Các phương pháp điều t ra thu thập số liệu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học quần thể của các loài thú ăn thịt nhỏ tại khu bảo tồn thiên nhiên pù hoạt, tỉnh nghệ an​ (Trang 31 - 34)

2.4. Phương pháp nghiên cứu

2.4.1. Các phương pháp điều t ra thu thập số liệu

Phương pháp này được tiến hành trong thời gian làm công tác chuẩn bị cho đợt điều tra đầu tiên. Từ việc tổng hợp các kết quả nghiên cứu về khu hệ thú ở KBTTN Pù Hoạt trước đó; tôi đã lên được danh sách các loài thú ăn thịt nhỏ có khả năng tồn tại trong vùng rừng xã Thông Thụ. Đây là nguồn thông tin ban đầu, giúp chuẩn bị tốt tài liệu (đánh dấu vào sách định loại thú ngoài thực địa, in ảnh màu các loài thú) cho công tác phỏng vấn dân và khảo sát thực địa.

2.4.1.2. Phỏng vấn kết hợp phân tích mẫu vật

Phương pháp này được áp dụng khi lần đầu đến khu vực khảo sát.

Trong mỗi khu vực khảo sát, tiến hành tiếp cận một số hộ dân sống gần rừng để phỏng vấn; đặc biệt quan tâm phỏng vấn các thợ rừng nhiều kinh nghiệm.

Thông tin thu được qua phỏng vấn giúp định hướng cho kế hoạch điều tra thực địa cũng như lựa chọn người dân dẫn đường. Đã phỏng vấn 34 người dân thuộc 4 bản trong xã Thông Thụ (Mường Piệt, Nà Lươm, Cự Na và Huổi Đừa) và 3 bản thuộc xã khác nhưng có vị trí tiếp giáp với rừng Thông Thụ, gồm 2 bản của xã Tiền Phong (Huổi Muồng, Na Chạng) và 1 bản của xã Đồng Văn (Đồng Mới).

Sử dụng câu hỏi bán định hướng để khai thác thông tin về thành phần loài thú ăn thịt nhỏ mà người dân thường gặp trong khu vực khảo sát. Nhằm đánh giá độ tin cậy của những thông tin người dân cung cấp, đối với mỗi loài thú tôi thực hiện hỏi lặp lại nhiều lần nhưng theo các dạng câu hỏi khác nhau để kiểm tra chéo thông tin. Các dạng câu hỏi sau đã được sử dụng:

(1). Có bao nhiêu loại Cầy/Chồn/Lửng/Rái cá trong vùng rừng gần bản mà anh/ông biết?

(2). Đã nhìn thấy nó ở đâu, khi nào?

(3). Nhìn thấy nó trong hoàn cảnh nào?

(4). Đàn thú được quan sát trong bao lâu? Có bao nhiêu con trong đàn?

(5). Tại sao lại khẳng định đó chính là loại/loài thú đang hỏi tới?

Kết thúc mỗi cuộc phỏng vấn cho người dân xem ảnh 24 loài thú ăn thịt nhỏ có phân bố tự nhiên ở Việt Nam để kiểm tra tính chính xác của các thông tin họ vừa cung cấp và hoàn thiện tên phổ thông của các loài.

Ngoài ra, trong qua trình phỏng vấn, có thể kết hợp xem xét các mẫu vật (nếu người dân có mẫu). Thời gian và địa điểm thu mẫu là nguồn thông tin quan trọng nhất khi phân tích mẫu vật, sử dụng bản đồ giấy để hỗ trợ người dân cung cấp thông tin chi tiết hơn về địa điểm bắt gặp/bẫy bắt được loài.

Tiến hành cho điểm từng cuộc phỏng vấn để đánh giá chất lượng thông tin. Tiêu chí cho điểm như sau:

0 điểm: Không có thông tin;

1 điểm: Có ít thông tin mô tả, không nhận được loài trong ảnh;

2 điểm: Mô tả tốt, nhưng không nhận được loài trong ảnh;

3 điểm: Mô tả tốt, nhận được loài trong ảnh;

4 điểm: Mô tả tốt, đồng thời có mẫu vật đã cũ (nhồi khô cả con/một bộ phận sấy khô của thú);

5 điểm: Mô tả tốt, đồng thời có mẫu vật còn mới (con vật còn sống/bộ phận cơ thể còn tươi sống).

Danh sách người dân cung cấp thông tin và chất lượng thông tin được thể hiện ở phụ lục 1.

2.4.1.3. Điều tra thực địa

Trong mỗi đợt điều tra; tổ chức chia đoàn làm 02 nhóm, mỗi nhóm có 05 người gồm: 01 chuyên gia động vật hoang dã, 01 cán bộ kỹ thuật, 01 cán bộ kiểm lâm địa bàn và 02 thợ rừng địa phương. Điều tra theo các tuyến chính là đường mòn đi lại trong rừng và các tuyến phụ cắt ngang tuyến chính đến các điểm người dẫn đường đã từng bắt gặp thú ăn thịt nhỏ. Đi bộ với tốc độ

khoảng 0,5 km/h, chú ý quan sát tìm kiếm các loài thú và dấu vết của chúng ở hai bên tuyến.

Ghi nhận về các loài thú được thu thập qua quan sát trực tiếp bằng mắt thường hoặc ống nhòm, gián tiếp qua các dấu vết (dấu chân, phân, vết ủi, hang ổ…) để lại trên nền rừng. Ngoài điều tra ban ngày còn tiến hành soi đèn ban đêm để phát hiện các loài thú ăn thịt nhỏ chuyên kiếm ăn đêm. Song song với điều tra theo tuyến cũng tiến hành điều tra điểm. Hai hình thức điều tra điểm đã áp dụng là: sử dụng bẫy lồng để bẫy bắt và gài đặt bẫy ảnh.

Đã sử dụng 15 bẫy lồng (kích thước: 40x40x60 cm) để bẫy bắt thú ăn thịt nhỏ trong thời gian khảo sát tại 02 khu vực (khe Huổi Tang và khe Nậm Binh). Bẫy lồng được đặt từ hôm đầu tiên vào khu vực và thu bẫy trước một ngày đoàn rút khỏi khu vực. Các cá thể thú ăn thịt nhỏ vào bẫy lồng được định loại đến loài; lựa chọn một số cá thể trưởng thành đại diện cho loài làm mẫu vật nghiên cứu, còn lại thả về môi trường tự nhiên.

Đã sử dụng 15 bẫy ảnh (Wildgame - Model TR8ix cảm biến chuyển động; có độ phân giải 8.0 megapixel, gắn 32 đèn LED hồng ngoại) để gài đặt điều tra trong thời gian giữa hai đợt khảo sát. Đã lựa chọn khu vực khe Nậm Cân để đặt hệ thống bẫy ảnh; bởi theo thông tin phỏng vấn thợ săn thì nơi đây còn nhiều các loài thú lui tới. Lựa chọn đặt từng bẫy ảnh tại các điểm thú ăn thịt nhỏ thường hay lui tới lấy thức ăn (gốc cây có quả làm thức ăn), đến uống nước (mó/vũng nước), đường duy nhất chúng phải di chuyển qua (cây ngả vào vách đá dựng đứng); ngoài ra đã sử dụng muối ăn, chuối chín để dẫn dụ chúng đến trước ống kính bẫy ảnh.

Sau khi bắt gặp thú ăn thịt nhỏ và dấu vết của chúng (điều tra tuyến, bẫy bắt được, bẫy ảnh chụp được) thì ghi nhận chi tiết về: vị trí - tọa độ bắt gặp, xác định loài, số lượng cá thể (thông tin này được tổng hợp ở phụ lục 2).

Đồng thời, xác định vùng ô mẫu với kích thước 10x10 m, tại nơi ghi nhận thú và điều tra ghi nhận 12 yếu tố hoàn cảnh trong ô (Nguyễn Đắc Mạnh và cộng sự, 2017). Ngoài lập ô mẫu tại nơi ghi nhận thú ăn thịt nhỏ, cũng tiến hành lập

các ô mẫu ngẫu nhiên trong vùng điều tra để đối chứng. Các bẫy lồng, bẫy ảnh sau khi gỡ khỏi điểm đặt cũng sẽ tiến hành lập ô mẫu tại đó và điều tra, các ô mẫu tại điểm bẫy không bắt/chụp được thú ăn thịt nhỏ được đưa vào loại ô đối chứng. Tổng cộng đã thiết lập được 85 ô mẫu, trong đó 29 ô mẫu lập tại nơi ghi nhận thú ăn thịt nhỏ. Thông tin về đặc điểm 85 ô mẫu điều tra sinh cảnh sống của thú ăn thịt nhỏ được tổng hợp ở phụ lục 3.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học quần thể của các loài thú ăn thịt nhỏ tại khu bảo tồn thiên nhiên pù hoạt, tỉnh nghệ an​ (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)