Chương 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp nghiên cứu cắt ngang (coss – sectional study) các chỉ tiêu hình thái của học sinh 12÷15tuổi của học sinh trường THCS Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
2.2.1. Chọn mẫu nghiên cứu
Mẫu được chọn ngẫu nhiên trong số học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 của trường THCS xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, sau đó tiến hành nghiên cứu trên tất cả các học sinh đã chọn.
2.2.2. Các chỉ số nghiên cứu
Các chỉ số về hình thái thể lực: gồm chiều cao đứng, cân nặng, vòng ngực trung bình, vòng đùi phải, vòng cánh tay phải co, vòng bụng, vòng mông và vòng đầu.
Các dấu hiệu dậy thì bao gồm các dấu hiệu: thời điểm có mụn trứng cá, mức độ phát triển lông nách, mức độ phát triển lông mu đối với học sinh nam; thời điểm có mụn trứng cá, mức độ phát triển lông nách, mức độ phát triển lông mu, mức độ phát triển tuyến vú đối với học sinh nữ.
2.2.3. Phương pháp nghiên cứu các chỉ số - Chỉ số về hình thái - thể lực
Các chỉ số về hình thái thể lực được xác định theo phương pháp được dùng phổ biến trong nghiên cứu y sinh học [14] gồm có:
Chiều cao đứng: đơn vị là cm, dụng cụ là thước treo chia độ có độ chính xác đến 1mm. Theo phương pháp cổ điển của Martin ( bốn điểm nhô ra nhất về phía sau là chẩm, lưng, mông, gót; đầu để thẳng sao cho đôi mắt và điển giữa bờ trên lỗ tai ngoài ngang vuông góc với trục cơ thể) [50]. Người được đo ở tư thế thẳng đứng trên nền phẳng, hai gót chân sát nhau sao cho bốn điểm chẩm, lưng, mông và gót chạm thước đo.
Cân nặng: Đơn vị là kg, được xác định bằng cân bàn Nhật Bản, có độ chính xác đến 0,1kg. cân được đặt trên mặt phẳng, các đối tượng đo mặc quần áo mỏng, đứng thẳng sao cho trọng tâm của cở thể rơi vào điểm giữa của cân, đo xa bữa ăn.
Vòng ngực trung bình : đơn vị đo là cm, dụng cụ đo là thước dây không co giãn có độ chính xác đến 1mm, đo ở tư thế thẳng đứng, vòng thước dây quanh ngực vuông góc với cột sống và đi qua xương bả vai ở phía sau và mũi ức ở phía trước.
Đo ở hai lần hít vào và thở ra hết mức sau đó lấy trung bình cộng.
Vòng bụng: đo qua mức thắt lưng vuông góc với trục thân, dưới rốn 2 cm, tư thế đứng chuẩn, đo bằng thước vải không co giãn, chính xác đến 1 mm.
Vòng cánh tay phải co: để học sinh ở tư thế ngồi thẳng, tay phải giơ ngang song song với mặt đất sau đó nắm chặt bàn tay đồng thời gấp cổ tay lại, đo bằng thước dây có độ chính xác 1mm qua chỗ to nhất của bắp tay khi ở trạng thái co.
Vòng mông: đo qua chỗ to nhất của mông khi đối tượng ở tư thế đứng chuẩn.
Đo bằng thước dây không giãn có độ chính xác đến 1 mm.
Vòng đùi: Vòng đo qua dưới nếp lằn mông, vuông góc với trục thân, tư thế đứng chuẩn, được đo bằng thước vải không co giãn, có độ chính xác đến 1 mm.
- Phương pháp nghiên cứu tuổi dậy thì và một số dấu hiệu dậy thì
Dùng phương pháp phỏng vấn hồi cố: hỏi học sinh về thời điểm có mụn trứng cá trên mặt (yêu cầu học sinh nhớ lại).
Dùng kỹ thuật mô tả và quan sát trực tiếp xác định các dấu hiệu sinh dục thứ cấp như: lông ở hố nách, lông trên mu, mức độ phát triển tuyến vú theo các giai đoạn phát triển của lông mu (pubis, kí hiệu là P), lông nách (axillaris, kí hiệu là A), tuyến vú (mammae, kí hiệu là Ma).
+ 4 giai đoạn phát triển của lông nách [54]:
A0: Chưa có lông.
A1: Có lông rồi nhưng là lông tơ, thưa.
A2: Lông sẫm màu, rậm hơn, nhưng còn nhìn thấy phần da dưới chân lông.
A3: Lông sẫm màu, rậm, phủ kín, không còn nhìn thấy chân lông, đạt mức của người trưởng thành.
+ 5 giai đoạn phát triển của lông mu [54]:
P0: Chưa có lông.
P1: Có lông rồi nhưng là lông tơ, thưa.
P2: Lông sẫm màu, rậm hơn nhưng còn nhìn thấy phần da dưới chân lông.
P3: Lông sẫm màu, rậm, phủ kín, không còn nhìn thấy chân lông, đạt mức của người trưởng thành.
P4: Lông rậm, phát triển rộng hơn phần mu, thậm chí mọc lên rốn, ngực.
+ 5 giai đoạn phát triển tuyến vú [54]:
Ma0: Tuyến vú chưa phát triển.
Ma1: Bầu vú bắt đầu phát triển, có hiện tượng sưng ở quầng thâm núm vú, trông giống chũm cau.
Ma2: Bầu vú phát triển hơn, nhô cao trên lồng ngực.
Ma3: Bầu vú phát triển hơn, tuy nhiên bầu vú chưa đủ lớn để tạo thành đường gẫy nét giữa chân bầu vú với bề mặt ngực.
Ma4: Bầu vú phát triển lớn hơn, tạo thành đường gẫy nét giữa chân bầu vú với bề mặt ngực, đạt mức của người trưởng thành.
2.2.4. Phương pháp xử lý số liệu.
Số liệu được xử lý theo phương pháp thống kê dùng trong y, sinh học [15], [16]. [17]. Các phiếu điều tra sau khi xử lý thô, đạt yêu cầu được nhập vào máy vi tính, được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2003 và SPSS 13.0.
Các đặc trưng thống kê gồm có: giá trị trung bình (X ), độ lệch chuẩn (SD).
So sánh hai giá trị trung bình của hai mẫu theo phương pháp Student - Fisher (Kiểm định "t - test" với mức ý nghĩa α = 0,05).