Những hiểu biết về một số bệnh thường gặp trên đàn lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ

Một phần của tài liệu Áp dụng quy trình nuôi dưỡng chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn công ty phát đạt thành phố phúc yên tỉnh vĩnh phúc (Trang 31 - 40)

2.2.4.1. Một số bệnh thường gặp trên đàn lợn nái sinh sản * Bệnh viêm tử cung

Theo Nguyễn Văn Thanh và cs (2016) [12], viêm tử cung là một hội chứng thường xuất hiện trên lợn nái sau khi đẻ. Lợn nái viêm tử cung sẽ bị tổn thương lớp niêm mạc. Từ đó gây ảnh hưởng sự tiết prostagladin F2 và làm xáo trộn chu kỳ động dục, làm tăng tình trạng chậm sinh và vô sinh.

- Nguyên nhân:

Theo Nguyễn Văn Thanh và cs (2016) [12], có nhiều nguyên nhân gây viêm tử cung như: dinh dưỡng, tuổi, lứa đẻ, tình trạng sức khỏe, chăm sóc và quản lý, vệ sinh, tiểu khí hậu chuồng nuôi...

Mặt khác, khi gia súc đẻ, nhất là trường hợp đẻ khó phải can thiệp, niêm mạc tử cung bị xây sát và tạo các ổ viêm, mặt khác các bệnh truyền nhiễm như sảy thai truyền nhiễm, phó thương hàn, lao… thường gây viêm tử cung, âm đạo.

- Triệu chứng:

Theo Nguyễn Văn Thanh và cs (2016) [12], khi lợn nái bị viêm, các chỉ tiêu lâm sàng như: thân nhiệt, tần số hô hấp đều tăng. Lợn bị sốt theo quy luật: sáng sốt nhẹ 39 - 39,5°C, chiều 40 - 41°C.

Con vật ăn kém, sản lượng sữa giảm, đôi khi con vật cong lưng rặn.

Từ cơ quan sinh dục chảy ra hỗn dịch lẫn nhiều mạch tổ chức, mùi hôi tanh, có màu trắng đục, hồng hay nâu đỏ. Khi nằm lượng dịch chảy ra nhiều hơn.

Tùy vào vị trí tác động của quá trình viêm đối với tử cung của lợn nái, người ta chia thành ba thể viêm: viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm tương mạc tử cung.

- Hậu quả:

Khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:

+ Khi lợn bị viêm tử cung dễ dẫn đến sảy thai.

+ Lợn mẹ bị viêm tử cung bào thai cũng phát triển kém hoặc thai chết lưu.

+ Sau khi sinh con lượng sữa giảm hoặc mất hẳn nên lợn con trong giai đoạn theo mẹ thường bị tiêu chảy.

Theo Trần Thị Dân (2006) [2], lợn nái bị viêm tử cung mãn tính sẽ không có khả năng động dục trở lại.

Tỉ lệ phối giống không đạt tăng lên ở đàn lợn nái viêm tử cung sau khi sinh đẻ. Hiện tượng viêm tử cung âm ỉ kéo dài từ lứa đẻ trước đến lứa đẻ sau là nguyên nhân làm giảm độ mắn đẻ. Mặt khác, viêm tử cung là một trong các nguyên nhân dẫn đến hội chứng MMA (viêm tử cung, viêm vú và mất sữa), từ đó làm cho tỉ lệ lợn con nuôi sống thấp. Đặc biệt, nếu viêm tử cung kèm theo viêm bàng quang thì còn ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng.

- Biện pháp phòng trị:

+ Phòng bệnh:

Theo Nguyễn Tài Năng và cs (2016) [8], vệ sinh chuồng trại sạch sẽ một tuần trước khi lợn đẻ, rắc vôi bột hoặc nước vôi 20% sau đó rửa sạch bằng nước thường, tắm cho lợn trước khi đẻ, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và bầu vú.

Theo Lê Hồng Mận (2002) [7], trong khi đỡ đẻ bằng tay phải sát trùng kĩ bằng cồn, xoa trơn tay bằng vaselin hoặc dầu lạc.

Cho lợn nái chửa thường xuyên vận động, đảm bảo ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ.

Kiểm tra nghiêm ngặt dụng cụ dẫn tinh đúng quy định và không để nhiễm khuẩn.

Không sử dụng lợn đực bị nhiễm khuẩn đường sinh dục để nhảy trực tiếp hoặc lấy tinh.

Phòng bệnh truyền nhiễm Leptospirosis, Brucellosis…. bằng cách dùng vắc xin đúng quy định, đúng thời gian cho đàn lợn sinh sản tránh những trường hợp bị sốt đột ngột gây sẩy thai.

+ Điều trị:

Điều trị cục bộ:

Bơm rửa tử cung ngày 1 - 2 lần, mỗi lần 2 - 4 lít nước đun sôi để nguội pha thuốc tím 0,1% hay nước muối sinh lý 0,9%, sau đó bơm hoặc đặt kháng sinh như: penicillin 2 - 3 triệu UI; tetramycine hay sulfamid 2 - 5g hoặc colposeptine 4 - 6 viên vào tử cung để chống viêm.

Điều trị toàn thân:

Tiêm thuốc hạ sốt analgin 2 - 3 ống/ngày.

Tiêm kháng sinh: Tiêm tetramycine tiêm bắp liều 10 - 15 mg/kg TT, liên tục 3 - 4 ngày. Kết hợp tiêm septotryl tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 1 ml/10 - 15 kg TT/ngày. Liên tục 3 - 4 ngày.

Tiêm thuốc giảm viêm: Hydrocortizone, dectancyl, prednizolone…

Tiêm thuốc trợ sức: Vitamin B1, C, B12. Lưu ý khi pha thuốc tiêm vitamin C không dùng chung với kháng sinh penicilline, sufamid và vitamin B12...

Tiêm thuốc tạo sữa: Thyroxine ngày 1 - 2 ống, liên tiếp 2 - 3 ngày, chỉ dùng khi nhiệt độ cơ thể đã hạ xuống bình thường.

* Bệnh viêm vú - Nguyên nhân:

Trầy xước vú do sàn, nền chuồng nhám, vi trùng xâm nhập vào tuyến sữa. Hai loài vi trùng chính gây bệnh là Staphylococcus aureusStreptococcus agalactiae… Ngoài ra còn các nguyên nhân gây viêm như: số con quá ít không bú hết lượng sữa sản xuất, kế phát từ viêm tử cung nặng hoặc do kỹ thuật cạn sữa không hợp lý trong trường hợp cai sữa sớm; do vệ sinh không đảm bảo, chuồng trại quá nóng hoặc quá lạnh; do lợn mẹ sát nhau, lợn con khi sinh ra không được bấm răng nanh ngay; lợn mẹ ăn quá nhiều thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao làm sữa tiết ra quá nhiều ứ đọng lại trong vú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phát triển mạnh mẽ về số lượng và độc lực.

- Triệu chứng:

Dạng nhẹ: Lợn bị tức sữa, sữa bị nghẽn, không phun sữa được, đau tức vú, có thể sốt. Vú có thể sưng, nóng, nái có thể bỏ ăn do đau, hoặc cắn con không cho bú, nhất là ở lợn nái tơ. Bệnh viêm vú thường phát sinh ngay sau khi sinh, nếu không xử lý kịp thời có thể gây tức sữa ngày càng tăng, mất phản xạ tiết sữa và phún sữa, vú ứ sữa xấu lâu sẽ nhiễm khuẩn gây sốt cao tác động toàn thân nái, bệnh chuyển sang dạng nặng.

Dạng nặng: Lợn nái sốt cao (trên 40°C), vú viêm thể hiện rõ qua các triệu chứng: sưng, cứng, nóng, đỏ, đau. Có thể viêm 1 - 2 vú, cũng có thể viêm toàn khối vú. Các vú viêm cứng vắt không ra sữa, sau một vài ngày vú bớt cứng, vắt ra sữa lợn cợn hoặc có mủ xanh, hoặc có máu. Nếu không điều trị vú viêm bị teo, có thể hình thành abscess cứng bên trong vú, vú bị hư, sang lứa kế vú đó không cho sữa nữa, đôi khi vú viêm sẽ gây lây lan mầm bệnh sang vú khác, mỗi lứa có nhiều vú viêm hơn (BiotechVet, 2019) [19 ].

- Hậu quả:

- Điều trị

Dạng nhẹ: dạng tức sữa, nghẽn sữa.

+ Tiêm một liều oxytocin (2 - 3 ml tương đương 2030 UI) để kích thích phun sữa.

+ Chườm ấm: Dùng khăn nhúng nước ấm lau toàn bộ vú. Ngoài tác động làm sạch vú, giúp hạ nhiệt cho nái đồng thời kích thích máu đến vú nhiều hơn sẽ tạo sữa mới nhiều hơn.

+ Dùng tay mát-xa nhẹ nhàng 2 hàng vú. Cho lợn mẹ dùng kháng thể bột định kỳ.

+ Lấy sữa ra: Nặn sữa từng vú vào miếng bông trắng thử xem sữa tốt hay không. Nếu sữa tốt (màu trắng, không lợn cợn, không có mủ vàng hoặc xanh, không có máu) cho lợn con vào bú hút sữa ra. Nếu sữa xấu: vắt sữa ra chén, đem đổ bỏ, không vắt ra nền chuồng, lợn con uống phải sẽ bị tiêu chảy.

Dạng nặng: Kết hợp điều trị theo cách trên và sử dụng thuốc như sau:

Kháng sinh (ngày/ lần, 2 - 3 ngày): Amocin 150 LA liều 1 ml/10 kg TT, BTV – OXYVET liều 1,l/10 - 15 kg TT.

Trị triệu chứng:

+ Nếu vú bị viêm có nhân cứng hoặc cứng thành khối, xoa nhẹ và dùng sát trùng nhẹ Idoine để giảm khuẩn xâm nhập vào cơ thể tùy tình trạng viêm cứng.

+ Trường hợp sau bệnh viêm vú nái bị giảm sữa hoặc mất sữa: bổ sung cho nái các nguyên liệu tạo sữa: Canxi (Vime - Canlamin, Canxi - Magne, Canxi - B12 20 ml/nái/liều, ngày/liều, 3 - 5 ngày) và vitamin (BTV - B.Compex Men,...).

Chú ý vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, không nên cho lợn mẹ nằm trên trấu hay mùn cưa đã ngấm phân, nước tiểu. Duy trì chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông (BiotechVet, 2019) [19 ].

* Bệnh sót nhau

Lợn nái bị viêm niêm mạc tử cung nên sau khi đẻ nhau không ra hết, can thiệp vội vàng, thô bạo, không đúng kỹ thuật nên nhau bị đứt và sót lại. Lợn nái quá già, đẻ nhiều đuối sức, tử cung co bóp kém không đẩy được nhau ra.

- Nguyên nhân:

Theo Trịnh Đình Thâu và Nguyễn Văn Thanh (2010) [14], nguyên nhân của bệnh sót nhau là do: Sau khi đẻ tử cung co bóp yếu, trong thời gian mang thai nhất là giai đoạn cuối con vật không được vận động thỏa đáng.

Trong thức ăn thiếu các chất khoáng, nhất là Ca và P hoặc tử cung bị sa liệt, con vật quá gầy yếu hoặc quá béo, chửa quá nhiều thai, thai quá to, khó đẻ, nước ối quá nhiều làm tử cung giãn nở quá mức.

- Điều trị:

Theo Trịnh Đình Thâu và Nguyễn Văn Thanh (2010) [14], can thiệp kịp thời ngay khi nái có biểu hiện bệnh, không để quá muộn sẽ gây ra viêm tử cung, can thiệp đúng kỹ thuật, không quá mạnh tay, tránh những tổn thương.

Tiêm oxytocin dưới da để kích thích co bóp tử cung cho nhau còn sót lại đẩy ra ngoài hết. Sau khi nhau thai ra dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa tử cung trong ba ngày liên tục.

2.2.4.2. Một số bệnh thường gặp trên đàn lợn con theo mẹ * Bệnh tiêu chảy cấp (PED)

- Nguyên nhân:

Theo Nguyễn Ngọc Hải (2018) [4], bệnh xảy ra rất nhanh, trên toàn đàn lợn và gây chết gần như 100% lợn con theo mẹ. Dịch tiêu chảy cấp theo nhận định của nhiều chuyên gia có thể là do bệnh tiêu chảy thành dịch trên lợn (Porcine Epidemic Diarrhoea, viết tắt là PED) hoặc do bệnh Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (Transmissible GastroEnteritis, viết tắt là TGE) gây ra. Tác nhân của 2 bệnh này tuy là 2 loại virus khác nhau nhưng đều cùng thuộc nhóm Coronavirus.

- Triệu chứng:

Theo Nguyễn Ngọc Hải (2018) [4], khác với tiêu chảy do vi khuẩn (E.

coli, Clostridium...) xảy ra trên một số ít lợn trong bầy, 1 số ít bầy trong toàn đàn, thời gian xuất hiện bệnh chậm, có thể điều trị khỏi khi can thiệp bằng kháng sinh... Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện rất nhanh (2 - 3 ngày đến 1 - 2 tuần), trên toàn đàn, kể cả lợn nái, không điều trị được bằng kháng sinh. Lợn mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh nhưng nhạy cảm nhất là lợn sơ sinh với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.

- Biện pháp phòng trị:

+ Biện pháp thú y: Vì đây là bệnh do virus gây ra nên sử dụng kháng sinh chỉ là biện pháp hạn chế thiệt hại do các bệnh phụ nhiễm bởi vi khuẩn, nhất là vi khuẩn đường ruột như E. coli, Salmonella, bệnh lỵ... Có thể sử dụng kháng sinh pha vào nước uống, nước truyền dịch bù nước cho lợn con.

+ Vệ sinh chuồng trại và cách ly: Tăng cường vệ sinh, sát trùng, hạn chế người vào thăm trại. Biện pháp này chỉ có ý nghĩa rõ rệt nhằm mục đích phòng bệnh xâm nhập vào trong trại. Một khi dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện thì biện pháp này chỉ có ý nghĩa trong việc làm giảm nguy cơ phụ nhiễm, không có tác dụng chặn đứng dịch bệnh. Chú ý trong thời gian này không nhập thêm lợn mới vào trại.

+ Chăm sóc, nuôi dưỡng: Giảm cho ăn 4 - 5 ngày, cho ăn lại 1/2 khẩu phần, tăng khẩu phần từ từ. Mục đích của biện pháp này nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn đường ruột và hỗ trợ sự phục hồi của niêm mạc ruột đã bị hư hại do virus tấn công. Chú ý trong thời gian này cần đảm bảo lượng nước uống đầy đủ, đảm bảo chất lượng cho tất cả các nhóm lợn.

* Bệnh viêm khớp - Nguyên nhân:

Theo Nguyễn Ánh Tuyết (2015) [23], do các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể theo đường miệng, cuống rốn, vết thương khi cắt đuôi, bấm răng, bấm tai, các vết thương trên chân, da, đầu gối khi chúng chà sát trên nền chuồng cứng,

thô ráp hoặc qua vết thiến. Một nguyên nhân khác là do lợn con sau khi sinh không được bú sữa đầu từ lợn mẹ đầy đủ, nhất là ở những lợn bị mất mẹ….

- Triệu chứng:

Thấy chúng đi khập khiễng từ 3 - 4 ngày tuổi. Khớp chân sưng lên sau đó 7 - 15 ngày tuổi và lợn có thể chết sau đó lúc 2 - 5 tuần tuổi. Dấu hiệu viêm có thể thấy trên mọi ổ khớp nhưng thường thấy nhất là khớp cổ chân, khớp háng và khớp bàn chân. Khi rạch ổ khớp viêm thấy trong khớp có mủ đặc, có vết máu và những chất hoại tử màu trắng.

- Điều trị:

Có thể sử dụng các chất kháng sinh tổng hợp như ampicilin, penicillin phối hợp streptomycin… để tiêm trực tiếp vào khớp viêm và chích bắp thịt để điều trị toàn thân. Cần điều trị thật sớm ngay sau khi phát hiện ra triệu chứng viêm khớp.

- Phòng bệnh:

Theo Nguyễn Ánh Tuyết (2015) [23], cần vệ sinh sát trùng chuồng đẻ kỹ lưỡng. Dùng thuốc sát trùng hoặc đun sôi các dụng cụ đỡ đẻ, kìm bấm răng, cắt đuôi, thiến lợn đực… Nền chuồng nuôi lợn con không quá thô nhám, gồ ghề để tránh các vết trầy da cho lợn con khi chúng tranh bú mẹ. Sau khi cắt cột cuống rốn cần sát trùng đầu rốn bằng cồn iod. Cần chăm sóc, bảo đảm cho các lợn con sau khi sinh được cho bú sữa đầu đầy đủ.

* Bệnh phân trắng - Nguyên nhân:

Theo Trần Thị Hoài Quyên (2010) [11], do bản thân gia súc non: Do đặc điểm sinh lý lợn con, tất cả cơ quan bộ phận đều phát triển chưa hoàn thiện. Hơn nữa, lợn con lại có nhu cầu dinh dưỡng và khoáng chất rất lớn, nếu không được bổ sung đầy đủ thì chúng sẽ bị suy dinh dưỡng, ăn bẩn... gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Do gia súc mẹ: Lợn mẹ không được nuôi dưỡng đầy đủ khi mang thai trong giai đoạn đang nuôi con. Nhưng khi cho mẹ ăn quá nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng cũng làm ảnh hưởng tới lợn con. Trong thời gian mang thai, lợn nái không tiêm phòng vắc xin chống các bệnh như: dịch tả, phó thương hàn, parvovirus... thì lợn con sinh ra dễ mắc bệnh tiêu chảy hơn. Trong thời gian nuôi con gia súc mẹ bị mắc một số bệnh như: viêm vú, viêm tử cung, kém sữa, sau khi sinh sẽ lây nhiễm vi trùng vào đường tiêu hóa lợn con. Khi nuôi con mà con mẹ động dục trở lại sớm là một nguyên nhân làm số lượng và chất lượng sữa giảm vì thế bệnh sẽ dễ xảy ra.

- Triệu chứng:

Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là ở lợn con theo mẹ và lợn sau cai sữa. Lợn con có thể mắc bệnh rất sớm, ngày đầu tiên sau khi sinh, thường mắc nhiều nhất là sau khi sinh vài ngày.

Triệu chứng điển hình: Con vật khát nước, tính đàn hồi của da giảm, mắt lõm sâu, thở nhanh, sâu, nhịp tim nhanh, ít đái. Trong 1 - 2 ngày đầu mắc bệnh, lợn vẫn bú và chạy nhảy như thường. Phân táo như hạt đậu xanh, nhạt màu. Sau đó phân lỏng dần, có màu vàng hoặc hơi trắng, có bọt và chất nhầy, mùi tanh khắm. Con vật có vú hoặc bỏ bú, lông xù và dựng, da nhăn nheo, nhợt nhạt, đuôi khoeo dính đầy phân.

Bệnh thường gặp 3 thể:

+ Thể quá cấp tính: Lợn tiêu chảy rất mạnh và có thể chết sau 6 – 20 giờ kể từ khi bỏ bú. Lợn bỏ bú hoàn toàn, đi đứng siêu vẹo, loạng choạng, hay nằm bẹp một chỗ, co giật rồi chết. Thể này rất ít gặp.

+ Thể cấp tính: Lợn ỉa chảy nặng, mất nước, mất điện giải rồi chết sau vài ngày mắc bệnh. Thể cấp tính hay gặp trong thực tế.

+ Thể mạn tính: Thường gặp ở lợn từ tập ăn đến lúc cai sữa. Con vật ỉa chảy liên miên, phân lúc lỏng, lúc sền sệt, có mùi rất khó chịu, lợn gầy còm.

- Phòng và trị bệnh:

+ Phòng bệnh:

Theo Trần Thị Hoài Quyên (2010) [11], bệnh lợn con phân trắng không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tăng trọng lượng lợn, mà còn gây thiệt hại về kinh tế vì lợn bị còi cọc, tiêu tốn thức ăn và dễ nhiễm các bệnh khác nên việc phòng bệnh là không thể thiếu. Chúng ta cần tiến hành các biện pháp phòng tổng hợp: dùng chế phẩm sinh học; dùng hóa học trị liệu; phòng bệnh bằng vắc xin; phòng bệnh bằng chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý.

+ Trị bệnh:

Điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc sử dụng kháng sinh điều trị bệnh lợn con phân trắng tỏ ra kém hiệu lực do vi khuẩn E. coliSalmonella có tỷ lệ kháng thuốc cao. Kháng sinh dùng trong điều trị bệnh cho kết quả rất khác nhau ở các địa phương khác nhau. Tại một địa phương nếu một loại kháng sinh nào đó được dùng một thời gian dài thì hiệu lực điều trị sẽ giảm dần theo thời gian.

Điều trị bằng các chế phẩm sinh học: Các chế phẩm sinh học đã được sử dụng điều trị bệnh tiêu chảy ở lợn như: sử dụng chế phẩm E. M1 30% điều trị bệnh tiêu chảy ở lợn con có tác dụng điều trị tương đương điều trị kháng sinh.

Một phần của tài liệu Áp dụng quy trình nuôi dưỡng chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn công ty phát đạt thành phố phúc yên tỉnh vĩnh phúc (Trang 31 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)