Các vấn đề pháp lý về hiệu lực hợp đồng thương mại

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa đăng ký kinh doanh và hiệu lực của hợp đồng thương mại (Trang 28 - 39)

Tự do ý chí luôn được xác định là nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng. Quyền tự do hợp đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các chủ thể kinh doanh. Thông qua việc xác lập và thực hiện các hợp đồng chủ thể kinh doanh có thể tiến hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Về mặt lý luận, quyền tự do hợp đồng được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng, là biểu hiện sinh động nhất của quyền tự do kinh doanh, việc ghi nhận và đảm bảo quyền tự do hợp đồng bằng pháp luật có tác động rất lớn đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh50. Thế nhưng, sự tự do thỏa thuận ý chí của các bên về các điều khoản trong hợp đồng phải tuân thủ quy định của pháp luật.

49 Mai Hồng Quỳ (2012), tlđd 22, tr. 198.

50 Bùi Ngọc Cường (2004), tlđd 13, tr. 109.

Bên cạnh không đưa ra định nghĩa về hợp đồng thương mại, Luật Thương mại cũng không quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, những trường hợp hợp đồng thương mại bị tuyên bố vô hiệu. Với cách hiểu hợp đồng thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng dân sự cho nên những quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Một hợp đồng chỉ có giá trị bắt buộc với các bên khi có hiệu lực pháp luật.

Hiệu lực của hợp đồng đối với sự tồn tại của hợp đồng có thể được ví giống như là

“hơi thở” hay “linh hồn” đối với sự sống của con người. Một hợp đồng không có hiệu lực cũng có nghĩa là giữa các bên không tồn tại quan hệ hợp đồng. Trên cơ sở nhận thức bản chất của hiệu lực hợp đồng là giá trị pháp lý giống như pháp luật và hiệu lực ràng buộc mang tính cưỡng chế nhằm buộc các bên phải tôn trọng, thực thi đầy đủ các cam kết trong hợp đồng, hiệu lực hợp đồng được hiểu là giá trị pháp lý của hợp đồng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, và giá trị pháp lý ràng buộc các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng và phải thi hành nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ đó51.

Hiện nay, pháp luật thực định chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể về hiệu lực hợp đồng là gì, ngoại trừ quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 có đề cập đến “Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”. Mặc khác, tại Điều 405 Bộ luật dân sự năm 2005 không định nghĩa thế nào là hiệu lực hợp đồng, nhưng đưa ra quy định về hiệu lực của hợp đồng dân sự như sau: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy, với quy định này cho phép chúng ta hiểu rằng, một hợp đồng được giao kết hợp pháp thì hợp đồng đó có hiệu lực. Nhưng như thế nào là hợp đồng được giao kết hợp pháp? Một hợp đồng được gọi là hợp pháp khi nội dung và hình thức của hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả tập trung phân tích điều kiện có hiệu lực, không có hiệu lực về nội dung và hình thức của hợp đồng thương mại liên quan đến vấn đề đăng ký kinh doanh.

Về nội dung của hợp đồng

51 Lê Minh Hùng (2010), tlđd 7, tr. 16-19.

Nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều khoản mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Về nội dung hợp đồng, tác giả đã phân tích ở phần trên về dấu hiệu nhận dạng hợp đồng thương mại. Nội dung của hợp đồng được thỏa thuận hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện về hợp đồng có hiệu lực và không thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 bao gồm: điều kiện chủ thể hợp đồng; mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm, không trái đạo đức xã hội; chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu52. Trong đó, tại Điều 127 Bộ luật dân sự quy định: hợp đồng thương mại vô hiệu nếu thuộc trường hợp bị tuyên bố vô hiệu nếu không có một trong các điều kiện quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự. Các trường hợp hợp đồng vô hiệu về nội dung được cụ thể hóa ở các quy định của Bộ luật dân sự từ Điều 128 đến Điều 133, như : giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện, giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn,...

Cụ thể hơn, các điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực về nội dung và không thuộc hợp đồng vô hiệu được hiểu như sau:

Thứ nhất, năng lực chủ thể hợp đồng

Một trong những điều kiện tiên quyết để hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng có hiệu lực là chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực chủ thể.

Chủ thể của hợp đồng (hay chủ thể của quan hệ hợp đồng) là những người tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó53. Các chủ thể tham gia hợp đồng thương mại phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Trong thực tiễn kinh doanh, thương mại, chủ thể tham gia hợp đồng thương mại chủ yếu là thương nhân hoặc một bên không phải là thương

52 Khoản 1 Điều 410 Bộ luật dân sự năm 2005.

53 Lê Minh Hùng (2010), tlđd 7, tr. 40.

nhân. Theo quy định của pháp luật, “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”54.

Đối với cá nhân

Năng lực chủ thể của cá nhân được thể hiện thông qua năng lực hành vi dân sự. Bộ luật dân sự quy định năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự55. Dựa vào sự phù hợp giữa khả năng nhận thức, kiểm soát, làm chủ hành vi với các hành vi mà cá nhân đã thực hiện thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định ở nhiều mức độ khác nhau như: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; người có năng lực hành vi dân sự nhưng chưa đầy đủ; người không có năng lực hành vi dân sự;

người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự56. Người thành niên là người đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được tự mình xác lập, thực hiện các hợp đồng. Người chưa thành niên là người từ đủ sáu đến dưới mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện hợp đồng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Giao dịch dân sự của người không có năng lực hành vi (chưa đủ sáu tuổi) phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Đối với trường hợp Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì giao dịch dân sự phải do người

54 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005:

1. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

2. Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm.

3. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.

4. Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước.

55 Điều 17 Bộ luật dân sự năm 2005.

56 Lê Kim Giang (2011), Hợp đồng dân sự và các tranh chấp thường gặp, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 18.

đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì các giao dịch liên quan đến tài sản của họ phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu hằng ngày57.

Đối với pháp nhân

Pháp nhân là những tổ chức kinh tế đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật58. Các pháp nhân là chủ thể đầy đủ của quan hệ pháp luật dân sự, có năng lực chủ thể mang tính chuyên biệt, được tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch phù hợp với mục đích và phạm vi hoạt động của pháp nhân. Mục đích và hoạt động của pháp nhân được thể hiện trong Điều lệ, hoặc Quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân là những thực thể xã hội chứ không phải là phải là một con người tự nhiên, nên năng lực hành vi dân sự của các chủ thể này không biểu hiện trực tiếp bằng hành vi và ý chí cụ thể của con người nào đó, mà được thể hiện bởi ý chí chung của các thành viên và được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện, nếu hành vi đó được thực hiện nhân danh chủ thể, trong phạm vi đại diện và tương ứng với phạm vi hoạt động của chủ thể đó59.

Về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân, đó là khả năng của pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng kí hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm đăng ký.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân60. Đề xuất mở rộng phạm vi năng lực pháp luật của pháp nhân kinh doanh hay công nhận pháp nhân kinh doanh có năng lực bao trùm, nghĩa là không giới hạn ở

57 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2005.

58 Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp;

2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

59 Lê Minh Hùng (2011), tlđd 7, tr. 41.

60 Điều 86 Bộ luật dân sự năm 2005.

ngành nghề đăng ký, dường như bị bỏ qua hoặc không xét đến, hoặc không chấp nhận. Bởi vì mặc dù Bộ luật dân sự năm 2005 không còn có quy định như tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật dân sự năm 1995, theo đó “Pháp nhân phải hoạt động đúng mục đích, khi thay đổi mục đích hoạt động, thì phải xin phép, đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Nhưng vẫn giữ lại quy định “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình”61. Đó chính là sự cụ thể hóa quy định về năng lực pháp luật của pháp nhân tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật dân sự năm 1995 và là sự hạn chế năng lực pháp luật của pháp nhân nói chung và pháp nhân kinh doanh nói riêng.

Các chủ thể kinh doanh tham gia giao kết hợp đồng phải đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung hợp đồng và ngành, nghề được ghi nhận trong Giấy đăng ký kinh doanh. Trường hợp những ngành nghề mà pháp luật đòi hỏi phải có Chứng chỉ hành nghề thì thương nhân còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó theo quy định của pháp luật. Việc vi phạm nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”62 dẫn đến hậu quả pháp lý là chủ thể kinh doanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và hợp đồng mà các bên ký kết có thể bị xem là vô hiệu63.

Về vấn đề đại diện, việc đại diện của các bên tham gia giao kết hợp đồng thương mại phải đúng thẩm quyền. Đại diện hợp pháp của chủ thể hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền64. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể là người đứng đầu pháp nhân đó (nếu pháp nhân đó là cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp). Đối với pháp nhân là các doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật là chủ tịch hội đồng quản trị/ chủ tịch hội đồng thành viên hoặc giám đốc/tổng giám đốc, tùy thuộc vào quy định trong điều lệ và giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đó65. Khi xác định thẩm quyền

61 Phan Huy Hồng (2013), tlđd 12, tr. 101.

62 Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

63 Việc các chủ thể ký kết hợp đồng ngoài phạm vi ngành, nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989. Việc bãi bõ hiệu lực Pháp lệnh này và áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 không làm tình trạng pháp lý liên quan rõ ràng hơn. Trên thực tế, có Tòa án tuyên hợp đồng ký kết trong trường hợp này vô hiệu và cũng có Tòa án không tuyên bố vô hiệu. Điều này sẽ được tác giả phân tích và đánh giá tại chương 2.

64 Khoản 3 Điều 86 Bộ luật dân sự năm 2005.

65 Lê Kim Giang (2011), tlđd 57, tr. 20.

giao kết hợp đồng thương mại, cần lưu ý quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện 66.

Pháp luật dân sự không quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu do người đại diện ký kết không đúng thẩm quyền. Song, trường hợp này có thể áp dụng quy định về đại diện và phạm vi đại diện để xác định hiệu lực của hợp đồng. Khi người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện hợp đồng sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên được đại diện, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của các bên chấp thuận. Giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối. Người đã giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch hoặc đối với phần vượt quá phạm vi đại diện đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn xác lập giao dịch67.

Điều kiện bắt buộc đầu tiên để xem xét tính có hiệu lực hợp đồng là chủ thể hợp đồng phải có năng lực chủ thể. Chủ thể là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự thích ứng với các loại hợp đồng mà chủ thể đó tham gia. Pháp nhân thực hiện hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp, nhưng phải đúng với phạm vi đại diện và phải phù hợp với giới hạn về ngành, nghề kinh doanh của các chủ thể. Việc vi phạm điều kiện về năng lực chủ thể của hợp đồng dẫn đến hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.

66 Điều 145 Bộ luật dân sự năm 2005

Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.

2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

67 Nguyễn Thị Dung (2009), tlđd 46, tr. 352.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa đăng ký kinh doanh và hiệu lực của hợp đồng thương mại (Trang 28 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)