Một số kết quả nghiên cứu về chuyển mục đích sử dụng đất

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an giai đoạn 2015 2019 (Trang 21 - 28)

- Đề tài: "Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến việc quản lý và sử dụng đất của ThS. Đào Thị Thanh Lam do Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai tổ chức chủ trì với mục tiêu: Đánh giá thực trạng ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến việc quản lý và sử dụng đất. Đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, hiệu quả sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa. Đề tài đã thu được kết quả sau:

Đô thị hóa là quá trình tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, là xu thế tích cực tạo nên động lực mới cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việc tích tụ và chuyển đổi trên diện rộng, với quy mô lớn mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, dịch vụ, du lịch sinh thái và các mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là quy luật phát triển tất yếu. Quá trình đô thị hóa có quan hệ hữu cơ rất lớn đến công tác quản lý đất đai thể hiện qua: công tác giao đất, cho thuê đất; công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất,... Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi mà quá trình đô thị hóa đem lại còn

một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong qua trình đô thị hóa có thể thấy rõ như: Việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất dài hạn 5 năm tính khả thi không cao; chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự chú trọng đến công tác lập và thực hiện kế hoạch sử dụng đất; vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng ở nhiều khu đô thị gặp khó khăn, kéo dài; tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tình trạng chống đối không hợp tác trong công tác kiểm đếm, bồi thường và di dời,... đang trở thành những điểm nóng rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quản lý, sử dụng đất của chủ đầu tư ở một số khu đô thị còn lỏng lẻo, để người dân trở lại tái chiếm đất sản xuất, xây dựng nhà ở cũng dẫn đến sự khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

+ Quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến cơ cấu sử dụng đất được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh đặc biệt là diện tích đất trồng lúa; các khu đô thị mới hình thành, tỷ lệ cơ cấu ngành nghề theo hướng công nghiệp dịch vụ tăng,... tạo nguồn thu quan trọng đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, tạo ra được môi trường cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như hỗ trợ, kích thích cho sự phát triển của các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch,... tạo đà và lực cho quá trình đô thị hóa cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn.

+ Trên cở sở các đánh giá nói trên nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 nhóm giải pháp về chính sách, kỹ thuật và về tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, hiệu quả sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa. (Đào Thị Thanh Lam, 2013).

- Đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư vùng Đồng bằng Sông Hồng" của ThS. Trịnh Văn Toàn do Trung tâm Điều tra, Đánh giá tài nguyên đất tổ chức chủ trì với mục tiêu:

+ Đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư và làm rõ những nguyên nhân dẫn đến sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả trong khu dân cư.

+ Đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông nghiệp trong khu dân cư vùng đồng bằng sông Hồng.

Đề tài trên đã đạt được kết quả sau:

+ Vùng đồng bằng sông Hồng là vùng đất chật người đông, đất nông nghiệp trong khu dân cư nông thôn và đô thị chiếm tỷ lệ không lớn, chúng vừa có đặc điểm chung, vừa có đặc điểm riêng đó là: liền kề với đất ở, nhà ở;

tiện lợi cho việc trồng cấy, chăm sóc, bảo vệ; ranh giới đôi khi không tách biệt rõ ràng; quy mô nhỏ, xen kẽ;... Loại đất này vừa có những quy định chung của các loại đất nông nghiệp bình thường khác, vừa có các quy định riêng mang tính đặc trưng như vừa được công nhận là đất ở, vừa là đất nông nghiệp bình thường; quy định để tính bồi thường, hỗ trợ cũng khác đất nông nghiệp ngoài đồng ruộng.

+ Thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp nói chung và đất nông nghiệp khu dân nói riêng của các địa phương trong vùng những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Với việc giao đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình cá nhân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất,... đã làm cho việc quản lý đất đai tại các địa phương ngày càng chặt chẽ, đảm bảo đúng pháp luật. Qua đó đã giúp cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như trồng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản,…xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển kinh tế của địa phương, giữ vững trật tự an toàn xã hội và cải thiện đời sống của người dân.

+ Bên cạnh đó, thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư của vùng những năm qua còn nhiều tồn tại bất cập đó là: chất lượng quy hoạch sử dụng đất thấp, chưa trở thành công cụ đắc lực cho việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền còn diễn ra ở khá nhiều nơi; công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận lần đầu đến nay chưa hoàn thành, việc cập nhật, chỉnh lý biến động chưa thường xuyên; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm và kéo dài,…dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đông người về đất đai có xu hướng ngày gia tăng gây mất an ninh, trật tự xã hội.

+ Đất nông nghiệp trong khu dân cư quá nhỏ lẻ, phân tán không đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, đôi khi chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên sản xuất kém hiệu quả; nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, nhất là tại các đô thị lớn, gần các khu công nghiệp còn để hoang hóa, chưa kể đến nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu hồi cho các mục đích phi nông nghiệp nhưng để cỏ mọc nhiều năm trong khi người dân lại không có đất sản xuất, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai; tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trong vùng.

+ Nguyên nhân của các tồn tại trên đó là chính sách, pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, còn thiếu đồng bộ; giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người sử dụng đất còn hạn chế; chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền. Bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về đất đai ở các cấp, nhất là cấp xã phường còn hạn chế; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cao,…đã tạo ra một diện tích đất nông nghiệp không nhỏ nằm xen kẽ giữa khu dân cư và khu công nghiêp, khu đô thị do hệ thống thủy lợi bị phá vỡ thiếu nguồn nước tưới; nhiều diện tích bị ô nhiễm ,... dẫn đến phải để hoang hóa; …

+ Trên cơ sở thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, những nguyên nhân của những bất cập giữa chính sách quản lý nhà nước và thực tế sử dụng đất tại địa phương; những quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới, đề tài đã đề xuất hai nhóm giải pháp về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư ...nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững loại đất này đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và đô thị xanh, văn minh hiện đại.

(Trịnh Văn Toàn, 2012).

- Đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tới sinh kế của người bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội làm cơ sở cho việc đề xuất một số giải pháp góp phần cải thiện đời sống, việc làm" của ThS.Nguyễn Thị Song Hiền do Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai tổ chức chủ trì với mục tiêu:

+ Đánh giá thực trạng và tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tới việc làm và điều kiện sống của người bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

+ Đề xuất một số nhóm giải pháp góp phần cải thiện đời sống, việc làm cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề tài đã thu được kết quả sau:

+ Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn ra từ năm 1997 đặc biệt trong giai đoạn 2000 - 2007. Tình trạng thu hồi dồn dập với diện tích khá lớn 1.142 ha, chiếm 33,52% diện tích đất nông nghiệp của huyện, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân. Đặc biệt số hộ bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 9,54% tổng số hộ bị thu hồi.

+ Từ thực tiễn tác động của vấn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đến việc làm và điều kiện sống của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện cho thấy:

Thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện dẫn đến một bộ phận dân cư mất đất sản xuất. Điều này làm cho tỷ lệ lao động không có việc làm tăng mạnh từ 6,23% tăng lên 14,23%. Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với vấn đề lao động, việc làm của người dân trên địa bàn huyện.

Việc sở hữu tiền bồi thường, hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các nhu cầu vật chất, văn hoá tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn số tiền đền bù được sử dụng cho mục đích xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng cho gia đình,… ít người đầu tư cho học hay chuyển đổi nghề. Việc sử dụng tiền bồi thường như vậy sẽ tiềm ẩn những điều bất ổn về thu nhập, điều kiện sống khi những vấn đề xã hội nảy sinh, khi nếp sống hiện tại không phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Bên cạnh những tác động tích cực trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp cũng còn những tác động tiêu cực đến điều kiện sống của người dân như vấn đề ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Điều này không những đem lại sự bất ổn cho xã hội mà còn có tác động không nhỏ đến suy nghĩ, niềm tin của những người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.

+ Trong những năm qua, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và vấn đề hỗ trợ tạo việc làm mới cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi đã đạt được những kết quả nhất định:

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách với nhiều hình thức khác nhau nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Trên địa bàn huyện đã có nhiều KCN, khu chế xuất như: Mê Linh Plaza, nhà máy sản xuất ô tô Xuân Kiên, khu đô thị mới Quang Minh,… hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã được xây

dựng ngày càng đồng bộ và hiện đại hơn. Nhờ đó bộ mặt kinh tế - xã hội của Mê Linh thay đổi nhanh chóng xứng đáng là đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố Hà Nội.

+ Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện và xã đã có quan tâm trong việc vận dụng các chính sách để giải quyết các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tạo việc làm ổn định đời sống của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này chưa đáp ứng nhu cầu lao động cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi và vẫn đang là vấn đề bức xúc của người dân nơi đây.

+ Những vấn đề hạn chế, bất cập trong chính cách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi: Xét một cách nghiêm túc, việc thu hồi đất nông nghiệp, tiến hành bồi thường, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống cho người dân thuộc diện mất đất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều thời điểm chưa tốt như: Sự thiếu đồng bộ, thiếu rõ ràng, minh bạch trong các chủ trương, chính sách; Thiếu sự phối hợp về quy hoạch, kế hoạch với vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, chưa gắn việc chuyển dịch cơ cấu đất đai với cơ cấu lao động;...

Như vậy, vấn đề lao động và điều kiện sống của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi trong những năm tới vấn là vấn đề nóng bỏng. Nếu không có giải pháp đồng bộ mang tính khả thi để giải quyết nó thì vấn đề ổn định và phát triển đối với thủ đô sẽ hết sức khó khăn.

+ Góp phần cải thiện đời sống, việc làm cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn thành phố Hà Nội cần chú trọng các giải pháp cơ bản như:

Về cơ chế chính sách: Cần trú trọng tăng tỷ lệ đầu tư cho vấn đề đào tạo nghề, cần có hỗ trợ ưu tiên riêng biệt đối với nhóm lao động dưới 35 tuổi.

Thực hiện xã hội hoá đào tạo nghề, mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo nghề

công lập, xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc hỗ trợ, đào tạo nghề, tăng mức hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất bằng hình thức miễn giảm học phí. Chính quyền địa phương cần có định hướng cho người dân sử dụng tiền bồi thường một cách hiệu quả đồng thời cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và nâng cao vai trò của các đơn vị đoàn, đội, các tổ chức tại địa phương.

Về tổ chức và quản lý: Phải có sự gắn kết giữa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành với chiến lược đào tạo nghề.

Khắc phục triệt để tình trạng "quy hoạch treo" đối với các dự án trên địa bàn, đồng thời các cấp chính quyền huyện, xã cần nắm rõ tình trạng lao động, việc làm ở những khu vực có đất nông nghiệp bị thu hồi, có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với lao động của địa phương, từ đó thành phố cần xây dựng các đề án, chương trình đào tạo nghề cho từng giai đoạn cụ thể.

Công tác chỉ đạo và thực hiện: Cần có sự đồng bộ và nhất quán trong công tác chỉ đạo và thực hiện, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong thu hồi đất cũng như giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm.

Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

(Nguyễn Thị Song Hiền, 2009).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an giai đoạn 2015 2019 (Trang 21 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(75 trang)
w