II. NHU CẦU GIẢI TRÍ VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI NHU CẦU GIẢI TRÍ TRONG THỜI
2.2. Khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của thanh niên Hà Nội hiện nay
'Nhu cầu giải trí chỉ có thể được biểu hiện ra ngoài thông qua các hoạt động giải trí. Tuy nhiên do sự chi phối của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, các hoạt động đó không phải trong mọi trường hợp đều trùng khớp với nhu cầu. Có nhiều hoạt động thực sự là mong muốn của chủ thể nhưng trên thực tế lại không thể thực hiện được. Điều đó phụ thuộc vào chi phí tiền bạc, thời gian, phụ thuộc nhiều vào sự tổ chức của các chủ thể đáp ứng (du lịch, CLB sở thích, hoạt động xã hội…) hay đòi hỏi sân bãi, trang bị kỹ thuật hoặc dụng cụ tốn kém (đối với các môn thể thao)…. Trong khuôn khổ đề tài của mình, tôi xin đề cập đến 2 vấn đề dưới đây:
a. Khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của các dịch vụ giải trí nhà nước
Các địa điểm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa (Nhà hát, rạp chiếu phim…): từ chỗ có 14 rạp (trước năm 90), Hà Nội hiện còn 9 rạp duy trì được các buổi chiếu phim, số còn lại đã bị đóng cửa, bị chuyển hướng hoạt động hoặc bị chuyển chủ sở hữu. Hà Nội hiện có 12 nhà hát nhưng hoạt động thường xuyên chỉ đôi ba chiếc. Nghĩa là phấn lớn các nhà hát đều ở tình trạng hoạt động không ổn định, phụ thuộc nguồn kinh phí dựng vở mới. Khi có vở mới, thời gian công diễn lại phụ thuộc vào lượng khán giả. Còn thanh niên tham gia sinh hoạt tại các nhà văn hóa của quận, huyện cũng rất ít. Thanh niên không đòi hỏi những sinh hoạt cầu kỳ, phức tạp hoặc tốn kém mà chỉ cần những gì sôi nổi, mới lạ và hấp dẫn. Nhưng những yếu tố này ít hoạt động nào của nhà văn hóa đáp ứng được.
Nói khác đi (trừ một số ít nhà văn hóa hoạt động hiệu quả) hệ thống nhà văn hóa của Hà Nội hiện nay là sự lãng phí về đầu tư trong khi hiệu quả hoạt động thấp, chưa thực hiện được chức năng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho cư dân.
Các điểm vui chơi giải trí công cộng khác: Trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên tại Hà Nội đều quá cũ với một vài khu giải trí quy mô nhỏ, công nghệ và kỹ thuật lạc hậu. Hơn thế, sự xuống cấp của chúng đã vượt quá mức độ đầu tư, bảo trì tối thiểu, khiến chúng chỉ còn là nơi các bậc cha mẹ đưa con em tới chơi những trò chơi đơn giản vào dịp cuối tuần. Còn việc đáp ứng nhu cầu giải trí cho thanh niên ở những nơi này là không khả thi. Ngay sự thư giãn ở đây không phải lúc nào cũng có thể vì những hiện tượng tiêu cực thường xảy ra ở đó. Thậm chí có công viên đã bị biến thành tụ điểm tệ nạn xã hội, khiến cho cụm từ “vào công viên” đã bị hiểu theo nghĩa xấu làm cho nhiều thanh niên ngần ngại.
Hệ thống thư viện và phương tiện thông tin đại chúng: Các thư viện lớn như thư viện Quốc gia, thư viện Khoa học xã hội…chủ yếu phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của giới trí thức. Chỉ có thư viện Hà Nội phục vụ nhu cầu đọc và mượn sách của đông đảo độc giả có hộ khẩu Hà Nội. Tại các địa bàn dân cư, một số phường quận có thư viện riêng, đáp ứng được một phần nhu cầu đọc sách của thanh niên tại địa bàn. Tuy nhiên tình trạng chung của các thư viện này là số đầu sách hạn chế, số bản của mỗi đầu sách cũng ít, lại thường cũ, ít được cập nhật, do điều kiện kinh phí không cho phép.
b. Khả năng đáp ứng nhu cầu giải trí của khu vực dịch vụ giải trí tư nhân:
Cũng giống như dịch vụ giải trí nhà nước, khu vực dịch vụ giải trí tư nhân cũng ra đời từ đòi hỏi khách quan, nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của xã hội. Nhưng nó được sở hữu và quản lý bởi các cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) góp vốn đầu tư. Khu vực giải trí tư nhân đang là đối thủ cạnh tranh của khu vực giải trí nhà nước. Thậm chí ở nhiều lĩnh vực nó đang tỏ ra thắng thế trong việc thu hút thanh niên Hà Nội tới giải trí. Cụ thể như sau:
Bể bơi: theo thống kê sơ bộ, có không dưới một trăm bể bơi ở nội, ngoại thành Hà Nội (chưa kể hơn 30 hồ và nhiều ao, bể khác), nhưng chúng đều quá tải khi phải phục vụ gần 3 triệu cư dân Hà Nội. Thật dễ hiểu là nhu cầu bơi lội của thanh niên (và cư dân Hà Nội nói chung) còn xa mới có thể đáp ứng được đầy đủ, dẫu chỉ về mặt số lượng.
Sân vận động, sân bóng: Theo thống kê chưa đầy đủ trên Hà Nội có khoảng 27 sân vận động và 53 sân bóng. Với số lượng ít ỏi như vậy chúng chưa thể đáp ứng dù chỉ một phần nhỏ nhu cầu tập luyện thể thao và vui chơi giải trí của thanh niên Hà Nội. Tình trạng thanh niên phải chạy “sô” sân bãi, xếp hàng
đăng ký thuê sân là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Ngay cả các sân bóng của các trường đại học cũng bị “tư nhân hóa” và buộc sinh viên phải thuê9
Vũ trường: Hà Nội hiện nay có khá nhiều vũ trường các loại10 Nhưng không kể các vũ trường cổ điển dành cho những người có tuổi hoạt động tương đối nghiêm túc, còn các vũ trường hiện đại dành cho thanh niên dường như đã trở thành một môi trường không mấy văn hóa, “lọc” dần như những thanh niên đứng đắn, bởi họ không có đủ tiền để vào đó và cũng bởi họ không muốn bị hiểu nhầm khi vào sàn nhảy. Nguyên nhân trước hết là sự thương mại hóa các sàn nhảy, biến chúng thành những địa điểm mà tính kinh doanh nhiều hơn tính văn hóa. Hơn nữa khiêu vũ là môn giải trí “cao cấp”, đòi hỏi những chi phí lớn mà không phải thanh niên nào cũng có khả năng đáp ứng. Những thanh niên nghèo muốn vào vũ trường phải tìm kiếm những bạn nhảy giàu có, và vì mối quan hệ ở dạng “liên kết” nên khi rời vũ trường họ thường đưa nhau đi nghỉ qua đêm. Vô hình chung vũ trường trở thành nơi hẹn hò của họ. Cũng bởi lịch sinh hoạt của vũ trường về đêm nên nó còn bị biến thành những điểm tập trung của những nhóm thanh niên quậy phá vào “giải trí” đợi tới “giờ hành động”. Có những vũ trường đã trở thành ổ mại dâm trá hình với “đội ngũ vũ nữ” sẵn sàng phục vụ mọi “nhu cầu” của khách.
Quán cà phê: Hầu như mỗi góc phố Hà Nội đều có một vài quán cà phê, thậm chí có phố được coi là “phố cà phê” như phố Triệu Việt Vương. “Công nghệ” pha cà phê đã được hiện đại hóa bằng cà phê hòa tan, cà phê pha sẵn…với thời gian đôi ba phút nên khách uống cà phê không chỉ là những người có nhiều thời gian mà còn có rất đông thanh niên. Thậm chí có cả những quán dành riêng
9Sông Hà (1999), “Sinh viên nội trú: Khao khát một sân chơi”, Tiền phong, 147
10 Minh Ngọc (1999) “Vũ trường những điều tai nghe, mắt thấy”, Công an nhân dân.
cho học sinh, sinh viên. Các quán cà phê của Hà Nội hiện nay có thể chia làm 3 dạng:
Những quán đáp ứng nhu cầu tâm sự tình cảm của khách gồm “những quán sâu trong ngõ, kín đáo, yên tĩnh, có thiên nhiên…Những quán có các “lô”,
“ngăn” dành riêng cho từng đôi, với nhiều mức “kín đáo” cho nhiều mức độ quan hệ “thân - sơ” khác nhau…Những quán vườn vùng ngoại ô thành phố mà ở đó vườn cây được chia ô san sát…không trang bị gì vì khách tới đây không phải để uống cà phê. Những quán này là nơi tạo điều kiện cho những sinh hoạt không lành mạnh của khách.
Những quán đáp ứng nhu cầu giải khát. Đây là những quán cà phê đúng nghĩa với các mức sang trọng và bình dân khác nhau, phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư.
Những quán kết hợp thỏa mãn nhu cầu giải khát với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Những quán được đầu tư trang bị nội thất lạ mắt, với những tiểu không gian có thiên nhiên, có hệ thống ánh sáng hợp lý, dành cho khách muốn thưởng thức thiên nhiên. Những quán cà phê - video với một hai đầu video (thường chiếu những phim chưởng hoặc phim tâm lý xã hội. Những quán cà phê - nhạc, cà phê - thời trang, cà phê - tranh…vừa là nơi giải khát vừa là địa điểm biểu diễn của các nhóm nghệ sĩ chuyên và không chuyên. Cũng có những quán cà phê - ca nhạc hát cho nhau nghe mà ca sĩ chính là các ẩm khách. Những quán này có sức thu hút mạnh mẽ đối với thanh niên.
Quán karaoke: Giống như cà phê, các quán karaoke cũng gồm nhiều loại, đa dạng, tương ứng với các “gu” khác nhau và phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Quán karaoke thường chia thành các phòng biệt lập, diện tích lớn nhỏ khác nhau để phù hợp số lượng từng đợt khách. Vì yêu cầu cách âm nên
phòng nào cũng rất kín đáo. Mục đích tới quán karaoke của khách rất đa dạng:
giải trí, giao lưu văn nghệ, tiếp đãi đối tác làm ăn, thậm chí ký kết hợp đồng…
Vì thế không phải đối tượng nào, lúc nào cũng quan tâm tới việc hát. Và vì các phòng đều kín và cách biệt nên karaoke là điều kiện nảy sinh những tiêu cực xã hội đối với những “khách không hát”. Một số chủ quán chạy theo lợi nhuận đã cố ý tiếp tay họ, khiến quán karaoke trở thành tấm bình phong để tệ nạn xã hội (mại dâm, cờ bạc, hút hít ma túy…) núp bóng. Những quán đấy đã gây tiếng xấu cho karaoke, khiến nhiều thanh thiếu niên không dám đi hát vì sợ bị hiểu lầm.
Và khi lượng khách giảm thì chủ quán chuyển hướng nhằm vào nhóm “khách không hát” bằng cách thiết kế phòng kín hơn, móc nối với mạng lưới gái gọi, mạng lưới cung cấp ma túy…Thật đáng tiếc khi nhu cầu giải trí mang tính văn hóa cao như karaoke đã bị tiêu cực hóa, khiến cho nó rơi vào tình trạng thừa mà vẫn thiếu.
Quán trò chơi điện tử, internet: Đây là một trong những địa điểm giải trí đắt khách nhất và khách đều là thanh thiếu nhi. Cảnh thường thấy ở các hàng điện tử, internet là thanh niên ngồi kín các máy trong những căn phòng chật chội và ngột ngạt. Tiếng nhạc, tiếng đấm đá trên máy lẫn với tiếng reo hò của người chơi thật hỗn loạn. Chỉ có tuổi thanh niên sung sức mới có thể ngồi lỳ hàng giờ (thậm chí cả ngày đêm) trong một không gian dễ sợ như vậy. Các quán điện tử cũng như những quán internet có giá thuê rất vừa phải chỉ 2000 - 3000 đồng/h vì thế thanh niên rất dễ dàng tiếp cận được với những hình thức giải trí này.
Tóm lại về sự đáp ứng của Hà Nội với nhu cầu giải trí của thanh niên ta có thể thấy: Những hoạt động giải trí có định hướng, có tính giáo dục, có khả năng nâng cao thẩm mỹ cho thanh niên còn hạn chế về số lượng, chưa thường xuyên về tần suất và chưa đạt chất lượng nghệ thuật nên chưa thu hút được
thanh niên. Những hoạt động giải trí tại các điểm giải trí tư nhân có nhiều biểu hiện bị biến dạng vì các chủ đầu tư thường lợi dụng nhu cầu giải trí để khuyến khích những sinh hoạt không lành mạnh (thậm chí các tệ nạn xã hội) nhằm thu lợi nhuận. Sự đáp ứng của Hà Nội đối với nhu cầu giải trí của thanh niên vẫn ở tình trạng bị động, chạy theo nhu cầu chứ chưa có nghiên cứu để dự báo, đón trước nhu cầu một cách khoa học và có kế hoạch. Khi nhu cầu giải trí không được đáp ứng thỏa đáng, thanh niên buộc phải tự tổ chức những hoạt động giải trí tùy theo khả năng và điều kiện của từng người. Những hoạt động này không có định hướng, không có tổ chức, không được quản lý nên mang tính tự phát cao. Không ít trường hợp chúng bị biến dạng thành những hoạt động tiêu cực, tác động xấu tới sự phát triển toàn diện của thanh niên. Tác động tiêu cực này được thể hiện rõ trong sự xuất hiện những lệch chuẩn trong giải trí của thanh niên Hà Nội như cá cược, chơi trò chơi ăn tiền, đua xe trái phép, đọc sách xem băng hình độc hại. Thể hiện việc lệch chuẩn trong hành động như hành nghề mại dâm, nghiện ma túy, phạm tội…lệch chuẩn trong lối sống như lối sống của một xã hội tiêu dùng, lối sống tự do không khuôn khổ…
Trong thực tế đó, thoạt nhìn các hoạt động giải trí của thanh niên Hà Nội rất đa dạng, sôi nổi, tạo cảm giác về một đời sống văn hóa - tinh thần phong phú. Nhưng xét thực chất, trong đời sống văn hóa tinh thần đó đang tồn tại những nghịch lý chứng tỏ sự đáp ứng của xã hội chưa được định hướng và quản lý chặt chẽ. Bởi vậy, trong đời sống văn hóa - tinh thần của thanh niên Hà Nội vẫn còn những “khoảng trống” mà họ buộc phải tự “lấp đầy” bằng những hoạt động tự phát. Đây chính là mảnh đất thuận lợi để các lệch chuẩn xã hội nảy sinh.