CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ ĐẬP ĐẤT CỦA HỒ CHỨA NƯỚC
1.4. Tổng quan về đập đất ở Việt Nam
Đối với nước ta, đập đất là loại công trình dâng nước phổ biến nhất khi xây dựng những hồ chứa. Do đặc điểm về địa hình, địa chất, vật liệu xây dựng, phương tiện thi công… của nước ta, trong tương lai đập đất còn nhiều triển vọng phát triển rộng rãi hơn nữa.
Sở dĩ trong những năm gần đây đập đất đang phát triển với một tốc độ nhanh chóng như vậy cả về số lượng cũng như quy mô công trình là do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Yêu cầu chất lượng của nền đối với đập đất không cao lắm so với những loại đập khác. Đập đất hầu như có thể xây dựng được với bất kỳ điều kiện địa chất địa hình và khí hậu nào. Những vùng có động đất cũng có thể xây dựng được đập đất. Ưu điểm này rất cơ bản vì ngày ít những tuyến hẹp, có địa chất tốt thích hợp cho các loại đập bê tông càng ít cho nên các nước dần dần đi vào khai thác các tuyến rộng, nền yếu.
- Với những thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực cơ học đất, lý luận thấm, trạng thái ứng suất cùng với sự phát triển của công nghiệp chất dẻo làm vật chống thấm, người ta có thể sử dụng được tất cả mọi loại đất hiện có ở vùng xây dựng để đắp đập. Người ta đã tính được rằng nếu lựa chọn loại đập có thành phần hạt thích hợp và đầm nén đất thì ứng suất cho phép trong thân đập có thể đạt đến 110kg/cm2 và như vậy có thể xây dựng được đập cao đến 650m.
- Sử dụng những phương pháp mới để xây dựng những màng chống thấm sâu trong nền thấm nước mạnh. Đặc biệt, dùng phương pháp phun cao chất dính kết khác nhau như: Xi măng sét vào đất nền. Có khả năng tạo thành những màng chống thấm sâu đến 200m.
- Có khả năng cơ giới hóa hoàn toàn các khâu đào đất làm đất với những máy móc có công suất lớn, rút ngăn được thới gian xây dựng, hạ giá thành công trình.
- Giảm xuống đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại vật liệu hiếm như xi măng, sắt, thép.
- Do những thành tựu về nghiên cứu và kinh nghiện xây dựng các loại công trình tháo nước, đặc biệt là do phát triển việc xây dựng đường hầm mà giải quyết được vấn đề tháo nước ngoài thân đập với lưu lượng lớn.
Việt Nam có điều kiện địa hình, địa chất, sông ngòi thuận lợi nên việc xây dựng các hồ chứa, được phát triển mạnh. Nhiều năm qua Nhà nước và nhân dân đã đầu tư nhiều tiền của, công sức để xây dựng hồ chứa. Tính đến tháng 10/2016, trong cả nước xây dựng khoảng 6.886 hồ chứa nước trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi (chiếm 96,5%) và 238 hồ chứa thủy điện (chiếm 3,5%) với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3 nước, bảo đảm tưới cho 803.180 ha đất canh tác. Các hồ lớn được xây dựng như hồ Hòa Bình, Thác Bà, Núi Cốc, Cấm Sơn, Cửa Đạt, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Dầu Tiếng…, đã mang lại hiệu ích to lớn, số liệu cụ thể theo bảng 1.5 và hình 1.4 [18].
Bảng 1.5: Thống kê một số đập đất lớn ở Việt Nam
TT Tên Hồ Tỉnh Loại đập Hmax (m) Năm XD
1 Đa Nhim Lâm Đồng Đất 38,00 1963
2 Tà Keo Lạng Sơn Đất 35,00 1972
3 Cấm Sơn Bắc Giang Đất 41,50 1974
4 Hòa Bình Hòa Bình Đất/Đá 128,00 1978
5 Yên Lập Quảng Ninh Đất/Đá 40,00 1980
6 Phú Ninh Quảng Nam Đất 40,00 1982
7 Xạ Hương Vĩnh Phúc Đất 42,00 1982
8 Sông Mực Thanh Hóa Đất 33,40 1983
9 Sông Quao Bình Thuận Đất 40,00 1997
10 Cà Giây Bình Thuận Đất 35,40 1999
11 Ayun Hạ Gia Lai Đất 36,00 1999
12 Sông Hinh Phú Yên Đất 50,00 2000
13 Tả Trạch Thừa T. Huế Đất 56,00 2010
Hồ Đa Nhim - Lâm Đồng Đập Cấm Sơn - Bắc Giang
Hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh Hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh
Hình 1.4: Hình ảnh một số đập đất lớn ở Việt Nam 1.4.2. Một số nhận xét, đánh giá
a) Hồ chứa là loại công trình chủ yếu cấp nước tưới: Việt Nam có lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800mm ÷ 2.000mm nhưng phân bố không đều; mùa khô kéo dài 6 ÷ 7 tháng, lượng mưa chỉ chiếm 15% ÷ 20% tổng lượng mưa cả năm, còn lại 80% ÷ 85% tập trung trong các tháng mùa mưa. Những đặc điểm trên rất thuận lợi và cần thiết để xây dựng các hồ chứa. Hồ nhỏ chiếm đa số nhưng chủ yếu xây dựng trong những năm trước, thời gian gần đây hồ lớn được xây dựng nhiều hơn.
b) Hồ chứa là công trình thủy lợi tổng hợp: Cấp nước nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và phát triển các ngành kinh tế quốc dân khác, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái; điều tiết lũ để giảm nhẹ thiên tai. Số lượng hồ nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, nhưng nguy cơ xảy ra sự cố cao vì chỉ tiêu thiết kế thấp, ít được quan tâm quản lý, tu sửa.
c) Hồ chứa có nhiều lợi ích song cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố đe doạ đến an toàn của công trình và hạ du: Thời gian qua một số hồ bị vỡ gây thiệt hại đáng kể người và tài sản. Các hồ vỡ nguyên nhân do chất lượng thi công không bảo đảm, mưa
lũ quá lớn vượt tần suất thiết kế, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Cho nên cần phải có giải pháp tăng cường nhằm bảo đảm an toàn công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.