng suất cao, ổn định, chống chịu sâu bệnh khá (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2014)[17].
Từ năm 2010-2017 đã có nhiều giống do Việt Nam sản xuất đã được nhà nước công nhận như: LVN 885 (2010), VS 71 (2014), HN 90 (2015), LVN 61 (2015), HN 68 (2015), VS 36 (2015), PSC 102 (2016), PSC 747 (2016), VN 5885 (2017),...
Thái Nguyên là một tỉnh có điều kiện kiện khí hậu đại diện cho vùng Đông Bắc, chính vì vậy được lựa chọn là điểm khảo nghiệm giống ngô mới cho vùng. Các tổ hợp ngô lai mới sau khi tạo ra được tiến hành khảo nghiệm ở Thái Nguyên để chọn được giống phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh và là cơ sở chọn giống cho các tỉnh có điều kiện khí hậu tương đồng.
Vụ Đông 2012 và Xuân 2013 tại Thái Nguyên, Vi Hữu Cầu, Phan Thị Vân (2013)[5] đã tiến hành khảo nghiệm 8 giống ngô lai có triển vọng, giống
NK4300 được chọn làm đối chứng, kết quả cho thấy: Năng suất thực thu của các giống thí nghiệm đạt 62,46-83,89 tạ/ha (vụ Đông 2012) và 58,20-74,62 (vụ Xuân 2013). Giống KK11-19 năng suất thực thu đạt 74,62-83,89 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng chắc chắn ở mức tin cậy 95% ở cả hai vụ nghiên cứu.
Trần Trung Kiên và cs, (2013)[10] đã tiến hành khảo nghiệm 6 giống ngô lai mới do Viện Nghiên cứu ngô chọn tạo và giống đối chứng LVN4 trong vụ Xuân 2012 và 2013 tại Thái Nguyên. Kết quả cho thấy: Các giống ngô lai tham gia thí nghiệm có năng suất thực thu ở vụ Xuân 2012 đạt từ 49,87-65,71 tạ/ha; vụ Xuân 2013 biến động từ 64,57-79,30 tạ/ha. Các giống có năng suất thực thu tương đương đối chứng ở mức độ tin cậy 95%. Giống SB12-6 là giống đạt năng suất thực thu cao và ổn định ở cả 2 vụ.
Cùng với các giống chọn tạo trong nước, các giống ngô nhập nội cũng được khảo nghiệm để lựa chọn giống tốt cho sản xuất ngô của tỉnh. Vụ Xuân 2014, tại huyện Võ Nhai, Công ty Monsanto cũng đã thử nghiệm giống ngô lai DK8868. Giống DK8868 có ưu điểm là khả năng chống hạn, chống đổ rất tốt, năng suất trung bình đạt 78 tạ/ha (Dương Trung Kiên, 2014)[9].
Võ Nhai là huyện có diện tích trồng ngô rất lớn nhưng điều kiện canh tác khó khăn nên đòi hỏi phải có những giống có khả năng thích ứng tốt. Vì vậy, vụ Xuân 2013, Trung tâm giống cây trồng Thái Nguyên đã xây dựng mô hình trình diễn giống ngô lai VS36 tại xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Kết quả cho thấy, giống ngô lai VS36 có khả năng chống đổ tốt. Năng suất trung bình của VS36 đạt trên 80 tạ/ha, cao hơn năng suất ngô bình quân của huyện Võ Nhai vụ xuân 2013 (Trần Thị Giang Hảo, 2014)[8].
Trong hai vụ Xuân và Đông 2016 tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tính ổn định và thích nghi của một số tổ hợp ngô lai mới. Các thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn
toàn (RBCD) với 3 lần nhắc lại. Kết quả cho thấy: Các tổ hợp ngô lai thí nghiệm đều thuộc nhóm có thời gian sinh trưởng trung ngày (115-124 ngày ở vụ xuân và 109-113 ngày ở vụ đông), phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác của người dân. Tổ hợp lai KN46 có năng suất thực thu 72,00 tạ/ha đạt cao trong vụ xuân 2016, tổ hợp lai KN88 đạt 86,65 tạ/ha, 20 KN15 - 83,18 tạ/ha, KN11-82,83 tạ/ha, KN14 - 79,17 tạ/ha và KN46-74,17 tạ/ha đạt cao trong vụ Đông 2016, cao hơn đối chứng CP333 ở mức tin cậy P < 0,05.
Phân tích ANOVA năng suất của 9 tổ hợp lai và 1 đối chứng qua 5 môi trường cho thấy sự khác biệt về năng suất các giống có ý nghĩa thống kê ở mức P < 0,05, nhưng mức độ ổn định về năng suất, cũng như khả năng thích nghi biểu hiện rất khác nhau. Hai tổ hợp lai KN92 và KN46 thích nghi cao nhất trong tất cả các môi trường khảo nghiệm, thể hiện ở chỉ số ổn định S2 di tiến đến giá trị 0, chỉ số thích nghi bi xung quanh giá trị 1. Ở vụ Xuân, THL KN15 có nhiều ưu việt, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Còn vụ Đông, hai THL KN88 và KN11 thể hiện là giống lai triển vọng cho vùng (Kiều Xuân Đàm và cs, 2017)[6].