Chương 2. Một số nội dung cơ bản trong quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới
2.2.3. Về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc
Trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ”?, muốn cách mạng thành công thì phải đoàn kết dân chúng lại... Thực tiễn các cuộc chiến tranh giải phóng trước kia, với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của toàn dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các lực lượng vũ trang, đã tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc. Mỗi người dân là một người lính, đánh giặc theo cương vị của mình. Mỗi thôn, xóm, bản, làng là một pháo đài diệt giặc. Cả nước là một chiến trường, làm cho địch rơi vào trạng thái bị động, lúng túng và bị sa lầy. Trên từng hướng chiến lược
hoặc khu vực tác chiến cụ thể, các đơn vị quân đội ta đã dựa vào dân, tận dụng địa hình và “thế trận làng nước”, vận dụng sáng tạo cách đánh của nhiều lực lượng, nhiều thứ quân làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Ngày nay, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tạo thành bởi nhiều yếu tố, trong đó giữ vai trò quyết định và biểu hiện tập trung nhất là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công là một trong những quy luật giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dụng, bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tạo thành bởi nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đây là những lĩnh vực hoạt động chủ yếu, quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là điều kiện căn bản để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và đối ngoại là nền tảng vững chắc của quốc phòng, an ninh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “... gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Theo đó, mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội phải là một bước tạo điều kiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trong xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh phải tính đến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa. Trong phát triển văn hóa phải chú ý đến việc gia tăng sức mạnh quốc phòng, phục vụ cho việc xây dựng và phát huy các tiềm lực quốc phòng, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần. Mối quan hệ tác động, thúc đẩy nhau giữa các yếu tố đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của đất nước.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc hiện nay được xây dựng trên nền tảng nhân lực, vật lực, tinh thần mang tính toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường, nhưng trước hết tập trung ở sức mạnh quốc phòng, an ninh. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh phải giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, bạo loạn lật đổ của kẻ thù bảo đảm cho đất nước cũng như từng địa phương không bị bất ngờ trước mọi tình huống và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô. Quốc phòng trở thành sức mạnh của đất nước và phối hợp với an ninh để giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không đồng nghĩa với quân sự, với chiến tranh, được thực hiện trong thời bình nhằm mục đích tự vệ, phòng thủ đất nước nhưng không thụ động, phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng khi chiến tranh xảy ra, đồng thời tích cực khắc phục những lực cản nội sinh và làm thất bại “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chúng ta.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”. Do đó, phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân, ban hành và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách an dân để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong đời sống thường nhật. Đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, tạo nên sự đồng thuận của nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, “tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế” trên cơ sở đẩy mạnh công tác ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Dựa vào luật pháp quốc tế, tranh thủ
sự ủng hộ của Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác để duy trì môi trường hòa bình, củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.