Điều 17. Nguyên tắc trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
III. CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ
Câu 14: Phân tích các thuộc tính của chứng cứ trong tố tụng hình sự và mối quan hệ giữa các thuộc tính đó. Chứng cứ được phân loại như thế nào? (30 điểm)
1. Khái niệm chứng cứ:
- Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS, Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
- Theo quy định tại Điều 87 BLTTHS, Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Các thuộc tính của chứng cứ:
- Tính khách quan của chứng cứ:
+ Tính khách quan là một trong những thuộc tính quan trọng của chứng cứ, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người (2 điểm).
+ Chứng cứ tồn tại khách quan nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng sự thật khách quan, không được áp đặt ý chí chủ quan, khi thu thập chứng cứ phải bảo đảm đúng sự thật của sự việc. Những thông tin, tư liệu dù tồn tại trên thực tế nhưng bị xuyên tạc, bóp méo hay bị làm giả theo ý chí chủ quan thì không còn mang tính khách quan. Vì vậy, những thông tin, tư liệu đó không thể là chứng cứ của vụ án (3 điểm).
+ Trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, việc xác định đúng đắn tính khách quan của chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong chứng minh tội phạm. Việc sử dụng các thông tin, tư liệu bị bóp méo, bị xuyên tạc, bị làm giả để chứng minh cũng như kiểm tra, đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào suy luận chủ quan của nguồn chứng cứ (của người cung cấp lời khai, người báo cáo …) sẽ làm cho việc chúng minh thiếu chính xác, sự thật khách quan không được xác định (3 điểm).
- Tính liên quan của chứng cứ:
+ Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở mối liên hệ khách quan của các thông tin, tư liệu với các tình tiết của vụ án cần được xác định (2 điểm).
+ Mối quan hệ này thể hiện ở hai mức độ khác nhau:
Thứ nhất (mức độ trực tiếp), mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng chứng minh. Đây là mối quan hệ cơ bản, chủ yếu. Thể hiện mối quan hệ này, chứng cứ được dùng làm căn cứ để giải quyết thực chất vụ án (chứng cứ xác định hành vi phạm tội, người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt, việc áp dụng các biện pháp tư pháp…) (2 điểm).
Thứ hai (mức độ gián tiếp), có những thông tin, tư liệu không được dùng làm căn cứ trực tiếp để giải quyết thực chất vụ án, nhưng lại được dùng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với giải quyết vụ án (2 điểm).
- Tính hợp pháp của chứng cứ:
+ Tính hợp pháp của chứng cứ là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện trong các mặt sau (2 điểm):
+ Chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật (2 điểm).
+ Tính hợp pháp đòi hỏi chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định (2 điểm).
- Mối quan hệ giữa các thuộc tính của chứng cứ:
+ Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp là các thuộc tính cần và đủ của chứng cứ. Chúng thể hiện các mặt khác nhau của chứng cứ, nhưng liên quan rất chặt chẽ với nhau tạo thành một thể thống nhất về nội dung cũng như hình thức, bảo đảm cho chứng cứ có giá trị chứng minh (2 điểm).
+ Các thuộc tính đều có ý nghĩa pháp lý như nhau, không được coi nhẹ một thuộc tính nào.
Thiếu một trong các thuộc tính trên, các thông tin, tư liệu thu thập được không được coi là chứng cứ (2 điểm).
- Việc xác định các thuộc tính của chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đầy đủ, đúng đắn các vụ án hình sự, tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội (2 điểm).
3. Phân loại chứng cứ:
- Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp: (4đ)
+Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ có ý nghĩa trực tiếp làm sáng tỏ những vấn đề phải chứng minh của vụ án.
+ Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không có ý nghĩa trực tiếp làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đối tượng chứng minh của vụ án mà chỉ có ý nghĩa làm sáng tỏ những vấn đề khác có liên quan.
- Chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại: (3đ)
+ Chứng cứ gốc là chứng cứ có được từ nguồn trực tiếp không qua khâu trung gian.
+ Chứng cứ sao lại, thuật lại là chứng cứ có được không phải từ nguồn trực tiếp mà phải qua khâu trung gian.
- Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội: (5đ)
+ Chứng cứ buộc tội là chứng cứ dùng để chứng minh về hành vi phạm tội của người bị buộc tội và chứng minh các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người bị buộc tội.
+ Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ chứng minh hành vi của người bị buộc tội không phạm tội, phạm tội nhẹ hơn so với tội mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với họ và những chứng cứ chứng minh người bị buộc tội được hưởng những điều có lợi hơn so với sự buộc tội của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Câu 15: Nêu các nguồn chứng cứ và thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự 1. Nguồn chứng cứ là hình thức chứa đựng của chứng cứ, tức là những sự vật chứa đựng các thông tin, tài liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. (3đ)
- Chứng cứ được xác định bằng các nguồn: vật chứng;lời khai, lời trình bày;dữ liệu điện tử;
kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác. (2đ)
2. Thẩm quyền thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự:
- Thu thập chứng cứ là hoạt động phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ. (2đ) - Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể triệu tập những người biết về việc, vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án... (5đ)
- Để thu thập chứng cứ, ngoài những hoạt động trên, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn có quyền thực hiện các hoạt động điều tra, như khám xét, thu giữ, tạm giữ, dồ vật, tài liệu; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; xem xét dấu vết trên thân thể; đối chất; nhận dạng; nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra; áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của BLTTHS. (5đ)
- Để thu thập chứng cứ, trong những trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát cũng có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. (3đ)
- Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử
liên quan đến việc bào chữa. (3đ)
- Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Câu 16: Trình bày đối tượng chứng minh và phân loại đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự. (30 điểm)
1. Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự:
- Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 BLTTHS.
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
- Điều 416 BLTTHS quy định: Những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
2. Ðiều kiện sinh sống và giáo dục.
3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục.
4. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
2. Phân loại đối tượng chứng minh:
- Căn cứ vào ý nghĩa pháp lý hình sự của các tình tiết cần chứng minh đối với việc giải quyết vụ án hình sự, có thể phân loại đối tượng chứng minh thành các nhóm sau (2 điểm):
- Nhóm các tình tiết có ý nghĩa định tội bao gồm các tình tiết thuộc về các dấu hiệu pháp lý của từng cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS (2 điểm).
- Nhóm các tình tiết có ý nghĩa định khung tăng nặng, định khung giảm nhẹ (2 điểm);
- Nhóm các tình tiết có ý nghĩa quyết định hình phạt, các tình tiết xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết thuộc nhân thân người phạm tội; các tình tiết về mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên phạm tội, về điều kiện sống và làm việc, về nguyên nhân và điều kiện phạm tội v.v.. (3 điểm);
- Nhóm các tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết các vấn đề khác của vụ án như miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29 BLHS), miễn hình phạt (Điều 59 BLHS) các tình tiết có ý nghĩa để áp dụng án treo, các biện pháp tư pháp (3 điểm);
- Ý nghĩa của đối tượng chứng minh: Việc làm rõ đối tượng chứng minh có ý nghĩa quan trọng giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng xác định đúng đắn phạm vi, giới hạn chứng minh để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đúng đắn và đầy đủ (2 điểm).