Lễ hội và các trò chơi dân gian của người Mường

Một phần của tài liệu MÔ TẢ, ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI THÁI MAI CHÂU, HÒA BÌNH (Trang 23 - 27)

II. ĐẶC TRƯNG VĂN HOÁ CỦA TỘC NGƯỜI

4. Phong tục tập quán

4.3. Lễ hội và các trò chơi dân gian của người Mường

Lễ hội ở người Mường khá phong phú, nó ra đời, tồn tại và phát triển trên nền tảng của nền nông nghiệp trồng lúa nước. Lễ hội cũng là không gian của âm nhạc cồng chiêng, của những làn điệu dân ca Mường “ Rằng thường, Bọ mẹng”, của những điệu múa dân gian mộc mạc. Lễ hội ẩn chứa những giá

trị đa chiều của một nền văn hóa- là một phần sinh động của bản sắc văn hóa Mường. Cũng giống như lễ hội của người Việt, lễ hội ở người Mường gồm hai phần chính.

+ Phần lễ: Thể hiện sự ngưỡng mộ đối tượng thờ phụng, tưởng nhớ công ơn, cầu mong sự may mắn.Vị chủ tế trong phần lễ thường là Thầy Mo có uy tín hoặc một vị quan lang trong vùng.

+ Phần hội: Tổ chức các trò chơi dân gian để mọi người thi tài, vui chơi thoải mái trong sự bình đẳng giữa các thành viên cộng đồng.

Dưới đây là một số lễ hội của người Mường:

• Lễ hội xuống đồng (khuống mùa)

Thời gian được tổ chức vào ngày mồng Tám tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới. Lễ hội thường được tổ chức ở các vùng như: Mường Động (Kim Bôi), Mường Bi (ở khu vực xóm Lũy- huyện Tân Lạc) mường Chiềng, Mường Vang (ở khu vực xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn). Phần lễ diễn ra trong không khí trang trọng và linh thiêng.

Mở đầu là cảnh ông Mo “khua chiêng” để đánh thức chiêng và diễn xướng . Một cô gái Mường trong vai thần vía lúa gạo, một người bưng lễ mâm cúng - lay lục Đâm đuống (giã gạo) . Hai nhóm trai, gái cùng cầm những chiếc chày dài, cao xấp xỉ thân người cùng vung lên rồi giã xuống cối gạo tạo ra âm thanh rộn rã trong Mường, ngoài xóm.

Nhưng độc đáo nhất phải là màn trình diễn của nhóm hòa tấu cồng chiêng “sắc bùa”, nhóm hòa tấu các bản nhạc “cò ke ống sáo” (nhị, sáo, đàn tam, kiêu cảnh, sênh tiền). Các cô gái Mường duyên dáng, uyển chuyển trong điệu sênh tiền với những động tác gần gũi với đời sống sinh hoạt như khi bưng mâm lễ trong ngày hội; khi gánh những bông lúa trĩu hạt trong một mùa

bội thu; khi e ấp soi mình bên dòng suối.... Đây là điệu mùa được tác giả dân gian sáng tạo trên nền tiết tấu của nhạc cụ sênh tiền nên âm hưởng rất vui tai và tạo ra sự hào hứng cho những người đến với lễ hội…

• Lễ hội sắc bùa

Với người Mường ở Hoà Bình thì lễ hội hát sắc bùa (tức là xách cồng) là một lễ hội lớn, là di sản văn hoá quan trọng được tổ chức hàng năm vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Lễ hội được tổ chức từ mùng Một Tết và thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày.

Đứng đầu phường bùa là một thầy thường, đây phải là người có giọng hát hay và có tài ứng tác. Bao giờ phường bùa cũng xuất hành đi từ khu nhà để cồng chiêng. Trước khi đi, thầy thường sẽ đọc lời xuất phát. Phường bùa vừa đi, vừa đánh những bài cồng chiêng khác nhau và hát những bài tùy hứng, có thể là lên chiêng, bồng một, bồng hai, bồng ba, bồng bốn hay lộn cồng.

Khi tới cổng nhà nào đó, phường bùa sẽ đánh cồng và hát bài mở cổng để chủ nhà ra mở cổng mời vào. Phường bùa vừa đi vừa hát những bài chúc tụng, ca ngợi gia cảnh thịnh vượng của gia đình nhà chủ. Nếu nhà nào không mời phường bùa lên gác thì chủ nhà sẽ trao cho thầy thường một thúng thóc nhỏ làm quà còn thầy sẽ hát bài phát rác tạ ơn chủ nhà. Cứ như thế phường bùa sẽ đến lần lượt các nhà khác trong làng. Ngược lại, phường bùa hát hay, đối đáp giỏi sẽ được mời lên nhà. Trên nhà, chủ nhà và thầy thường ngồi đối diện nhau sát cửa sổ còn những người khác ngồi thành vòng tròn. Họ ăn cơm, uống rượu và tiếp tục hát đối, hát giao duyên. Cuối cùng khi phường bùa ra về, thầy thường sẽ hát chào, chúc chủ nhà sống lâu. Còn gia chủ thì mang quà, bánh, thóc gạo tặng cho phường bùa để cảm ơn.

Những điểm đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là ở chỗ tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều được biểu hiện qua lời hát.

• Lễ hội cầu mùa

Lễ hội được tổ chức sau khi gieo hạt, trồng cây ngô, lúa, khoai sắn....

để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho sự che chở của thần linh, qua đó phản ánh ước muốn của đồng bào về cuộc sống no đủ hạnh phúc. Theo quan niệm của đồng bào từ xa xưa, tháng tư âm lịch sau khi gieo trồng các loại hoa màu xong, đây chính là “mùa sấm mọc” dân làng đợi nước làm ruộng nhưng trời vẫn không cho mưa, các già làng giục con cháu làm lễ cầu mưa.

Đầu tiên thầy cúng gọi thần đất (thổ công) dậy và gọi thần gió, thần mưa... về để kêu than cho dân chúng bản. Lúc này mọi người dân ngồi xung quanh chắp tay cầu khấn mưa. Qua đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tham gia vào các điệu múa, lời ca, các trò chơi dân gian...truyền thống của các dân tộc. Sau khi cầu khấn, tế lễ xong và được sự đồng ý của thần linh, thầy Mo múc nước té lên trời.

Kết thúc nghi thức cúng, du khách tham dự được mời thụ lộc để mừng trời mưa để mong mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu.

Ngoài ra còn có một số trò chơi dân gian của người Mường như:

+ Ném còn, kéo co, nhún đu, đánh mảng, đánh cù, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đè khà (tương tự như vật tự do). Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian trong các lễ hội Mường còn tổ chức các trò chơi, các cuộc thi vừa kết hợp giữa hiện đại và cổ truyền như: thi đánh bóng chuyền, bóng đá, đan sọt, thi biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống, thi nấu ăn các món ăn Ẩm thực Mường, cuộc thi người đẹp giữa các thiếu nữ Mường duyên dáng,…đã nói lên sự đa dạng và hấp hẫn trong lễ hội Mường.

Trò chơi dân gian mang tính phổ biến nhất trong trẻ em Mường là trò đố lá. Đây là trò chơi mang tính vui chơi thoải mái vô tư, tạo sự hưng

phấn, hoà nhập cộng đồng. Trò chơi mang tính thi đấu cho nên tham gia vào cuộc đố lá ít nhất phải có hai người trở lên.

+ Cách chơi: mỗi người chơi chuẩn bị một túi nhẵng hay một rổ nhỏ dùng để đựng lá. Từng người tản vào rừng theo các hướng khác nhau và nhanh tay, bí mật hái được nhiêu loại lá khác nhau, mỗi loại từ một đến hai lá mang về.

+ Luật chơi là so từng loại lá hái được. Khi so, nếu cùng nhau có loại lá đó thì cùng nhau bỏ đi. Rồi tiếp tục so. Loại lá nào người này có, người kia không thì người có lá đó giữ lá lại. So cho đến hết lá, người nào giữ lại được nhiều lá hơn thì người đó thắng cuộc. Người thắng cuộc sẽ được búng vào tai người thua cuộc. Thắng bao nhiêu lá thì được búng bấy nhiêu cái. Người thua cuộc không được búng trả lại.

Một phần của tài liệu MÔ TẢ, ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ BẢO TỒN VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI THÁI MAI CHÂU, HÒA BÌNH (Trang 23 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(49 trang)
w