Giới thiệu chung về thuế GTGT

Một phần của tài liệu (Đồ án tốt nghiệp) kế toán thuế giá trị gia tăng tại công ty TNHH pf vina (Trang 22 - 28)

CHƯƠNG II: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

2.1. Giới thiệu chung về thuế GTGT

Thuế GTGT (VAT) là một loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

2.1.2. Đặc điểm của thuế GTGT

Thuế GTGT là một loại thuế đánh vào tiêu dùng, có phạm vi đối tượng thu rất rộng, bao gồm mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Thuế GTGT được áp dụng với cả hàng hóa, dịch vụ trong nước kể cả hàng nhập khẩu loại trừ một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế theo quy định cụ thể của từng nước. Đặc điểm này thể hiện ưu tính của thuế GTGT đó là mặc dù mức thuế suất quy định không cao nhưng kết quả đem lại số thu cho NSNN rất lớn, lại là loại thuế gắn liền với giá bán nên dễ thu hơn các loại thuế trực thu khác.

Thuế GTGT là loại thuế mang tính trung lập cao bởi vì mục đích của nó không nhằm điều chỉnh sự chênh lệch về thu nhập hay tài sản như thuế thu nhập.

Là loại thuế gián thu điển hình, được tính dựa trên giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ chứ không căn cứ vào hình thái hiện vật cũng như công dụng của chúng.

2.1.3. Vai trò của thuế GTGT

+Vai trò trong lưu thông hàng hóa:

Theo nghiên cứu và thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì phần lớn các nước trong đó có Việt Nam sau khi áp dụng thuế GTGT, giá cả các loại HHDV đều không thay đổi hay chỉ thay đổi với một tỷ lệ không đáng kể và mức sản xuất của các doanh nghiệp, mức tiêu dùng của dân chúng không sút giảm, hay chỉ sút giảm một tỷ lệ nhỏ trong thời gian đầu, kể cả các trường hợp tăng thuế suất thuế GTGT đối với một số mặt hàng trong định kỳ điều chỉnh.

Như thế ta có thể kết luận rằng thuế GTGT không phải là một nhân tố gây ra lạm phát, gây khó khăn trở ngại cho việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa mà trái lại việc áp dụng thuế GTGT góp phần ổn định giá cả, mở rộng lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu.

+Vai trò trong quản lý nhà nước về kinh tế:

Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước.

Thuế là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc quản lý và điều tiết vĩ mô, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở rộng lưu thông hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Thuế góp phần thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng giữa các tầng lớp kinh tế và các tầng lớp dân…

Nhà nước dùng thuế để thực hiện các chức năng kinh tế xã hội của mình đối với đất nước.

2.1.4. Cơ chế hoạt động của thuế GTGT

Thuế GTGT có điểm cơ bản khác với thuế doanh thu là chỉ có người bán hàng (dịch vụ) lần đầu phải nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu bán hàng (cung ứng dịch vụ). Còn người bán hàng (dịch vụ) ở các khâu tiếp theo đối với HHDV đó, chỉ phải nộp thuế trên phần giá trị tăng thêm.

Thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết quả sản xuất kinh doanh của đối tượng nộp thuế, không phải là yếu tố của chi phí mà đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của đối tượng cung cấp HHDV.

Thuế GTGT do người tiêu dùng chịu nhưng không phải do người tiêu dùng trực tiếp nộp mà là do người bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) nộp thay vào Kho bạc Nhà nước, do trong giá bán HHDV có cả thuế GTGT. Vì qua từng công đoạn, thuế GTGT đã được người bán đưa vào giá HHDV, cho nên thuế này được chuyển toàn bộ cho người mua hàng hóa hoặc người sử dụng dịch vụ cuối cùng chịu.

+ Đối tượng nộp thuế GTGT

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hoá chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu) là đối tượng nộp thuế GTGT.

Qua quy định của Luật về đối tượng nộp thuế có thể thấy, Luật thuế GTGT là sắc thuế có phạm vi điều chỉnh rộng nhất trong tất cả các Luật thuế hiện hành của Nhà nước ta. Thuế GTGT động viên sự đóng góp của tất cả mọi người dân thông qua hành vi tiêu dùng của họ. Với phạm vi điều chỉnh rộng như vậy, thuế GTGT hiện nay là một trong những sắc thuế quan trọng trong hệ thống thu thuế của Nhà nước ta và cũng như thuế doanh thu trước đây, thuế GTGT luôn có tỷ trọng cao trong cơ cấu thu của ngân sách Nhà nước.

+ Đối tượng chịu thuế GTGT

Đối tượng chịu thuế GTGT là HHDV dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả HHDV mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), ngoại trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT.

+ Đối tượng không chịu thuế GTGT

- Là những loại HHDV mang tính chất thiết yếu.

- Thuộc các hoạt động ưu đãi vì mục đích xã hội, nhân đạo.

- Của một số ngành cần khuyến khích phát triển.

- Nhập khẩu nhưng không tiêu dùng tại Việt Nam.

- Khó xác định được giá trị tăng thêm.

Căn cứ tính thuế GTGT + Giá tính thuế

Đối với HHDV do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT.

Đối với HHDV chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.

Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập ở cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

+ Thuế suất.

Thuế suất 0%: Áp dụng đối với HHDV xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình của doanh nghiệp chế xuất, hàng hóa cho cửa hàng bán hàng miễn thuế;

vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa qua chế biến.

Thuế suất 5%: Áp dụng đối với các HHDV thiết yếu đối với đời sống như lương thực, nước, thuốc chữa bệnh, sách báo, phân bón,…

Thuế suất 10%: Mức thuế suất 10% áp dụng cho tất cả các HHDV thông thường và các hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, không nằm trong diện chịu mức thuế suất 0% hoặc 5%.

+Thời điểm xác định thuế GTGT

Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.

Đối với xây dựng và lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

2.1.5. Phương pháp tính thuế GTGT

+ Phương pháp khấu trừ thuế

Điều kiện áp dụng: Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.

Phương pháp tính:

Số thuế GTGT

phải nộp = Số thuế

GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ Trong đó thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

Thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT

Giá tính thuế của

HHDV chịu thuế bán ra * Thuế suất thuế GTGT của HHDV đó Thuế GTGT đầu vào được xác định bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của BTC áp dụng đối với tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Trường hợp HHDV mua vào là loại dùng được chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế và phương pháp tính thuế để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào.

+ Phương pháp trực tiếp

Điều kiện áp dụng: Cá nhân, hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo luật đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ.

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu * Tỷ lệ %

+ Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu như sau:

Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%

Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%

Hoạt động kinh doanh khác: 2%

2.1.6. Thủ tục kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế và hoàn thuế GTGT + Kê khai thuế

Các cơ sở kinh doanh HHDV chịu thuế GTGT phải có trách nhiệm lập và gửi cho cơ quan thuế tờ khai tính thuế GTGT từng tháng kèm theo bảng kê HHDV mua vào, bán ra theo mẫu quy định. Thời gian nộp thuế cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 20 của đầu tháng tiếp theo. Trong trường hợp không phát sinh thuế đầu vào, đầu ra thì cơ sở kinh doanh vẫn phải kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Cơ sở kinh doanh phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

* Kê khai theo quý

Khai thuế theo quý áp dụng đối với người nộp thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.

Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng hay theo quý.

* Kê khai theo tháng

Doanh nghiệp đã và đang hoạt động có tổng doanh thu năm bán hàng và cung cấp dịch vụ năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng.

+ Nộp thuế GTGT

Người nộp thuế có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn vào NSNN.

Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

+ Quyết toán thuế

Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế.

Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm, cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế và phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào NSNN chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai thuế, thuế nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp kỳ tiếp theo.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh sát nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, cơ sở kinh doanh cũng phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày có quyết định trên.

+ Hoàn thuế

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT nếu trong 3 tháng liên tục trở lên có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT của HHDV mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ hết và có số thuế còn lại từ 200 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.

Cơ sở kinh doanh trong tháng có HHDV xuất khẩu, nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ từ 200 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng.

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sát nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2.1.7. Hóa đơn, chứng từ

Việc mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và các quy định sau đây:

Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế sử dụng hóa đơn GTGT; hoá đơn phải được ghi đầy đủ, đúng nội dung quy định, bao gồm cả khoản

phụ thu, phí thu thêm (nếu có). Trường hợp bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT mà trên hóa đơn GTGT không ghi khoản thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán ghi trên hóa đơn nhân với thuế suất thuế GTGT.

Một phần của tài liệu (Đồ án tốt nghiệp) kế toán thuế giá trị gia tăng tại công ty TNHH pf vina (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w