Kết quả phân tích đột biến exon 3

Một phần của tài liệu Phân tích di truyền gen sửa chữa bắt cặp sai MSH2 từ bệnh nhân ung thư đại trực tràng (Trang 64 - 68)

3.3. Kết quả phân tích đột biến trên 09 exon gen MSH2

3.3.2. Kết quả phân tích đột biến exon 3

Căn cứ vào Hình 23 ta thấy, ở các mẫu ADN phân tích trừ mẫu 14, mô hình điện di xuất hiện 3 băng sợi đơn. Trong đó, 2 băng phía trên nằm sát nhau và tách biệt với băng sợi đơn còn lại. Tuy nhiên, ở mẫu 14 chỉ xuất hiện 2 băng sợi đơn phía trên mà mất hoàn toàn băng sợi đơn phía dưới. Đối chiếu sự sai khác này với mẫu đối chứng, chúng tôi kết luận có thể mẫu 14 của exon 3 đã xảy ra đột biến nên mới có mô hình sợi đơn thể hiện bất thường như vậy. Hơn nữa, chúng tôi dự đoán, đây là đột biến xuất hiện trong quá trình phân chia tế bào sôma không phải đột biến dòng mầm. Bởi quan sát trên bản gel điện di, chúng tôi thấy một băng ADN sợi đơn khá mờ nhạt của mẫu bình thường. Có thể ADN tổng số của các tế bào bình thường lẫn trong mẫu 14 đã được tách chiết cùng với ADN tổng số của dòng tế bào đột biến.

Để biết chính xác vị trí xảy ra đột biến cũng như kiểu đột biến dẫn tới sự sai khác trong mô hình điện di mẫu 14, chúng tôi đã gửi mẫu đi đọc trình tự. Trước khi gửi mẫu, chúng tôi tiến hành tinh sạch và làm giàu nồng độ ADN mẫu nhờ kỹ thuật PCR.

Chúng tôi sử dụng phần mềm BioEdit để phân tích kết quả đọc trình tự thu được. Sau khi so sánh với trình tự chuẩn ban đầu khi tiến hành thiết kế mồi nhân bản exon 3, chúng tôi phát hiện một đột biến dạng thay thế nucleotide G bởi T ở trình tự CTGGCCAT trên mạch ngược (Hình 24). Vị trí này tương ứng với

nucleotide 65-70 trên mạch xuôi exon 3 được biết của một bệnh nhân nam, 56 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng.

Đột biến được xác định nằm trong vùng mã hóa tại vị trí nucleotide thứ 596, tương ứng với codon 199 của gen MSH2 (c.199 G>T). Sự thay thế G bởi T khiến bộ ba mã sao GGC trong trình tự xảy ra đột biến bị biến thành GTC. Tương ứng với bộ ba mã hóa trên mARN từ CCG (mã hóa axit amin prolin) → CAG (mã hóa axit amin glutamin). Kết quả là, một axit amin trong chuỗi polypeptide do gen MSH2 tạo ra bị thay thế. Sự thay thế này có thể làm sản phẩm protein có chức năng bám ADN trong quá trình sửa lỗi (được mã hóa bởi các exon từ 1 đến 6) [38] có một axit amin bị thay đổi.

3.3.3. Kết quả phân tích đột biến exon 6

Trong mô hình điện di exon 6 (Hình 25), các băng ADN sợi đơn tách thành 3 băng với 2 băng phía trên nằm sát nhau và tách biệt hoàn toàn với băng sợi đơn phía dưới. Kết quả điện di cho thấy, không xảy ra sự sai khác nào trong mô hình sợi đơn ở 42 mẫu được phân tích so với mẫu đối chứng. Điều đó chứng tỏ, trên exon 6 không có đột biến nào xảy ra. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa có bất cứ thông tin nào về đột biến được phát hiện trên exon này.

3.3.4. Kết quả phân tích đột biến exon 7

Kết quả điện di exon 7 cho thấy, mô hình các băng sợi đơn của các mẫu phân tách thành 3 băng với 1 băng phía trên tách biệt với 2 băng phía dưới nằm sát nhau.

Đối chiếu sự thể hiện các băng sợi đơn trong mô hình điện di của các mẫu với mẫu đối chứng, chúng tôi phát hiện một mô hình sai khác ở mẫu số 30 (Hình 26). Trong mô hình sợi đơn của mẫu này chỉ xuất hiện 2 băng sợi đơn phía trên mà mất hoàn toàn băng sợi đơn dưới cùng. Chúng tôi nghi ngờ đã có đột biến xảy ra trên exon 7 đối với mẫu 30.

Cũng như mẫu 14 trên exon 3, chúng tôi tiến hành điện di kiểm tra lại kết quả, tinh sạch mẫu, làm giàu nồng độ ADN và gửi mẫu đi đọc trình tự. Tuy nhiên, chúng tôi chưa phát hiện chính xác vị trí xảy ra đột biến cũng như dạng đột biến dẫn tới mô hình điện di sai khác trên mẫu 30.

Một phần của tài liệu Phân tích di truyền gen sửa chữa bắt cặp sai MSH2 từ bệnh nhân ung thư đại trực tràng (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)