CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ NGƯỜI NỘP THUẾ
1.3. Sự cần thiết phải phân định rõ người nộp thuế là ĐTNT và những người nộp thuế khác
Việc xác định khái niệm ĐTNT và người nộp thuế có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Như đã phân tích ở trên, khái niệm “người nộp thuế” là một khái niệm rất rộng, trong đó bao hàm cả ĐTNT, mà ĐTNT là chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hành vi đăng ký, kê khai và nộp thuế vào NSNN. Bên cạnh ĐTNT thì người nộp thuế còn bao gồm cả các tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, tổ chức, cá nhân làm thủ tục thuế thay ĐTNT. Lý luận và thực tiễn cho thấy một chủ thể không phải là ĐTNT của một sắc thuế có thể là người nộp thuế của sắc thuế đó. Ví dụ: (1) ĐTNT của thuế TNCN không thể là tổ chức, nhưng người nộp thuế TNCN có thể là tổ chức như tổ chức chi trả thu nhập cho ĐTNT (tổ chức khấu trừ thuế). (2) ĐTNT của thuế TNDN chỉ là tổ chức, nhưng người nộp thuế TNDN có thể là cá nhân, điển hình như cá nhân nộp thuế TNDN thay cho doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Bản chất của quan hệ giữa ĐTNT với cơ quan quản lý thuế và bản chất quan hệ giữa những người nộp thuế khác với cơ quan quản lý thuế là hoàn toàn khác nhau. Nghĩa vụ nộp thuế của ĐTNT được quy định trong các đạo luật thuế cụ thể, xuất phát từ hệ quả của hành vi đã tác động lên đối tượng chịu thuế của sắc thuế đó.
Vì vậy, ĐTNT buộc phải nộp thuế vào NSNN mà không được quyền lựa chọn. Còn
Trang 25/51
nghĩa vụ của những người nộp thuế khác phát sinh từ các thỏa thuận dân sự như được ủy quyền nộp thuế, nộp thuế thay… Họ không tác động lên đối tượng chịu thuế và nghĩa vụ nộp thuế của họ xuất phát từ thỏa thuận với ĐTNT. Trường hợp người nộp thuế không thực hiện nghĩa vụ theo ủy quyền thì trước hết ĐTNT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thuế, còn nghĩa vụ của người nhận ủy quyền do giao dịch dân sự điều chỉnh. Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải chịu trách nhiệm trước người ủy quyền.
Lợi ích mà ĐTNT và những người nộp thuế khác hướng đến khi tham gia vào quan hệ pháp luật thuế cũng khác nhau. ĐTNT thụ hưởng các lợi ích gián tiếp mà Nhà nước cung cấp với tư cách là một công dân như sử dụng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư xây dựng, hưởng chế độ phúc lợi xã hội do Nhà nước cung cấp, được sống trong môi trường an toàn, trật tự do Nhà nước đảm bảo,… Trong khi đó, tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế, người nộp thuế thay lại có lợi ích từ việc làm dịch vụ cho ĐTNT, tức là họ nộp thuế để được hưởng thù lao từ việc làm thủ tục thuế thay do ĐTNT chi trả. Vì vậy, nếu hai nhóm chủ thể này được đối xử như nhau, có các quyền và nghĩa vụ như nhau là không phù hợp.
Vấn đề phân biệt giữa người nộp thuế là ĐTNT và những người nộp thuế khác tưởng chừng đơn giản nhưng theo quy định của pháp luật thuế và thực tiễn hành thu lại có sự nhầm lẫn giữa khái niệm “người nộp thuế” và “ĐTNT”. Việc đồng nhất hai khái niệm này dẫn đến việc quy định về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, từng loại người nộp thuế không rõ ràng và tách bạch. Ở mức độ khái quát nhất, khi phân định đối tượng này với đối tượng khác cần xác định được quyền và nghĩa vụ của từng nhóm đối tượng một các chính xác. Việc quy định các nhóm đối tượng khác nhau nhưng lại có các quyền và nghĩa vụ chung chung như nhau sẽ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện, gây khó khăn cho quản lý. Vì vậy, khi phân định được quyền và nghĩa vụ giữa ĐTNT và những người nộp thuế khác sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng sau đây:
Thứ nhất, phân định rõ ràng quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể này sẽ đảm bảo được sự tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức. Xuất phát từ tính chất của thuế là bắt buộc và không có tính hoàn trả, nên người nộp thuế luôn có tâm lý xem việc nộp thuế là một gánh nặng, chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền lợi, vì vậy họ thường cố gắng trốn thuế, gian lận thuế. Do đó, bên cạnh các nghĩa vụ, cần quy định cụ thể, rõ ràng quyền của người nộp thuế để đảm bảo sự cân bằng lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế. Đồng thời, quyền và nghĩa vụ giữa các nhóm người nộp thuế phải được phân định cụ thể, làm cơ sở để họ nhận thức được vai trò của mình trong quan hệ pháp luật thuế, thực hiện đúng đắn các quy định của pháp luật, tránh hiểu sai dẫn đến vi phạm pháp luật thuế.
Thứ hai, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này sẽ hạn chế tiêu cực xảy ra, từ đó giúp cho công tác quản lý thuế hiệu quả hơn. Bởi lẽ,
Trang 26/51
khi quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế không được quy định rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan, cán bộ công quyền nhũng nhiễu khi thực thi quyền hành thu thuế mà Nhà nước trao. Việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này sẽ giúp cho công tác quản lý thuế hiệu quả, minh bạch hơn. Công tác quản lý hiệu quả sẽ tiết kiệm các chi phí phục vụ công tác quản lý, mục đích thu thuế đạt được (thu cái gì, thu vào ai, điều tiết cái gì). Khi mục đích thu thuế đạt được thì vai trò của thuế sẽ được phát huy.
Thứ ba khi phân định rõ ràng trách nhiệm của ĐTNT và những người nộp thuế khác sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng chế tài chính xác. Khi có vi phạm pháp luật về thuế xảy ra, Nhà nước sẽ xác định được ai là người phải chịu trách nhiệm để kịp thời xử lý, từ đó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tính răn đe và đảm bảo vấn đề chấp hành đúng pháp luật thuế, giúp công tác hành thu đạt hiệu quả.
Thứ tư ở góc độ lý luận, việc phân định rõ ràng giữa ĐTNT và những người nộp thuế khác sẽ đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật thuế.
Hiện nay, hệ thống pháp luật thuế khi quy định về các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước có sự khác nhau, không thống nhất. Luật Quản lý thuế 2006 không đưa ra khái niệm ĐTNT và khái niệm ĐTNT thay mà đưa ra khái niệm người nộp thuế. Trong khi đó, các Luật thuế cụ thể có văn bản gọi là ĐTNT62, có văn bản gọi là người nộp thuế63. Pháp luật được xem là kim chỉ nam cho các chủ thể trong xã hội tuân thủ theo, là công cụ hiệu quả nhất để quản lý nhà nước và xã hội, nếu pháp luật không rõ ràng và không thống nhất sẽ gây ra những hậu quả xấu cho xã hội. Do đó, Nhà nước muốn quản lý tốt thì pháp luật phải hoàn thiện. Phân định rõ được ĐTNT và những người nộp thuế khác sẽ là cơ sở để hoàn thiện pháp luật.
Với những ý nghĩa quan trọng như trên, và với thực tế là hiện nay pháp luật quản lý thuế quy định về ĐTNT và những người nộp thuế khác chưa rõ ràng, thì việc phân tích cụ thể pháp luật, chỉ rõ sự khác biệt giữa hai nhóm đối tượng này, làm cơ sở để nhận diện nó trên thực tiễn, và làm cơ sở để thực thi pháp luật là điều hết sức quan trọng, mà tác giả sẽ thực hiện điều này ở chương tiếp theo.
62 Điều 2 Luật thuế TNCN, Điều 4 Luật thuế XK, NK.
63 Điều 4 Luật thuế GTGT, ĐIều 2 Luật thuế TNDN, Điều 4 Luật thuế TTĐB.
Trang 27/51
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong phạm vi Chương 1, tác giả đã đi vào phân tích 3 vấn đề lý luận chung về người nộp thuế bao gồm: khái quát về quan hệ pháp luật thuế, khái quát về người nộp thuế và sự cần thiết phải phân định rõ người nộp thuế là ĐTNT với những người nộp thuế khác.
Cụ thể, trong phần khái quát về quan hệ pháp luật thuế, thông qua các khái niệm chung như khái niệm quan hệ pháp luật, chủ thể, khách thể, nội dung của quan hệ pháp luật, tác giả đã trình bày về khái niệm và đặc điểm của quan hệ pháp luật thuế cũng như các bộ phận cấu thành nên một quan hệ pháp luật thuế. Từ đó làm rõ bản chất của quan hệ pháp luật thuế và phân biệt quan hệ pháp luật thuế với các quan hệ pháp luật khác. Mục đích của tác giả là làm sáng tỏ các đặc trưng của quan hệ pháp luật thuế, qua đó lý giải các đặc điểm của một chủ thể không thể thiếu trong quan hệ pháp luật thuế, đó chính là người nộp thuế.
Tiếp theo, tác giả đi vào làm rõ các vấn đề khái quát về người nộp thuế, bao gồm khái niệm người nộp thuế, phân loại người nộp thuế và trách nhiệm pháp lý của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế trong quy định của Luật Quản lý thuế 2006 có nội hàm rất rộng, bao gồm ĐTNT, tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế và tổ chức, cá nhân làm thủ tục thuế thay. Xuất phát từ sự khác nhau về bản chất của các nhóm chủ thể nộp thuế, tác giả đi đến kết luận pháp luật quản lý thuế hiện nay chưa có sự phân định rõ ràng giữa người nộp thuế là ĐTNT với những người nộp thuế khác. Do đó, cần thiết phải phân định rõ tư cách pháp lý của những chủ thể này.
Những nội dung trong Chương 1 sẽ là cơ sở để tác giả phân tích sâu hơn những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật về người nộp thuế và đề xuất các giải pháp hoàn thiện. Đó sẽ là những nội dung tác giả sẽ tiếp tục trình bày trong Chương 2.