Đó là ý nghĩa hàm ẩn trong bản thân tiêu đề khi người đọc chưa liên hệ nó với toàn bộ phần còn lại của VB. Ý nghĩa hàm ẩn tầng 1 của tiêu đề được tạo nên từ mối quan hệ giữa ý nghĩa hàm ẩn 1 và ý nghĩa hàm ẩn 2. Ý nghĩa hàm ẩn 1 là loại ý nghĩa người đọc suy ra nhờ các phương thức hàm ngôn còn ý nghĩa hàm ẩn 2 là những liên tưởng đoán định nảy sinh từ phía người đọc khi mới tiếp xúc với tiêu đề văn bản.
a. Cấu trúc ý nghĩa hàm ẩn tầng 1 của tiêu đề
+ Xét về mặt tổ chức ngôn từ và những hiệu ứng từ nó gây ra, ý nghĩa hàm ẩn tầng 1 có thể được hình dung gồm 2 tiểu tầng:
Tiểu tầng thứ nhất: Ý nghĩa hàm ẩn 1 là loại ý nghĩa do kết cấu ngôn ngữ của tiêu đề tạo ra.
Tiểu tầng thứ hai: Ý nghĩa hàm ẩn 2 là loại ý nghĩa người giải mã liên hệ mà có.
Ví dụ: “Đừng làm “bác thằng bần”” (TT World Cup 19-6-1994)
- Ý nghĩa hàm ẩn 1 = “bác thằng bần” là một thành phần của câu ca dao
“cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm.”
- Ý nghĩa hàm ẩn 2 = Với TĐ này, tác giả của nó định nêu ra gương xấu cụ thể phân tích một tệ nạn xã hội? Hoặc đề cập đến một bi kịch gia đình mà cờ bạc là nguyên nhân? Hay từ những hoàn cảnh tệ hại của người bê tha cờ bạc, muốn rút ra những bài học để khuyên răn người đời?
+ Mặc dù, ý nghĩa hàm ẩn 1 là yếu tố kích thích sự tò mò của độc giả nhưng ý nghĩa hàm ẩn 2 mới là nhân tố đảm nhiệm vai trò khiến người đọc quan tâm đến văn bản, quyết định đọc văn bản hay không.
Ví dụ: Với tiêu đề “Bùng nổ mùa xuân” (Thanh Thảo)
Người đọc có thể liên tưởng : Mùa xuân nào đây? Tại sao lại bùng nổ?
Hẳn là một mùa xuân có ý nghĩa lịch sử? Mùa xuân này phải chăng là mùa xuân Mậu Thân hay một cuộc khởi nghĩa có tầm vóc chiến lược nào khác?...
b. Các phương thức tạo nên ý nghĩa hàm ẩn 1 trong tiêu đề văn bản
Dựa vào mối quan hệ phi cấu trúc câu
Dựa vào mối quan hệ ngữ nghĩa bất thường
1. Dùng hình thức liên hệ âm – âm 2. Dùng từ đồng âm
3. Dùng từ cụm từ vừa đồng âm vừa đồng nghĩa
4. Dùng hình thức nói lái
5. Dùng những từ, cụm từ đối nhau 6. Dùng lối tách từ
7. Dùng khách ngôn hoặc một bộ phận khách ngôn
8. Dùng lối nói bỏ lửng
9. Dùng đại từ “ngược chiều”
10. Dùng lối nói có vẻ mâu thuẫn 11. Dùng lối nói thái quá
12. Dùng hình ảnh có tính chất biểu trưng
13. Dùng lối nói nghịch thường 14. Dùng từ vay mượn nước ngoài
15. Dùng lối nói ẩn dụ 16. Dùng lối nói ví von 17.Dùng lối nói nhân hóa 18. Dùng lối đảo cấu trúc
Ví dụ:
(1) Cảo không thơm mà vẫn phải lần giở trước đèn (TQ tháng 12- 1986)
=> Dùng khách ngôn
- Tiêu đề làm chúng ta nhớ đến câu Kiều : “ Cảo thơm lần giở trước đèn”.
Nó rất gần với phương thức lẩy Kiều quen thuộc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Ý nghĩa hàm ẩn 1: Sách hoặc báo không hay nhưng vì nhiệm vụ nào đó phải đọc để nghiên cứu nó.
Chúng ta có thể thấy phương thức này kích thích sự tò mò, gây được ít nhiều sự chú ý từ người đọc.
(2) “ Lươn lẹo lại lên lương” (LACT 29-8-1992)
=> Dùng hình thức liên hệ âm – âm
Tiêu đề sử dụng phương thức liên hệ âm – âm giữa các phụ âm đầu để tạo sự thu hút, chú ý của người đọc. Nó gợi đến thái độ phê phán nhằm phủ định lại những việc làm sai trái hay đó cũng có thể được xem như sự mỉa mai châm biếm những nghịch lí oái ăm thường gặp ở đời.
(3) “ Số phận những người chống tiêu cực tại làng Picasso Thủ Đức…
đấu tranh…tránh đâu? (PNTPHCM 17-2-1993) , “Hộ khẩu thành hậu khổ”
( CATPHCM 3-8-1994)
=> Dùng hình thức nói lái
Ý nghĩa hàm ẩn 1 ở các tiêu đề trên hiện rõ lên câu chữ nhưng vẫn ẩn chứa trong đó là một sự phê phán về thái độ trù dập (đấu tranh – tránh đâu), hay tệ nạn quan liêu (hộ khẩu – hậu khổ), …
(4) “Cổng thấp, người cao – Người cao, cổng thấp” ( TTCN 30-1- 1994), “Chúc vụ nhỏ …tham nhũng to” ( TTC 12-1982)
=> Dùng những từ, cụm từ đối nhau
- “ Cổng đối với người”, “cao đối với thấp”, “ cổng thấp người cao đối với người cao cổng thấp” tất cả tạo nên sự liên quan: hễ muốn qua cổng thì con người phải cúi đầu, hoặc đi bằng gối. Và “cổng” ở đây tượng trưng cho cổng thăng quan tiến chức, mà người cán bộ muốn qua “cổng” thì ít nhất cũng phải làm như trên hay không thì cũng phải có hành động tức thời.
- “Nhỏ” đối với “to” kết cấu tiêu đề hình thành một luận cứ, từ đó suy ra:
mới chỉ có chức vụ nhỏ mà đã tham nhũng to như thế thì liệu rằng chức vụ to sẽ ra sao?...
- “Một” đối với “vô số”, “kẻ thù” đối với “bạn bè”, ý nghĩa hàm ẩn 1 là sự bất ngờ vì có điều trái ngược giữu ý định và thực tế.
(5)“ Có “ngôi” nhưng chưa có “sao”” (DĐ TPHCM 1-3-1993, “Cá quá xá độ” (TTCN 17-6-1990)
=> Dùng lối tách từ: nhấn mạnh thái độ, nổi bật thực trạng. Ở tiêu đề đầu, ý nghĩa hàm ẩn 1 : chưa có lấy một diễn viên nào tài năng thực sự. Tiêu đề 2, phản ánh tình trạng cá cược, cay cú ăn thua quá nhiều.
2.4.2 Ý nghĩa hàm ẩn tầng II:
Là ý nghĩa có được khi người giải mã đọc hết văn bản, tồn tại và được minh định bằng mối quan hệ hiện thực giữa tiêu đề và nội dung văn bản. Đó là cái đích cuối cùng mà người đọc phải hướng tới.
Cấu trúc của ý nghĩa hàm ẩn tầng II bao gồm cấu trúc của ý nghĩa hàm ẩn tầng I cộng với cấu trúc nội dung văn bản. Mà nội dung văn bản luôn tồn tại nội dung “sự kiện – tình thái” và hàm ý rút ra từ sự kiện – tình thái đó.
Tuy nhiên, mô hình này mang tính chất lý tưởng, chỉ chính xác với các văn bản thuộc phong cách nghệ thuật. Còn các tiêu đề trong văn bản hành chính, nghị quyết, sắc lệnh,… hay một số thể loại thuộc phong cách tin tức điển hình, phỏng vấn,.. đều không chứa nội dung hàm ẩn.
Ví dụ: Khảo sát ý nghĩa hàm ẩn tầng II trong tiêu đề: “Bến quê” (Nguyễn Minh Châu)
- Ý nghĩa hiển ngôn: một bến đò ở vùng quê nào đó
- Ý nghĩa hàm ẩn I: Dùng hình ảnh có tính chất biểu trưng
- Ý nghĩa hàm ẩn II: Gợi người đọc đến những liên tưởng: tác giả muốn nói về một sự việc gì diễn ra ở bến quê hay là muốn nói đến tính chất “chân quê’, thôn dã mà hình ảnh bến quê gợi nên.
- Nội dung hiển hiện: Tâm trạng và cảm xúc của nhân vật Nhĩ lúc cuối đời trên giường bệnh và khi thấy đứa con trai để lỡ chuyến đò sang bờ bên kia duy nhất trong ngày.
- Nội dung hàm ẩn: Những phát hiện, những suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống ở xung quanh mình mà bấy lâu nay ông không biết. Cùng với đó là mong muốn thức tỉnh mọi người sự trân trọng với những giá trị vẻ đẹp bình dị của cuộc sống và quê hương"