Khái niệm không gian mở đô thị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất định hướng quy hoạch không gian mở đô thị khu vực quận hà đông thành phố hà nội (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Cơ sở lý luận quy hoạch không gian mở đô thị

1.2.1. Khái niệm không gian mở đô thị

Bản thân KGM là một khái niệm phức tạp, đa chiều và không có một định nghĩa chung, phổ quát toàn cầu về nó. Không gian mở được tạo ra, sử dụng, gán nghĩa, quản lý và được tái sinh do các nhu cầu chính trị – kinh tế – xã hội của các thể chế xã hội khác nhau, ở các không gian và tại thời gian khác nhau, bị chi phối bởi các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau.

Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, khái niệm không gian mở đô thị (Open space) dùng để chỉ khu vực dành cho công viên, không gian xanh, mặt nước và các khu vực công cộng khác [20]. Cảnh quan của không gian mở đô thị có thể bao gồm từ sân chơi đến môi trường được duy trì cao đến cảnh quan tương đối tự nhiên.

Thường được mở cửa cho mọi người, không gian mở đô thị đôi khi thuộc sở hữu tư nhân, chẳng hạn như cơ sở giáo dục đại học, khu phố, công viên cộng đồng và cơ sở hoặc tổ chức.

Về mặt kiến trúc học, khái niệm không gian mở là một thuật ngữ rộng có thể được sử dụng để mô tả tất cả các vùng đất không chứa các tòa nhà và công trình xây dựng, có thể bao gồm đất công cộng và tư nhân [18]. Các đối tượng không gian mở đô thị phải được thiết kế đảm bảo phục vụ và hướng tới quá trình sử dụng của người dân, cộng đồng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, thụ hưởng mà không cần trả phí. Các khu vực bên ngoài ranh giới thành phố, như công viên hay không gian mở ở nông thôn, không được coi là không gian mở đô thị.

Định nghĩa về không gian mở cũng được sử dụng trong nhiều nghiên cứu khác như của Ủy ban quy hoạch vùng Miami Valley Regional Planning Commission năm 1993. Định nghĩa về không gian mở trong nghiên này cứu rất rộng

và trải rộng từ các khu vực hoạt động trong tự nhiên, như công viên và sân bóng, đến các khu vực thụ động trong tự nhiên như bảo tồn đất ngập nước và kiểm soát lũ lụt… hay nói cách khác, đây là những nơi được xây dựng và kiến tạo nhằm phục vụ cộng đồng [17]. Tuy nhiên, trong định nghĩa này không đưa ra cụ thể về khả năng tiếp cận của người dân. Bởi vậy, những đối tượng được xây dựng phục vụ người dân, mà họ phải trả phí như khu y tế, trường học,…vẫn được xếp vào nhóm các đối tượng KGM đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, xem xét trên góc độ quản lý nhà nước, KGM chưa được chính thức định nghĩa, đề cập hay quy định cụ thể trong hiến pháp, pháp luật nói chung và các quy chuẩn quy phạm kỹ thuật về quy hoạch kiến trúc nói riêng. Các bộ luật chính liên quan đến xây dựng và sử dụng đất đai cũng chưa đưa ra những khái niệm cụ thể cho các đối tượng không gian mở.

Quy chuẩn Quy hoạch xây dựng Việt Nam 01: 2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành đã đề cấp đến nhiều đối tượng được coi là không gian công cộng trong đô thị [3]. Cụ thể:

- Các khu chức năng KGM không được nhắc đến trực tiếp trong quy chuẩn, nhưng có đề cập đến “Các khu vực xây dựng các khu cây xanh công viên, vườn hoa đô thị” là một trong các loại ‘khu chức năng’ trong đô thị. Điều này ám chỉ các đối tượng KGM, nhưng thể hiện là các KGM có tính chất thiên nhiên (cây xanh vườn hoa) hơn là các KGM mang tính chất xã hội.

- Trong phần quy hoạch các đơn vị ở, yêu cầu đối với quy hoạch các đơn vị ở được quy định: “Quy hoạch các đơn vị ở phải đảm bảo cung cấp nhà ở và các dịch vụ thiết yếu hàng ngày (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cơ sở, văn hoá thông tin, chợ, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, không gian dạo chơi, thư giãn…) của người dân trong bán kính đi bộ không lớn hơn 500m nhằm khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và đi bộ”. Ở đây, KGM không được nhắc đến trực tiếp mà được nhắc đến gián tiếp bằng cụm từ “không gian dạo chơi, thư giãn”.

- Trong các nhóm nhà ở phải bố trí vườn hoa, sân chơi với bán kính phục vụ (tính theo đường tiếp cận thực tế gần nhất) không lớn hơn 300m” và “Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu phải đạt 2m2/người trong đó đất cây

xanh nhóm nhà phải đạt tối thiểu 1m2/người”.

- Quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, KGM không có trong danh mục các công trình dịch vụ công cộng (gồm các loại chính là giáo dục, y tế, thể dục thể thao, văn hóa và thương mại). Bởi vậy, cũng không có quy định về định mức diện tích cho KGM ở các cấp độ.

- Về quy hoạch cây xanh đô thị, quy chuẩn gộp các chức năng quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo … vào nhóm “Cây xanh sử dụng công cộng” và sau đó được quy định chỉ tiêu diện tích đầu người cho từng loại đô thị, chẳng hạn đô thị đặc biệt trên 7m2/người, đô thị loại V trên 4m2/người.

Cụm từ “Không gian mở” được sử dụng tại một số văn bản như Quy hoạch xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD do Bộ xây dựng ban hành, Quyết định 1495/QĐ- UBND của UBND thành phố Hà Nội, Nghị định 05/VBHN-BXD do Bộ xây dựng ban hành....Điểm chung của việc xuất hiện cụm từ KGM trong các văn bản này là đều hướng tới góc độ tiếp cận của con người trong đô thị. Xét trên góc độ quy định cụ thể về KGM thì chưa có văn bản nào đề cập đến.

Như vậy, trong hệ thống quy hoạch chính thống của Việt Nam chưa có khái niệm KGM; đặc biệt không có sự khẳng định và trình bày rõ rệt về nguyên lý quy hoạch cho loại KGM chính thống với tư cách là một hạ tầng chính trị, mặc dù trên thực tế các quảng trường chính trị vẫn được quy hoạch và tạo dựng khá hoành tráng.

Do chưa có một định nghĩa cụ thể và xuyên suốt trong quá trình thiết kế đô thị của các nước về KGM, trong đó có Việt Nam, cho nên có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến các khái niệm và hệ thống phân loại khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung giữa các khái niệm đều hướng tới sự tiếp cận của người dân phục vụ các nhu cầu về giải trí, văn hóa và xã hội. Sự khác biệt giữa các khái niệm, quan điểm nằm ở không gian nghiên cứu. Một số khái niệm cho rằng, KGM bao gồm cả những đối tượng văn hóa, xã hội, y tế,… người dân có thể tiếp cận miễn phí hoặc phải chịu phí (như các dịch vụ y tế, thể dục thể thao, các nhà hát,…). Một số khác thì cho rằng, KGM là những khu vực mà con người có thể tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí, rèn luyện sức khỏe mà không bị chịu phí hoặc đơn giản KGM là những khu vực trống giữa các tòa nhà và các công trình xây dựng đô thị.

Sau quá trình nghiên cứu tài liệu, đề tài đề xuất một định nghĩa cụ thể cho các đối tượng KGM tại Việt Nam hiện nay: KGM tại Việt Nam được hiểu là những khu vực khoảng trống đô thị, nằm xen kẽ giữa các tòa nhà, công trình xây dựng dành cho mục đích ở và làm việc,…nơi tất cả người dân đều có quyền tiếp cận và sử dụng, có thể miễn phí hoặc chịu phí tùy theo đối tượng khác nhau, nhằm tham gia các hoạt động giải trí, xã hội, văn hóa, rèn luyện sức khỏe.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất định hướng quy hoạch không gian mở đô thị khu vực quận hà đông thành phố hà nội (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)