Quản lý nhà nước về các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Một phần của tài liệu Khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh thực trạng và giải pháp (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG 1. KHÁI QUÁT VỀ KHUYẾN MẠI NHẰM CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

1.6. Quản lý nhà nước về các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Nhà nước đã thể hiện vai trò quản lý của mình, chống hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh trước hết thông qua công cụ pháp luật, quy định những hành vi nào bị xem là hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, quy định hậu quả pháp lý của các hành vi đó cũng như các chế tài để xử lý chúng. Hậu quả pháp lý của hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện phần nào qua các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng không bao gồm chế tài bồi thường thiệt hại21. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật dân sự. Chủ thể bị thiệt hại do hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 yêu cầu doanh nghiệp vi phạm pháp luật bồi thường thiệt hại theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó, chế tài đối với hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng được quy định cụ thể tại Điều 36 Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Ngoài ra, Nhà nước còn thể hiện sự quản lý của mình đối với hoạt động khuyến mại thông qua việc quy định tại Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BTM-BTC các hình thức khuyến mại phải được thông báo bằng văn bản đến Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại, các hình thức khuyến mại phải đăng ký tại Sở Công thương, Bộ Công thương, hồ sơ đăng ký thực hiện khuyến mại. Tại điểm b tiểu mục 1 Mục IV của Thông tư liên tịch này cũng quy định Cục Quản lý thị trường kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, do các điểm kinh doanh hàng hóa quá nhiều, thời gian khuyến mại ngắn và hoạt động khuyến mại giảm giá có sự “biến tướng”

hơn như giảm giá theo hình thức bốc thăm may mắn nên các cơ quan quản lý nhà nước không thể nào kiểm soát được giá cả và hàng hóa khuyến mại22. Bên cạnh nguyên nhân khách quan này thì công tác quản lý việc thực thi pháp luật cạnh tranh được đánh giá là còn yếu kém. Công tác quản lý thực thi pháp luật cạnh tranh là việc xem xét các doanh nghiệp hoạt động có đúng với khuôn khổ các quy định của pháp luật cạnh tranh hay không. Công tác này còn nhiều hạn chế bởi rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đầu tiên, phải kể đến tính phức tạp trong việc quản lý những hoạt động của các doanh nghiệp nhằm mục tiêu cạnh tranh, đặc biệt là trong hoạt động khuyến mại. Việc quản lý được tất cả chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp là rất khó khăn.

21 Điều 117 Luật Cạnh tranh 2004 và Điều 6 Nghị định 120/2005/NĐ-CP.

22 Tạ Thị Thùy Trang (2013), tlđd, tr. 33-37.

Thêm vào đó, ý thức thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cạnh tranh còn chưa cao. Điển hình như rất nhiều tuyến phố tại Hà Nội treo bảng biển, băng rôn, chương trình khuyến mại, giảm giá trong thời gian rất dài vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh mà không hề bị xử lý. Bên cạnh đó, phải kể đến công tác hậu kiểm các chương trình khuyến mại hầu như bị bỏ ngỏ. Trên thực tế, rất nhiều chương trình khuyến mại với phần thưởng rất lớn nhưng sau khi chương trình kết thúc thì không rõ phần thưởng đó có ai nhận được hay không, hoặc có xem xét đến tính gian lận trong việc trao giải thưởng không, hoặc có thực hiện đúng quy định nộp 50% giá trị khuyến mại vào ngân sách nhà nước khi không có người trúng thưởng ở một số loại hình khuyến mại hay không23.

Với những hạn chế còn tồn tại như vậy, để có thể chống lại hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều bên, không chỉ ở phía Nhà nước mà bản thân người tiêu dùng cũng không nên thờ ơ mà cần tìm hiểu các quy định của pháp luật cạnh tranh để có thể tự bảo vệ lợi ích của mình một cách hữu hiệu nhất.

Kết luận chương I:

Khuyến mại vốn là một hình thức xúc tiến thương mại hiệu quả, được các thương nhân sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên dưới sức ép phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn thực hiện các hoạt động khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến quan hệ cạnh tranh trên thị trường, tác động xấu đến lợi ích của các doanh nghiệp đối thủ, lợi ích của khách hàng cũng như các lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự can thiệp, điều chỉnh của Nhà nước bằng các quy định pháp luật cũng như sự nỗ lực từ phía các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện và xử lý nhanh chóng khi có hành vi vi phạm xảy ra. Đồng thời, khách hàng cũng như các doanh nghiệp đối thủ cần có sự am hiểu nhất định về pháp luật cạnh tranh và cùng chung tay giúp Nhà nước chống lại các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ lợi ích của chính mình.

23 http://www.tks.edu.vn/portal/detailtks/6467_78_61_Cac-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-hoat-dong- khuyen-mai-.html. Truy cập lần cuối vào lúc 17 giờ ngày 16/07/2014.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh thực trạng và giải pháp (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(59 trang)